Khi hai đứa bước vào ngưỡng cập kê thì cái sự phải lòng đã nặng mùi lắm rồi!
Vắng hơi nhau là chúng phát điên, phát cuồng lên! sểnh ra là chúng tìm mọi cách để dòm được mặt nhau thì mới yên!
Chúng nó lớn dần thì cái sự phải lòng cũng phình ra, ngày ấy người ta chưa biết xài chữ YÊU, vì thấy nó cao sang, đài các và xa xỉ vô cùng, nên cứ ngài ngại và dùng hai chữ PHẢI LÒNG cho dân dã, ngang tầm thời đại.
Cái làng quê ấy chìm sâu trong hủ tục xưa, cây lúa củ khoai là vàng là ngọc, vì cả làng từ bao đời nay chỉ biết bới đất lật cỏ, ngoài ra chẳng còn cái nghề nào khác!
Ngoài số thanh niên trai gái lên đường tòng quân và đi thanh niên xung phong thì chẳng có đứa nào biết tôi kinh mài sử, để lấy cái chữ làm ra hào, ra xu! chán mớ đời! nhưng cơ may bất ngờ gõ cửa đình làng là huyện gửi thông báo về xã về thôn là có đợt tuyển công nhân đường sắt.
Cái Áng trúng tuyển, còn thằng Tần thì không. Thằng Tần đã đi khám bộ đội, nhưng bị loại đầu nước, vì hai hột cà của nó hột thì to như quả trứng gà ,hột thì bé như hột đỗ, nên ban khám tuyển chê, vì không chạy được. Tưởng công nhân đường sắt à uôm, vơ bèo vạt tép và nó tấp tểnh mừng thầm, nhưng là mừng hụt, vì công nhân cũng là người nhà nước, nên phải là những người tinh túy chứ đâu phải là cái chợ xóm nhà nó đâu, nên nó cam chịu ở nhà, theo đít con trâu, kể ra cũng sang chán, bơn tẩu mà làm chi cho hao mỡ!
Trước ngày lên đường, hai đứa như hai con sam, cặp cặp kè kè kinh lắm!
Chúng nó rủ nhau ra bờ sông để dốc bầu tâm sự. Ánh trăng hắt xuống mặt sông lấp lóa, những con sóng mi ni trùng điệp cuộn ánh trăng vào nước, nhìn thật đa tình, trăng và nước cứ cuộn vào nhau, xoắn tít. Gió vờn trên đầu anh sóng, gió luồn vào bụng chị trăng, chẳng khác nào mối tình tay ba tay bảy. Nhà quan Thủy Hoàng cai quản khúc sông này, đêm nay có cưới gả, lũ thuồng luồng hà bá cá cua rủ nhau đi dự tiệc nhà quan gọi nhau í ới, cả khúc sông cuộn lên hỉ hả ầm ĩ.
Gió thổi hây hây. Lả lơi trên ngọn cây ,cũng lúng liếng chao nghiêng đáo để, cũng có tình có tứ với nhau, nhưng khô khan, chứ không ướt át, ngoạn mục bằng chàng sông với chị trăng và em gió! tiếng ếch kêu ộp ộp, tiếng côn trùng vi vi ve ve, lũ đom đóm chổng mông chổng tĩ lập lập lòe lòe, xanh ngắt vẽ lên bức tranh đa sắc màu đa âm thanh như cổ vũ cho hai đứa. Hai cái đứa này cũng chẳng chịu kém cạnh tẹo nào, mặc dù còn non tuổi đời nhưng chúng có thâm niên tuổi nghề, kinh nghiệm đầy mình! hình như chúng thách đố thi thố với gió trăng, sông nước thì phải?
- Em ra tỉnh, thành người nhà nước,
liệu có nhớ ai không? thằng Tần nửa nạc nửa mỡ.
- có! cái Áng nói chắc nịch!
Thằng Tần khua khoắng trên người cái Áng. Hai đứa quấn chặt lấy nhau, cũng là đắp dầy thêm kỉ niệm cho ngày chia tay. Để gây vốn!
- Anh đánh dấu rồi đấy, mai mốt về mà mất dấu là anh bắt đền!
Cái Áng cười khanh khách, thay câu đáp lại thằng Tần.
Hai đứa nhổ rễ ra về, thì cũng là lúc lũ tôm lũ tép ở sông đã nhao nhao tí tách, trong những đám cỏ ở rệ sông. Trời sắp sáng. Một đêm hứng trăng, thần tình gõ cửa, xuyên hai quả tim non choẹt, máu chảy choe choét. Đã đời lắm! hả hê mãn nguyện lắm, sướng râm ran!
