Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 14 )

Chiến tranh làm đảo lộn cuộc sống của con người. Thế nhưng, con người vẫn cứ sống theo quy luật sinh tồn. Ở căn cứ trên Trường Sơn, vẫn có những gia đình sinh con đẻ cái. Thanh niên nam nữ vẫn yêu đương, cùng nhau xây dựng hạnh phúc riêng tư.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

 

Tôi cũng vậy. Gặp nhau vào mùa xuân năm 1972, tôi và Ngân yêu thương nhau, quyết vượt mọi khó khăn để kết duyên vợ chồng. Tôi đã viết về mối tình ấy như thế này:

“Nhớ một thời trong trường kỳ kháng chiến

Anh gặp em khi đất nước vào xuân

Mặc đạn bom, tình yêu ta vẫn nở

Như chồi non dám vượt mọi phong ba!”

Chúng tôi là đồng đội, chung một chiến hào, chung một lý tưởng, hiểu và đi đến với nhau một cách tự nhiên, với tình yêu mãnh liệt, không sợ bất cứ trở ngại nào, như đôi lứa trong bài hát Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt:

“1. Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta

Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba

Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra

Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang

Qua núi biếc trập trùng xa xa, qua bóng mây che mờ quê ta

Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha...

 

Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa

Đã biến tình đôi ta thành những cánh sao toả sáng

Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa

Bến nước Cửu Long còn đó em ơi

Biển lúa nương dâu còn mãi muôn đời

Là còn duyên tình ta thắm trong tiếng ca không thể xoá nhoà.

 

2. Khi đã nghe tiếng ca của lòng người yêu phương xa

Em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta

Chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay

Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây

Em hãy nở nụ cười tươi xinh như cánh hoa xuân chào riêng anh

Nói nhau ngàn lời qua đôi mắt xanh...

 

Ta hát chung tiếng ca vang dội từ ngàn phương xa

Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu

Đập tan bao ngay đau khổ và chia ly

Giữ lấy đức tin bền vững em ơi

Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời

Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người”.

Tôi được biết rằng “Năm 1954, Hoàng Việt tập kết ra Bắc còn vợ vẫn ở miền Nam. Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, gia đình ly tán, năm 1957 ông đã sáng tác Tình ca khi đang học Trường Âm nhạc Việt Nam. Ngay sau khi ra đời, bài hát là "một tác phẩm thanh nhạc được dư luận đánh giá là bản tình ca hay nhất thời bấy giờ". Tuy nhiên Tình ca có số phận khá long đong. Khi ca sỹ Quốc Hương thể hiện Tình ca lần đầu tiên ở Hà Nội, một số nhạc sĩ cho rằng ca từ bài hát bi lụy, yếu đuối. Tình ca vì vậy không được tiếp tục phổ biến nữa, khi Hoàng Việt vào chiến trường miền Nam rồi hy sinh ngày 31 tháng 12 năm 1967, bài hát mới dần dần được trình diễn. Bài hát được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu mến, nhà thơ Bảo Định Giang đã viết: "Sau hơn 40 năm, Tình ca vẫn ngân vang khắp nước”.

Bài hát là những nỗi lòng và tâm sự của chính tác giả gửi tới người vợ thân yêu khi đất nước đang bị chia cắt, cuộc sống chiến đấu đầy gian lao vất vả” (Bài ca đi cùng năm tháng).

Khác với đôi lứa trong “Tình ca”, tôi và Ngân chung một chiến trường, không chịu cảnh ly tán, nhưng có chung niềm tin ở tình yêu, sự chiến thắng của khát vọng sống chân chính.

