Kiếp cầm ca

Ca sỹ Thiên Tứ tuổi Giáp Ngọ (1954) anh từng đoạt Huy chương vàng Toàn quốc, HCV Đồng bằng sông Cửu Long, HCV Tiếng hát Mùa Thu... với giọng ca bẩm sinh trời cho anh đã từng là giọng ca chủ lực của Bến Tre, Vĩnh Long và An Giang.

270337520-2970535939875694-2544357177072414767-n-1641365909.jpg

Ca hay như vậy nhưng anh vẫn sống một mình trong một căn phòng tập thể nhỏ của TTVH Tỉnh. Phòng của Anh đặc biệt cái là không được phép xài điện vì lý do anh hay sỉn, từng nấu mì gói ăn bằng ấm đun nước bằng điện và ngủ quên nên đã từng bị cháy trong căn phòng của anh. Anh lại có tật nói lắp, bình thường nói chuyện hay cà lăm, nhưng khi cất lên tiếng ca thì bao nhiêu người nghe phải trố mắt nhìn. Anh hát bài nào như bài nấy, độ chuẩn xác cao, không sai một nhịp, không chinh 1 nốt. Hỏi ra thì mới biết anh được đào tạo Thanh nhạc 4 năm ở Quân khu 9. Những bản nhạc đỏ, những bản nhạc khó cỡ nào anh chỉ cầm bài hát lên rồi tự xướng âm và ca luôn, trình độ như vậy nên nhiều người thán phục anh và cũng có nhiều người ganh ghét...

Có lần một người bạn dẫn anh đến nhà tôi nhậu, một thằng văn nghệ cấp xã như tôi mà quen được một nghệ sỹ cấp Sở như anh thì thật tình là một niềm vinh hạnh. Anh không có ngón đàn hay nhưng khi cầm cây guitar lên vừa hát vừa đệm vừa vỗ thùng là tôi chịu. Phải nói là không chê vào đâu được. Đặc biệt cái là anh càng uống rượu thì ca càng hay, anh cũng cho biết là ca mà không có rượu thì anh không ca được? Một lần, anh rủ tôi nhậu vì còn trong giờ làm việc nên tôi nói:

- Anh qua quán kêu mồi kêu rượu nhậu trước chừng 30 phút hết giờ làm việc tôi qua.

Vậy mà 30 phút sau, vừa ngồi xuống ghế anh đã cười hè hè cho hay là nhậu hết 1 lít rồi chỉ với nửa trái mận. Thì ra anh ghiền rượu, trong phòng anh không có một dụng cụ nấu nướng hay bất kỳ có chén đũa gì, hỏi lắm thì anh mới thú thiệt là chỉ ăn mì gói uống nước, vì không được xài điện nên ăn sống riết rồi cũng quen, nhiều bạn bè ái mộ anh biết chuyện nên họ hay mua nguyên thùng mì gói tặng cho anh. Những bài anh hát thời đó ai cũng thích là:

- I love you more than I can say, Sambario, Tiếng trống Ba ra nưng, Thuyền và Biển , Nhà anh nhà em, Nắng chiều, Bà Rằng Bà Rí...

Ngày 20/8/2000 ngày khánh thành khu lưu niệm Bác Tôn tại Mỹ Hòa Hưng mở đầu cho chương trình văn nghệ trực tiếp trên VTV3, anh hát bài: "Em ơi mùa xuân có Đảng" một bài viết về Bác Tôn của nhạc sỹ Dương Hưng Bang, vậy mà khi vừa cất giọng lên thì... mất điện. 3 lần như vậy nên tiết mục của anh bị cắt vì trễ giờ khai mạc. Sau một năm, ngày 19/8 là ngày thành lập ngành Công an. Hôm đó buổi lễ tổ chức ở hội trường Tỉnh ủy có trực tiếp truyền thanh, anh lĩnh xướng hát bài Quốc ca anh sỉn nên hát lộn bài Lãnh tụ ca trước, hát xong biết mình hát sai nên anh về phòng nằm trùm mền chờ mấy sếp tới mời anh làm việc. Khi biết lý lịch của anh trong veo và chuyện hát sai chỉ vì còn đang xỉn rượu, thế là anh thoát tội nhưng nhận quyết định cho thôi việc mà không có một đồng trợ cấp nào.