Gần một năm sau, cái Áng được về phép, thấy con dâu tương lai được nhà nước cho về chơi, ông bố chồng mò sang. Hai ông thông gia trong tương lai không xa, an tọa trên cái chõng tre, gió nồm hây hẩy, trong chiều hè nắng nhạt, cái điếu cày truyền tay nhau như thoi đưa, hai cụ thi nhau nhả kén, nước chè xanh sóng sánh tựa mật vàng
- Mời ông xơi nước!
- Vâng!mời ông! mời ông!vô cùng chộn rộn, thừa thãi văn minh lịch sự!lời mời đặc quánh và lời đáp từ cũng thật rộn ràng, đan xen trong tiếng húp ừng ực. Nhoằng một cái, hũ nước chè xanh còn trơ lá ,ngo ngoe mấy cái cọng như muốn chuồn khỏi lỗ hũ. Đã quá, đã quá! kẻ tung người hứng thật tưng bừng!
Lúc này cái Áng đang chổng mông lên trời quét sân, công bằng mà nói con bé khá xinh và có cái lưng chữ gụ quý hơn vàng mười!
Bất giác, ông bố cái Áng vỗ vai ông bố thằng Tần:
- Ông nhìn kìa! cháu nó mới đi ăn cơm gạo nhà nước chưa được một năm mà nó béo có gân lưng, gân đít lên kìa!
- Tôi nhìn thấy rồi! đúng là cơm gạo nhà nước có khác, ông bố thằng Tần tỏ ra là người cũng tinh mắt, sành đời!
Tao sang nhà cái Áng chơi, không biết nhà nước nuôi nấng nó thế nào mà nó béo có gân lưng ,gân đít lên mày à, ông bố nói với con trai.
Tối hôm đấy hai đứa lại tí tởn rủ nhau ra bến cũ, Trong ánh trăng sáng choang, thằng Tần cố tình đi sau cái Áng để xem gân guốc nó như thế nào, nó dụi mắt mấy lần mà vẫn không thấy như bố nó nói.
Khi đã yên vị, thằng Tần sờ mó khắp người cái Áng mà vẫn thấy phẳng lừ, chả thấy gân đâu cả, vẫn chỉ là chỗ lồi, chỗ lõm quen thuộc mà thôi!
- Bố nói là em béo có gân lưng gân đít mà sao anh sờ chẳng thấy gì? Thằng Tần hỏi con Áng.
- Em cho nó lặn vào trong rồi!
- Thật không?
-Thật!
Vì em sợ anh đi du lịch trên người em, mà tính anh thì háu đói vội vội vàng vàng, gặp gân nổi lên vấp ngã thì khổ nên em bảo hai đứa lặn vào trong để anh khỏi bị té!
Thằng Tần tưởng thật ,càng ghì chặt cái Áng
- Em thật tuyệt!
Cái Áng bụm mồm cười khúc khích, đắc ý vì đã lừa được chàng ngốc
.
Thực ra nó cởi bỏ hai thứ phụ tùng ở nhà để gió lùa vào cho mát và cho thằng Tần dễ làm ăn. Quái lắm!
Ở cái làng quê ấy, đàn bà con gái mặc rặt một thứ quần một ống bằng vải thâm đất, dày như da trâu gặp trời mưa thì đủ che cho chồng con cháu chắt...còn hai quả đào tiên thì được che bởi một mảnh vải có hình ngũ giác và được gọi bằng cái tên rất sang: Cái Yếm!
Cái Áng ra đường tiếp cận với văn minh thời đại, nó mua sa chiêng si líp nó xài, mặc quần phíp áo lon mỏng tang nên cái đai của hai thứ phụ tùng nổi lên ,hai ông bố cứ tưởng là con mình béo có gân! thật thú vị.
Nó là người mang văn minh thời đại về cho cái làng quê xa xa mặt trời của nó. Khi mọi người ớ ra, cả làng bán thóc í ới gọi nhau ra tỉnh rinh cái văn minh thời đại về làng!
Người người, nhà nhà chộn rộn háo hức vô cùng!
Quần một ống và áo tứ thân đi vào lịch sử, được nhập vào kho làm vật bảo tàng ,quần hai ống và áo cánh áo sơ mi vinh quang gánh trọng trách nặng nề trên thân xác các bà các chị!
Cả làng nhìn nhau ngượng ngượng, ngùng ngùng khi nạp cái văn minh mới, vì bỡ ngỡ chưa quen.
Cả làng đều béo có gân lưng gân đít mà chẳng cần đến gạo cơm của nhà nước!
Một sức sống mới bắt đầu từ đây!
Theo Chuyện làng quê
Nguyễn Quân Hà Nam
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/beo-noi-gan-chuyen-hai-a9118.html