Vào ngày 22 tháng 8 năm 1974, tôi và Ngân làm lễ thành hôn. Đám cưới ở rừng do cơ quan tổ chức cho vui vô cùng. Tôi đã nhờ phóng viên Xuân Soạn làm một bản tường thuật bằng âm thanh, ghi bằng máy cassette Nivico. Bởi vậy, tôi lưu giữ được những âm thanh dào dạt sức sống, ngọt ngào tình đồng chí thế hiện trong đám cưới ấy. Tôi xin dẫn ra hai trường hợp đặc biệt, liên quan đến âm nhạc. Đó là tiết mục hát Bài chòi của Phước, và tiết mục hát dân ca đặt lời mới của tốp nữ phóng viên Thông tấn xã mừng hạnh phúc của chúng tôi. Thời đó, chúng ta không có bài hát nào thực sự phục vụ đám cưới. Cho nên, vào đám cưới, hát bài gì cũng được, miễn là vui. Thế nên mới có chuyện hài, là ông bà già nọ đến dự một đám cưới của cháu, nhưng đi hơi muộn, đám đã vào phần văn nghệ. Tới gần, nghe tiếng hát từ trong hội trường phát ra “Không cho chúng nó thoát/Không cho chúng nó thoát/Chúng bay vào sẽ không có đường ra”, ông bà suýt bỏ chạy. Lại nói về đám cưới của tôi, Phước, một thanh niên mảnh dẻ, có nước da trắng bóc, là người coi kho của Ban, lên hát tặng chúng tôi Bài chòi đậm đặc chất cách mạng (Tiếc rằng Xuân Soạn làm kiểu phóng sự, cho nên ghi không trọn vẹn các bài hát, nhất là bài do Phước trình bày, cho nên tôi chỉ ghi trích được mấy câu như sau):

“Như Thái Bình Dương không bao giờ cạn

Như Cửu Long giang ngày tháng vẫn trôi

Dòng máu Bác Hồ dòng máu sáng ngời

Chảy, chảy mãi trong mạch đời chân lý

Sáng sáng mãi theo ngàn thế kỷ

Là ánh sao băng chói rạng muôn đời”...

Các chàng trai, cô gái Thông tấn hát tặng chúng tôi bài dân ca “Trống cơm”, “Nhạc rừng”. Rồi, 3 cô gái Thông tấn là Thùy, Trinh, Thoa (lẽ ra là 4, nhưng Hòa đang đi công tác Bình Định nên vắng mặt) đặt hẳn lời mới cho điệu “Cây trúc xinh”, cùng các chàng trai hát hóm hỉnh:

...Nàng Ngân xinh tang tình là nàng Ngân gọi

ới mới gọi ới qua bờ kia

nàng Ngân xinh tang tình là nàng Ngân đứng

đứng đứng bên này gọi với anh Việt Long

 

Anh Việt Long tang tình mà nghe Ngân gọi

Anh mới chạy í ra bờ sông

Trời mưa to tang tình là không qua được

ấy mấy đành đứng bên này sông

 

Chị Ngân xinh, tang tình là chị Ngân đứng,

Đứng đứng bên này trông ngóng sang bờ kia...

Đứng đứng bên này trông ngóng sang bờ kia...

 

...Đến hôm nay, tang tình ngày vui anh chị

Dưới ánh điện xinh càng xinh

Chị em tôi đến mừng ngày vui anh chị

Chúc anh chị í yêu bền lâu

Cùng bên nhau, tang tình cầu mong anh chị í

Sống sống trọn đời hạnh phúc bên nhau!

Sống sống trọn đời hạnh phúc bên nhau!

Các cô gái này hóm thật, lại để ý chuyện chúng tôi nữa chứ. Đúng là có lần tôi muốn qua sông thăm Ngân nhưng trời mưa, nước dâng cao, đành đứng bên này nhìn sang bên kia sông. Bài hát này, tới nay tôi nghe vẫn thấy rưng rưng trong lòng, bởi nó là di sản âm nhạc của cha ông, lại được các bạn trẻ vận vào chúc phúc cho mình, có gì đáng quý hơn?

***

 “Vận nước đã đến rồi’’! Đúng như vậy, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã đến hồi cao trào, tạo nên triều dâng sóng dậy, cuốn phăng quân xâm lược, tiến tới ngày toàn thắng. Giai điệu của Tổ quốc ta đa thanh, hào hùng làm sao. Ở căn cứ của chúng tôi, khắp nơi nhộn nhịp không khí tấn công, nổi dạy, nơi nơi vang lên những bài hát ca ngợi chiến thắng của quân giải phóng.

