1. Thấy các con bạc tụ về sới của nhà mình, khuôn mặt lão Kha lé hớn hở như trúng số đề, lão dặn thằng con trai chuẩn bị đồ ăn đêm cho mọi người chu đáo, kiểu vui lòng khách thắng, vừa lòng khách thua, đó là bí quyết để hút khách. Bữa ăn tiếp sức thật ra chỉ có nửa con gà luộc lấy nước, sau đó cho mấy lạng gạo đã ngâm đổ vào bật nhỏ bếp đun trong một tiếng là được, lão Kha lé còn xào nấm, thái nhỏ hành cho vào, như vậy khiến bát cháo gà có vị thơm ngon không kém mấy hàng ăn trên phố huyện. Chỗ thịt gà được xé phay cho vào đĩa để sẵn bên cạnh, khi nào đánh bạc thấy đói, các con giời sẵn bát và môi tự múc cháo rồi thêm hạt tiêu gia vị tùy khẩu vị.
Nửa đêm trong khi những con bạc ném tiền theo tiếng chẵn lẻ, có kẻ trắng tay nên thất thểu bước ra gian ngoài múc bát cháo gà húp tạm, số tiền y vừa vay của lão Kha lé cầm chưa nóng tay đã vào túi kẻ khác qua dăm lần mở bát, giờ đây nhà chỉ còn hai sào vườn là thứ tài sản duy nhất để gán nợ. Ở chiếc bạc không thiếu kẻ chầu rìa, trước chỉ đánh cò con sau khi ngấm rồi bắt đầu chơi lớn, những con bạc chơi tất tay rời chiếu, ngay lập tức có kẻ khác lấp chỗ trống. Nói như lão Kha lé, đã tới đây thằng nào cũng mong dỡ nhà thằng khác về làm chuồng trâu nhà mình, sự thân quen hay tình huynh đệ không quan trọng bằng tiếng chẵn lẻ của nhà cái. Không hiểu sao dân cờ bạc hay thích câu nói “cờ bạc ăn nhau lúc gà gáy”, có lẽ tầm đó nhiều anh hùng đã rớt đài, chỉ còn những cao thủ ngồi lại. Sự tỉnh táo cũng như bản lĩnh sẽ quyết định tất cả. Dù kẻ thắng người thua là ai, lão Kha lé với tư cách chủ chứa bạc vẫn ăn đậm, ngoài số tiền cho vay lãi, tiền cầm đồ, lão thu tiền hồ không thiếu xu nào.
Trời bắt đầu tờ mờ sáng, tiếng gà bên nhà hàng xóm gáy vang, như hiệu ứng dây chuyền, từ đầu làng ra đến bờ đê xóm bãi, tiếng gà xen lẫn tiếng chó sủa hóng rộn ràng báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Trên chiếu bạc lúc này chỉ còn hai kẻ kì phùng địch thủ. Người đến từ Hà Nội vốn nổi tiếng với những canh bạc lớn, dù thức cả đêm nhưng ông ta vẫn đóng bộ sơ vin như công chức đi dự họp hội nghị vậy. Tương phản với ông khách lịch sự hào hoa, kẻ còn lại trẻ trung nhưng gây sự chú ý, bởi y mặc bộ đồ nâu sồng còn đầu cạo nhẵn, không cần nói ai cũng biết đây là ngươi đã qui y cửa Phật. Dân đánh bạc quen tại sới hay gọi là sư Hân, mặc dù y chỉ là chú tiểu ở chùa làng Văn Xá. Lão Kha lé cùng mấy con bạc đang húp cháo cầm hơi theo đúng nghĩa, bất ngờ trong chiếu bạc có tiếng cãi nhau, chưa đầy 10 phút tiếng đã chuyển thành tiếng chửi bới mạt sát khiến lão phải chạy vào can ngăn. Vị khách biển 29 lịch lãm đã không giữ được bình tĩnh, ông ta văng đủ thứ vào mặt sư Hân vì tội chơi bố láo, vốn đầy mình kinh nghiệm, chỉ cần nghe qua lão Kha lé hiểu ngay, do thua hết sạch tiền nhưng sư Hân vẫn cầm cái mở bát kiểu “tay không bắt giặc”, trò này hầu như con bạc khát nước nào cũng diễn vài lần.
