Việc bố trí các lò gốm; khu sản xuất phía bờ sông có nhiều cái lợi; tập kết nguyên vật liệu (đất sét; củi; cỏ…) từ thuyền lên hoặc xuất sản phẩm xuống thuyền; khi đốt lò thì khói lửa; bụi than luôn được gió mùa Đông Nam hoặc Đông Bắc thổi ra hướng sông chứ không thổi vào làng. Đốt lò gốm và điều tiết nhiệt độ của lò gốm sao cho phù hợp để tạo ra những sản phẩm tốt nhất là nghề của những nghệ nhân được coi trọng nhất của làng gốm Thổ Hà. Họ được gọi là Sư lò; họ luôn theo dõi ngọn lửa được đốt; tiếp củi cỏ để tăng nhiệt độ của lò đốt; đóng bớt cửa gió để giảm nhiệt độ của lò đốt; quan sát bề mặt các sản phẩm đang được đun nóng đỏ, sự chảy ra của lớp men tự có của các sản phẩm để quyết định khi nào dừng đốt lò; đắp cửa lò để ủ sản phẩm chờ ngày ra lò. Các sản phẩm gốm sành của Thổ Hà từ chum, vại đến tiểu; ấm chén khi ra lò đều có mầu nâu sậm; cứng như kim loại; nước không thể thấm qua lớp mỏng bên ngoài chứ đừng nói đến thấm qua độ dày của sản phẩm. Nếu lấy thanh tre hoặc thanh kim loại gõ vào sản phẩm gốm sành của Thổ Hà sẽ nghe thấy âm thanh như của tiếng chuông đồng. Những mảnh vỡ của các sản phẩm gốm sành Thổ Hà sẽ có cạnh vỡ sắc như dao; không người thợ gốm nào của Thổ Hà (đúng hơn là không người dân nào của Thổ Hà) mà không bị những cạnh sắc của các mảnh vỡ gốm sành Thổ Hà làm đứt tay; đứt chân. Thật tiếc cho một làng nghề gốm sành đặc biệt đã bị lãng quên; các lò gốm đã bị phá bỏ hết. Nếu được một điều ước; tôi ước có một lò nung gốm sành hình con cóc ấy, phục dựng nguyên mẫu tại làng để những thế hệ sau của cư dân Thổ Hà; để khách du lịch được mục sở thị nơi cho ra đời những sản phẩm gốm sành huyền diệu (vẫn còn nằm đâu đó trong nhiều nhà; nhiều vùng quê và cả trong lòng đất).
Dọc theo bờ sông Cầu; bên cạnh các bến nước của các ngõ thường có các cây Sung; Si; Bàng; Gạo mọc hướng ra sông; nước sông Cầu thủa ấy (1960 -1970) còn trong vắt, có thể nhìn sâu xuống hơn 1m nước. Tôi thường bơi ra giữa dòng sông; bơi dọc theo dòng chảy của nước sông vào các buổi chiều; khi khát thì uống vài ngụm nước sông mà chẳng thấy bụng dạ hề hấn gì. Các cây sung ở bờ sông thường già và luôn chi chít quả (cả quả xanh lẫn quả chín). Tôi có một may mắn; cấp I (tiểu học cơ sở), tôi học ở Thổ Hà; cấp II (trung học cơ sở), tôi học ở làng Vân. 3 năm học ở làng Vân; khi đi học tôi thường đi qua cổng làng; qua điếm canh đê để lên làng Vân. Buổi trưa; khi tan học tôi lại đi tắt vào trong đường làng từ xóm 1 về xóm 3 (nhà tôi ở xóm 3); vậy là ngày nào cũng được trèo sung để ăn sung chín (đang đói bụng; lại thích leo trèo). Một lần; mải với chùm sung chín, tôi dẫm vào một cành sung bị sâu đục thân; cành sung gãy rơi xuống mép sông, tôi rơi theo từ độ cao hơn 4m. Thật may; nước dòng sông đã đỡ tôi khi rơi xuống nên tôi không bị xây sát, bầm dập. Bàng thì ở sân Đình nhiều quả chín hơn; quả rụng thì đập hột để lấy nhân (ăn ngon hơn quả óc chó bây giờ); thích ăn quả chín thì phải trèo cây để hái. Tôi nhớ có lần trèo hái bàng; khi đang ở trên cao thì phát hiện ra một tổ ong vàng ngay trước mặt. Lũ ong lao vào mặt tôi đốt mà tôi đâu dám buông tay; vừa chịu trận cho ong đốt vừa tuột xuống gốc bàng thật nhanh. Xuống đến mặt đất thì cắm cổ chạy; nhưng mặt mũi đã sưng vù – nhớ đời.