Trong những ngày tháng sôi động này, những bài hát phản ánh cuộc chiến đấu vô cũng ác liệt và chiến thắng vẻ vang của quân, dân ta tại đường 9, Nam Lào lại có dịp ngân vang hơn bao giờ hết. Đây cũng là dịp để các nhạc sĩ ca ngợi tình bạn chung thủy gắn bó Việt Lào mà tôi đã đề cập ở trên. Thời kỳ đó, theo Hoài Hương -  VOV.VN, “... nhiều văn nghệ sĩ đã vào chiến trường, ở mặt trận đường 9- Khe Sanh. Đặc biệt là các nhạc sĩ, họ vừa hành quân vừa sáng tác những ca khúc “nóng bỏng” hơi thuốc súng đạn bom, khích lệ tinh thần quân và dân đường 9 - Khe Sanh và những vùng mới giải phóng.

Trước tiên phải kể đến hai nhạc sĩ Huy Thục và Lê Lan. Ngay từ những ngày bước chân đến chiến trường Quảng Trị, tham gia các trận đánh và mừng vui với chiến thắng, nhạc sĩ Huy Thục đã viết  Tiếng hát trên đường quê hương 

“Tin chiến thắng “Một thắng 20 của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” ở đồi Không Tên bên suối La La đã khiến Huy Thục hứng khởi viết ngay trong hai ngày hoàn thành ca khúc “Ơi! Con suối La La”. Nhạc sĩ Lê Lan cũng hưởng ứng bằng ca khúc vui nhộn hài hước, đậm chất lạc quan của người lính Giải phóng quân “Tiểu đội ta đạt ba danh hiệu”.

Rồi như cảm hứng bất tận trên bước đường hành quân, hay qua những vùng giải phóng của người dân tộc Pako, Vân Kiều…, nhạc sĩ Huy Thục liên tiếp sáng tác các ca khúc:  Cô gái Pa cô ,

“Chào đường 9 anh hùng”. Đặc biệt, sau trận Gio An, nhìn hình ảnh  người Vân Kiều vừa tải đạn vừa đánh đàn Ta Lư đón tin chiến thắng, ông đã viết ca khúc “Tiếng đàn Ta Lư”, được hoàn thành ngay tại đại đội 1 công binh khi vừa mở đường xong”...

...Cuối xuân 1968, nghệ sĩ Tường Vy đã trình diễn “Tiếng đàn Ta Lư” báo cáo Bác Hồ và tác giả bài hát được tặng Huân chương Chiến Công hạng Nhì vào tháng 6.1969. Cùng với các tác phẩm trên, Huy Thục còn viết hành khúc 1 đoạn tặng đại đội đánh cao điểm 1009 Động Tri “Trung đoàn dũng sĩ Gio An”, ca cảnh “Khe Sanh” với 11 đoạn hát. Đến năm 1968, ông lại viết ca khúc “Cô gái Pa Kô đi tải đạn” cho nghệ sĩ Ngọc Minh làm nhạc múa...

...Bên cạnh hai nhạc sĩ quân đội, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng gửi vào chiến trường nhạc sĩ Văn Dung...

...Hình tượng người chiến sĩ giải phóng quân đã được hai nhạc sĩ Văn Dung và Triều Dâng khắc họa thật sống động trong Giải phóng quân ta ra đi  

”: “Xuyên màn đêm ta đi vượt núi băng rừng/ Qua dốc cao suối sâu đoàn ta mau dồn bước/ Vì quê hương yêu dấu chờ ta bao năm tháng...”, ca ngợi những đoàn quân vượt Trường Sơn vào chiến trường.

Tháng 5/1968, quân ta chuẩn bị đánh lớn ở Khe Sanh, tin lan truyền như một Điện Biên Phủ của thời chống Mỹ, nhạc sĩ trong và ngoài quân đội cùng hướng về Khe Sanh với những suy nghĩ sáng tạo, nhạc sĩ Văn Dung đã viết ca khúc “Tiến về Khe Sanh” với một nhịp điệu hào sảng, giai điệu lạc quan, phơi phới:

“Núi chắn trùng trùng, chim bay mỏi cánh/ Quân băng ngàn núi, đêm vượt rừng sâu / Rừng Trường Sơn đêm đêm xôn xao nghe đoàn quân đi/ Về Khe Sanh quê hương bấy lâu mong chờ hôm nay/… Đồn Làng Vây hôm nao nơi đây quân giặc phơi thây/ Trời Tà Cơn reo vui khắp nơi bóng cờ sao bay/ Vững bước ta đi lên, biển Đông đã sáng/ Tiếng súng ta vang vang, rền trời Khe Sanh”. Và khi chiến dịch toàn thắng, ông viết “Bài ca đường 9 chiến thắng”.

