Ở quê việc chào hỏi phải thật chỉn chu, biết thứ bậc trên dưới, có vậy các cụ mới ưng bụng. Hôm nay là ngày lễ “Chính kỵ” ông nội tôi. Lẽ ra như mọi năm tôi phải về từ chiều qua để làm lễ “Tiên thường”, nhưng vì công chuyện đột xuất nên cáo muộn. Mọi việc ở nhà đã có O Thơ cùng chú bác lo chu đáo.
Quê tôi ở xã Minh Châu, Diễn Châu, Nghệ An. Miền đất nghèo vùng chiêm trũng nằm vây quanh chân hai hòn lèn Hổ Lĩnh và Hai Vai, nơi đây một thời từng là điểm sáng văn hoá toàn tỉnh. Minh Châu, tên gọi mới sau khi sáp nhập ba xã Diễn Minh - Diễn Thắng - Diễn Bình. Thật ra danh xưng Minh Châu đã có từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, hồi còn bé tôi được ông bác kể lại như vậy. Ông là Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của xã Minh Châu.
Khi đang còn công tác, một năm tôi về thăm quê vài lần vào dịp Tết hoặc ngày giỗ chạp. Từ khi nghỉ hưu tôi về thường xuyên hơn, lâu không về là thấy bứt rứt. Tôi thích ngồi với đám bạn đồng niên, đồng khóa nhắc nhớ thời trẻ trâu, những câu chuyện nghịch ngộ không bao giờ hết. Nhiều lúc đang sống giữa thành phố ồn ào, náo nhiệt tôi lại thèm không khí yên bình nơi quê nhà. Mọi người đùa bảo đã đến tuổi về già, tôi nghĩ: Có lẽ đúng!
Nông thôn ngày nay đã đổi mới nhiều, làng quê sạch sẽ thoáng đãng. Kinh tế phát triển, nếp sống văn minh, cách nghĩ tầm nhìn mọi người nâng cao hơn hẳn. Con đường lên nghĩa trang ngày xưa nhỏ hẹp lầy lội, giờ đây được mở rộng, đổ bê tông thẳng tắp. Hai bên đường trồng đủ các loại hoa, bốn mùa khoe sắc, gọi là “Đường hoa” làm mát lòng người về miền cực lạc. Nghĩa trang cũng được quy hoạch phân vùng bài bản. Tháng trước tôi được các cụ triệu tập về tôn tạo lại khu nghĩa trang của dòng họ, công trình mới hoàn thành. Hôm nay nhân ngày giỗ ông nội tôi, họ Trần kết hợp tổ chức hồi công thợ xây dựng, cũng toàn anh em con cháu cả.
Thăm hỏi, mừng tuổi các cụ cao niên xong, tôi đứng dậy trịnh trọng:
- Thưa các ông bà, các bác, các chú: Việc Họ trên nghĩa trang đã xong, hôm nay cũng là ngày giỗ cố, trước khi mời rượu cháu xin phép được đưa ra bàn một vấn đề đang rất nóng. Từ xưa tới nay mỗi khi trong Họ có người mất, phải sau hơn 2 năm “hết khó” thì việc sang cát, tu sửa mộ phần,… mới được tiến hành. Vậy nên có nhiều cụ mất đã lâu nhưng “vướng”, không thể đưa vào nghĩa trang Họ được. Phong tục từ lâu đời là vậy! Ngày nay xã hội văn minh hơn, nhiều gia đình thực hiện hỏa táng cho người mất. Vậy sau khi hỏa táng ta có nên cho phép đưa ngay vào nghĩa trang Họ được không? Xin ý kiến ạ!