Đen cho sư Hân vì ông khách người Hà Nội chơi tất tay và thắng lớn, đến nước này biết mình sai nên y chọn cách im lặng không đáp lời, tuy nhiên khi vị khách biển 29 chửi thêm một câu “thằng con hoang”… Trong nháy mắt sư Hân rút ngay lưỡi lê thủ sẵn trong người, y vung tay đâm ngập sâu vào ngực kẻ dám xúc phạm mình. Mặc cho lão Kha lé đờ người vì kinh sợ, không buồn để tâm đến nạn nhân gục ngay xuống chiếu bạc, sư Hân lạnh lùng vơ toàn bộ số tiền nhét vào chiếc túi vải rồi bước ra ngoài.
2. Bờ đê của làng Văn Xá do được ánh trăng chiếu sáng, vì thế buổi tối bà con dân lang hay rủ nhau ra ngồi hóng mát. Nhìn từ xa cách vài mét có một nhóm người, họ rôm rả trò chuyện sau một ngày làm lụng vất vả. Người nhà quê vốn hay tiết kiệm, ra bờ đê ngồi vừa hưởng gió trời lại không tốn tiền thắp đèn dầu trong nhà, bà con ngồi đến khuya liền réo lũ trẻ con đang nô đùa về đi ngủ. Có lẽ trừ những ngày mưa gió hoặc mùa đông rét mướt, suốt mấy tháng hè bờ đê luôn nhộn nhịp, thậm chí đông vui không kém khi trảy hội. Khác với những người lớn tuổi, đám nam thanh nữ tú thường chọn chỗ tối để tâm sự cũng như tránh xa sự đàm tiếu của dân làng.
Gần điếm canh đê có một đôi trai gái đang thì thầm to nhỏ, với vẻ mặt lo lắng Cúc thông báo với bạn trai:
-Em chậm kinh mấy tháng rồi, nếu thầy u biết là chết em.
Thuận không phải ai xa lạ vì là người cùng làng, sau khi ra trường đã về công tác tại Tòa án của Huyện, bố mẹ Thuận là cán bộ gương mẫu hiện vẫ đang công tác trên thành phố, khác với bố mẹ Cúc chỉ làm nông dân. Không hiểu sao Thuận yêu say mê cô sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, trong những phút giây không làm chủ được bản thân, Thuận và Cúc đã nếm trái cấm nhiều lần, cái thai đang lớn dần trong bụng Cúc là kết tinh của mối tình say đắm.
Dù yêu Cúc nhưng Thuận biết rõ, bố mẹ anh là cán bộ vì thế họ không muốn làm thông gia cùng bố mẹ Cúc, trước sự việc lỡ làng như hiện nay, Thuận sợ nếu Cúc làm ầm lên sẽ phá hỏng tiền đồ sáng lạn trước mặt. Ôm người yêu vào lòng, Thuận âu yếm nói; Chuyện trăm năm không phải thích là được, đợi ông cụ nhà anh đi công tác Liên Xô về, lúc đó anh sẽ báo cáo tình hình. Cúc áng chừng cái thai chừng bốn tháng, trong khi thời gian ông bố của Thuận đi Liên Xô không biết bao giờ sẽ về, cô có thể chờ được nhưng đứa bé trong bụng đủ ngày đủ tháng sẽ phải chào đời. Cúc gặng hỏi; Vậy anh nói chuyện với mẹ mình xem. Tia hy vọng cuối cùng đã bị dập tắt, vẫn bằng giọng nhẹ nhàng, Thuận nói nhỏ; Mẹ anh biết chuyện em ăn cơm trước kẻng sẽ không chấp nhận một cô con dâu như vậy, thôi đợi bố anh cho dễ nói chuyện. Đêm đã khuya, nhìn theo người yêu dáng cao gầy đang rảo bước đi chúi về phía trước, lúc bóng của Thuận khuất dần sau rặng nhãn đầu làng, Cúc cay đắng khi biết mình vừa gặp phải thằng sở khanh mang danh trí thức. Khi ngỏ lời yêu sao hắn nói năng ngọt ngào đến vậy, cô cả tin dâng hiến tất cả, còn bây giờ hắn quất ngựa truy phong còn giọng nói trơn tuột như xà phòng 72 vậy.
Giữa bờ đê vắng lặng không một bóng người, Cúc rùng mình khi nghĩ đến những lời đàm tiếu của dân làng nếu họ biết cô chửa hoang, rồi sau này thầy u của cô sẽ không dám ngẩng mặt đi đâu vì nỗi ô nhục khủng khiếp. Nhìn con sông bàng bạc dưới ánh trăng, thỉnh thoảng có một chiếc thuyền con đang rải lưới bắt cá, Trong đầu Cúc thoáng nảy ra quyết định, cô muốn dòng sông là nơi gột rửa mọi tội lỗi của mình gây ra cho thầy u, dòng sông là nơi cô gửi thân xác vĩnh viễn. Gạt những dòng nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt, Cúc lặng lẽ bước từ triền đê xuống con sông quê thân thuộc.
