Về nơi Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch biên giới 1950

Một ngày cuối năm, trong cái rét của rừng xanh thăm thẳm, những cựu chiến binh của huyện Lạng Giang (Bắc Giang) nguyên là cựu chiến sỹ E529 (F331, Quân đoàn 14) có tuổi đời từ 59 đến 67 đã trở lại huyện Thạch An (Cao Bằng) nơi từng tham gia giữ đất biên cương hơn 40 năm trước.

Tuy tuổi tác chênh lệch nhưng chúng tôi nhập ngũ cùng ngày 19/3/1979, khi Chủ tịch nước mới ban hành Lệnh Tổng động viên. Đã 40 năm có lẻ, trong tâm khẩm những người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên ký ức của thưở cầm súng hào hùng và càng tự hào hơn khi mảnh đất chúng tôi đã từng đóng quân là nơi diễn ra chiến dịch biên giới thu đông 1950, mà Bác Hồ trực tiếp chỉ huy nhằm khai thông biên giới, làm cho việc trở lại Cao Bằng càng thêm ý nghĩa.

bac-ho-ve-tham1-1640855876.JPG
Nguyên chiến sỹ E529 bên cột mốc 958/2, Nà Lạn, Đức Long, Thạch An, Cao Bằng

Về nơi đất cũ biên cương

Xe xuất phát 3 giờ sáng trong cái rét tái tê mà lòng người rộn rã. Đến thị trấn Thất Khê (Tràng Định, Lạng Sơn) thì trời vừa sáng. Thị trấn vùng biên mây giăng mờ như ngái ngủ và khá vắng người. Đèo Bông Lau hiện ra tầng tầng dốc núi. Con đêò là nơi phân giới giữa tỉnh Lạng Sơn với Cao Bằng. Những đoạn dốc chênh vênh trước kia đã được hạ độ cao, đường được mở rộng nên đi lại khá dễ dàng. Xuống đến chân đèo là huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng), nơi hơn 40 năm trước chúng tôi lần đầu đặt chân đến. Thị trấn Đông Khê hiện ra trong thung lũng, xung quanh là những dãy núi đá cao vút. Chúng tôi cố tìm địa điểm tập kết vào đêm 20/4/1979, nhưng không nhận ra.

Những căn nhà tre lá đơn sơ và đường đất bụi đỏ năm xưa được thay bằng dãy phố dọc ngang và đường nhựa uốn lượn theo triền núi. Khu vực các cơ quan của huyện, các trục đường chính đến chợ trung tâm đều rực rỡ cờ hoa với các khẩu hiệu kỷ niệm 75 năm ngày quốc khánh 2/9 và 70 năm Chiến dịch biên giới 1950. Từ thị trấn Đông Khê đi 17 km là ra biên giới. Con đường đất hơn 40 năm trước đã được trải nhựa phằng lỳ. Đến Bản Dăm (xã Danh Sỹ), mọi người ùa xuống tìm các gia đình đã từng đóng quân. Đây rồi bà Đàm Thị Ngọ, rồi ông Vi Văn Dân, ông Vi Văn Đẩy, bà Chu Thị Mai và nhiều người khác, mà hơn 40 năm trước đang ở tuổi 30, nay đã thất thập đã phơ phơ đầu bạc. Cuộc hàn huyên vội vã, mọi người vào nơi E529 đã từng đóng quân, nhưng chỉ còn là vùng đất trống với lúa ngô xanh tốt. Qua các bản Phú Nho, Pằng, Bưng (xã Danh Sỹ), bản Nghèn, Khau Nùng, Đoỏng Mạ, Đoỏng Đeng, Nà Giới, Nà Cằng, bản Bò, cuối cùng là Bản Mới (xã Đức Long) là biên giới. Mọi người râm ran kể những kỷ niệm về vùng đất này. Dốc Tu Hin, cắt ngang sống núi là ranh giới giữa xã Danh Sỹ và xã Đức Long có cửa khẩu Nà Lạn. Ngày 17/2/1979, tại con dốc này 3 chiến sỹ bộ đội và trung đội dân quân xã Đức Long đã chặn đánh và tiêu diệt hơn 2 đại đội quân xâm lược...