Làng Thổ Hà có ba danh thắng mà du khách khi đến thăm Thổ Hà không thể bỏ qua; đó là Đình Thổ Hà (di tích lịch sử QG đã được xếp hạng); chùa Thổ Hà (Đoàn Minh Tự; di tích lịch sử văn hóa cấp QG) và Từ Chỉ (hay Văn chỉ; nơi thờ Khổng Tử; di tích lịch sử văn hóa). Mỗi xóm của Làng đều có một Từ đền; nằm sát và quay mặt ra đường làng; đó là nơi để mỗi xóm chuẩn bị lễ thờ; mang ra cúng ở Đình làng trong ngày chính Hội Chùa (21 tháng Giêng). Mỗi xóm chịu trách nhiệm chuẩn bị lễ cho Hội Chùa một năm; sau bốn năm lại đến lượt. Chính vì sự thay phiên chuẩn bị Hội và lễ cho Hội Chùa mà đã nảy sinh ra sự ganh đua không ngừng của các xóm. Lễ của năm nay thường to hơn; hoành tráng hơn năm trước; cứ thế, cứ thế … – cũng là một tệ nạn; ngày xưa đâu có thế? Lạ nữa là Hội Chùa nhưng Lễ vật của các xóm chỉ mang ra Đình để cúng; chắc để cúng Thành hoàng làng nhân dịp Hội Chùa; và có lẽ cũng vì vậy nên bây giờ người ta đã dùng chữ “Hội Làng Thổ Hà” thay cho “Hội Chùa Thổ Hà”?
Hội chùa Thổ Hà là một Lễ Hội đặc trưng cho các lễ hội vốn có ở miền núi trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Hội chùa Thổ Hà thường được tổ chức trong hai ngày (21; 22 tháng Giêng hàng năm). Phần Lễ được tổ chức ở trong chùa và ngoài sân chùa; kết thúc bằng lễ Diễu Phướn vào 12:00 đêm 22 tháng Giêng ở sân Chùa. Phần Hội thì bao gồm hát quan họ tại Chùa và trên thuyền ở ngoài sông; các trò chơi như chọi gà; đấu vật; cờ tướng; cờ người… Ngày xưa rất đông các phật tử đi bộ 5-10km từ nhiều nơi về Hội chùa Thổ Hà; họ thường cơm đùm cơm nắm; tối nằm ngủ trên chiếu được các phật tử của làng trải ra sàn chùa; rất vất vả mà sao chẳng ai ta thán. Đa phần các phật tử chỉ tham gia phần Lễ; hết Hội lại gồng gánh cuốc bộ về nơi xuất phát chứ chẳng màng đến phần Hội.
Diễu Phướn là một nghi lễ Phật giáo; trên đỉnh cột Phướn là một con quạ được tạo từ một tấm gỗ; thân quạ được bôi đen. Đầu quạ được gắn vào một khung vải hình trụ tròn (giống như cái lồng bàn nhưng phía trên không uốn cong như lồng bàn; nghe nói khung vải này tượng trưng cho rốn người); Dưới khung vải là một tấm vải dài chạy từ đỉnh cột xuống đến gần chân cột phướn (tấm vải này tượng trưng cho khúc ruột người). Tôi đã từng nghe kể về tích này nhưng giờ không thể nhớ nổi (xin bạn đọc thứ lỗi). Dẫn đầu đoàn Diễu Phướng luôn là sư trụ trì chùa Thổ Hà, tay gõ mõ, miệng tụng kinh. Đoàn Diễu Phướn đi vòng quanh cột phướn; vòng tròn người lúc to, lúc nhỏ tùy theo số phật tử tham gia hoặc rời khỏi đoàn diễu; thời gian cho nghi lễ này khoảng hơn 1 giờ.
