Sức mạnh tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tại sao Quân đội nhân dân Việt Nam không đông, trang bị không mạnh lại có thể chiến thắng được một đội quân hùng mạnh nhất thế giới như Mỹ và chư hầu?

vn-cong-bieu-dien-1640616154.jpg
Văn công biểu diễn trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu báo điện tử Đắk Lắk

 

Có rất nhiều nguyên nhân làm nên điều đó. Đó là tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, là đường lối và chiến lược tiến hành chiến tranh, là tài thao lược của các tướng lĩnh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội...

Tất cả đều đúng nhưng chưa thật đầy đủ nếu không nhắc đến sức mạnh tinh thần, niềm lạc quan yêu đời có đôi chút lãng mạn của những người lính trên chiến trường.

Với thứ vũ khí tinh thần đó, những người lính cách mạng đã vượt qua mọi gian khổ và ác liệt của chiến tranh để tồn tại và giành chiến thắng.

So với các bậc tiền bối trong kháng chiến chống Pháp, nhìn chung thế hệ những người lính chống Mỹ đa số có học vấn cao hơn.

Rất nhiều trong số họ đã tốt nghiệp trung học phổ thông, thậm chí còn có rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường đại học cũng “gác bút nghiên lên đường chiến đấu”.

Phần nhiều trong số họ đã thuộc nằm lòng những câu thơ đầy bi tráng của Thâm Tâm, Quang Dũng... và tự nguyện lên đường đi vào chỗ ch.ế.t nhẹ tựa lông hồng - nhất là từ khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và đem máy bay đánh phá miền Bắc.

Để vào chiến trường miền Nam, họ thường phải hành quân bộ hàng vài tháng trời dọc dãy Trường Sơn hiểm trở với chiếc ba- lô đầy quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm... nặng đến 30- 35 kg.

Có thể nói, hầu như trong ba lô của người lính nào cũng có một vài cuốn sổ tay - món quà rất phổ biến mà người thân, bạn bè họ trao tặng trước lúc lên đường và nó đã trở thành vật “bất ly thân” của nhiều người.

Có những người trong số họ đã từng lén bỏ lại dọc đường một hộp thịt, một bánh lương khô hay vài ki- lô- gam gạo để đôi vai đỡ phần trĩu nặng nhưng vẫn không chịu bỏ cuốn sổ “bất ly thân” của mình.

Họ dùng cuốn sổ đó để viết nhật ký, để tập làm thơ, để ghi lại những gì mình cảm nhận được... giữa những trận đánh hay khi nằm trong hầm sâu tránh bom đạn đối phương.

Chính nhờ họ mà giờ đây hậu thế được đọc những dòng chân thật nhất về chiến tranh qua “Nhật ký Vũ Xuân”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc, “Tài hoa ra trận” của Hoàng Thượng Lân...

Trong đó, họ không giấu giếm những gian kh.ổ, á.c liệt của chiến tranh mà họ phải đối mặt. Đó là mưa bom bão đạn của đối phương, đó là sự ch.ết c.hóc của đồng bào, đồng chí và chính họ, đó là đói cơm nhạt muối, đó là những trận sốt rét triền miên...

Tuy nhiên, tất cả những thách thức đó không làm cho họ thối chí, không làm cho họ chùn bước. Trong những cuốn sổ tay dưới đáy ba lô ấy - dù đôi khi còn ngô nghê, vụng dại song luôn toát lên một niềm lạc quan yêu đời đến bất tận.

Và có lẽ sẽ không ngoa khi nói chính cuộc chiến ấy đã là cái “lò” đào tạo ra một lớp nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ... mặc áo lính song đầy tài hoa và không kém phần lãng mạn.

Cũng đã có một số người - không nhiều lắm đi sâu tìm hiểu về cuộc sống của những người lính giữa hai trận đánh và cũng đã có những phát hiện khá thú vị về sự khác biệt giữa hai bên chiến tuyến.

Với những đội quân nhà giàu như quân đội Mỹ, người ta không tiếc tiền của đổ ra để lên dây cót tinh thần cho binh lính thông qua các hoạt động giải trí.