Tôi vừa dứt lời, mọi người tham gia tranh luận khá gay gắt. Chung quy lại, có hai luồng quan điểm trái ngược nhau. Hầu hết các bậc cao niên cho rằng như vậy không đúng phong tục, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của dòng họ và việc làm ăn của con cháu. Trong khi đó đa số lớp trẻ nhất trí vì sạch sẽ, con cháu đỡ phải lo nghĩ vất vả, phù hợp xu hướng văn minh hiện đại…
Chờ đến lúc không khí tạm lắng xuống, tôi lên tiếng:
- Thưa các cụ: Đây là việc rất cần thiết bởi tuổi thọ ngày càng cao. Tất cả mọi sự đều xuất phát tự tâm. Chỉ sợ vì phong tục xưa cũ mà khi mất các cụ phải chờ đợi lâu mới được quy tụ về nghĩa trang với Tổ tiên, trong khi con cháu làm ăn xa, đi lại khó khăn. Ngay ở quê ta nhiều Họ đã thay đổi, con cháu vẫn hòa thuận, vẫn làm ăn phát đạt cả đấy! Hôm nay cháu chỉ xin thưa chuyện để mọi người có thời gian suy nghĩ thật thấu đáo. Lần giỗ Họ ngày rằm tháng Giêng tới ta bàn tiếp, nếu thống nhất được sẽ kính cáo, xin Tổ tiên trước khi thực hiện.
Nhìn xung quanh, nhiều người gật gù vẻ tán thành. Tôi lại tiếp lời:
- Hôm nay cũng là ngày lễ chính kỵ của cố Dinh. Các thủ tục đã hoàn tất, cháu mời các ông bà, chú bác, anh em nội ngoại gần xa uống chén rượu nhạt cùng gia đình!
Khác với mọi người, tôi có đến hai ông bà nội ở quê. Đó là ông bà “cố Thung” (cha mẹ đẻ của bố tôi) và ông bà “cố Dinh”. Nguyên do là: Ngày xưa trong Trần tộc, gia đình người bác không có con nên nhận bố tôi làm con “Thừa tự”, hiểu nôm na là người nối dõi tông đường. Từ đó dân làng gọi các cụ theo tên con là “ông bà Dinh”, tên của bố tôi. Vì thế nên tôi và các em đương nhiên được thêm một ông bà nội nữa. Hôm nay là ngày giỗ của ông “cố Dinh”.
Năm mới 15 tuổi bố tôi đã xa nhà đi Thiếu sinh quân, học Đại học ở Hà nội, sang tu nghiệp Trung Quốc rồi về công tác ở các tỉnh phía Bắc. Bố mẹ tôi tuy cùng quê nhưng cưới nhau ở Hải Phòng, mấy anh em tôi lần lượt sinh ra trên đất Bắc. Công việc bận rộn, đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên bố mẹ tôi phải xa quê triền miên, ông bà Dinh cứ mong ngóng con cháu trở về cùng sinh sống. Ngày ấy nghe nói ông bà tôi buồn lắm!
Năm 1968 tôi được bố mẹ cho về quê với ông bà. Có cháu đích tôn ở cùng các cụ mừng hơn bắt được vàng. Năm đó tôi đang học lớp Một, được ông bà cưng chiều hết mực. Ngày ấy ông được giao chăn nuôi vịt cho Hợp tác xã, đàn vịt đông có đến cả ngàn con. Suốt ngày đêm ông ở lều trông vịt ngoài đồng, tối đến khi vịt đã vào ràn đủ, ông chạy bước thấp bước cao đem về cho bà cháu khi dăm quả trứng, khi vài con cá. Tóm lại, ở ngoài đồng hễ thấy thứ gì ngon ông cũng cất, để dành cho thằng "đích tôn". Còn tôi, nghịch hơn quỷ sứ, khoái nhất là theo ông lội hết đồng trên ruộng dưới rồi chui vào lều ngủ. Người tôi toàn mùi vịt, gầy đét, đen nhẻm nhưng nhanh nhẹn, học tập thì bập bõm, chỉ được cái đếm trứng vịt giỏi! Hết năm lớp Một, mẹ nghỉ hè về quê thấy vậy không ổn, nên nhất quyết xin đưa tôi trở ra Bắc. Ông bà buồn tủi và tôi cũng vậy!
Không giữ được cháu đích tôn ở nhà, ông bà thất vọng và trách giận bố mẹ tôi. Từ đó ông dốc tâm “kiếm” chút con bên ngoài, dù bà nội ra sức ngăn cản. Đến năm tôi học lớp 6, toàn gia đình chuyển về quê sinh sống. Khi đó trong nhà ông bà đã có một cô con gái ở cùng. Ông bảo: “Đó là con ông!”, em gái của bố tôi, anh em tôi gọi là O Thơ. Gia đình tôi xin đất làm nhà trong xóm và vẫn thường qua lại thăm nom ông bà. Tuy vậy, tình cảm ông bà dành cho tôi không còn được như ngày xưa nữa. Đó là tôi tự cảm nghĩ thế!