"Trời mưa cho ướt lá khoai;
Đố ai lấy được con trai Thổ Hà.
Trời mưa cho ướt lá cà;
Đố ai lấy được đàn bà làng Vân."
Mấy câu thơ như thách đố lại như ca ngợi phẩm cách trai Thổ Hà; gái làng Vân lại là một trong những câu chuyện cổ tích có thật từ những năm 50 của thế kỷ 20 tại xã Vân Hà. Ông khi ấy là một chàng trai họ Trịnh Công của làng Thổ Hà; ông là một chàng trai tuấn tú của làng; tham gia cách mạng từ trẻ; thoát ly công tác khỏi làng sớm. Bà là người con gái làng Vân nền nã; đẹp nhất nhì ở làng Vân. Họ sống ở hai làng văn hóa gần như khác nhau; vậy mà họ lại yêu nhau tha thiết mà bằng cách nào đó đã đến được với nhau. Bà đã về làm dâu Thổ Hà; về sống trong một khu nhà đẹp ở xóm 2. Bà đã nuôi dưỡng 4 đứa con (1 trai; 3 gái) để ông sang Lào hơn 10 năm làm nhiệm vụ cách mạng giao. Sau chiến tranh; ông trở về nước và được điều làm Chủ tịch thị xã Bắc Giang (tp. BG hiện nay). Cả gia đình ông bà đã chuyển lên sống ở tp. BG nhưng câu chuyện cổ tích của ông bà vẫn để lại ở xã Vân Hà. Tôi nhớ cây bưởi trong sân nhà bà; tôi đã được gội đầu bằng nước bồ kết và hoa bưởi từ cây bưởi đó; hương thơm giờ vẫn còn. Bà không nấu rượu nhưng bà ủ tương thì tuyệt chiêu; vừa ngon; vừa sạch. Mỗi khi lên Bắc Giang thăm gia đình bà; tôi luôn xin một chai tương do bà làm; tương vàng óng màu mật ong, thơm mùi đỗ tương rang vừa độ, ngọt không gắt, chấm rau muống luộc thì khỏi chê luôn. Nay bà đã mất nên nhà tôi cũng không ăn tương nữa; ăn thử tương Bần mà không thể nuốt nổi. Rất nhớ tương bà làm.
Mảnh ghép thứ ba - Làng Nguyệt Đức lại chủ yếu sống trên Thuyền; dân số (khoảng 900 người) chỉ bằng 1/5 dân làng Thổ Hà. Mỗi gia đình sống trên một chiếc thuyền gỗ to có khoang để ở và khoang chở hàng hóa (chở được trên chục tấn hàng hóa); kèm theo chiếc thuyền to là những chiếc xuồng gỗ nhỏ để đi đánh cá; để chở người sang sông, hoặc đến thăm những gia đình ở thuyền khác. Thuyền to để chuyên chở nguyên, nhiên vật liệu từ nhiều vùng về cung cấp cho làng gốm Thổ Hà; chở sản phẩm của làng Thổ Hà (chum; vại; tiểu sành..) dọc theo sông Cầu về Lục đầu Giang; đến các vùng quê khác để phục vụ nhu cầu dân sinh. Thuyền hồi đấy (1960 -1970) là thuyền gỗ; không chạy bằng máy mà phải dùng mái chèo to phía cuối thuyền hoặc dùng buồm nếu có gió. Những chiếc thuyền buồm với những cánh buồm màu nâu no gió chạy zích zắc trên sông Cầu giống như trong chuyện cổ tích; tiếng nước vỗ mạn thuyền khi thuyền rẽ sóng mê hoặc lũ trẻ chúng tôi. Chúng tôi thường mạo hiểm bơi ra bám vào mạn thuyền; thích được leo lên thuyền để rồi từ đó lao mình xuống nước. Các chủ thuyền hình như cũng quen với chuyện đó nên cũng ít ngăn cản (tôi chưa thấy tai nạn đuối nước ở những cuộc chơi như vậy ở thời ấy). Tôi cũng đã từng thấy những thợ thuyền phải nai lưng dùng