Bắc Ninh: Phá dỡ hai di tích quốc gia - Đề nghị xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm

Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết, cần phải xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân vi phạm trong việc phá dỡ hai di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong để tránh tiền lệ xấu đối với việc xâm hại di tích tại các địa phương khác.

 

 

Trả lời VOV.VN, ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch giao Ban quản lý di tích tỉnh triển khai việc kiểm tra, tổng hợp báo cáo sự việc.

Về đánh giá mức độ vi phạm thì Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh xác định là địa phương đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định về quản lý di tích lịch sử văn hóa. Để giải quyết vụ việc này thì UBND tỉnh chỉ đạo Sở và huyện chỉ đạo xuống xã trước hết là bảo quản, đảm bảo an ninh an toàn cho công trình cũng như các hiện vật đồ thờ tự của di tích. Đồng thời giao cho công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xem xét mức độ vi phạm.

Ban Quản lý di tích tỉnh cũng đã nghiên cứu hồ sơ cũng như thực trạng của di tích và có đánh giá, phối hợp với cơ quan chuyên môn khác để tham mưu đề xuất hướng khắc phục. Phương án phục hồi hiện nay phụ thuộc vào rất nhiều thứ. Thứ nhất phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của địa phương và nguyện vọng của bà con. Nếu phục hồi theo quy mô chùa như trước khi bị chiến tranh trong phá dỡ thời Pháp xâm chiếm năm 1949 và phục hồi theo nguyên trạng trước khi sự việc xảy ra. Việc này chúng tôi đang cân nhắc để có hướng tư vấn với địa phương.

“Theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh Bắc Ninh năm 2021 về việc quản lý di tích, cổ vật, bảo vật quốc gia thì UBND cấp xã là đơn vị quản lý trực tiếp di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Theo phân cấp như vậy thì trách nhiệm của việc vi phạm rất nghiêm trọng này thuộc về UBND xã Tam Đa. Chúng tôi thấy cần phải xử lý các tập thể và cá nhân có trách nhiệm trực tiếp tới sự việc này, để cho thấy trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu, ở đây là chủ tịch UBND xã Tam Đa. Nếu không xử lý nghiêm việc này sẽ tạo điền lệ xấu đối với việc xâm hại di tích tại các địa phương khác”- ông Mạo nhấn mạnh.

Trước đó, theo báo cáo số 365 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh gửi UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng đinh, địa phương xã Tam Đa, huyện Yên Phong đã tự ý hạ giải toàn bộ phần mái tòa Tiền tế khi lập hồ sơ xếp hạng, xây dựng nền móng của tòa Tiền tế mới cách tòa Tiền tế khi lập hồ sơ xếp hạng khoảng 08 mét về phía trước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Sai phạm trên đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phát hiện từ cuối tháng 8/2021 và đã ban hành văn bản ngày 30/8 yêu cầu dừng thi công di tích Đình Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong. Tuy nhiên, đến ngày 28/9 các đơn vị chuyên môn của Sở tiếp tục kiểm tra và phát hiện địa phương đã không nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Sở về việc dừng thi công tu bổ di tích Đình Đại Lâm.

Đồng thời địa phương đã tiếp tục cho đào, xây móng, đổ bê tông cốt thép khoảng 16 hố bao quanh tòa Tiền tế khi lập hồ sơ xếp hạng, để xây dựng hạng mục công trình khác trên nền tòa Tiền tế hiện có khi xếp hạng di tích.

Ngày 25/11, qua khảo sát thực tế ở địa phương, các cơ quan chuyên môn của Sở đã phát hiện toàn bộ di tích gốc của chùa Thiên Phúc gồm: Tòa Tam bảo, Nhà tổ gốc của di tích đã bị phá dỡ hoàn toàn và đang xây nền móng mới, các cấu kiện gỗ đang để tại sân chùa không được che đậy, bảo quản theo quy định. Việc phá dỡ chùa chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Như vậy, trong thời gian ngắn chính quyền địa phương xã Tam Đa đã ba lần liên tục vi phạm nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng di tích cấp quốc gia. Cụ thể, vi phạm khoản 2, điều 13 Luật Di sản văn hóa năm 2001 “ Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa” đối với cả Đình Đại Lâm và Chùa Thiên Phúc.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, hành vi vi phạm trên có dấu hiệu vi phạm khoản 2 Điều 345 Bộ Luật Hình sự năm 2015, vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử- văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử- văn hóa, danh lam,thắng cảng có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc hủy hoại làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt thì bị phạt tù từ 03-07 năm.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất UBND tỉnh Bắc Ninh chuyển vụ việc để Công an tỉnh điều tra, xử lý vi phạm, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định pháp luật.

Trước đó, như VOV.VN đã đưa tin, theo người dân thôn Đại Lâm, cả hai di tích Đình làng Đại Lâm và chùa Thiên Phúc nằm trong quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật “Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm” thuộc xã Tam Đa, huyện Yên Phong. Cụm di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng tại Quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21/01/1989. Trải qua thời gian, một số hạng mục bị xuống cấp, tuy nhiên việc chính quyền địa phương tự tháo dỡ, phá bỏ, sửa chữa đình làng Đại Lâm và chùa Thiên Phúc mà chưa được cho phép trùng tu, tôn tạo, chưa tổ chức họp, bàn với nhân dân địa phương khiến công trình bị xâm hại nghiêm trọng, người dân vô cùng bức xúc./.

Bắc Ninh: Hai di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng

VOV.VN - Người dân thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh rất bức xúc việc chính quyền địa phương tự ý tháo dỡ, phá bỏ di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Thiên Tự và đình Đại Lâm, khiến hai di tích này bị xâm hại nghiêm trọng.

Tiến Dũng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/pha-do-hai-di-tich-quoc-gia-o-bac-ninh-de-nghi-xu-ly-nghiem-ca-nhan-tap-the-vi-pham-a9330.html