3. Sư ông thức giấc từ sớm, theo thói quen người ngó sang chỗ ngủ của chú tiểu Hân nhưng thấy chăn màn còn nguyên vị trí của ngày hôm trước, ngài khẽ thở dài đoán ngay đệ tử của mình lại ham chơi không về, âu cũng là duyên với nhà Phật của y không có. Sư ông cầm chổi lặng lẽ quét sạch lá rụng ở sân chùa, mặc dù đây là công việc thường ngày của tiểu Hân, nhưng y ham chơi lười làm khiến ngài luôn phiền muộn. Đúng 25 năm về trước, ngày đó sư Ông mới về trụ trì ngôi chùa làng chưa lâu, trong một buổi sáng giá lạnh cuối tháng 12, hôm đó nghe tiếng trẻ con khóc lạc cả giọng ngoài cổng chùa, sư Ông mở cổng thấy một đứa bé bọc trong chiếc chăn cũ kèm theo một mẩu giấy nhờ nhà chùa cưu mang đứa trẻ. Vốn là người tin vào chữ DUYÊN của nhà Phật, mặc dù nhiều người biết tin đứa bé bỏ rơi ngoài cổng chùa là bé trai nên xin nhận làm con nuôi, tuy nhiên sư Ông quyết định nuôi dạy chú tiểu thành người. Nhớ lại khi nhặt đứa trẻ lúc trời vừa hừng đông, sư Ông đã đặt tên cho đứa trẻ là Hân, với hàm ý chứa chan niềm vui, cho những khởi đầu tốt đẹp.
Bước vào gian tam bảo để gõ mõ tụng kinh, sư Ông thoáng giật mình khi thấy tiểu Hân đang quì trước bàn thờ Phật, nhìn bộ dạng của đệ tử, người khẽ thở dài vì biết y vừa gây ra chuyện lớn. Sau khi thỉnh chuông gõ mõ, sư Ông nhẹ nhàng khuyên giải; Con hãy quay đầu là bờ, phải xem đây là một sự hướng thiện, hãy buông bỏ mọi sân si thù hận cho sự quay trở về bến giác. Trước những lời răn dạy, tiểu Hân quì sụp xuống chân vị sư phụ của mình, đến lúc này y chỉ biết nói ngắt quãng; Con phải rời xa sư phụ một thời gian dài, cuộc đời này con đã phụ lòng của người răn dạy. Con không nhìn thấy nẻo bờ hướng thiện, bởi lẽ do vô minh nên con không chạm tới được sự giác ngộ. Nghe tiểu Hân nói vậy, vị trụ trì đưa tay lần tràng hạt nhớ về quãng thời gian trước đây, tiểu Hân lớn lên dù được tận tình chỉ dạy, nhưng y thích giao du cùng đám thanh niên hư hỏng trong làng. Việc uống rượu, cờ bạc phạm vào giới luật của đệ tử ở bên ngoài, sư Ông biết hết nhưng trục xuất tiểu Hân khỏi chùa, việc đó sẽ khiến y thêm lầm đường lạc lối. Số tiền thập phương công đức hàng năm bị lấy trộm trong chùa, sư Ông biết tiểu Hân đã nướng hết vào chiếu bạc ở nhà lão Kha lé cuối làng, âu đó là nghiệp chướng do y tự mang.
Chưa đến 8 giờ sáng ngôi chùa làng đã đông người hiếu kì đứng xem vòng trong vòng ngoài, lực lượng công an xã kết hợp cùng công an Huyện đã đọc lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Thích Minh Hân can tội đánh bạc, giết người và cướp của. Mặc dù lực lượng chức năng khám xét chỗ ở, tuy nhiên số tiền do tiểu Hân vơ trên chiếu bạc không biết y tẩu tán ở đâu. Tiểu Hân dù tay bị còng số 8 cùng hai người công an kẹp chặt hai bên, nhưng trước khi rời khỏi ngôi chùa gắn bó bao năm, y đã hướng về phía sư phụ của mình rồi bò rạp và đập đầu xuống sân chùa ba lần thay lời tạ lỗi.