Ông Phùng Văn Huy là chiến sỹ trinh sát pháo binh, nên rất thông thuộc. Ông chỉ ngọn núi 706 vần vũ mây bay, nơi đặt đài quan sát của đơn vị nói: "Ngọn núi 706 thuộc khu vực bản Nghèn, cách biên giới khoảng 400 m và cách đài chữ U của địch 1000 m đường chim bay". Đài quan sát của ta và đài chữ U của địch là đối trọng trong những năm tháng căng thẳng ở nơi đây. Cuộc đời quân ngũ của ông Huy với 15 năm tại ngũ, thì Cao Bằng là nơi để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Nơi đây ông có mẹ nuôi, có mối tình đầu. Đến bản Phú Nho, anh em lùa xuống thăm Vi Văn Hùng quê ở đây, đã từng ở cùng đại đội. Cuộc hội ngộ bất ngờ và chia tay trong vội vã.

Qua dốc cua tay áo, con đường mở ra với hai làn thênh thang dẫn ra biên giới. Đến Trạm biên phòng, mọi người ùa ra ra cột mốc. Hơn 40 năm trước, Nà Lạn là nơi hoang sơ và bao trùm sự chết chóc. Bây giờ chiếc cổng lớn là ranh giới giữa hai nước. Phía bên kia mỏm đồi hình chữ U có đài quan sát của địch vẫn như cái gai đập vào mắt. Hào chống tăng, rặng tre biên giới không còn, thay vào đó là ruộng lúa, ngô xanh tốt. Sau tháng 2/1979, biên giới rất căng thẳng. Địch thường xuyên gây hấn. Các đơn vị luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Ngày lễ, ngày tết, chủ nhật đều phải nghỉ lệch. Chiến dịch 30a, 30b củng cố phòng tuyến biên giới. Chúng tôi đều trực tiếp trồng tre, bố trí trận địa và bãi mìn trong tiếng súng hù dọa của quân thù. Ta trồng ngày thì đêm chúng mò sang nhổ và trồng ngược. Ta bố trí bãi mìn xen kẽ, làm cho chúng không dám mò sang. Chiến dịch kết thúc, ta hoàn thành tuyến hào chống tăng và trồng tre khóa chặt biên giới. Trong số chúng tôi ở E529 dù ở công binh, pháo binh, trinh sát hay bộ binh, ai cũng phấn đấu và có hơn 1/3 đã trở thành đảng viên tại mảnh đất này. Trở lại vùng biên trong dịp này, trước khoảng xanh mênh mông của núi rừng biên cương đang đợi xuân về, ai cũng xốn xang và ắp đầy kỷ niệm.

bac-ho-ve-tham2-1640855876.jpg
Đền thờ Bác Hồ ở chân núi Báo Đông

Đến nơi mọi người ùa ra cột mốc biên giới sờ nắn, xuýt xoa. Cột mốc biên giới nay được làm bằng đá hoa cương có số hiệu 958/2. Bên kia biên giới, bãi đất trống trước đây đã có nhiều công trình kiên cố mọc lên. Nà Lạn trước đây chỉ là lối mở biên giới, nay trở thành cửa khẩu quốc gia. Trạm biên phòng Nà Lạn (thuộc đồn biên phòng Thạch An) có 4 cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ. Rất bất ngờ, chúng tôi gặp Thiếu tá Lê Quốc Phương người cùng xã đang công tác tại đây. Anh cho biết về tình hình biên giới, dân cư và hoạt động cửa khẩu.

Chúng tôi hỏi về những công trình năm xưa thì anh ngỡ ngàng, có điều không biết. Thiếu tá Phương nhập ngũ tháng 9/1994, có 18 năm công tác ở Biên phòng Kontum và được chuyển về đây được 5 năm. Vợ anh là giáo viên đang dạy học ở quê. Cùng làm nhiệm vụ có Trung úy Trần Khánh Sơn, 27 tuổi quê ở Bắc Ninh và hai chiến sỹ quê ở xã Danh Sỹ và Phục Hòa (huyện Thạch An). Trạm biên phòng Nà Lạn phụ trách 5,5km đường biên giới và một cửa khẩu. Hàng tháng Trạm tổ chức tuần tra thông biên, phối hợp với Biên phòng nước bạn nắm tình hình và thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh. Chúng tôi rất vui vì mảnh đất biên cương hôm nay vẫn vẹn nguyên từng tấc đất, vì có sự tiếp nối bảo vệ của lớp lớp các chiến sỹ sau này.