Tuy nhiên, dường như những thứ đó không có mấy tác dụng và hình ảnh thường thấy của những người lính Mỹ sau các lần đi trận trở về là những cuộc vui thâu đêm suốt sáng tại những quán bar với rượu mạnh và những màn th.oát y vũ...

Còn trong hành trang cá nhân của họ không hiếm gặp những xấp tạp chí Playboy, những ấn phẩm se.xy dành riêng cho quân đội và cả những con búp bê tì.nh dụ.c bằng cao su...

Còn với các binh sĩ VNCH cũng chẳng khác với quân Mỹ là mấy. Có thể thấy điều đó qua mấy câu thơ của một nhà thơ lính VNCH:

“...Mai ta đụng trận ta còn sống

Về ghé Sông Mao phá phách chơi

Chia sớt nỗi sầu cùng gái đi.ếm

Đốt tiền mua vội một ngày vui...”

(Sông Mao phá phách với người - Nguyễn Bắc Sơn)

Vậy còn những người lính cách mạng họ đã làm gì trong khoảng lặng giữa hai trận đánh?

Ngoài những công việc thiết yếu của mỗi người lính họ không chỉ ghi nhật ký, tập làm thơ... như đã nói trên, vào thời gian rỗi họ còn làm nhiều việc khác mà người ngoài cuộc không thể tưởng tượng ra.

Thật vậy, sẽ có nhiều người không thể tưởng tượng được trong những chiến hào, dưới gầm xe tăng hay trong những hang đá Trường Sơn, trong những địa đạo đã có rất nhiều lớp học văn hóa được tổ chức.

Học viên là lính mà giáo viên cũng là lính, thậm chí cấp chức thấp hơn. Họ không chỉ học văn hóa mà còn học ngoại ngữ, học vẽ, học hát, học làm thơ, học viết truyện...

Họ cũng dành nhiều thời giờ cùng sự sáng tạo bất tận của mình để làm ra nhiều thứ nhạc cụ từ mảnh xác máy bay Mỹ hoặc từ những vật dụng thông thường như đàn ghi - ta, đàn măng - đô - lin, đàn nhị, đàn bát v.v...

Với những nhạc cụ đó, họ hát cùng nhau những ca khúc đầy lạc quan, yêu đời. Trong đó không chỉ là những khúc quân ca mà cả những bản tình ca nổi tiếng của thế giới.

Ngoài ra, họ còn có nhiều hoạt động tập thể khác để gắn kết với nhau hơn như làm báo tường, thi nấu ăn bằng các thực phẩm tự kiếm được trong rừng v.v...

Ở những nơi có điều kiện hơn, những cuộc hội diễn văn nghệ giữa các đơn vị và những buổi biểu diễn của các đội văn công xung kích cũng thường xuyên được tổ chức. Rất giản dị thôi nhưng ý nghĩa và tác động thì vô cùng lớn.

Có lẽ đó chính là nguồn cảm hứng để nhà thơ Phạm Tiến Duật viết nên những dòng thơ bất hủ:

“...Tiếng hát bay vòng tháng năm

Ở đâu mà không cần tiếng hát

Nhưng giữa chiến trường nhiều khi thay cho nhạc

Là những tâm hồn có nhạc ở bên trong”.

(Nghe em hát trong rừng- Phạm Tiến Duật)

Cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam đã trường tồn cùng dân tộc từ hàng ngàn năm và bao giờ cũng đem lại những cảm xúc thật đặc biệt trong lòng mỗi con dân nước Việt khi “Tết đến, Xuân về”.

Với những người lính trên chiến trường cũng không là ngoại lệ. Trong chiến hào ác liệt hay giữa rừng sâu hiu quạnh, giữa nỗi nhớ nhà nặng trĩu trong lòng những người lính phải đối mặt với không chỉ bom đạn mà còn biết bao tác động khác.

Đó là truyền đơn nhắc về cái Tết sum họp gia đình cùng những ưu đãi khi trở về với “chính nghĩa quốc gia” rải trắng rừng. Đó là nỉ non tiếng hát “Xuân này con không về” từ bên kia chiến tuyến vọng lại hoặc lan tuyền khắp không gian qua làn sóng phát thanh.

