Hoàng hôn cháy

Bài cảm nhận của một nhà văn người Tày- chị Lộc Bích Kiệm- sau khi Nhà PBVH vừa đọc mấy tập thơ của Phạm Thi Phương Thảo.

phuong-thao-1640597769.jpg
Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo và nhà văn Lộc Bích Kiệm

“Hoàng hôn cháy”, tôi muốn dùng tựa đề này để nói về cuộc đời, thơ ca của nhà thơ nữ Phạm Thị Phương Thảo. Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo sinh năm 1959, tại Lào Cai, chị đang sống ở Hà Nội. Chị là hội viên Hội nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị là người có cuộc sống gắn bó với nhiều vùng đất , nhiều địa phương và nhiều tầng lớp người. Sự trải nghiệm đã hun đúc và đắp đầy thêm  vốn sống và cảm xúc trong thơ của chị. PTPT đã xuất bản cả  chục tập thơ, ba tập ký và tản văn, chị từng nhận giải thưởng của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc Thiểu số Việt Nam.

Thơ chị luôn thể hiện sự đa diện về đề tài, một hồn thơ cháy bỏng, một vốn ngôn ngữ khá dồi dào, một sự nhạy cảm tinh tế. Ở tuổi ngoài năm mươi, ngấp nghé sáu mươi, hồn thơ đó vẫn cháy mãi, thậm chí còn thêm mãnh liệt, nồng nàn. Sự nồng nàn trong thơ và cả trong cuộc đời.

Tôi yêu thích thơ của Phạm Thị Phương Thảo. Là phụ nữ Tày, thiết nghĩ tôi sẽ khó tìm được sự đồng cảm ở thơ của chị, một nhà thơ nữ dân tộc Kinh, đang sống ở nhiều nơi và gắn bó với thủ đô. Nhưng không, tôi đã “ bắt” sóng thơ chị ngay từ những lần đọc đầu tiên. Có lẽ bởi tôi đã gặp được ở đó những cảm xúc hồn hậu của chị về đất nước, về con người, về miền núi, về người phụ nữ, về tình yêu…  Ở đó, không có sự xa cách về tình người, về cái đẹp, về khát vọng sống, về những đam mê khắc khoải và về cả nếp cảm nếp nghĩ…Có lẽ chính điều này đưa chị trở thành hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và hòa nhập cùng tất cả.

phuong-thao1-1640597769.jpg
 

Trong tay tôi có ba tập thơ gần đây của chị. Tôi đã đọc, ghi chép, cảm thụ và đang khám phá nó, đặc biệt hai tập thơ mới xuất bản còn nóng hổi và tươi rói “Yêu như là tình cuối” – Thơ song ngữ Việt- Anh, NXB Hội nhà văn 2017 và “ Vắt vẻo nằm ngang lưng ngựa” – NXB Thanh niên 2016. Thiết nghĩ, ngần ấy cũng đủ để luận bàn, thậm chí không thể bàn được hết các khía cạnh. Chính vì vậy, với bài viết này tôi xin đề cập hai  vấn đề cơ bản toát lên từ tác phẩm: Một hồn thơ luôn nồng nàn, cháy bỏng; một cảm xúc chủ đạo lên ngôi giành cho người phụ nữ.

Một hồn thơ nồng nàn, cháy bỏng: Chỉ nói về đầu đề tập thơ cũng đã thấy toát lên sự nồng nàn, ấm áp của tâm hồn người viết. “ Yêu như là tình cuối” – cách đặt vấn đề thật hay, dẫu không hẳn là mới nhưng lại tạo ra ý nghĩa mới. Xưa nay, người ta khẳng định, tôn vinh tình đầu chứ mấy ai bàn luận, ghi nhận tình cuối. Mặc dù ở đây chưa bàn giới hạn chữ “tình” nhà thơ đề cập. Tuy nhiên, bằng sự liên tưởng, người đọc cảm nhận được cảm xúc của nhà thơ hướng tới. Có thể không giới hạn ở tình yêu lứa đôi - tình đầu, tình cuối, đó là tình yêu đất nước, con người, cuộc đời…thì tập thơ cũng chứa đựng cả một thông điệp nhân văn. Một điều nữa, nếu hiểu đó là tiếng nói tâm hồn của một nhà thơ nữ đã ở tuổi sế chiều thì càng trở nên độc đáo. Quả thực, tập thơ, từng bài thơ đã cho ta thấy một hồn thơ cháy bỏng, hối hả, tuôn chảy không ngừng.