Thăm nơi Bác Hồ chỉ huy chiến dịch biên giới

bac-ho-ve-tham3-1640855876.jpg
Bia khắc bài thờ Đăng Sơn của Bác Hồ

Đến bản Bò (xã Đức Long) nơi có núi Báo Đông, 71 năm trước Bác Hồ ở đây chỉ huy chiến dịch. Ở chân núi sát đường ra biên giới, người ta đã xây đền thờ Bác Hồ và Chiến dịch biên giới thu đông năm 1950. Công trình được xây dựng theo kiểu nhà sàn, khởi công ngày 15/9/2003, hoàn thành ngày 19/5/2004 do Tổng công ty xi măng Việt Nam và Bộ Tư lệnh quân khu II đóng góp. Ở đây có bức ảnh rất nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh chụp Bác ngồi trên núi đá Báo Đông chỉ huy đánh địch đã được khắc thành cụm tượng đài trên đỉnh núi.

Hướng dẫn viên Vi Thị Minh Nguyện với giọng nhỏ nhẹ và khúc triết thuyết trình cho đoàn:"Chiến dịch biên giới thu đông năm 1950 (còn gọi là Chiến dịch Lê Hồng Phong 2) được quân đội ta (còn gọi là Việt Minh) tổ chức từ ngày 16/9 đến ngày  đến 14/10/1950, nhằm phá thế bị cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt - Trung để mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa. Thông qua chiến dịch ta còn nhằm mở rộng căn cứ địa cách mạng, tiêu diệt một phần sinh lực quân Pháp đồn trú tại Bắc Bộ, đồng thời thử nghiệm các chiến thuật cho quân đội nhân dân Việt Nam trong việc tổ chức các trận đánh lớn trong tương lai".

Lời của hướng dẫn viên như đưa mọi người trở về thời gian, không gian của hơn 70 năm về trước:"Cụm cứ điểm Đông Khê nằm trong hệ thống phòng thủ Cao-Bắc-Lạng, thuộc phân khu Thất Khê. Lực lượng Pháp đồn trú có 2 đại đội của trung đoàn lê dương số 3 và 1 trung đội bảo an do đại úy Al-li-oux chỉ huy, với khoảng 350 quân. Cứ điểm được trang bị 2 khẩu pháo 105 ly, 2 súng cối 81ly, 2 cối 60 ly, 2 pháo 57 ly, 2 pháo 20 ly. Cứ điểm được bố trí thành 2 khu vực trung tâm và ngoại vi, có hoả lực mạnh, có công sự kiên cố được xây dựng liên hoàn nhằm chi viện hỗ trợ nhau.  Thị trấn Đông Khê lại có vị trí chiến lược với ngã ba đi lên phía bắc 45 km là thị xã Cao Bằng, 15 km về phía nam là Pò Khẩu, 5-7 km về phía đông là Phìa Khoá và xa hơn là cửa khẩu Nà Lạn (xã Đức Long), 12 km về phía tây là làng Hạc".  

Ngày 16/9/1950, chiến dịch mở màn, các Trung đoàn 174 và 209 của bộ đội Việt Minh chủ động đánh cứ điểm Đông Khê nhằm cô lập Cao Bằng, uy hiếp Thất Khê, phá thế phòng thủ của Pháp trên đường số 4. Đến ngày 18/9, Đông Khê thất thủ. Pháp buộc phải điều quân ứng cứu với cuộc "Hành quân kép". Một cánh do trung tá Le Page chỉ huy từ Thất Khê tiến lên nhằm chiếm lại Đông Khê, mở lại đường số 4 và thu hút quân chủ lực Việt Minh. Một cánh do trung tá Charton chỉ huy từ Cao Bằng kéo xuống gặp Le Page ở Đông Khê tạo gọng kìm nghiền nát Việt Minh.

