Có đi xe lửa , chúng ta mới thấy hết cái mênh mông rộng lớn của Liên Xô và cái đông đúc về nhân khẩu của Trung Quốc là như thế nào .
Thảo nguyên hoang vu không một bóng người, không một ngôi nhà hai bên đường tàu chạy khi từ ga này đến ga kia. Chỉ có những cây cột điện bằng gỗ thông im lìm như những anh lính đứng chào chúng tôi trước khi rời khỏi đất nước Xô Viết.
Khi tàu chạy sang đất Trung Quốc, quanh cảnh khác hẳn. Những con đường rộng như quảng trường Ba Đình của ta ken đặc một màu xanh xì lầm. Những con người cả nam và nữ đang hối hả, lầm lũi đạp xe trên đường. Có chứng kiến những cảnh này ta mới hiểu tại sao trong các cuộc chiến , Trung Quốc không tiếc sinh mạng của binh lính, của nhân dân. Chiến thuật " biển người " là xuất phát từ đây. 6 tháng trước, ngày đoàn Việt Nam bước chân sang Trung Quốc, cứ khi qua mỗi ga đã có sẵn những đoàn hồng vệ binh đón chào bằng cờ hoa, bằng những âm thanh của não bạt , tiếng trống thùm thùm. Ngày đoàn trở về lại Việt Nam , một sự im lìm ghẻ lạnh. Các nhà ga chỉ có các nhân viên đường sắt làm việc , không một câu nói , một nụ cười .
Bằng Tường đây rồi , con tàu liên vận đã kết thúc chuyến đi dài ngày gần nửa tháng để về Việt Nam . Những đứa con xa nhà, xa cuộc chiến ở Việt Nam đã trở về với Mẹ. Phải nói rằng trong những ngày ở Bacu , chúng tôi không lúc nào thôi nhớ về Việt Nam. Ở đó có bố mẹ và các em , bà con hàng xóm , bạn bè sinh viên học cùng lớp. Ai còn, ai mất . Chiến tranh mà. Mỹ đang đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam bằng máy bay hơn trước hồi 1968 . Mỗi buổi sáng trên sân doanh trại, trung đoàn được tập hợp đứng nghiêm chỉnh nghe chính uỷ trung đoàn đọc tin thời sự 15 p. Tin mỗi ngày ta bắn rơi bao nhiêu máy bay Mỹ ở miền bắc. Tin chiến sự ác liệt ở Quảng Trị ta diệt bao nhiêu tin địch . Chỉ tóm tắt như vậy nhưng cũng làm chúng tôi đủ hiểu chiến tranh ở Việt Nam đang như thế nào . Kết thúc lời chính uỷ nói bao giờ cũng bằng bài hát " xa khơi" . Ôi sao da diết thế chị Tân Nhân. "Nắng toả chiều nay, chiều toả nắng đôi bờ anh ơi". Càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà , nhớ về Việt Nam của mỗi người lính chúng tôi.
Đây rồi , tàu đã sang đất Việt Nam. Tàu chạy từ từ trên những cung đường được sửa chữa vội vàng. Nhân viên đường sắt thông báo đoạn đường này mới bị bom ngày hôm qua . Những hố bom còn tươi màu đất . Những đoạn ray xe lửa cong queo , những thanh tà vẹt còn ngổn ngang hai bên đường. Và rồi , tàu dừng lại.
Chúng tôi được thông báo: "Tất cả về chỗ của mình, ngồi yên không đi lại ". Sao thế nhỉ ? Mọi thắc mắc được giải đáp ngay . Tàu tiếp tục lăn bánh nhưng rất từ từ , rồi chậm dần đến một tốc độ gần như đứng yên . Nhưng chúng tôi vẫn biết tàu đang chạy khi nhìn theo định vị một thứ gì đó qua cửa sổ tàu. Ôi trời ! Sông. Tàu đang qua cầu . Nhưng cầu đâu ? Không có thứ gì để ta biết tàu đang qua cầu . Không có những dầm sắt , lan can . Tôi nhoài đầu qua cửa sổ ngó xuống . Tàu đang chạy trên 2 thanh ray bắc qua những trụ cầu . Người lái tàu đang làm xiếc y như một diễn viên xiếc đi xe đạp chậm trên dây. Tôi nói to "cầu chỉ có 2 thanh ray chúng mày ơi" . Mọi người trong toa nhốn nháo định thò đầu ra để nhìn thì a đại đội trưởng quát to " tất cả ngồi im " . Mọi người ngồi im lại.
