Mục Đồng

Làng tôi đầu những năm 90 nghèo lắm, hầu hết mọi người đều làm ruộng, chỉ có một vài gia đình có vợ hoặc chồng làm giáo viên cấp 1, cấp 2. Nhưng làm giáo viên ngày ấy cuộc sống cũng chẳng khấm khá là mấy nên sau giờ dạy học các thầy cô giáo vẫn tham gia cấy cày, tăng gia sản xuất.

Ông bà, bố mẹ tôi cũng vậy, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn chẳng đủ ăn. Trong làng, nhiều nhà nuôi một đến vài con trâu để kéo cày.

Nghe ông bà tôi nói: "Con trâu là đầu cơ nghiệp", "Con trâu đi trước, cái cày theo sau". Nếu không có trâu thì ruộng đồng nhà nông lại nhiều, mọi người không biết xoay xở ra sao.

Nhà ông bà nội có tất thảy 9 người con, trong đó bố tôi là con thứ 3 trong gia đình. Khi hai anh chị của bố tôi mất sớm vì bạo bệnh (thời xưa người ta thường gọi là bệnh sài) mà không tìm ra thuốc chữa, thì bố tôi trở thành anh cả của 6 người em. Cô út chỉ hơn tôi vài tuổi.

muc-dong-1641448968.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp

 

Chính vì ông bà nội đông con, nên cả nhà đều hay lam hay làm từ sớm. Và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi thường cùng các cô đi chăn trâu, cắt cỏ, rửa cỏ tích ở chuồng trâu, cho trâu ăn dần. Ông bà nuôi trâu để trâu kéo cày. Nếu cày hết ruộng nhà mình rồi, ông còn mang trâu đi cày thuê cho nhà khác.

Những chiều hè trời oi nóng, sau khi trâu ăn no cỏ ngoài đồng, cô cháu tôi thường xuyên cho trâu xuống sông tắm mát, cũng là để trâu sạch bùn đất, trước khi dắt trâu về chuồng. Tôi nhớ có lần, khi trâu lội xuống sông, tôi tinh nghịch trèo cả lên lưng trâu ngồi vắt vẻo để trâu đưa tôi sang bờ sông bên kia. Nhưng cũng có nhiều lần, trâu ngúng nguẩy khiến tôi chẳng thể bám vào lưng nó để mà trèo lên được.

Ở làng, trâu nhà ông tôi hay chăn cùng cánh đồng với trâu nhà ông Toàn, nên nếu trâu nhà ông Toàn nhìn thấy trâu của ông tôi ở xa là nó phát hiện ra ngay. Chúng tần ngần đứng nhìn nhau với ánh mắt hình viên đạn, đầu chúng cúi gằm xuống để lộ cặp sừng dài nhọn hoắt, sẵn sàng chạy tìm nhau, lao vào húc nhau. Lúc này, cô cháu tôi đều hết sức vất vả để kéo trâu nhà mình ra xa, tránh chúng hung hăng húc nhau thì nguy hiểm.

Nhớ có lần, tôi một mình chăn trâu, khi tôi mải xem lũ con trai thả diều, nên để mặc cho trâu tự gặm cỏ, không ngờ một lúc sau quay lại thì trâu tôi chăn đã phi xuống ruộng ăn lúa non nhà ông Khi. Tôi hớt ha hớt hải chạy lại, chộp vội lấy sợi dây thừng dài xỏ ở mũi trâu, kéo trâu lên bờ.

Khổ nỗi người tôi thì vừa bé vừa thấp so với con trâu đen to đẫy đà, béo múp míp. Vậy nên dù tôi có lấy hết sức, cong cả lưng, chân đất bấm chặt xuống ruộng để kéo trâu, mà nó vẫn lì lợm đứng yên không chịu nhúc nhích. Không còn cách nào khác, tôi đành phải gọi to cô Trâm - con gái ông Toàn cũng đang chăn trâu ở đầu ruộng bên kia đến trợ giúp mới ổn thoả.

Cũng may, ông Khi chủ của thửa ruộng đó biết trâu tôi chăn ăn lúa nhà ông, nhưng ông không bắt đền mà chỉ nhỏ nhẹ: "Từ nay cháu chú ý, đừng để trâu ăn lúa nhà khác nhé. Lần này ông không phạt. Lần sau ông vào tận nhà nhắc nhở đấy".