“ Vắt vẻo nằm ngang lưng ngựa” – một cái tên có sức khơi gợi không gian, hình tượng, cảm xúc chủ đạo… mà tác phẩm tập trung khắc họa. Đó là không gian miền núi, hình tượng con người miền núi, cảm xúc chủ đạo về miền núi… của tác giả thể hiện trong tập thơ. Hồn thơ của tác giả giành cho đề tài này cũng nồng hậu, da diết như dòng suối nguồn không cạn.

Hồn thơ cháy bỏng của nhà thơ làm ấm không gian, đất trời, cuộc đời, bất luận cảm xúc đó hướng về miền xuôi hay miền ngược, thành thị hay nông thôn. Sở dĩ như vậy bởi cảm xúc chủ đạo của nhà thơ xuất phát từ một tấm lòng, một thái độ yêu thương, trân trọng, ngợi ca, sẻ chia, đồng cảm với con người và cuộc sống. Hàng loạt những bài thơ hay toát lên sự ấm áp, nồng nàn, khát khao của một hồn thơ cháy bỏng: Hoa thảo chi đã nở, Định mệnh, Món quà của chúa, Khoảnh khắc, Ngực núi, Em, đã mùa hong váy, Phố núi Sa Pa, Kí ức cỏ dại, Hoa mua lưng đèo gió, Đào mộc, Màu tháng ba, Rừng xanh và sơn nữ, Chiều Mèo Vạc và em, Tây Nguyên mùa anh… Cảm xúc của chị trào dâng khi viết những bài thơ này. Theo đó, hình tượng thơ đa dạng, muôn hình muôn vẻ, muôn màu muôn sắc. Người đọc thấy một thế giới xung quanh luôn vận động trong thơ chị. Nhà thơ ở tư thế chủ động nắm bắt, khám phá, hòa nhập, ngợi ca. Và cứ như vậy, chị hăm hở, hối hả, đốt hết mình, cháy hết mình cho thơ, cho cuộc đời.

phuong-thao-va-hoa-1640597769.jpg
 

Cảm xúc chủ đạo lên ngôi về người phụ nữ!

Trong sự tổng hòa của cảm xúc và hình tượng, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo giành cảm xúc chủ đạo lên ngôi khi viết về người  phụ nữ. Hình tượng phụ nữ trong thơ chị luôn đa dạng: phụ nữ trí thức, phụ nữ nông dân, phụ nữ nông thôn, phụ nữ thành thị, phụ nữ trẻ tuổi, phụ nữ luống tuổi.. Chị nói về họ bằng một thái độ,  cảm xúc trân trọng, ngợi ca và chia sẻ. Chị đã khắc họa hình tượng người phụ nữ khá sinh động, đa diện, đẹp về cả hình thức và tâm hồn.

Trước hết, đó là người phụ nữ miền núi. Họ là những người bà, người mẹ, người chị, người con gái…Họ chủ yếu là những người lao động có vẻ đẹp khỏe khoắn, tươi tắn. Nhà thơ khắc họa họ qua cuộc sống lao động, cuộc sống vật chất, cuộc sống tinh thần. Hình ảnh thiếu nữ Dao trong mùa hong váy:

“ Nụ cười trên vai đá

Ánh mắt cứa như dao

Chiều xanh và tóc lá

Nắng thơm trên má đào” (Em, mùa hong váy)

tranh-trau-phuong-thao2-1640597770.jpg
 

Người con gái H Mông không chỉ đảm đang, tần tảo mà mang theo cả một hành trình văn hóa:

“ Gái H Mông xưa

Biết thổi cả đàn môi,kèn lá

Môi ngọt mật ong

Lời trong như suối

Câu hát ru con

Làm mềm vách núi”  (Tiếng núi)

Người con gái Tày mộc mạc, duyên dáng,  đằm thắm:

“Đàn then

Hát lời của bà

Áo chàm

Thấp thoáng đồi nương

Gái Tày

Vòng tay lấp loáng

Hoa mua

Nở tím lưng đèo”  ( Hoa mua lưng Đèo Gió)

dia-hoa-1640598510.jpg
 

Và, người mẹ,người bà miền núi lầm lụi lao động cả đời vất vả:

“ Núi thì cao mà dáng người lầm lụi

…Người quê tôi còng lưng gánh núi

Có phải dáng bà xưa” ( Phố núi Sa Pa)

Khắc họa người phụ nữ miền núi, chị không dừng ở vẻ ngoài mà có cả một chiều sâu văn hóa cùng với những nỗi niềm khắc khoải của họ. Xúc động trước trầm tích văn hóa ẩn chứa trọng Lễ hội chợ tình Khau Vai và câu chuyện của đôi vợ chồng người dân tộc H Mông, chị viết:

“ Cái mắt của mày muốn khóc

Cái miệng của tao khó cười

Trong lòng ngàn con kiến đốt

Lòng ai cũng khổ vậy thôi!