4. Chánh án Thuận đến tòa án từ sớm, ông muốn bàn giao công việc để tập trung cho việc chữa bệnh. Mặc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng xét năm công tác ông có thể xin cấp trên cho về nghỉ sớm. Kể từ ngày phải đặt stent, theo lời khuyên của bác sĩ ông giảm cường độ làm việc vì sức khỏe là trên hết. Có tiếng điện thoại của người bảo vệ thông báo, ở ngoài phòng thường trực có vợ một nạn nhân đến xin gặp để cảm ơn, nhìn đồng hồ thấy chưa đến giờ họp giao ban, ông Thuận đồng ý cho người nhà lên phòng gặp mình. Sau tiếng gõ cửa, người khách mặc đồ đen vào gặp khiến ông Thuận thoáng giật mình, cô Cúc người yêu ngày trước ông đã bỏ rơi nay xuất hiện trước mặt, gặp lại cố nhân ông Thuận không biết nên vui hay buồn. Dù sao một phần tư thế kỉ đã trôi qua, giờ đây ai cũng có cuộc sống riêng của mình, ông Thuận lấy lại sự bình tĩnh rót nước mời khách.
Gặp lại người yêu cũ đã phụ bạc, dù thời gian lùi xa nhưng kí ức tủi nhục vẫn khiến bà giáo Cúc thấy uất nghẹn. Ngày đó khi kẻ sở khanh mang danh trí thức phủi tay, Cúc đã trầm mình xuống con sông quê, tuy nhiên đứng trước ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, cô kịp quay đầu lại bờ, bởi vì Cúc không muốn đứa con trong bụng phải chết oan nghiệp khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Sinh linh bé nhỏ của cô vô tội trước sự đểu cáng và hèn nhát của kẻ không đáng mặt đàn ông, hôm nay kẻ đó đang ngồi ở một vị trí để phán xử người khác. Bà giáo Cúc nhìn thẳng vào mặt vị chánh án, sau đó hỏi thăm; Tôi được biết sau lần gặp nhau ở triền đê, anh có lấy con một vị lãnh đạo trên thành phố, mặc dù vợ chồng anh tốn nhiều tiền vào Nam ra Bắc nhưng không thể có được một mụn con.
Mở chiếc túi xách tay, bà giáo Cúc đặt trước mặt vị chánh án lá thư đã nhuốm màu thời gian, không cần đọc nhưng ông Thuận biết rõ nội dung bức thư, bởi vì chính ông đã viết gửi cho Cúc yêu cầu phải phá ngay cái thai. Chính điều này khiến ông luôn hối hận, bởi dòng họ Nguyễn Đình của ông đứng trước nguy cơ tuyệt tự khi người nối dõi không có. Thoáng nghĩ đến cả một khối tài sản không người thừa kế, trái tim của ông Thuận lại thấy nhói đau dù bác sĩ yêu cầu không được xúc động mạnh. Bà giáo Cúc lấy tiếp một tờ giấy khác đặt trước mặt, đó là tờ chứng sinh một đứa bé trai nặng 3,4 kg được sinh vào lúc 20g35 ngày 21 tháng 12 năm 1980. Đôi mắt ông Thuần nhòe đi, một cảm giác sung sướng như sắp bùng nổ khi phần khai sinh tên bé trai là Nguyễn Đình Thiện. Bỏ qua mọi vướng mắc, ông Thuận luống cuống hỏ thăm về giọt máu rơi của mình, con người ta khi đứng trước vòng luân hồi sinh tử, mọi công danh sự nghiệp bỗng chốc chỉ là hư không, ông Thuận sau lần vào viện tim đã nghiệm ra điều đó. Đứa con rơi vãi sẽ hơn vạn liều thuốc bổ, nó giúp ông cảm thấy sống có ích hơn rất nhiều.
Bằng một giọng đều đều không chút cảm xúc, bà giáo Cúc kể cho ông chánh án Thuận nghe về đứa con lạc loài; Sau mấy tháng đến ở nhờ nhà của người quen, khi sinh con được vài ngày, không chờ đứa bé kịp rụng rốn, bà giáo Cúc đã đặt nó ngay trước cổng chùa làng. Dù thời gian qua lâu, bà vẫn không quên được, buổi sáng bỏ rơi đứa con mình mang nặng đẻ đau nhằm ngày Giáng sinh của bên Công giáo. Lúc bà giáo Cúc nhận được tin dữ, bà đoán trước sẽ có ngày đó, bởi vì việc ông chồng ham đánh bạc không còn chuyện lạ. Tuy nhiên khi được bên cơ quan điều tra và báo chí thông tin về kẻ sát nhân, bà cảm thấy như có ngàn mũi kim châm vào người, linh cảm của người mẹ không bao giờ sai, kẻ sát nhân đó chính là đứa con bà bỏ lại cổng chùa khi xưa.
