Thiên nhiên đã ưu đãi cho dân quê tôi sản vật từ biển đó là hải sản các lại từ cá, tôm, mực, cua ghẹ, moi, ốc, rắn biển (Đẻn) hầu nhu quanh năm suốt tháng.
Quảng Bình quê tôi có bờ biển dài 116,04km, với 5 cửa sông lớn gồm Sông Gianh, sông Nhật Lệ, Sông Dinh, sông Lý Hòa và sông Ròn là nơi có các cảng cá sầm uất nhộn nhịp bởi các loại tàu thuyền đánh cá cập bến mỗi buổi sáng sớm chở đầy ắp cá tôm mực. Thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền, tạo thành một ngư trường rộng lớn, với trữ lượng 10 vạn tấn hải sản, khoảng 1.650 loài, trong đó nhiều loài quý hiếm như tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang, san hô... Nếu như trước đây, việc khai thác thủy, hải sản chỉ dừng lại ở mức đánh bắt nhỏ lẻ ở ven bờ, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và con nước, nuôi trồng theo lối quảng canh nên hiệu quả thường rất thấp, đời sống của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Hiện toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 3.400 tàu lớn, trong đó hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ. Các cảng cá Nhật Lệ, Sông Gianh luôn nhộn nhịp những chuyến tàu cá vào ra, khoang tàu đầy ắp cá mực. Tổng sản lượng thủy sản khai thác của Quảng Bình khoảng hơn 30.000 -40,000 tấn/năm.
Tôi sinh ra và lớn lên gần biển nhưng làng tôi không có ái làm nghề đánh bắt trên biển, nhưng xã tôi có làng chài, thậm chí có nơi một nữa làm nông một nữa dân làm ngư. Từ nhỏ tôi đã thấy các bà " Kẻ lái" ( Tên gọi các chị em là vợ là con dân chài lưới đánh bắt cá tôm trên biển) gánh những gánh cá, tôm, mực, ruốc, nước mắm của gia đình lên vùng nông nghiệp để bán hay trao đổi hàng hóa của mình cho nhu cầu hàng ngày. Họ thường mang những sản phẩm hải sản mà chồng con đi biển đánh bắt hôm qua kho chín, hay nướng gần chính lên đổi thóc, gạo, ngô, khoai sắn hay đường mía về dùng tùy theo người mua có gì họ đổi nấy và rất chi sòng phẳng. Kẻ lái họ mang đến nhà tôi khi thì nồi cá kho và một hủ ruốc, khi thì mấy chai nước mắm, khi thì một âu mắm cá trích... Những lần cha và mạ không có nhà chỉ có mình tôi lúc đó 7-8 tuổi và dặn về nói với ba mạ là của Bà A, hay bà B gì đó và cũng rất nhiều lần nhận hàng như vậy và đến mùa thu hoạch thóc, ngô, khoai sắn họ lại lên và lấy thóc hay có gì lấy nấy. Không biết họ có ghi chép gì không nhưng họ lấy bao nhiêu thì đưa cho họ bấy nhiêu. Chính phương thức trao đổi hàng đổi hàng này đã giúp người dân quê tôi cả dân đánh cá và dân trồng lúa có cuộc sống ổn định thời chiến tranh chống Mỹ.
Ký ức đó làm tôi mỗi lần về quê lại xuống chợ cá Hoàn Lão để dạo một vòng vừa ngắm chợ cá bao la, trên chỉ có trời dưới chỉ có cá, vừa xem chọn mua mấy cân mực tươi hay cá thu cá bớp tươi mang ra Hà Nội. Dịch vụ bây giờ rất thuận lợi, mua cá mực đóng gói vào hộp xốp lẫn với đá viên mang ra trụ sở nhà Xe Hưng Long là sáng mai đã đến Hà Nội, họ gọi DT ghi trên bao bì là tới Trụ sở Đại diện của hãng xe ở Trần Khát chân mang về nhà.
Theo Chuyện làng quê
Phan Xuân Hai
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-que-nha-a9587.html