…Thôi thì ta đi uống rượu

Cho quên đi cái sự đời

Đêm nay nó mà không đến

Thì tao đưa mày về thôi!”

( Nói với  vợ ở Khau Vai)

Để có được những dòng thơ này chắc hẳn nhà thơ không khỏi rưng rưng nỗi niềm của những lứa đôi dang dở mong một năm có một ngày được gặp nhau,  được nhìn thấy nhau. Và, cái hay không chỉ nằm ở đó, sự đồng cảm, chia sẻ của chính đôi vợ chồng đã đẩy câu chuyện tới ý nghĩa nhân văn cao hơn cả phong tục văn hóa.

Với người phụ nữ ở thành thị, người phụ nữ trí thức, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo có những góc nhìn và sự khám phá riêng không kém phần tinh tế. Ở đó người đọc cảm nhận được chân dung những người phụ nữ hiểu biết, trí tuệ, có lẽ sống đẹp, khát khao hạnh phúc. Họ biết gắn lẽ sống của mình với quốc gia, dân tộc và quốc tế:

“ Hãy cộng sinh vào thế giới này

Dẫu trái đất “ Ba phần tư nước mắt”

Cùng thế gian cô đơn, hạnh phúc, thăng hoa, khổ đau và bất hạnh

Cùng cơm áo, chiến tranh, tôn giáo, sắc tộc, di cư, khủng bố, môi trường và thiên tai” ( Cộng sinh).

Chức phận và diễm phúc của người phụ nữ cũng được nhà thơ ý thức sâu sắc, lãnh nhiệm và tận hưởng nó một cách thiêng liêng:

“ Đi qua đời ta là rất nhiều gương mặt

Tại sao ta chỉ chạm mắt một người ?

 

…Đi qua đời ta là rất nhiều gương mặt

Tại sao ta chỉ yêu mãi một người” ( Định mệnh)

tranh-trau-phuong-thao3-1640597769.jpg
 

 

Để rồi, khát vọng về  một tình yêu hạnh phúc như một nỗi niềm mãi mãi không thôi:

“ Những cánh hoa bé nhỏ xinh xinh

Nhỏ nhoi mà dào dạt phong tình

Hoa nở mãi một điều không thể khác

Như tình yêu suốt đời chẳng thể đúng sai” (Hoa thảo chi đã nở)

Để chuyển tải thế giới thơ, thế giới hình tượng, thế giới cảm xúc tưởng chừng như vô cùng vô tận, nhà thơ đã sử dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật, các phép tu từ, vốn ngôn ngữ và cách diễn đạt…

Sẽ còn nhiều điều hay trong thơ Phạm Thị Phương Thảo mà trong phạm vi bài viết này người viết chưa đề cập. Dẫu vậy, thiết nghĩ ngần ấy thôi có thể sẽ là những chấm phá, khơi gợi để người đọc khám phá, cảm nhận “ lầu thơ” của nhà thơ nữ này.

Gần đây, nữ sĩ Phạm Thị Phương Thảo lại có thêm niềm đam mê hội họa. Chị có thể ngồi hàng buổi để hoàn thành bức tranh của mình. Tranh của chị dạt dào tình yêu thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, núi đồi, sông suối... Đúng như cái tên Phương Thảo - Cỏ thơm của chị. Đó cũng là một cách cắt nghĩa tại sao chị yêu mến, gắn bó với văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Từ thực tế cuộc đời, tác phẩm, diễn đàn… cho thấy có một nhà thơ nữ đang làm ấm nóng đời sống thi ca đương đại. Thơ chị là tiếng nói khoáng đạt, đa diện; Cảm xúc thơ cháy bỏng, nồng nàn; Nghệ thuật thơ khá độc đáo, sáng tạo; Sự vận động của thơ không chỉ trên trang viết mà trên cả các diễn đàn. Với tất cả những điều trên, người viết xin được gọi đó là “ Hoàng hôn cháy”! Bài viết là  tiếng nói tri ân, trân trọng tác phẩm, hy vọng sẽ tạo được sự đồng cảm của những người yêu mến thơ ca nói chung và thơ của nữ sĩ Phạm Thị Phương Thảo nói riêng.

hoa-pham-ti-phuong-thao-1640598069.jpg
 

Tháng 6/2020- LBK

Ảnh trong bài: Tranh vẽ về Trâu và Hoa của thi sĩ Phạm Thị Phương Thảo

Lộc Bích Kiệm

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoang-hon-chay-a9301.html