Chính quyền và người dân địa phương nơi đây đang nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, để rẻo cao Tây Bắc đón bước chân du khách trở lại. Và chúng tôi, theo tiếng gọi của núi rừng Tây Bắc, quyết định chọn nơi này cho ngày nghỉ cuối tuần đặc biệt đúng dịp giáng sinh năm Covid thứ 2.
Hà Nội - Lào Cai
Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài nhất Việt Nam và với riêng tôi còn đẹp nhất và ý nghĩa nhất Việt Nam vì nó đưa tôi tới những địa danh nổi tiếng đẹp với khách du lịch trong và ngoài nước. Dài 264 km, đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai phần lớn đi ven theo bờ sông Hồng, là tuyến đường quan trọng dẫn du khách đi tìm “nơi con sông Hồng chảy về đất Việt”.
Lào Cai đương nhiên là điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi sau một hành trình dài nhưng rất thoải mái và an toàn trên đường cao tốc đẹp chẳng thua kém gì những tuyến đường cao tốc ở nước ngoài mà tôi đã có dịp đi qua.
Những người bạn Lào Cai tiếp đón chúng tôi bằng những món ăn đặc trưng vùng miền, bằng những tiếng cười và những câu chuyện không có hồi kết về Lào Cai, về cuộc sống, văn hoá và về cả những tuyến đường mà như Bác Hồ đã nói: “Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”.
Lào Cai - Sapa
Chia tay Lào Cai, chúng tôi thẳng tiến Sapa. Nhắc đến khu vực miền Bắc, không ai có thể bỏ qua cái tên Sapa, nơi đã ghi dấu mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Việt Nam với cảnh sắc núi non hùng vĩ, hoang sơ, khí hậu đặc trưng, cùng với nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi Tây Bắc này.
Được mệnh danh là thành phố trong sương, Sapa thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá, tìm hiểu núi rừng Tây Bắc, hay đơn giản là tìm cho mình một nơi yên lành để nghỉ dưỡng sau những căng thẳng, mệt mỏi. Đã từng tới Sapa rất nhiều lần, nhưng lần đầu tiên một cô giáo tiếng Pháp như tôi đón Noël ở một nơi gắn liền với người Pháp. Sapa chính là Chapa theo tiếng Pháp và cũng có giả thuyết cho rằng, Sapa gắn với Sapin, tiếng Pháp là cây thông, bởi lẽ ở đây những cây thông to và cao rất nhiều.
Sapa năm nay mưa lạnh, vắng vẻ nhưng vẫn giữ nguyên vẻ đẹp quyến rũ vốn có của một nhà thờ Đá được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Sapa còn quyến rũ bởi những gương mặt và ánh mắt của các cháu thiếu nhi người dân tộc cõng em trên lưng, tay bán những sản phẩm truyền thống thổ cẩm từ bao đời nay để lại. Nhắc tới Sapa, người ta sẽ nhớ tới những bếp lửa hồng với ngô, khoai và các xiên thịt nướng làm ấm lòng thực khách trong cái lạnh ngọt ngào. Noël năm nay, chỉ cần đi dạo quanh khu trung tâm Sapa dưới mưa lạnh để cảm nhận tình người ấm áp của những người dân nơi đây! Nhấp chén rượu nồng trong đêm đông giá lạnh, tâm hồn chúng tôi hoà quyện vào cảnh sắc và ánh sáng diệu kì của núi rừng Sapa, vẻ đẹp bất tận.
Sapa - Y Tý
Chúng tôi chia tay Sapa vào một sáng trời mưa. Đường đến Y Tý ngoằn ngèo, trơn và rất nhiều ổ gà, có khi là ổ voi. Nghe nói con đường này đã được cải tạo, đi lại dễ dàng hơn rất nhiều so với trước bởi thế mà khách du lịch đến với Y Tý vẫn ngày càng đông. Chúng tôi chỉ có thể đặt phòng cho một đêm ở Y Tý vì phòng cũng hết sạch. Có những đoạn đường mắt chúng tôi nhắm nghiền vì mệt nhưng rồi lúc mở mắt ra thấy xung quanh là cả khu rừng nguyên sinh, dương xỉ cao tới nửa người lại thấy động lực để chinh phục quãng đường 70km từ Sapa tới nơi duy nhất thuộc tỉnh Lào Cai có dân tộc Hà Nhì sinh sống: Xã Y Tý, Huyện Bát Xát.
Ngay khi tới Homestay, chúng tôi đã bị cảnh sắc nơi đây quyến rũ mặc dù trời ngày càng sương mù và lạnh. Bữa trưa với lẩu gà và các loại rau đặc sản núi rừng Tây Bắc giúp chúng tôi ấm bụng để tiếp tục hành trình.
Mấy năm trở lại đây, Y Tý là một điểm du lịch được du khách gần xa biết đến như Sa Pa thứ hai ở Lào Cai bởi nét đẹp mộc mạc, hoang sơ, và những con người thân thiện, mến khách.
Choẻn Thèn, cách trung tâm Y Tý khoảng 2km, là điểm chúng tôi lựa chọn cho buổi chiều hôm ấy. Là một ngôi làng cổ với hơn 300 năm tuổi, đây là một địa chỉ không thể bỏ qua trong trải nghiệm không thể quên tại Y Tý của bất kì du khách nào. Cả thôn có 57 hộ với 323 người, 100% là người Hà Nhì Đen. Những ngôi nhà trình tường được làm bằng đất sét, mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ và kiến trúc rất độc đáo đang được địa phương bảo tồn và đưa vào phát triển du lịch cộng đồng.
Hai cây cổ thụ cuối làng là điểm nhấn cho bức tranh phong cảnh tuyệt vời của núi rừng Tây Bắc nơi đây.
Chúng tôi chia tay thôn Choẻn Thèn khi khói lam chiều quấn quýt trên những mái rơm thơm mùi rạ. Đây là thời điểm ai cũng mong được sà ngay vào mâm cơm của người Hà Nhìn Đen khi ánh tà dương khuất sau ngọn núi.
Chúng tôi trở về Homestay mang trong mình những cảm xúc thật tuyệt vời. Mưa bắt đầu rơi lộp độp trên mái nhà, bếp lửa đã hồng, và chúng tôi say nồng bên chén rượu Sim San, một loại rượu thóc được được nấu từ men lá truyền thống của người Dao, thuộc thôn Sim San, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Tỉnh Lào Cai.
Còn rất nhiều các địa danh nổi tiếng của Y Tý mà chúng tôi chưa kịp ghé thăm như núi Lảo Thần, điểm săn mây tuyệt đẹp, Ngã ba Lũng Pô, A Lù, Ngài Thầu ... Đó là lý do chúng tôi sẽ còn quay lại Lào Cai nói chung, Sapa và Y Tý nói riêng nhiều lần để tiếp tục khám phá, ngắm và ngấm cảnh vật cũng như văn hoá nơi đây, để chứng kiến một Lào Cai và các điểm du lịch nổi tiếng phát triển bền vững mà không mất đi vẻ đẹp tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng.
Nguyễn Thị Cúc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/noel-dang-nho-tren-reo-cao-lao-cai-sapa-y-ty-ve-dep-bat-tan-a9392.html