Điệp viên mang bí số H.3: Người giữ khoá bí mật ở bộ tổng tham mưu nguỵ Sài Gòn ( kỳ 1)

Câu chuyện này kể về 1 người đàn ông cao gầy, bệnh tật thường xuyên, giữ im lặng suốt quãng đời phục vụ cho Tổ Quốc từ những năm còn chìm trong lửa đạn cho tới ngày toàn thắng.

Đến tận năm 2006, CIA vẫn còn phải đặt câu hỏi: Ông là ai?  Những chiến công của họ không cần bất kỳ ngày lễ nào để tôn vinh, bởi sự thật lịch sử không cần bất kỳ bàn tay nào tô hồng, đánh bóng. Bản thân họ, cuộc đời họ, chiến công của họ… đã tự toả sáng mãi muôn đời.

diep-vien-1641032984.jpg
H.3, người bí mật ở Bộ Tổng tham mưu chế độ cũ đã cung cấp hàng loạt tin tình báo chiến lược, mà đến năm 2006, CIA vẫn không ngừng thắc mắc: Ông là ai? - Ảnh Thế Vinh

Sáng 30/4/1975. Những góc thành lịch sử.

Năm đạo quân từ 5 cánh đổ về, rợp cờ giải phóng rầm rập tiến vào thành phố. Những con đường tấp nập hằng ngày giờ bỗng trở nên tán loạn. Từng tốp lính cộng hoà, có người chỉ còn chiếc quần xà lỏn, vội vã chạy ngang dọc mà không biết về đâu.

Tại Đại sứ quán Mỹ…

9 giờ sáng, khi tiếng xích xe tăng của quân giải phóng kéo sầm sầm trên đường phố Sài Gòn thì cũng là lúc chiếc máy bay di tản cuối cùng ngừng gầm rú ngay trên nóc toà đại sứ quán.

Cuộc tháo chạy tán loạn bằng trực thăng khi quân giải phóng đang tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Trước làn sóng quân giải phóng đang tràn ngập đô thành, những người Mỹ còn lại trên mảnh đất này cũng rơi vào tình trạng hoảng loạn. Kenneth Moorefield – nguyên sĩ quan bộ binh - đã đẩy Graham Martin, vị đại sứ Mỹ vẫn còn đang trong cơn chấn động bàng hoàng, ra khỏi một trong những chiếc trực thăng cuối cùng để tự mình leo lên đó.

Cái nhìn của Moorefield về Sài Gòn giờ phút cuối thật kinh hoàng: “Hàng trăm người Việt Nam đổ ào lên những bức tường, cướp bóc kho hàng, phòng ốc, quầy bar. Một số người khác thì lái xe của sứ quán chạy lòng vòng như những kẻ điên khùng. Ở bên kia bức tường, cả đám đông người hát vang lời ca chống Mỹ, chào mừng chiến thắng đang tới gần của những người cộng sản...

Từ trên cao, tôi có thể nhìn thấy văn phòng của tuỳ viên quân sự Mỹ - DAO - ở Tân Sơn Nhứt - bốc cháy. Cả thành phố im lìm một cách đáng sợ. Chỉ toàn một màu đen đặc. Không động tĩnh, không đèn điện, không một cảm giác nào về những gì đang đến”. 

Trong giờ phút nguy cấp ấy, có bao nhiêu người rời khỏi Việt Nam mà không một lần giật mình hỏi: “Điều tồi tệ có thể đến là gì? Liệu Mỹ sẽ trở lại “trả thù” không, trên xứ sở nắng ấm tươi đẹp này?”

Tại Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Việt Nam Cộng Hoà (BTTM)…

41 chiến sỹ đặc công biệt động Z28 (đoàn 316 đặc công) chia làm 2 mũi tiếp cận với cổng số 1 và cổng số 3. Mũi chủ công do Bảy Vĩnh (tên thật là Lê Văn Vĩnh - chúng tôi sẽ đề cập trong phần sau), mũi bảo đảm do Ba Đen phụ trách. Nhiệm vụ: Đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu - đầu não của quân đội Việt Nam Cộng hoà – và chờ đại quân tiến vào.

Hình ảnh ngày toàn thắng khi xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập, chính thức nối lại 2 miền Nam - Bắc, đất nước thống nhất.

6 giờ sáng, mũi do Ba Đen chỉ huy giả lính cộng hoà, thâm nhập cổng số 1, đánh cầm chân lực lượng dù và thiết đoàn xe tăng địch, ngăn chặn việc địch chi viện cho BTTM. 2 chiến sỹ hy sinh tại chỗ.

7 giờ sáng. Mũi do Bảy Vĩnh chỉ huy lợi dụng lực lượng bảo vệ cổng số 3 sơ hở, sử dụng 3 xe bọc thép M113 lấy được của địch áp sát, khống chế rồi vượt qua cổng gác, chạy thẳng vào trung tâm BTTM. Toàn bộ lực lượng địch giơ tay xin hàng.

9 giờ 40’, cờ giải phóng treo cao trên cột cờ BTTM chế độ Sài Gòn. Việc đánh chiếm BTTM từ cổng số 3 không tốn một viên đạn.

11 giờ 45’, từ một góc quan sát trong căn phòng bé tí chứa hồ sơ tại BTTM, một người đàn ông ngoài 40 tuổi cao lênh khênh, gầy mảnh khảnh vẫn lặng yên chờ. Ông không chạy di tản như những chiến hữu khác, song cũng chẳng bỏ văn phòng thư ký của mình để tìm chỗ an thân.

