Tiền vệ Nguyễn Ngọc Điệp - Điệp "Lùn" với đêm Noel (Nhân Giáng sinh mùa Covid-19)

Ở phố Ấu Triệu Hà Nội có vô địch Đông Dương thời Pháp và cả thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về đua xe đạp Mạc Đình Trường. Những năm 1960, 1970 và cả 1980, phố này còn nổi tiếng vì có ông Nguyễn Ngọc Điệp, tức Điệp “lùn”, tiền vệ tài hoa của đội bóng đá Công an Hà Nội và tuyển Việt Nam.

nha-tho-lon-ha-noi-1640218698.jpgNhà thờ Lớn Hà Nội

Phố Ấu Triệu (Bà Triệu bé) là tên gọi để kỷ niệm bà Lê Thị Đàn, người làng Thế Lại Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, một đồng chí của nhà cách mạng Phan Bội Châu, hy sinh năm 1910.

Phố chỉ dài 210m, từ phố Lý Quốc Sư kéo đến đoạn giữa phố Phủ Doãn, nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Khi Nhà thờ lớn chưa xây dựng, phố Ấu Triệu là đất của hai thôn Tiên Thị và Báo Thiên Tự thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Tại mặt bắc thôn Báo Thiên Tự từ xưa vốn có chùa và đền của thôn Tiên Thị, nay là chùa Lý Triều Quốc Sư ̣(đền vốn thờ Quốc sư nhà Lý và tổ nghề đúc đồng Nguyễn Minh Không).

Ở phố này có vô địch Đông Dương thời Pháp và cả thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về đua xe đạp Mạc Đình Trường. Những năm 1960, 1970 và cả 1980, phố này còn nổi tiếng vì có ông Nguyễn Ngọc Điệp, tức Điệp “lùn”, tiền vệ tài hoa của đội bóng đá Công an Hà Nội và tuyển Việt Nam.

Ông sinh năm 1945, là học trò của ông Luyến và ông Thưởng ở đội thiếu niên Hà Nội rồi lên Thanh niên Hà Nội dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Huy Khôi và ông Lê Mai. Sau chuyến tập huấn ở Hung-ga-ri, ông cùng đội trưởng Hai “voi” và các bạn cùng trang lứa như Quang B, Học “ngớ”, Đặng “cóc”, Chi “tơ”… được cụ Chủ tịch Trần Duy Hưng cho phép bổ sung vào đội bóng đá Công an Hà Nội.

doi-bong-ha-noi-1640218497.jpg
Từ trái sang : Bà hoàng Monic, Quốc vương Xihanuc, Nguyễn Ngọc Điệp, Nguyễn Duy Lễ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Thọ

Lứa của ông là sự bổ sung hoàn hảo cho lứa đàn anh của các ông Nghẽn, Luyến, Thưởng, Tòng “cháy”, Hạc “phệ”, Tô Hiền, Sơn “min”, Đức “khựa”, Thọ “gáo”, Độ “trây”, Du “cò”, Thành A, Thành C, Hiển “Coóc”, Tô Giới Pháp… đã góp phần biến đổi đội bóng CAHN cả về “chất” và “lượng”. Lối đá tài tử của các đàn anh đã được các đàn em dần thay thế bằng các bài phối hợp nhóm biến ảo, đa phần ở khu vực giữa sân.

Ông Điệp “lùn” như người không phổi, điều tiết mọi nhịp độ của trận đấu. Cao chỉ 1,60m nhưng ông như người khổng lồ nơi tuyến giữa của đội bóng. Thu hồi bóng tốt và phát động tấn công cực nhanh bằng lối đá hào hoa giàu chất kỹ thuật.

Ông thuộc thế hệ vàng của đội CAHN và cũng là tiền vệ tài hoa của bóng đá Việt Nam. Ông Lê Thế Thọ, cầu thủ đoạt Quả bóng Vàng 50 năm của FIFA nhận xét ông Nguyễn Ngọc Điệp là “ Mẫu tiền vệ tiêu biểu của Việt Nam, đủ sức cày xới và làm chủ khu trung tuyến”. Ông còn được đồng nghiệp suy tôn là “Vua sức bền” vì suốt thời gian dài thi đấu, trận nào ông cũng đá trọn 90 phút thi đấu không ngưng nghỉ.

Năm lần đoạt chức vô địch, 4 danh hiệu Á quân và 3 lần đoạt hạng 3 giải vô địch quốc gia, đội bóng đá Công an Hà Nội cũng là đội bóng đầu tiên và duy nhất thời bấy giờ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, là từng đấy chiến công ông Nguyễn Ngọc Điệp và đồng đội mang về cho bóng đá Thủ đô.

Năm 1982, khi đã 38 tuổi, ông chuyển sang công tác huấn luyện rồi về làm công tác thể thao phong trào của Công an thành phố đến năm 2000 mới chính thức nghỉ hưu.

Ông lâm trọng bệnh, mất ngày 12/3/2019, thọ 75 tuổi.

Trong giới cầu thủ, ông là người toàn tài khi sở hữu một giọng nam trung (Baritone) rất đẹp. Những lần giao lưu văn nghệ, các ca sĩ được đào tạo từ học viện đều chắp tay bái phục ông. Nếu không theo nghiệp quần đùi áo số, làng ca nhạc nước nhà đã có thêm ca sĩ tài danh Ngọc Điệp.

Những dịp Giáng sinh về, ông thường hay hát tặng bạn bè bài hát Bài Thánh ca buồn. Đây có lẽ là người duy nhất trong giới thể thao hát hay nhất bài này :

“Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa

Khẽ hát theo câu: Đêm thánh vô cùng”

Giáng sinh năm nay đến lúc Hà Nội đang rơi vào đỉnh điểm của dịch Covid-19. Thành phố khuyến cáo không tụ tập đông người. Các giáo đường vắng tanh. Phố phường vắng tanh. Không còn cảnh tấp nập, rộn ràng như những Giáng sinh xưa.

“Rồi những đêm thánh đường đón Noel.

Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu.

Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối.

Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn!

Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi”.

cau-thu-ve-gia-1640218647.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Điệp (bên phải ảnh) trên đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai và Lai Châu giao nhau) 

 

Hồ Công Thiết

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tien-ve-nguyen-ngoc-diep-diep-lun-voi-dem-noel-nhan-giang-sinh-mua-covid-19-a9143.html