Chánh án Thuận gần như chết lặng, bởi đó là phiên tòa cuối cùng ông ngồi ghế chủ tọa trước khi xin nghỉ dưỡng bệnh. Ông nhớ rõ lúc vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đọc xong phần luận tội, không có nhiều tranh luận xảy ra, bởi vì nhân chứng vật chứng đủ hết, bản thân bị cáo Hân trước toàn đã nhận tội một cách rõ ràng nhưng không hối hận. Hôm đó với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi, bà giáo Cúc đứng lên phát biểu, khiến ông hơi cụp mắt xuống vì nhận ra cố nhân. Trước tòa bà giáo Cúc xin mở cho kẻ sát nhân một con đường sống, bởi y còn quá trẻ nên đã lầm đường lạc lối, bà từ chối đòi bồi thường tổn thất cũng như chi phí đám tang. Khuôn mặt ông Thuận trắng bệch, ông nhớ lại sau nửa giờ nghị án, với tư cách Chánh án chủ tòa phiên tòa, chính ông đã tuyên án tử hình dành cho tên Hân, bởi theo ông đánh giá, tên tội phạm đã mất hết tính người nên cần loại trừ vĩnh viễn khỏi xã hội.
Tiếng bà giáo Cúc vẫn vang lên; Ngày xưa bằng lá thư giục tôi phá thai, ông đã nhẫn tâm chối bỏ nó. Ông chắc hiểu rõ hơn tôi câu nói “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”, nhưng ông thì có. Bởi nếu không vì hèn nhát của ông và tôi, chắc nó không đến mức bị bố đẻ mình lần thứ hai chối bỏ và…Bà giáo Cúc khóc nấc lên, bằng giọng cay đắng và phẫn uất do bị dồn nén bao năm bà chốt lại; Ông có thể phán xử mọi người theo nhiệm vụ, nhưng cả tôi và ông sẽ phải đối diện với tòa án lương tâm. Mặc dù tôi không tin người như ông có lương tâm để đối diện với tòa án đó, thôi ông hãy coi như đây là nhân quả, nói xong bà giáo Cúc rời khỏi phòng làm việc của vị chánh án. Khi cánh cửa phòng khép lại, ông Thuận cảm thấy như có hàng chục bàn tay đang thay nhau bóp mạnh vào trái tim của mình, cơn nhồi máu cơ tim đã quật ngã ông xuống nền nhà, trong tay ông vẫn nắm chặt tờ giấy chứng sinh của bé trai mang tên Nguyễn Đình Thiện.
------
Vĩ thanh:
Sư Ông gõ mõ tụng kinh từ sáng sớm, sau đó ngài xuống gian thờ vong thắp hương và làm lễ siêu linh tịnh độ cho những hương hồn còn vấn vướng nơi trần thế. Từ phía trên, bức di ảnh của tiểu Hân đang nhìn sư phụ của mình bằng ánh mặt đượm buồn khi âm dương cách biệt. Ngày đó dù hết lời khuyên giải nhưng tiểu Hân đã từ chối sử dụng quyền kháng cáo, y cũng không viết đơn xin ân xá, điều đó đồng nghĩa với việc tiểu Hân chấp nhận dùng cái chết của mình để gột rửa tội lỗi. Còn vài ngày nữa chùa sẽ làm lễ hạ giải để tu sửa, sau khi thắp thêm ba nén nhang trước bàn thờ Phật, sư Ông mở hòm công đức lấy tiền lo công thợ, bên trong hòm công đức có một nắm tiền nhuốm máu nằm lẫn giữa các tờ tiền khác.
Nhặt đống tiền nhuốm máu ra ngoài, sư Ông nhìn thấy có những tờ còn in hằn dấu vân tay dính máu của tiểu Hân. Hóa ra lúc gây án mạng xong, tiểu Hân đã ôm toàn bộ số tiền của nạn nhân về chùa, y lặng lẽ nhét vào hòm công đức từng tờ tiền một, dù bước vào con đường cùng, tiểu Hân vẫn muốn góp phần nhỏ bé của mình vào phục dựng lại chùa. Giá như sự hướng thiện của tiểu Hân đến sớm hơn, có lẽ cuộc đời y đã cập bến bờ giác ngộ.
Vị trụ trì chắp tay ngước nhìn ba pho tượng tam thế trên ban thờ, hình như các vị Phật của quá khứ, hiện tại và vị lai…thoáng một nụ cười trầm buồn.
Theo Chuyện quê
Bùi Ngọc Phúc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhan-qua-a9307.html