Cùng với các nhạc sĩ kể trên, còn có những ca khúc khác cũng xuất hiện vào thời điểm chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, suốt 6 tháng ròng từ mùa xuân đến hết mùa hè. Ca ngợi toàn cuộc Tổng tấn công nổi dậy xuân 1968, trong đó có mặt trận Khe Sanh, nhạc sĩ Tân Huyền viết ca khúc “Kèn chiến thắng gọi ta đi”.

Ca ngợi người lính đường dây có ca khúc “Đường dây ai rải” của nhạc sĩ Văn An. Ca ngợi người pháo thủ có ca khúc “Nghe tiếng pháo Khe Sanh” của nhạc sĩ Đức Nhuận. Ca ngợi nữ du kích đánh xe tăng có ca khúc “Nữ du kích Trị- Thiên đánh xe tăng” của nhạc sĩ Thái Quý.

Nhạc sĩ Huỳnh Văn Yên thì dùng nhịp hò khoan chèo thuyền trên sông Ba Lòng ca ngợi chiến thắng qua ca khúc “Chèo thuyền trên sông Ba Lòng”. Nhạc sĩ Trần Hoàn khi ấy ở tuyên huấn Khu uỷ Trị - Thiên với bút danh Hồ Thuận An cũng sáng tác ca khúc “Sét nổ vang trời Trị - Thiên - Huế”. Nhạc sĩ Minh Tân thì hóm hỉnh ví von qua ca khúc “Con cá biển vui nhảy lên rừng”…

Trong số những bài hát nói trên, có những bài được tôi nghe đi nghe lại nhiều lần và tạo động lực lớn giúp tôi vượt khó khăn, gian khổ, ác liệt để làm tròn trách nhiệm một phóng viên chiến trường.

Đây là bài hát Ơi con suối La La của nhạc sĩ Huy Thục:

“Ơi con suối La La...

Nước trong xanh hiền hòa, chảy quanh đồi "Không Tên" núi Đá Bạc

Đang bay bổng lời ca, chảy xuôi về sông Cam Lộ

Hoa chiến công đang nở rộ từ Quảng Trị về Thừa Thiên quê ta

Ơi con suối La La...

1. Ơi con suối La La, ơi dòng suối La La

Nước trong xanh hiền hòa, chảy quanh đồi "Không Tên"

Nay đồi đã mang tên “Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” mười dũng sĩ diệt Mỹ.

Ai qua suối La La, mời dừng chân bên đồi mà xem bao lũ giặc

Lính thủy đánh bộ Mỹ nó kéo nhau lên rừng

Xác chết nằm ngổn ngang trên ngọn đồi "Không Tên".

Ai qua suối La La, nghe dòng suối reo ca

Chiến công mười dũng sĩ xông lên như thác đổ

Giữa bão lửa quê ta kìa dòng suối La La cất tiếng ca trong lửa đạn.

2. Trăm con suối quê ta như dòng suối La La

Nước trong xanh hiền hòa

Lúc gió nổi phong ba mỗi dòng suối quê ta

Mỗi núi rừng đều là một chiến công diệt Mỹ.

Rừng che giấu bộ đội

Từng dòng suối nuôi ta, rừng cùng ta vây giặc

Trông kìa lính thủy Mỹ nó khóc than trên rừng

Xác chết nằm ngổn ngang. Suối ngàn còn reo ca...

Ai qua suối La La, đây dòng suối quê ta

Ca ngợi mười dũng sĩ chiến công vang lẫy lừng

Giữ núi rừng quê ta đẹp như suối La La cất tiếng ca vang chiến thắng.

Ơi dòng suối La La...”   

