Bàn về chữ tín

Năm hết tết đến, người Việt Nam ta thường muốn trả hết nợ để bước sang năm mới gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và làm ăn phát tài, thuận lợi.

271153466-2094373917389599-6635186118757665469-n-1641366472.jpg
Ảnh minh họa

Nhưng sự đời thường không đơn giản như vậy, nhiều khi cái sự vay thì dễ mà cái sự trả mới là cả một vấn đề. Bởi thế người ta mới nói: “Vay mật trả gừng”. Nhiều khi không cho vay thì còn bạn, đến khi cho vay xong thì mất cả tiền lẫn bạn. Cho nên khi gặp người đang khó khăn nếu có thể một là cho hai là không, chứ nhất định không bao giờ cho vay... Bởi vì, người cho bạn mượn tiền không phải là người thừa tiền và lại càng không phải là người dại dột để bạn dễ dàng lợi dụng.

Người có thể cho bạn vay tiền nhất định là người rất tôn trọng và đặt tất cả sự tin tưởng vào bạn.

Người ta không những cho bạn vay tiền mà còn không cần đặt ra điều kiện gì cho bạn, đó chính là muốn giúp bạn.

Người cho bạn vay tiền khi bạn gặp khó khăn như vậy không có nhiều. Nếu gặp được, nhất định bạn phải trân trọng vì đó là người đã giúp bạn.

Thứ người ta cho bạn vay không phải chỉ là tiền mà đó chính là lòng tin và sự tín nhiệm, sự khích lệ và tin tưởng vào năng lực của bạn để giúp bạn vươn lên trong tương lai. Cái đó chính là chữ “TÍN”. Trong văn hoá người Việt chữ TÍN rất được coi trọng và người ta coi đó như một chuẩn mực đạo đức của con người trong cuộc sống. Bởi thế cho nên theo lẽ thường bất kể ai sống ở trên đời này đều luôn luôn tôn trọng chữ “Tín”. Thất tín chính là sự phá sản lớn nhất của cuộc đời. Cho nên, hãy trân trọng những người đó và hãy giữ gìn chữ “Tín”.

 

Theo Chuyện Làng quê

Nguyễn Quốc Hùng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tan-man-ban-ve-chu-tin-a9513.html