Đó là những khắc khoải nghĩ suy giữa sống và ch.ết, giữa gian nan và sung sướng...

Trong điều kiện đó, những người lính cách mạng vẫn biết tổ chức cho mình những cái Tết trang trọng nhất, đầm ấm nhất trong khả năng của mình.

Với bộ óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, từ những cành cây khô, những tờ giấy viết thư với lọ thuốc đỏ, viên thuốc qui-nin... những cành đào, cành mai đã hiện diện trên chiến hào hoặc trong những căn hầm dã chiến của họ.

Tiêu chuẩn đường ít ỏi để dành dụm cả năm cùng với vài “lon” kê đổi được của đồng bào cũng được hóa thân thành những viên kẹo “giả vừng” giòn tan...

Cùng với lá cờ Tổ Quốc và tấm ảnh Bác Hồ - một bàn thờ giản dị nhưng cũng hết sức trang trọng đã được dựng lên.

Về phía Bộ chỉ huy các cấp cũng cố gắng để bảo đảm đến mức cao nhất các loại lương thực, thực phẩm và quà Tết cho bộ đội.

Một kg gạo nếp, đỗ xanh, một bao thuốc Tam Đảo, một gói kẹo Hải Châu... để đến được tay những người lính ngoài mặt trận đã thấm biết bao mồ hôi và có khi cả máu của những người ở hậu phương và những người lính đường dây 559.

Tất cả những cái đó làm những người lính ngoài trận tuyến vơi bớt nỗi nhớ nhà và cảm thấy ấm lòng, thấy gần gũi hơn với người thân ở hậu phương.

Đêm 30 Tết, vào thời khắc giao hòa của Đất Trời nếu có điều kiện các đơn vị đều tổ chức đón giao thừa chung. Ở đó, họ cùng hòa chung tiếng hát gửi lòng mình về quê hương. Trò chơi đón giao thừa phổ biến nhất ở các đơn vị lúc đó thường là “hái hoa dân chủ”.

Một cành cây mà hoa quả của nó chứa trong mình một câu đố, một yêu cầu mà người hái được phải thực hiện như hát một bài, kể một câu chuyện tiếu lâm hay thể hiện một câu chuyện nào đó bằng động tác...

Trò chơi giản dị nhưng thật vui, thật ngộ nghĩnh và cũng vô cùng háo hức cùng những tràng cười bất tận bất chấp những tiếng bom gầm, đạn réo xung quanh.

Và giây phút thiêng liêng được chờ đợi nhất là nghe Bác Hồ chúc Tết lúc giao thừa. Cả đơn vị ngồi im phăng phắc nghe như nuốt lấy từng lời của người Cha Già dân tộc phát ra từ chiếc đài bán dẫn.

Những lời chúc giản dị, ngắn gọn của Bác như đi thẳng vào lòng từng chiến sĩ, thắp sáng trong họ niềm tin tất thắng và thôi thúc họ cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp kháng chiến. Ngay cả ở tuyến đầu giáp địch cũng vậy.

Họ cũng tụ tập về hầm chính trị viên vì đó là nơi duy nhất có đài. Ngồi chờ phút giao thừa họ thì thầm kể cho nhau nghe về cái Tết quê nhà.

Sau ngày Bác mất, Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn tiếp tục phát lại lời chúc Tết của Bác và giây phút đó vẫn nguyên vẹn sự thiêng liêng trong lòng mỗi người chiến sĩ.

Sức mạnh tinh thần, lòng tin chiến thắng, niềm lạc quan, yêu đời có pha chút lãng mạn, hào hoa đã trở thành thứ vũ khí “bất khả chiến bại” của Quân đội Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sức mạnh đó tiếp tục được phát huy trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc sau này. Cho đến hôm nay và mãi mãi về sau nó vẫn còn nguyên giá trị và rất cần được kế thừa và phát huy.

Theo Nguyễn Khắc Nguyệt/ Trái tim người lính

Nguyễn Cúc

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/suc-manh-tinh-than-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-a9308.html