Đệ nhất danh Trà

Quê tôi là một vùng quê trung du. Nơi có những đồi chè xanh mướt chạy quanh sườn đồi tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp! Đó là Thái Nguyên - Đệ nhất danh Trà!

267852110-3158763827781799-2458518087748753695-n-horz-1640227318.jpg
Ảnh sưu tầm

Để tạo nên được một thương hiệu danh giá như vậy thì ngoài vùng thổ nhưỡng thích hợp với sự phát triển của cây chè, còn có sự cần mẫn, chăm chỉ và kinh nghiệm lâu đời của người dân trồng chè nữa!

Sáng sớm, các cô các chị từng đoàn người hối hả, màu sắc thật đẹp với những bộ váy áo dân tộc, trên lưng đeo những chiếc dậu (một dụng cụ đan bằng tre, nứa), đi lên những đồi chè đã đến kỳ thu hoạch. Tiếng gọi nhau rân ran, những tiếng hát, hò điệu sli, điệu then, vang lên rộn rã trên các đồi chè tạo nên một chuỗi âm thanh thật sống động mà rất đỗi thanh bình.

Nguyên tắc của lứa chè chuẩn là một tôm hai lá và chỉ hái từ sáng sớm đến gần trưa. Tránh hái vào những ngày trời mưa hoặc giữa trưa nắng gắt chè mới đạt chất lượng. Sau khi hái chè về rồi chúng ta cần giữ cho nguyên liệu thật tươi nhưng không được dập nát, rồi đem chè rải ra những các vật dụng như: nong, nia hay những sàn làm bằng lưới. Cứ phơi như thế trong bóng râm khoảng từ 2 đến 4 giờ đồng hồ. Tiếp đến là công đoạn diệt men chè tức là cho chè vào chảo gang lấy đôi đũa dài sao sơ cho chè héo rồi vớt chè ra vò đều cho ra bớt nước vò đều mà nhẹ nhàng rồi dùng tay gỡ tung chè cho khỏi rối rồi lại vò vài lần nữa.

Rồi cho chè lại vào chảo sao tiếp đến khi thật khô hoàn toàn. Khâu cuối cùng này nhiệt độ là cực kỳ quan trọng giữ nhiệt ổn định vừa lửa để cánh chè khô mà không bị cháy, bị vụn. Sau khi chè đã khô hoàn toàn mùi hương toả thơm ngào ngạt, chúng ta để chè nguội rồi đóng gói kỹ càng tránh ẩm mốc! Trên đây là quy trình làm chè thủ công của quê hương Thái Nguyên xưa.

269705964-3158773964447452-599418894832059057-n-1640227350.jpg

Ngày nay người làm chè cũng đã có máy móc thay thế nên cũng đỡ vất vả hơn trong việc chế biến nhưng dù vậy vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng của chè! Trà giúp nuôi dưỡng tâm hồn thanh khiết, cho nên, thưởng trà cũng là cả một nghệ thuật. Trà phải được pha bằng nước giếng hoặc nước mưa mái ngói đun sôi mới ngon, vị ngọt nước trong xanh. Các tiền nhân sành sỏi trong nghệ thuật uống trà cho rằng: Trà có nhiều nước, nước đầu tiên là nước thiếu nữ, thanh khiết, ngọt ngào. Nước thứ hai là nước thiếu phụ, đậm đà, sâu thẳm, đó mới thực sự là hồn cốt tinh túy trong một ấm trà. Sau cái đắng chát là vị ngọt hậu cứ đọng mãi không tan.

Trà cũng là nguồn cảm hứng thi ca vậy nên dân gian còn truyền lại câu thơ của Thi Nhân Nguyễn Du:

”Khi hương sớm, lúc trà trưa

Bàn lan điểm nước, đường tơ hoạ đàn”.

269745625-3158763851115130-4558897448557488066-n-1640227401.jpg

Theo Chuyện Làng quê

Hồ Oanh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/de-nhat-danh-tra-a9151.html