Bài hát nói về chiến đấu, đạn bom nhưng giai điệu đẹp, mềm, không thể hiện tính bạo lực, hiếu chiến mà mang âm hưởng ngợi ca, tiết tấu vui hoạt. Giọng hát Hoài Thu thanh thoát, được tốp nữ Tổng cục Chính trị phụ họa, với hòa thanh quấn quện ở đoạn đầu, dựng nên một bức tranh phong cảnh đất nước tươi đẹp, bình yên, sau đó chuyển sang tiết tấu nhanh, dồn, phản ánh khí thế chiến đấu và chiến thắng vang dội của quân ta ở chiến trường.

Đây là bài hát Tiếng hát trên đường quê hương  của Huy Thục:

“1. Ai đã tới miền quê em Quảng Trị, Thừa Thiên

Qua đường 9, tình Gio Linh lắng trong giọng hò.

Mừng vui bao tin thắng trận,

Sông Ba Lòng bay bổng lời ca

Quê nhà ta nay đã đổi thay lớn lên từng ngày.

Theo nhịp bước, đường quân đi dồn dập tiền phương

Xuyên rừng núi ngày đêm đi tiếp lương tải đạn

Vượt qua bao nhiêu gian khổ, máu đã đổ trên đường quê hương

Dù đạn bom vẫn thấy tự do bước đi nhịp nhàng.

Anh giải phóng quân miền Nam quê hương ta ơi...

Sướng vui em đi trên đường, đây đường số 9 quê hương chiến thắng

Kìa xác giặc Mỹ ngổn ngang trên đường.

Hò lên quê hương ta ớ ơ ơ hò... ơi... câu hò chiến thắng.

2. Trăng rọi sáng đường em đi rộng mở thênh thang

Mang niềm tin vì quê hương bước muôn dặm trường.

Bữa ni em đi tải đạn, qua dốc đèo qua núi qua khe

Qua đường 9 phơi phới niềm tin thắng lợi ngày mai.

Trên đường 9 giờ em đi giặc sợ giặc lo

Trên đường đó, đường em ghi chiến công từng ngày

Gùi trên vai đi chiến trường, qua Cam Lộ em về Cù Đinh,

Nơi miền quê chiến thắng còn vang tiếng ca rộn ràng.

Anh giải phóng quân, miền Nam quê hương ta ơi...

Bắc - Nam reo vui tưng bừng lẫy lừng chiến thắng nở rộ như hoa

Em cất lời ca đạp trên xác thù.

Là hù là khoan dô ớ ơ ớ hò... ơ... đây đường chiến thắng...”

Bài hát này làm dịu mát những con người đang hành quân vã mồ hôi, bởi giai điệu mang tính chất dân ca ngọt ngào, êm ái, đưa những chiến sĩ trở lại miền quê thân thương của mình. Trên đường hành quân vào chiến trường, tôi cũng đã vượt qua con đường 9 nổi tiếng này trong cái nắng lửa điên người, cho nên khi nghe bài hát này, tôi hồi tưởng cái ngày vất vả đó mà thấy bồi hồi khôn tả. Đúng, đường 9 là “đường chiến thắng”, con đường mang tính biểu tượng cho con đường cách mạng mà chúng tôi đang đi.

Không chỉ có bài hát “Tiếng hát trên đường quê hương”, Huy Thục còn có nhiều bài hát  làm lay động lòng người, như “Tiếng đàn Ta lư”, “Chào đường 9 anh hùng”, “Cô gái Pa Kô...”

Đây là bài Tiếng đàn Ta lư  của Huy Thuc:

“1. Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu

Đàn ta-lư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng, mừng thắng trận quê em.

Từ trên đỉnh núi cao chon von thánh thót nhịp nhàng vang lời em ca

Theo nhịp bước quân đi trong tiếng đàn ta-lư

Tính tính tính tính tính tính tính tính tang tang tình

Con chim ch'rao xinh hót trên cành cao mừng công anh

Bộ đội giải phóng quân ơi, anh thắng trận miền Tây Khe Sanh

Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy, đồi Động Tri xác Mỹ chất đầy

Kia trông một, hai, ba, bốn, năm, sáu chục tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia

Nó bị bắt trên rừng.

Bộ đội giải phóng ơi các anh đánh hay hung (hú hú).