Anh ôm va li vào tìm tôi xin tạm trú, tôi coi anh như người thân cũng tha phương cầu thực như nhau nên tôi và những người bạn trong đội văn nghệ cưu mang anh. Để có tiền xài khi không có show hát anh lãnh 50 tờ vé số bán cho những người thân quen, tiền lời đủ nhậu cả ngày. Tôi muốn giúp cho anh nên kiên trì làm đơn, hỏi thăm các người bạn trong ngành Văn hóa hướng dẫn các thủ tục xin hưởng trợ cấp. Đến năm 2004 anh được mời ra nhận giải quyết 11 tháng lương cho 11 năm công tác.Có tiền, anh quyết định về Bến Tre quê hương anh. Bạn bè ngậm ngùi chia tay anh ca sỹ tài hoa nhưng nát rượu. Khi đã thân tình hỏi tại sao anh hát hay mà vẫn sống một mình anh ngần ngừ một chút rồi mới kể:

- Lúc ở Bến Tre đã có vợ và một đứa con gái, hai mẹ con cô ấy hiện đang ở nước ngoài. Sau nay tôi có 3 người vợ nữa nhưng bà nào cũng bỏ tôi sau một thời gian chung sống.

- Tại anh bê tha chuyện nhậu nhẹt hay sao mà mấy bà bỏ anh?

Anh cười ngập ngừng không chịu nói, thấy vậy tôi cũng không hỏi thêm làm gì. Nhiều bạn bè biết anh hát hay mà vẫn sống cảnh độc thân hay trêu anh là ca sỹ "Tư Thiến". Một lần gặp ca sỹ TD anh cho tôi biết:

- Anh TT có cái bệnh về sinh lý nam cần phải Tiểu phẫu nhưng anh không chịu.

- Tiểu phẫu cái gì? Tôi hỏi.

- Bệnh của anh ấy hơi khó nói, nghĩa là khi gần phụ nữ lúc hưng phấn thì "vũ khí" của ảnh nó... nhỏ lại. Vì vậy mà ở với bà nào cũng trớt quớt, ảnh buồn nên càng uống rượu nhiều là vậy.

Lần đó TT quyết định về Bến Tre, bạn bè ai cũng mừng cho anh vì sau bao năm bôn ba anh đã trở về với gia đình. Nhưng tình cờ một người quen gặp tôi cho biết anh TT không về nhà mà ra tạm trú ở nhà thờ Bến Tre nơi những người vô gia cư sống tập trung tại đó. Một người bạn ở Long xuyên đi công tác ở Bến Tre điện về hỏi thăm tin tức gia đình của anh TT. Tôi nói chỉ biết anh đang ở cùng những người cơ nhỡ ở nhà thờ. Vậy mà người bạn cũng tìm gặp, thấy anh đang te tua tội quá nên thuê xe đưa anh về Long xuyên, lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho anh đàng hoàng. Bạn bè ai cũng khuyên anh cai rượu anh giận, khuyên anh ăn cơm anh giận, ở được vài tháng anh lại xin về Bến Tre, anh lầm bầm:

- Anh muốn trước khi chết anh được chết trên quê hương của mình. Người bạn buộc lòng kêu xe đưa anh về lại Bến Tre.

Anh về Bến Tre lần đó là tui tôi bặt tin anh. Sau này mới biết Anh mất ngày 29/4/2008. Điều đáng nói là anh mất không ở gia đình anh mà mất ở Nhà Thờ nơi những người vô gia cư lang thang. Một lần theo bạn đến huyện Châu Thành Bến Tre dự tiệc giỗ tôi mới biết rõ chuyện cuộc đời anh qua những lời kể của những người bạn học cùng thời với anh. Họ cũng cho biết mộ của anh được ngành VH địa phương bỏ kinh phí ra xây cẩn gạch rất đẹp, tiếc là thông tin đó tôi chỉ biết được lúc sắp ra về nên chưa kịp đến thăm anh. Còn chuyện vì sao anh phải bỏ gia đình ra sống bụi đời như vậy thì đó là một chuyện tế nhị riêng tư của anh và gia đình các bạn nhé.

 

Theo Chuyện Làng quê

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kiep-cam-ca-a9512.html