Lúc này, Trung đoàn 209 được lệnh chặn binh đoàn Charton ở Quang Liệt. Ngày 6/10/1950, cánh quân Charton đến Cốc Xá, bắt liên lạc với Le Page. Đại đoàn 308 lập tức bao vây chặt Cốc Xá và điểm cao 477. Trung đoàn 209 chặn ở phía bắc và Trung đoàn 174 chốt chặn đường rút ở Cốc Tôn - Khau Pia ở phía nam. Sáng sớm ngày 6/10, Trung đoàn 36 tấn công Cốc Xá và đến trưa thì binh đoàn Le Page gần như bị xoá sổ, với 2.500 quân ban đầu chỉ còn 650 tên cố chạy sang điểm cao 477. Tại điểm cao 477, Đại đoàn 308 và Trung đoàn 209 vây chặt binh đoàn Charton và giành giật nhau từng tấc đất. Đến chiều, binh đoàn Charton bị rối loạn khi biết binh đoàn Le Page bị xoá sổ. Hắn hạ lệnh rút khỏi điểm cao 477 và mở đuờng máu chạy về Nà Cao. Đến chiều thì Charton cùng toàn bộ Ban tham mưu bị bắt. Tàn quân của Le Page bị mất liên lạc với Charton cũng tìm cách rút theo đường rừng để về Thất Khê. Đến sáng ngày 8/10, Le Page cùng đám tàn quân bị Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 bắt làm tù binh. Tính đến ngày 8/10, Việt Minh đã loại khỏi vòng chiến 8 tiểu đoàn quân Pháp, làm sụp đổ kế hoạch phòng thủ biên giới của địch.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ra lệnh rút khỏi Thất Khê trong rối loạn và bị Đại đoàn 308, Trung đoàn 174 truy kích đánh thiệt hại nặng. Đến ngày 17/10, Việt Minh chủ động kết thúc chiến dịch. Đến ngày 22/10/1950, quân Pháp phải rút khỏi các cứ điểm còn lại trên đường 4 như Thất Khê, Na Sầm, Đồng Lập, Lạng Sơn... với thiệt hại rất nặng. Tiếng của hướng dẫn viên vẫn thánh thót:"Chiến dịch biên giới năm 1950 là chiến dịch đầu tiên bộ đội Việt Minh chủ động tấn công, làm thay đổi cục diện, giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính ở Bắc Bộ. Quân Pháp bị thất bại lớn, bị đấy lùi vào thế phòng ngự bị động. Chiến dịch có ý nghĩa bản lề, là bước ngoặt của cuộc chiến tranh, lần đầu tiên ta thực hiện kế hoạch tác chiến mới "đánh điểm diệt viện" thành công mở ra những chiến thắng vang dội về sau này".

Đường dẫn lên núi Báo Đông với 846 bậc đá dốc cao, gần đỉnh có “Ngườm Cuông” (hang Cuông). Chui qua hang sang phía bên kia là một khoảng không gian mênh mông mở ra. Tại đây Bác viết bài thơ "Đăng sơn" khi lên chỉ huy chiến dịch. Men theo sườn núi đi thêm vài trăm bậc đá nữa thì đến đài quan sát ngày xưa. Một cụm tượng đài đúng từng chi tiết trong bức ảnh: Bác ngồi giữa, người cầm điện thoại là chiến sĩ tên Minh, trưởng đài quan sát Phạm Chước đang cầm ống nhòm, đội trưởng đội cận vệ Võ Viết Định ngồi bên cạnh Bác, phía sau là ba chiến sĩ của đài quan sát. Không ai bảo ai, chúng tôi nghiêm cẩn đưa tay lên vành mũ, nghiêng mình trước chiến công của cha ông lập lên hơn 70 năm về trước. Rời Đức Long trong nắng chiều tím biếc. Núi rừng biên cương vẫn xanh thăm thẳm cho cảm giác thênh thênh một nỗi niềm. Hẹn gặp lại nhé Cao Bằng ơi!

Thân Văn Phương

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-noi-bac-ho-truc-tiep-chi-dao-chien-dich-bien-gioi-1950-a9388.html