Đàn em reo ca ơi đàn ta-lư, rừng núi quê ta tưng bừng reo ca.

2. Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới

Rừng núi ta ơi hãy thức dậy vui cùng bản làng mừng thắng trận Gio An.

Từ trên đỉnh núi cao chon von thánh thót nhịp nhàng vang lời em ca

Vọng về đất Gio An trong tiếng đàn ta-lư

Tính tính tính tính tính tính tính tính tang tang tình

Ơi anh pháo binh, pháo ta gầm đạn nở như hoa

Đồn quân giặc bốc cao cao có tiếng đàn ta-lư em reo

Hoà cùng anh tiếng kèn chiến thắng từ Trị Thiên đất lửa anh hùng

Kia trông một, hai, ba, bốn, năm, sáu ngàn tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia

Nó bỏ xác trên rừng

Bộ đội giải phóng ơi, các anh đánh hay hung (hú hú).

Đàn em reo ca ơi đàn ta-lư, rừng núi quê ta tưng bừng reo ca.”

Với giai điệu tươi sáng, tiết tấu nhộn nhịp, bài hát do nghệ sĩ Tường Vi biểu diễn có sức động viên lớn, luôn luôn vang lên ở căn cứ của chúng tôi.

Đây là bài hát “Người con gái Pakô” của Huy Thục:

“Mùa Xuân đến rồi, bản làng ơi

Thơ Bác gọi dậy vang non sông,

Kèn tiến công vang dội khắp hai miền

Bác Hồ gọi ấy là mùa Xuân đến.

 

Ơ…Hỡi núi rừng quê ta

Cất lên muôn lời ca ta hát mừng chiến thắng.

Ơ….Người con gái PaKô con cháu Bác Hồ

Dù gian khổ vượt núi băng rừng,

Dù mưa bom em không ngại chi

Đi đánh Mỹ để giữ núi rừng,

Gùi trên vai súng đạn ra hỏa tuyến,

Gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường,

Gửi bộ đội Bác Hồ dân thương mà dân quý nhiều lắm..

Giặc chưa hết chưa về dù rừng thương núi nhớ .

Người con gái PaKô...

 

Ơ… đi giữa mùa chiến thắng

Cất tiếng ca mùa Xuân nghe chim rừng nó hót.

Ơ… vì đất nước quê hương em bước lên đường

Chan chứa tình rừng xanh yêu thương

Gửi theo anh bộ đội giải phóng

Tình em mong lòng em chờ,

Ngày chiến thắng nhớ về thăm bản em

Rừng hương cây sắc hoa thơm ngọt ngào,

Đẹp tựa ngàn ánh sao lung linh để rừng thương... núi nhớ..

Ngày chiến thắng anh về cùng bản làng em hát…

Người con gái PaKô...”

Bài hát này mang âm hưởng dân ca miền núi, nhịp điệu rộn ràng, sử dụng nhiều kỹ thuật hát âm nảy (staccato) thể hiện tình cảm thắm thiết trong nỗi nhớ, niềm vui xao động với lời hẹn gặp lại trong ngày chiến thắng.

Về tình hữu nghị Việt – Lào, nhạc sĩ Thụy Kha viết trên Bài ca đi cùng năm tháng: “Hàng loạt các bài hát kịp thời tung ra sau chiến thắng như “Từ Đông Hà qua Bản Đông” của Trần Chung, “Bài ca đường 9 chiến thắng” của Văn Dung, “Như hoa Chăm pa” của Ngọc Thanh, “Hát mừng quân dân Lào diệt xâm lược Mỹ” của Phạm Tuyên, “Dưới ngọn cờ mặt trận yêu nước Lào” của Lưu Lầu, “Nhắn anh đi tòng quân” của Mộng Lân, “Tiến bước dưới cờ giải phóng” của Vũ Thanh, “Bài ca Việt Lào” của Nguyễn Văn Thương… Có những sáng tác về Lào- Việt hữu nghị đã trở thành những giai điệu không thể nào quên. Bài hát “Tình đoàn kết hai dân tộc Việt Lào” của Hoàng Vân được viết bởi cấu trúc một đoạn đơn ngắn gọn nhưng lại có sức lay động thật lớn lao:

Dài như nước sông Cửa Long

Cao như dãy núi Trường Sơn

Tình đoàn kết hai dân tộc

Việt Lào thân thiết đã bao đời

Từ trong bóng đêm nô lệ

Càng vùng lên đánh tan thực dân

Khi những bài hát về đề tài này còn ít ỏi thì bài “Gửi anh bộ đội yêu nước Lào” của Hồ Bắc qua giọng nữ trung chững chạc của Kim Oanh đã chinh phục tâm hồn bao người yêu nhạc thuở ấy. Đoạn phát triển thật tha thiết và ấn tượng:

Bàn chân các anh đã băng qua trên đất nước đầy gian khổ

Gió nóng mưa rừng đâu ngăn nổi bước anh đi

Lời Tổ quốc thiết tha như đang giục giã

Theo bước chân anh dân Lào đời đời ghi nhớ…

Chính từ những nét nhạc rung cảm này, Hoàng Hà đã đẩy cảm hứng tới cung bậc tráng ca chất ngất qua Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn . Trước tác phẩm tiêu biểu này, với bút danh Cẩm La, Hoàng Hà đã từng viết “Gửi người bạn chiến đấu Lào” và cũng đã từng làm lời cho một bài hát khác của Hồ Bắc về đề tài này mang tên “Chiến công diệt Mỹ vui chung Việt Lào”. Đó là sự chuẩn bị cho một sáng tạo đỉnh cao. Mở ra tác phẩm này, Hoàng Hà đã trình bày thật đĩnh đạc:

Trên đỉnh Trường Sơn ta gặp nhau giữa đường đi đánh Mỹ

Anh giải phóng quân Lào biên giới đẹp sao

Cây lá lao xao rộn ràng lẫn trong màu áo

Những người chiến sĩ yêu nước Lào

Đến đoạn phát triển, để tận dụng hết ưu thế giọng nam cao mà cụ thể là nghệ sĩ Trung Kiên, Hoàng Hà đã đẩy giai điệu phát triển đến tận cùng:

Trường Sơn bao la cao như quyết tâm ta diệt thù

Việt Lào một lòng như sắt đá

Quê hương vẫy gọi từ hai miền vách núi

Việt Lào chung đường tiến tới

ấm lửa đoàn kết tình yêu đời…

Bên cạnh những bài hát viết về Lào và tình đoàn kết Việt- Lào trực diện, còn những bài hát viết về Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây cũng gián tiếp ca ngợi tình Việt Lào qua hai phía mái nhà của hai Tổ quốc như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của Hoàng Hiệp (thơ: Phạm Tiến Duật), “Sợi nhớ, sợi thương” của Phan Huỳnh Điểu (thơ: Thuý Bắc). Ở một thể loại tầm cỡ hơn, ca khúc là Operet, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã viết tác phẩm “Hai chị em” cùng thời với bài hát “Bài ca Việt- Lào- Cam pu chia”.

Nghe những bài hát về Trường Sơn, đường 9, Khe Sanh, về tình hữu nghị Việt Lào, tôi lại nhớ những ngày vượt Trường Sơn, đội một mùa mưa nước ngập đất trời, qua những con sông ào ào thác lũ... Trường Sơn đó, nước Lào đó, chính là điểm tựa cho cuộc kháng chiến của chúng ta, để nhân dân hai nước viết nên những bản hùng ca và cả những bản tình ca bất điệt. Thấm sâu trong tôi là những ca khúc đã lứa đôi hóa, lãng mạn hóa tình hữu nghị ấy thành tình yêu nam nữ.

Bài hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây của Hoàng Hiệp phổ thơ Phạm Tiến Duật có tính trữ tình sâu sắc, cả ca từ và âm nhạc đều giàu hình tượng, có sức gợi cảm mạnh mẽ, được chúng tôi, và cả nhiều thế hệ sau này, yêu mến. Bài ca này có thể vận vào nhiều trường hợp, đều thấy hợp, như với đôi lứa yêu nhau, luôn lo lắng, quan tâm đến nhau, lại như mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Lào, một ở bên này một ở bên kia dãy Trường Sơn, nhưng tình cảm gắn bó, không có gì chia cắt được.

“Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn

Hai đứa ở hai đầu xa thẳm

Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

 

Trường Sơn Tây anh đi...

Thương em, thương em bên ấy mưa nhiều

Con đường (là) gánh gạo

Muỗi bay rừng già cho dài (mà) tay áo

Hết rau rồi em có lấy măng không.

 

Còn em thương bên Tây anh mùa Đông

Nước khe cạn bướm bay (i) lèn đá

Biết lòng anh say miền đất lạ

(Là) chắc em lo đường chắn bom thù.

 

Anh lên xe trời đổ cơn mưa

Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ

Em xuống núi nắng về rực rỡ

Cái nhành cây gạt mối riêng tư.

 

Từ bên em đưa sang bên nơi anh

Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến

Như tình yêu nối lời vô tận

Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn.” 

Tôi rất khâm phục nhạc sĩ Hoàng Hiệp, đã phổ nhạc gần như trọn vẹn bài thơ, mà nhạc vẫn có tính độc lập, không bị lệ thuộc thơ. Đặc biệt, nhạc sĩ đã sửa chữ TAN thành ĐI, thật tài tình – bởi, tôi nghĩ, chỉ đến mức “xua đi nỗi nhớ” là đủ, còn để đọng lại trong anh, trong em chút nỗi miềm lưu luyến, thế mới là thơ, là nhạc, chứ “xua tan” hết thì cứng quá, lý tưởng hóa quá.

Bài hát “Sợi nhớ sợi thương” do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Thúy Bắc ca ngợi mối tình bền chặt của lứa đôi, cũng là của hai nước Việt – Lào, mối tình ấy có sự san sẻ, hi sinh của hai bên và luôn luôn được vun đắp cho bền chặt hơn;

“Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây

Bên nắng đốt, bên mưa quây

 

Em dang tay, em xòe tay

Chẳng thể nào mà xua tan mây

Chẳng thể nào mà che anh được

 

(Chứ) rút sợi thương (ấy mấy) chằm mái lợp

Rút sợi nhớ (ấy mấy) đan vòm xanh

Nghiêng sườn Đông mà che cho anh

Nghiêng sườn Tây xòe bóng mát

 

Rợp trời thương (ấy mấy) màu xanh suốt

Mà em nghiêng hết (ấy mấy) về phương anh

Mà em nghiêng hết (ấy mấy) về phương anh.”

Những bài hát về tình hữu nghị Việt Lào còn nhiều và sau này vẫn tiếp tục được sáng tác. Và, có những bài hát của Lào đã trở thành bạn thân thiết của tôi suốt từ tuổi học trò đến nay. Đây là bài Hoa Chăm pa:

“1. Hoa đẹp chăm-pa đã bao đêm ngày, hoa đây người đấy

Hoa vẫn ngạt ngào thơm ngát mùi hương tháng năm còn vương

Ô hoa chăm-pa, bao đời em khoe sắc tươi trong vườn

Đã bao lâu rồi mà hoa vẫn đẹp nhất trong bản mường

Hoa đẹp xinh ơi, hay bóng hình ai thiết tha yêu thương.

2. Ngạt ngào hương thơm giữ trong tâm hồn, sắc hoa đẹp mãi

Hương ngát làm tôi trăm nhớ ngàn thương bóng ai thầm yêu

Ôi hoa chăm-pa tuyệt vời toả lan mãi trong tim này

Cắt chia phương trời mà hương vẫn còn vấn vương lòng đây

Hoa đẹp chăm-pa, em chính người tôi mến yêu trọn đời”

Còn đây là bài hát “Lăm tơi”:

“Ớ chàng trai đó ơi em chưa hát được lăm-tơi

Húa đôn tàn  (Ôi vầng trăng sáng)

Nhưng đêm nay dưới trăng sáng đôi ta biết nhau đây

Lòng em theo tiếng khèn, ca lên bài hát lăm-tơi

Anh ơi tiếng suối reo như cùng hòa theo đôi lời.”

Hai bài dân ca Lào đều do nghệ sĩ Tường Vi trình bày đã làm say đắm biết bao thế hệ người Việt và người Lào. 

(Còn nữa)

Phạm Việt Long

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-a9556.html