Đang thiu thiu ngủ thấy cháu xuống gọi:
- Cô ơi: bố cháu bảo chiều cô lên, nhà anh H sang nói chuyện để đón hai mẹ con T sang nhà nội.
Mừng hơn bắt được vàng. Chị thu xếp, dặn hai đứa con: Chiều mẹ lên ngoại có tý việc. Nếu mẹ về muộn, con nấu cơm, hai chị em ăn trước đi nhé. Thằng em phụng phịu: mẹ cho con theo. Không, con ở nhà mẹ đi tý mẹ về. Chị dặn con rồi theo cháu lên ngoại luôn. Thấy nhà cũng đã tề tịu đông anh chị em. Ai cũng mừng vì nay mai mẹ con cháu được về bên nội. Khoảng 14h chiều, nhà chị đã sẵn sàng, chè nước, bánh kẹo trầu cau để nhà H đến thưa chuyện, ngày giờ rước mẹ con cháu về.
Nhưng đợi mãi, đợi mãi gần 17h cũng chưa thấy nhà trai. H chạy đi chạy lại mấy vòng. Mà hai nhà có xa xôi gì đâu, nhà chị ở phía nam, nhà H ở phía bắc cách nhau một con đường làng. Về khoảng cách chỉ cách nhau 100m. Anh trai nóng ruột đi ra đi vào, chị cũng giận lắm không nói gì. Mọi người bàn: thôi nhà nó không sang thì cứ ở đây, con khôn lớn có ai thương yêu thì lấy chồng. Cháu chị khóc: nhưng anh H vẫn thương yêu mẹ con cháu. Hơn 17h, nhà trai cũng sang, nhưng không phải bố mẹ H mà là ông chú và ông anh rể. Thôi trời không nghe đất thì đất phải nghe trời. Hai người nhà trai đến cũng chỉ dăm ba câu: vào 15h ngày kia chúng tôi đến đón cháu. Chị lặng người: cháu chị rẻ rúng vậy sao. Nhưng thôi, họ đón về cho có bố con, hai cháu đoàn tụ dù cháu chị cũng chấp nhận không được mặc áo cô dâu.
T và H yêu nhau, cả làng đều biết. Ai cũng vun vén cho đôi trẻ, chỉ có bố mẹ H không đồng ý, H hỏi lí do không ai nói gì. Rồi điều gì đến cũng xảy ra, T có thai nhưng mãi tháng thứ 3 cháu và gia đình mới biết. T nói với H, H về bàn với bố mẹ chọn ngày để xin cưới hỏi. Nhưng bố mẹ H không có ý kiến, hắn chửa thì đẻ không liên quan đến nhà mình. Phía gia đình anh chị của chị, mất ăn mất ngủ vì lời đàm tiếu của xóm làng. Cuối cùng anh chị quyết: thôi chửa thì đẻ, nuôi nấng cháu nên người, thiếu của chứ không thiếu người. Chị cũng động viên cháu và anh chị: cứ để cháu sinh giờ thai cũng lớn rồi, sau này bọn em sẽ giúp đỡ mẹ con cháu.
Mấy tháng sau, cháu chị sinh hạ quý tử và đặt tên là Đức. Bố cháu cũng thường xuyên thăm và động viên mẹ con nó. Đến ngày nhà trai đến rước mẹ con cháu (Đức đã được 3 tháng). Chị cũng lên ngoại từ trưa, ăn với mẹ con cháu bát cơm để đưa cháu về bên nội. Anh em, bạn bè của cháu đến rất đông. Mấy bà bạn gần nhà chị cũng lên vui với chị. Mọi việc đã sắp đặt cẩn thận. Đồ dùng, quần áo, tã lót được xếp gọn gàng, chờ nhà trai đến đón. Đã quá giờ định mà không thấy ai sang. Bên này nhà chị nghe tiếng mẹ H nói: không ai đón đưa gì cả, có chân thì sang. Chao ôi, thật chua xót làm sao. Người lớn ăn nói mà để đứa trẻ đau khổ rồi lại đau khổ thêm. Chị lên giường nằm khóc. Khóc cho thân phận mẹ và bé. Khóc cho sự bẽ bàng của nhà chị. Nhà chị đã chịu nhiều áp lực rồi giờ nghe tiếng bà ấy réo càng thêm đau lòng. Ai cũng bảo: tại sao H không tự quyết định, sang cưới hỏi rồi rước cả mẹ con về. Nhưng thương H lực bất tòng tâm. Mới lớn lên đang ở với bố mẹ, kinh tế chẳng có lấy gì mà lo được. Gần 18h. Chị gái chị bảo: thôi em ạ, sự việc đã như vậy rồi. Để chị bế bé cùng mẹ nó và bạn bè đến nhà H trao trả thằng Đức cho nhà nội em ạ. Thôi thương lấy cháu mình về đó cho có bố con. Chị không đi: thôi H bế con về, chị và các dì, các bạn đưa cháu sang, coi như nhà mình chịu lép vế. Lúc này không ai nói nổi từ nào. Cũng không ai trách cháu câu nào. Cả đoàn rồng rắn, đi đầu là H bế con. Về nhà chồng, cháu chị không được cưới hỏi, nó cũng buồn. Nhưng thằng Đức lớn lên từng ngày nhìn giống bố như đúc, ăn, chơi không khóc. Nó lớn như bầu nên mọi người gọi là Đức bầu. Về phía bố mẹ H. Ông bà sống không có hạnh phúc mặc dù đã có 2 trai 1 gái. Khi Đức về bên nội được mấy năm thì ông bà đưa nhau ra toà li dị, Toà huyện không xong họ kéo lên toà án Tỉnh. Bà ra đi trắng tay vì 2 ông bà không có tài sản. Có ít đất đai thì bà cố (bà gần 90 tuổi) tại toà Tỉnh, bà tuyên bố đất đai của tôi giờ tôi để lại cho 2 đứa cháu nội (tức là H và người em).
Bố H sau lấy bà vợ khác, còn bà mẹ đi làm ô sin mãi giờ về sống vật vờ như cái bóng, tuy 2 con trai nhưng không ở với đứa nào. Nói về cháu Đức, sau còn có đứa em đang học Trung học phổ thông. Còn Đức đang học năm cuối của trường Đại học ở Hà Nội. Đúng là phải sống có Đức, 22 năm rồi nhớ lại mắt vẫn rưng rưng.
Theo Chuyện Làng quê
Phạm Nghị
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/duc-a9497.html