Trong đôi mắt long lanh lạ thường của một người đã hàng trăm đêm mất ngủ cứ ánh lên nỗi mong chờ. Nỗi mong chờ đằng đẵng mấy thập kỷ, vậy mà đến giờ lại mang vẻ thản nhiên, thanh tĩnh lạ kỳ.

Trước đó, lúc 6 giờ sáng cùng ngày, chính mắt ông chứng kiến hình ảnh một đại tá Pháp tới báo tin cho 1 trung tá làm việc tại văn phòng Cao Văn Viên. Chỉ sau vài phút ngắn ngủi, viên trung tá cởi phăng quân phục ra, lấy súng ống quẳng vào cốp xe và chạy đi.

Một tiếng sau, Nguyễn Cao Kỳ bay trực thăng tới, vội vã đi bộ vào toà nhà chính chừng 5 - 10 phút, sau đó ra đứng chờ. Chờ một lúc thì chiếc trực thăng thứ 2 đến. Nguyễn Cao Kỳ khiêng 1 va li con cho lên máy bay. Ông còn nhớ trước khi leo lên trực thăng bỏ chạy, Nguyễn Cao Kỳ còn không quên ngoái lại trụ sở BTTM với ánh nhìn đầy tiếc nuối.

“Anh lính quèn” và mệnh lệnh cuối cùng của thời chiến

… Sau giờ khắc mà hai miền nối lại, ngay tại chính trụ sở của Bộ Tổng tham mưu, có hai nhà tình báo anh hùng của cộng sản... chạm trán nhau. Một người là sĩ quan chỉ huy cánh quân biệt động - đại tá anh hùng Bảy Vĩnh, còn người kia là anh thượng sĩ nhứt “quèn” mang bí số H3.

Lúc đụng nhau, lính của “ông cộng sản” vẫn không quên dặn lại "tên địch" mà sau này họ mới hay là đồng chí của mình, rằng: “Ông ở đây coi khu vực này nghen”.

Lời dặn chỉ bấy nhiêu, nhưng người đàn ông đó đã ở lại cho tới 3 giờ chiều, khi mọi việc bàn giao xong xuôi. Hệ thống máy tính lưu trữ hồ sơ của hơn 1 triệu quân VNCH cùng toàn bộ giấy tờ tại văn phòng Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên được niêm phong không mất một tờ nào.

Người đàn ông cao hơn 1m70 mà nặng chỉ ngoài 40 kg đó thậm chí còn tự đi kiếm giùm mấy ông giải phóng lá cờ khác để thay, rồi lại trực tiếp trao chìa khoá, dẫn quân giải phóng tiếp quản tất cả những gì còn lại ở cơ quan đầu não của quân đội Việt Nam Cộng hoà.

Chỉ khi ấy, ông mới thanh thản trở về nhà. Mệnh lệnh cuối cùng của thời chiến, nhiệm vụ cuối cùng của người lính ẩn danh: ông đã hoàn thành!

32 năm sau, trong 1 gian nhà nhỏ giữa Sài Gòn cũng vào cuối tháng 4, đại tá anh hùng Bảy Vĩnh nhớ lại khoảnh khắc đó: "Khi tôi và anh em xông vào thì thấy 2 nhân viên văn phòng ngồi chờ. Các ngăn tủ đã được khoá kín. Tôi hỏi đường lên nóc BTTM thì một người đàn ông cao, gầy chỉ đường...".

Mãi về sau, người hỏi lối kẻ chỉ đường mới có dịp gặp nhau trong một tình huống hoàn toàn ngược lại: Cuộc gặp mặt những anh em đồng đội của Phòng tình báo chiến lược (J22) - Bộ tham mưu quân giải phóng miền Nam. Chính Bảy Vĩnh - sĩ quan chỉ huy quân biệt động khi ấy, Cụm trưởng Cụm tình báo H67 (đơn vị anh hùng) – đã nhận ra ngay người đàn ông “phe địch” mà mình gặp khi đánh chiếm BTTM.

Cả 2 người, giờ đã vào tuổi "thất thập cổ lai hy", đều cùng nghỉ ngơi với quân hàm Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang ngành tình báo quân đội Nhân dân Việt Nam, cùng sinh sống ngay tại chính thành phố mà họ đã chiến đấu, bằng cách này hay cách khác nhau, để giải phóng đất nước.

Và bây giờ thì tất cả đều đã là con dân của một quốc gia thống nhất!

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm, (bí danh Sáu Trí, nguyên Trưởng phòng J22) sau này còn xác nhận thêm một chi tiết thú vị nữa: "Khi tiến vào trung tâm, đồng chí Bảy Vĩnh đã gặp nội tuyến của ta, chuẩn uý văn phòng BTTM. Nội tuyến này còn động viên sỹ quan binh lính địch ra hàng".

Nhân vật nội tuyến, người đàn ông cao gầy, thượng sỹ nhất ở văn phòng BTTM... cứ được nhắc hoài đó chính là H3, người mà rất nhiều năm sau này, CIA vẫn không ngừng thắc mắc: Ông là ai?

Còn nữa.

Theo Trái tim người lính

Hà Trường - Việt Hà - Thế Vinh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/diep-vien-mang-bi-so-h3-nguoi-giu-khoa-bi-mat-o-bo-tong-tham-muu-nguy-sai-gon-ky-1-a9436.html