Bức ảnh cho thấy mặt phố phía đông, giáp tường với nơi từng là Ủy ban KHKT nhà nước. Song mặt phía tây còn có một con đường nhỏ cắt ngang, chia phố ra làm hai khoảnh, bắc và nam. Đó đều có các tòa biệt thự, đặt trong những khuôn viên rộng rãi. Tôi biết phố Nguyễn Chế Nghĩa vì có bạn học. Hai anh, một người ở khoảnh phía nam, một ở phía bắc. Hồi ấy, các biệt thự được chia cho dân đến ở, cho nhiều gia đình.
Ở phố có hai bạn cùng lớp. Châu, nhà ở trong một biệt thự thuộc khoảnh phía nam. Còn Đức ở bên phía Bắc. Đức là bạn thân, chơi với nhau ngay khi tôi mới vào trường Trưng Vương. Nơi Đức ở chiếm một buồng trong tầng một trong tòa biệt thự, một phòng mà quá rộng rãi. Tầng trên là một gia đình có lẽ thuộc cán bộ cấp cao. Sang trọng lắm. Khu nhà cho người làm hay nhà bếp gì đó, thấp và chật, cũng có một gia đình. Trước biệt thự là khu vườn, rất rộng. Vẫn nhớ, trong vườn có nhiều cây roi, quả trắng, trong Nam gọi là cây mận. Đến thăm bạn, không ít lần chơi trong vườn, trèo cây, hái quả, ăn tại chỗ. Không nhớ, từng có lần kiếm đâu một gà con, nuôi đến lớn trong vườn ấy.
Anh bạn thứ ba, Dân, cùng phố nhưng ở bên đường mé đông. Chơi khá lâu mới biết, anh chính là đứa trẻ, được Bác Hồ bế, khi còn ở Thái Nguyên. Nhìn bức ảnh, thấy anh nhỏ xíu. Và bây giờ người anh vẫn nhỏ. Anh bảo tại hồi xưa đói ăn. Tháng năm qua, tôi không ở gần con phố nữa. Nghe Châu đi sơ tán bị chết đuối. Thế là trong con phố xưa tôi chỉ còn hai bạn. Giờ cũng xa chỗ ấy rồi.
Với tôi, chả hiểu sao con phố lại dính dấp nhiều chuyện thế. Đến giờ vẫn để lại dư âm là câu chuyện kì ngộ như trong chuyện Bích Câu. Đó là khi đã thành người lính, tôi được về Hà Nội, vào nơi bấy giờ gọi là Bộ tư lệnh Thủ đô. Tại đó, chúng tôi được học làm lính truyền đạt, hay liên lạc chạy chân. Trước khi về đơn vị, tôi cùng mấy bạn ra hiệu ảnh Hoàng Hải, gần trường cũ, chụp mấy kiểu kỉ niệm. Chờ mãi, chẳng thấy mấy thằng khỉ gió đâu, đành bỏ về. Đến đầu phố Nguyễn Chế Nghĩa, ngẫu nhiên gặp cô bạn học. Cùng lớp. Vừa cùng nhau qua năm học cuối cùng. Đang chờ, không biết được gọi đi đâu.
Định về, nên đưa bạn cái hóa đơn ảnh. Song người ấy nhất định kéo về nhà, thay áo, rồi nhất quyết lôi cùng ra hiệu ảnh. Từ nhà ra, thấy bạn bỗng hóa thiên nga. Mái tóc đuôi sam ruỗi ra, uốn lượn xõa bờ vai. Chiếc áo, với sắc màu tươi thắm gọi là xanh Béc lin, ôm gọn khuôn người thon thả. Và cặp mắt to, rợp bóng mi, thường buồn rượi, bỗng long lanh. Đâu nghĩ bạn mình xinh thế. Từ đó, bắt đầu qua lại những cánh thư. Đã viết không biết bao nhiêu, đủ các kiểu giấy, từ trang sổ tay tới vỏ bao thuốc lá, trên suốt đường hành quân, ra trận.
Câu chuyện đẹp, đầy mộng mơ. Được bao bạn cùng lứa kể lại và ao ước. Có điều, cuối cùng chúng tôi không cùng đến đảo Bồng Lai giống chuyện xưa, hay như lời thơ Thanh Tùng, không cùng nhau “đi hết những ngày đắm say.” Đâu trách được. Trong lá thư cuối cùng, chính tôi đã nói đa xvi đa nhia. Bây giờ trẻ trâu gọi là nói bái bai. Bạn hỏi, có tiếc? Biết trả lời thế nào. Từng nghe, sểnh con cá vàng biết đâu vớ được cá voi, to bự. Chả biết có đẹp hơn không, nhưng trẻ hơn là cái chắc. Có điều, tận giờ, mỗi khi đi trên đường Trần Hưng Đạo, ngẫu nhiên qua con phố nhỏ xinh như một nốt nhạc ấy, trái tim chợt dường như lỡ nhịp.
Theo Trái Tim Người Lính
Trịnh Xuân Tiến
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/pho-nguyen-che-nghia-a9402.html