Kiên Giang: Kỷ niệm 60 năm ngày hy sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng

Ngày 09/01 hàng năm, huyện Hòn Đất thường tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày hi sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng.

1-kien-giang-1641696400.jpg

Du khách tham quan, viếng mộ chị Phan Thị Ràng tại Khu di tích Hòn Đất. (Ảnh: Mai Tưởng)

 

Đó là Lễ kỷ niệm thường niên mà chính quyền và nhân dân huyện Hòn Đất tổ chức dâng hương tưởng niệm nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, tri ân công lao của các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì sự trường tồn của quê hương Hòn Đất vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó AHLLVTND Phan Thị Ràng là một biểu tượng anh hùng cách mạng của quân và dân Hòn Đất trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Năm nay, ngày 09/01/2022, do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Hòn Đất tổ chức Lễ dâng hương  phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 347/TB-VPCP, ngày 22/12/2021.

Chị Phan Thị Ràng (bí danh Tư Phùng) sinh năm 1937, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Quê quán xã Lương Phi, huyện Xà Tón (huyện Tri Tôn ngày nay) tỉnh An Giang. Chị xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của chị là ông Phan Văn Ngọc bị Pháp bắt đi tù và bị tra tấn, sau đó bệnh mất năm 1947.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của chị bắt đầu vào năm 1950, khi chị mới 13 tuổi tham gia đội thiếu niên cứu quốc. Năm 1958, chị được tổ chức Đảng ở núi Đài giao công tác trinh sát tại Xà Tón (Tri Tôn). Hai tháng sau bị lộ, chị được chuyển về Bình Sơn nhận công tác tại xã Trí Đạo thuộc chi khu Kiên Lương. Một tháng sau, lại bị lộ, chị tạm lánh sang Phnôm Pênh (Campuchia) rồi trở về Bình Sơn phụ trách công tác thanh vận. Sau đó, chuyển qua làm giao liên, thường đi vào vùng địch tạm chiếm - nơi đầy khó khăn nguy hiểm. Năm 1959, chị được cử đi dự một lớp đào tạo cô đỡ.

Năm 1960, toàn miền Nam đồng khởi, chị Ràng được Huyện ủy giao phụ trách thanh niên đi phá lộ, đắp cản và bao vây đồn bót giặc từ Vàm Rầy đến Tám Ngàn. Sau đó, chị được Huyện ủy phân công về công tác tại xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất. Tại đây, chị tích cực vận động quần chúng nhân dân dự trữ lương thực, xây dựng lực lượng, thanh niên nhập ngũ tổ chức chiến đấu. Chị được bà con tin yêu, quý mến.

Tháng 01 năm 1962, để tiêu diệt cơ quan Huyện ủy, bộ đội địa phương Châu Thành A và gom dân lập “ấp chiến lược”, giặc đã mở cuộc càn quét dài ngày, quy mô lớn với lực lượng lính thủy quân lục chiến, bảo an, dân vệ ở các xã lân cận tấn công vào khu vực Ba Hòn.

Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt từ sáng sớm ngày 02/01/1962, lực lượng của ta chưa đầy 20 người, phải đương đầu với trên 2.000 tên giặc. Chị Phan Thị Ràng vừa là liên lạc giữa các đơn vị trong khu căn cứ, vừa tổ chức vận động nhân dân đấu tranh chính trị, binh vận, tiếp tế lương thực cho bộ đội chiến đấu.

Qua 02 ngày, ta bẻ gãy hàng chục đợt tấn công ào ạt của địch, hàng trăm tên địch bị thương vong nhưng chúng vẫn tập trung lực lượng bao vây Hòn Đất. Cơ quan văn phòng Huyện ủy, Bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích đã rút vào hang Hòn, dựa vào địa thế ở đây để đánh bật giặc ra ngoài. Bọn giặc tìm mọi cách tiêu diệt lực lượng ta. Chúng đốt lửa, hun khói vào hang, thả thuốc độc xuống suối hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng.  

Ở bên ngoài, lực lượng ta kết hợp ba mũi giáp công, trong 05 ngày chiến đấu, đã diệt và làm tan rã trên 100 tên địch. Lợi dụng tình hình binh sĩ hoang mang, Chị Phan Thị Ràng đã tổ chức vận động nhân dân và gia đình binh sĩ khiêng xác binh sĩ ra thị trấn Tri Tôn, thị xã Rạch Giá đòi bồi thường thiệt mạng và chấm dứt cuộc càn. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quân và dân ta, buộc kẻ địch phải dỡ bỏ cuộc càn.

Đêm ngày 08 rạng sáng ngày 09/01/1962, trên đường đi làm nhiệm vụ đến giữa khu vực Hòn Me và Hòn Đất, chị Phan Thị Ràng lọt vào ổ phục kích của giặc, cách điểm hẹn với đồng đội không đầy 50m. Chị nhanh trí hô to để báo động cho đồng đội kịp thời rút lui.

Biết đã bị lộ, chị Ràng bình thản trước mọi tình huống nguy hiểm đã, đang và sẽ xảy ra với mình. Giặc vừa tra tấn vừa lôi chị qua các khu dân cư ở Hòn Me, Hòn Đất. Đi đến đâu chị cũng tranh thủ tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh, vạch trần những âm mưu thâm độc của giặc,…

Không thể lung lay được tinh thần, ý chí của người cách mạng, chiều ngày 09/01/1962, bọn giặc đem chị Phan Thị Ràng đến chân núi Hòn Đất hành quyết. Trước lúc hy sinh, chị hướng về hang Hòn, hô to: “Các đồng chí có khỏe không, đừng uống nước suối, chúng nó bỏ thuốc độc. Đả đảo lũ bán nước, làm tay sai cho giặc”. Năm ấy, chị vừa tròn 25 tuổi.

Phan Thị Ràng - Người phụ nữ kiên trung, sự hy sinh anh dũng của chị là tấm gương sáng ngời về tình yêu quê hương, đất nước đã tiếp thêm sức mạnh, lòng căm thù giặc để quân và dân Hòn Đất quyết tâm đánh địch bảo vệ quê hương làm nên chiến thắng vang dội trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù tại trận địa Ba Hòn, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng 30-4-1975.

Ngày 20/12/1984, liệt sĩ Phan Thị Ràng được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 

Trần Quốc Giang

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-ky-niem-60-nam-ngay-hy-sinh-cua-anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-phan-thi-rang-a9624.html