Tiếng còi tàu

Những năm bao cấp, giao thông không thuận tiện như bây giờ. Việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhỡ xe, nhỡ tàu xảy ra thường xuyên. Sinh viên đi học xa nhà cứ nôn nao nhớ khi tiếng còi tàu hú dài  chuẩn bị vào ga.

Giọng cô phát thanh viên vang lên : "Hành khách chú ý, tàu S...  chuẩn bị vào ga...đề nghị ra cửa số... để lên tàu" cũng đủ để bâng khuâng rồi.

tieng-coi-tau-1640834611.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm

 

Tôi nhớ nhất năm đầu tiên  đi học xa nhà, tết năm đó cả trường được nghỉ sớm do thiếu lương thực. Tuy nhiên, đứa nào cũng chắt chiu mua cho mình một số quà nhỏ. Hôm đó,  tàu chạy đến ga Đông Anh thì tờ mờ sáng. Đợi chuyển tàu tiếp, chúng tôi xách đồ đạc xuống và để cùng một chỗ để mua vé. Nhưng chỉ trong nháy mắt đồ của tôi không cánh mà bay. Mất hết quần áo, sách vở. Duy nhất còn mỗi cái vé trong tay mà anh Cường vừa đưa cho. Bàng hoàng vì mình chẳng còn gì. Tôi ngồi thụp xuống, nước mắt giàn giụa .

Mua được vé rồi  nhưng do trục trặc nên muộn  mới thấy tàu đến. Tất cả ùa lên các toa.  Sinh viên các trường được nghỉ cùng đợt nên về  rất đông. Chúng tôi chen chúc nhau, không có ghế ngồi mà chỉ có đứng. Hoặc có được ngồi cũng rất chật. Tôi phải đứng suốt hành trình. Có lúc phải đứng một chân. Còn chân kia chạm vào cái sọt của bà đi buôn chuyến. Tuy chưa làm gì ảnh hưởng tới sọt cà chua nhưng  bà ta mắng tôi té tát vì chạm trên nắp cái sọt cà chua ấy. Tôi vốn nhút nhát nên sợ, vội vàng xin lỗi. Mong con tàu chạy thật nhanh. Nửa đêm, người nọ dựa vào người kia ngủ. Không biết ai là ai, vì gần một ngày tàu tăng bo nên quá mệt mỏi.

Đang thiu thiu ngủ bỗng tôi thấy một tên trộm định giật cái túi đồ của chị Thư. Phản xạ tự nhiên, tôi hét lên, cả toa tàu bừng tỉnh giấc. Tên trộm lùi ra cuối cửa tàu. Hoảng hồn rồi cũng định thần lại. Bà buôn cà chua ghé sát vào tai tôi nói nhỏ:

- Dại rồi con ơi, bọn này hay trả thù lắm đấy. Tí xuống ga cẩn thận nhé!

Rõ ràng nhớ anh Cường dặn:  khi lên tàu thấy gì thì im lặng nhé. Các em là con gái nên cẩn thận.  Lúc đó, tôi run rẩy vì sợ. Mặc dù trên toa tàu có nhiều bạn cùng lớp. Do bạn tôi cũng bị cướp giật đồ một lần nên ông anh trai học ở trường y,  nhờ anh Cường ( bạn  học cùng lớp)  về trước  cho cô em gái đi cùng. Tôi trấn tĩnh, tự nhủ: mình không sợ.

Tàu vào ga, tất cả hành khách ra cửa tàu xuống sân. Trong ánh sáng điện lờ mờ tôi bước đi trước, Phương theo sau, đến anh Cường.  Bỗng tạch, con dao nhọn của tên trộm lúc nãy bật lên. Tôi xám mặt,  chỉ kịp nhớ một anh bộ đội gạt tôi ra. Anh Cường và Phương kéo tay tôi lại. Anh Cường nhảy qua cửa sổ, đỡ hai đứa chúng tôi xuống sân ga.

Chân tôi ríu lại, sắp khụyu xuống.  Mọi việc diễn ra nhanh quá mức. Chỉ nghe nhốn nháo, bước chân người chạy… rồi im lặng. Anh Cường bảo: chắc nó bị anh bộ đội thu dao rồi. Còn tôi, chưa kịp hoàn hồn thì tàu tiếp tục chạy. Bình tĩnh lại tôi mới nhớ ra, anh bộ đội chỉ cách tôi một hàng ghế. Cũng đứng từ lúc lên tàu. Khi mấy đứa chúng tôi cười nói thì anh không nói gì mà chỉ tủm tỉm khi nghe chị Thư pha trò…

Phương bảo tôi:

- Chắc anh ấy là lính biên giới, trở lại đơn vị. Cậu may thật đấy. Được hẳn hai anh cứu giúp “mỹ nhân”.

Tôi bần thần, ngoái nhìn lại sân ga. Bây giờ, chắc tàu đã chạy được một đoạn khá xa. Trong thâm tâm chỉ biết thầm cảm ơn anh bộ đội đã cứu mình.

Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng kí ức vẫn còn vẹn nguyên những hình ảnh đẹp đẽ về người lính. Xin cảm ơn anh-  người mà tôi biết mặt mà chưa từng biết tên...

 Mùa đông lại về, cái rét tái tê chạm từng cánh rừng, ngọn núi, góc phố  nhưng trong lòng như ấm lại.

Theo Trái tim người lính

Phạm Thúy Hậu

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tieng-coi-tau-a9375.html