Hồi hộp trong ánh mắt . Ai cũng nhìn ra bấu trời phía xa. Lúc này mà máy bay Mỹ đến thì cả đoàn tàu chỉ có nằm dưới sông , hết chạy . May thật may. Chừng nửa giờ sau thì đoàn tàu cũng qua hết bên này sông . Lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm và nhốn nháo hẳn lên hỏi nhau cầu này cầu gì . Không ai biết để trả lời . Mãi sau có tiếng cậu Hưng pháo thủ số 3 người lào cai nói " cầu Việt trì " . Anh Đông tiểu đội trưởng ,học sinh miền nam đang học năm thứ 4 bách khoa thì nhập ngũ đốp lại ngay " Cầu Việt Trì đâu ở hướng này ". Vậy là im , không ai biết. Tàu tiếp tục lăn bánh , tăng dần tốc độ để rồi hơn tiếng nữa thì dừng hẳn . Không phải nhà ga . Xung quanh nơi tàu đỗ là những cánh đồng đã được cày ải . Bà con nông dân đang làm việc phía xa xa . Tất cả được lệnh dời tàu để leo lên đoàn xe tải quân đội đã chờ sẵn .
Thế là chúng tôi, những người lính của trung đoàn 277 Sam 3 đã chính thức đặt chân lên đất mẹ Việt Nam sau 6 tháng xa cách . Tổ quốc đang kêu gọi những bước chân của chúng tôi cùng hoà nhịp vào bản hùng ca của 12 ngày đêm Hà Nội máu lửa, cùng sánh vai với các đơn vị đàn anh sam2 trong đội ngũ binh chủng tên lửa anh hùng. ( còn tiếp ).
...........
Sau 12 ngày đêm "Hà Nội Điện Biên Phủ trên không " có tin nói rằng " Trung Quốc giữ lại đoàn tàu chở khí tài Sam3 ở biên giới, tháng sau mới đưa sang Việt Nam nên tên lửa Sam3 mất cơ hội đánh B52" .
Tôi cho rằng ý kiến này cần bàn lại. Đúng là đến trung tuần tháng 1/1973 đoàn tàu chở khí tài mới về đến một ga xép gần huyện Sóc Sơn, về Việt Nam sau chúng tôi một tháng .
Sự chậm trễ này có lí do. Đoàn 277 khảo sát bắn đạn thật xong tại trường bắn thuộc sa mạc Karakum thì được lệnh lên đường về nước ngay. Người về trước , khí tài về sau. Toàn bộ khí tài của một trung đoàn tên lửa là rất nhiều và cồng kềnh. Không phải như con người cứ vác va li lên tàu là tàu chạy. Tất cả công tác kích , kéo các bệ phóng, dàn rada... Từ trường bắn lên tàu hoả (do lính nga đảm nhận) cũng mất nhiều thời gian chứ không phải nhanh . Ít cũng tuần . Như vậy thời gian đoàn tàu chở khí tài về đến Bằng Tường Trung quốc cũng là lúc Mỹ bắt đầu dùng B52 đánh Hà Nội. Như ở trên tôi đã nói , đoạn đường sắt lạng sơn Hà nội ngày ấy bị đánh phá ác liệt. Cầu gẫy .
Liệu trong thời gian 1 tuần cây cầu bắc tạm bằng 2 đường ray có sửa chữa kịp thời được không để tàu chở khí tài qua sông an toàn ? Khó. Liệu cấp trên có quyết đoán chở khí tài qua sông bằng mọi giá dù cầu tạm bằng 2 đường ray? Không dám.
Liệu có cần thiết tung hết lực lượng dự bị ra chơi nhau với Mỹ khi mà các lực lượng sẵn có đang phát huy hiệu quả , đánh thắng ròn rã với hiệu suất cao , trong khi đó lực lượng dự bị này mới chỉ là anh lính mới tò te chưa qua trận mạc ? Theo tôi không cần thiết .
Với các lí do trên , nghi vấn " sam 3 chưa lâm trận kịp thời vì Trung Quốc ... " chỉ là nghi vấn . Không thể khẳng định.
Còn tin giáo sư Trần Đại Nghĩa cho nối tầng nên Sam2 mới bắn hạ được B52, sai hoàn toàn. Không phủ nhận sự uyên bác của giáo sư nhưng chiến công này là chiến công của lòng dũng cảm, sự mưu trí của các cán bộ chiến sĩ tên lửa Sam2. Từ những ngày đầu khi các tiểu đoàn của trung đoàn 236 theo chân bộ binh vào tận Quảng trị để nghiên cứu tìm ra cách đánh B52 như thế nào. Cho đến khi ta tìm ra cách đánh 3 điểm, phá nhiễu ...là cả một quá trình mất nhiều thời gian và xương máu.
Theo Trái Tim Người Lính
Binh Nguyen
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cung-dung-trong-doi-ngu-binh-chung-ten-lua-anh-hung-tro-ve-voi-me-viet-nam-a9524.html