dây thừng kéo thuyền ngược dòng khi không có gió để căng buồm; năm bảy người (có cả phụ nữ và những người già) căng mình kéo thuyền bằng những dây thừng phụ quàng qua vai; những bước chân trần nặng nhọc lê bước theo triền sông; những chiếc nón rách che những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi; những hơi thở gấp của những tấm thân còm cõi. Phía sau họ chiếc thuyền nhích dần, nhích dần như người đi bộ. Sau này mỗi khi xem bức tranh ‘”những người kéo thuyền trên sông Volga” của họa sỹ Repin là tôi lại nhớ về hình ảnh kéo thuyền của các thợ thuyền trên dòng sông Cầu thủa xưa. Dân làng Nguyệt Đức theo đạo Thiên Chúa; người chết được đào sâu chôn chặt chứ không sang cát như đa phần cư dân miền Bắc. Thứ bảy; Chủ Nhật họ lại kéo nhau xuống nhà thờ ở Bắc Ninh để làm lễ. Kinh thánh đã tạo nên người làng Nguyệt Đức sống hòa đồng; không thấy họ to tiếng bao giờ. Tình thương yêu của bề trên đến với từng giáo dân; người bình thường cũng nhưc kẻ có tội luôn được chúa che chở; chúa giang tay ôm vào lòng; chúa rửa tội và chúa chịu tội thay cho. Nếp sống; sinh hoạt văn hóa của dân làng Nguyệt Đức khác hẳn với làng Thổ Hà và Làng Vân.
Người làng Nguyệt Đức luôn phải dầm mưa dãi nắng nên hay bị cảm mạo; thương hàn. Bố tôi lại có khẳ năng chích máu chữa cảm mạo nên trở thành "bác sỹ" không lương của làng Nguyệt Đức. Rất nhiều người dân làng Nguyệt Đức đã được bố tôi chữa khỏi cảm mạo. Có người bị thương hàn đến mức cấm khẩu mà bố tôi đã cứu sống; nói năng bình thường. Bố tôi có nhiều con nuôi là người làng Nguyệt Đức; đánh được con cá nào to, ngon họ thường mang lên biếu gia đình tôi. Tôi từ Hà Nội về thăm nhà mà hết giờ đò ngang; nếu người làng Nguyệt Đức biết là cho người lấy thuyền nhỏ đón, đưa tôi qua sông san đến tận bến nước ngõ nhà tôi - thật tình nghĩa. Gia đình tôi là một kết nối giữa làng Nguyệt Đức với làng Thổ Hà. Khi bố tôi mất; dân làng Nguyệt Đức có nguyện vọng đưa bố tôi lên khu nghĩ trang làng đạo ở núi Quả Cảm (bên kia sông Cầu; thuộc tp Bắc Ninh) nhưng gia đình tôi đã khước từ. Bố mẹ tôi đã mất và đều nằm ở khu nghĩa địa của làng Thổ Hà. Nơi bố mẹ tôi nằm đều nhìn thấy làng Vân; làng Thổ Hà và núi Quả Cảm, nhìn thấy những cây thánh giá ở khu nghĩa trang làng đạo. Thổ Hà đã là quê hương của gia đình chúng tôi; Vân Hà đã là quê hương của gia đình chúng tôi. Quê hương là chùm khế ngọt; là nơi tôi luôn muốn úp mặt vào sông quê.
Vậy mà ba mảnh ghép ấy lại được ghép thành một cấu trúc – xã Vân Hà.
P/s: Bài viết về nơi lưu giữ tuổi thơ của của tác giả (xã Vân Hà; huyện Việt Yên; tỉnh Bắc Giang). Cám ơn các độc giả đã dành thời gian đọc bài viết này.
Theo Trái Tim Người Lính
Nguyen van Noi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-lang-que-ba-manh-ghep-phan-cuoi-a9629.html