Tôi bối rối, xin lỗi ông Khi và hứa sẽ tập trung chăn trâu hơn. Còn cô Trâm, người đã giúp đỡ tôi kéo trâu từ ruộng lên bờ, sau lần đấy tôi không còn được gặp lại cô nữa. Vào một buổi chiều muộn, cả làng tôi nháo nhác khi hay tin cô bị kẻ xấu dụ sang Trung Quốc. Từ đó tới nay, cũng không ai biết tung tích của cô. Tôi vẫn nhớ hình bóng cô Trâm thâm thấp mỗi buổi chăn trâu ngoài đồng. Tôi thương cô và ước mình được gặp lại cô để nói lời cảm ơn. Giờ đây, nếu như được nhìn thấy cô, tôi sẽ tặng cô chiếc áo ấm áp khi gió đông về. Bởi ngày xưa, cô kể cô rất thích một chiếc áo len màu đỏ ngoài chợ mà không đủ tiền mua.

Mùa đông kèm những cơn gió mùa réo rắt, tê tái ngoài đồng, trâu nhà ông tôi được ở lại trong chuồng nhiều hơn ra đồng để tránh lạnh, thì tôi lại cùng các cô tôi đi cắt cỏ, rửa cỏ, bỏ vào chuồng cho trâu ăn dần. Có lần tôi suýt chết đuối ngoài sông, lúc đó tôi còn bé xíu, chỉ là em bé học cấp 1. Nguyên nhân làm tôi suýt đuối nước là khi tôi đang rửa cỏ cho trâu thì nhìn thấy con chuồn chuồn kim màu sắc rất đẹp đậu trên quả mít trôi gần mình, nên với tay ra bắt. Kết quả là, chuồn chuồn kim chẳng bắt được, mà tôi bị ngã dúi dụi xuống sông chìm nghỉm, uống no nước, và lạnh buốt. Rất may, cô tôi cũng đang rửa cỏ gần đó, nhảy ra và vớt tôi lên. Thật hú vía. Sau lần chết hụt đó, tôi được dạy bơi sông và biết bơi lúc nào không hay.

Ngày học lớp 7, ở ngôi trường làng, tôi mới được tiếp xúc với tiếng Anh. Tôi nhanh chóng bị thu hút bởi môn học mới lạ này. Tôi học từ vựng, ngữ pháp và các câu thoại Tiếng Anh rất nhanh nên hay được bạn bè hỏi bài. Mỗi khi ra đồng chăn trâu, là thời điểm tôi vui nhất, bởi tôi được thoải mái nói tiếng Anh với trâu, vô tư hát nghêu ngao với trâu mà không ngượng ngùng, không ngại ai phán xét. Có thể, trâu chẳng hiểu tôi nói gì đâu, nhưng tôi vẫn nói thứ tiếng xì xồ này với nó. Tôi nhận thấy, chỉ khi ở cánh đồng, ở bên trâu, tôi mới có thể tự tin nói những gì tôi thích. Chứ nếu ở nhà, tôi nói ngoại ngữ, bố mẹ sẽ mắng tôi vì cái tội tôi đang nói thứ tiếng mà họ không hiểu.

Khi tôi học hết cấp 2, các cô chú tôi trưởng thành và lần lượt có gia đình riêng, nhà ông bà nội tôi cũng không còn nuôi trâu nữa. Chiếc chuồng trâu ngoài đầu ngõ bị phá bỏ để xây một ngôi bếp ngói mới.

Giờ đây, mỗi lần về thăm nhà, nhìn thấy đàn trâu mộng đang ung dung, đủng đỉnh gặm cỏ giữa chiều hoàng hôn tím hay bình minh chói chang giữa miền quê hương nắng gió, tôi lại bồi hồi nhớ những ngày đi chăn trâu cắt cỏ với cô tôi, tôi khắc khoải thương nhớ cô Trâm nhà ông Toàn đã giúp tôi kéo trâu từ ruộng lên bờ, tôi xào xạc nhớ tôi của những ngày thơ khó khăn, đói ăn, đói mặc đó.

Ôi, tuổi thơ chẳng có smartphone, chẳng có các thiết bị công nghệ mà sao quý giá đến thế. Tuổi thơ với làn da đen nhẻm, chân đi đất để chăn trâu, trò chuyện tiếng Anh với trâu. Nhiều khi chú mục vào việc nói chuyện với trâu quá tôi còn giẫm cả chân vào gốc rạ cứng nhắc khiến chân bị đau, nhưng với tôi đó là những kỷ niệm ăm ắp chẳng thể phôi phai.

Theo Chuyện làng quê

Nhật Hà

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/muc-dong-a9531.html