O Thơ ít hơn tôi gần chục tuổi. Vóc người nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Mọi việc nhà, việc Họ O đều xắn tay vào làm đến nơi đến chốn. Ai cũng khen ông bà Dinh tốt phúc, có được cô con gái đảm đang. Dân làng nhiều người bắt đầu gọi ông bà là “cố Thơ”. Cái tên “cố Dinh” dần bị lãng quên, chỉ số ít người già còn nhớ, riêng tôi không bao giờ quên được. Lớn lên O lấy chồng, vẫn ở cùng chăm sóc ông bà cho đến khi hai cụ tạ thế. Số O vất vả, chồng mất sớm, một mình nuôi hai đứa con từ lúc mới vài ba tuổi, nay đã trưởng thành, làm ăn xa. Bố mẹ tôi nghỉ hưu về ở cùng gia đình tôi trong thành phố, thỉnh thoảng mới về thăm quê. Thành ra mọi công chuyện hai bên nội ngoại vẫn một mình O Thơ lo toan, kể cả việc cúng giỗ ông bà. Khi tuổi cao bố tôi càng hay nghĩ suy, áy náy vì chưa tròn bổn phận làm con “thừa tự”. Trong các câu chuyện bố viết về làng quê bao giờ cũng có hình bóng ông bà với nỗi niềm đau đáu. Tôi hiểu, nên tự thấy mình cần có trách nhiệm thay ông làm cho trọn đạo nghĩa. Mấy năm nay sức khỏe bố suy giảm, không về quê được nữa. Các em đi làm ăn xa, việc họ hàng nội ngoại bố mẹ giao cả cho tôi. Có O Thơ ở nhà tôi rất yên tâm!
Khi khách ra về gần hết, còn mấy anh em nội thân ngồi lại, tôi nói với O Thơ:
- Việc của Họ thì để sau Tết bàn tiếp rồi quyết định. Lăng mộ ông bà “cố Dinh” trong nghĩa trang giờ đã tu sửa đẹp đẽ. Phần đất phía sau lăng dành sẵn để tới khi bố mẹ tôi trăm tuổi sẽ đưa về ở cùng. Như vậy là ấm cúng, chắc các cố cũng bớt tủi lòng nơi chín suối. O xem cần sửa sang gì thêm nữa không?
O Thơ ngậm ngùi:
- Phận con gái phải theo chồng, lúc chết O cũng vào nghĩa trang nhà chồng. Lo cho ông bà được thế này là O yên tâm rồi! Đây cũng là ước nguyện của ông bà trước khi mất.
Chào mọi người, tôi lên xe trở về Thành phố. O Thơ gửi theo túi “Lộc” cho các cháu, vài bó rau xanh và bao gạo mới. Nhà tôi vẫn quen dùng thứ gạo quê sau mùa gặt, thoảng mùi cám thơm, cơm chín dẻo, ngọt thanh, béo bùi. Xe lướt nhẹ trên đường làng, dần xa lèn Hổ Lĩnh, vài làn gió từ dưới biển tràn lên mát dịu. Đồng ruộng quê nhà đang lấy lại màu xanh, mạ non đã bắt đầu bén rễ.
Tôi lâng lâng tận hưởng cảm giác thư thái, chợt chuông điện thoại reo vang. Ông anh ở Hà Nội thông báo: “Em ơi! Cuối tháng này chưa đưa ông về nghĩa trang được rồi. Ở quê vừa cho biết có một cụ trong Họ mới mất. Đành phải tiếp tục chờ đợi thôi em ạ!”. Đó là câu chuyện buồn của gia đình người bác, anh ruột mẹ tôi. Ý nguyện cuối cùng của ông được nằm trong nghĩa trang của Tổ tiên. Vậy mà gần năm năm nay con cháu vẫn chưa thể đưa tro cốt ông về với quê hương!
Nhìn sang bên đường, lèn Hai Vai đổ bóng dài phủ mát một vùng quê yên bình. Xe tôi vừa đi ngang qua!
Theo Chuyện Làng Quê
Tạp văn của Trần Vũ Quang
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/gio-que-ke-chuyen-que-tap-van-a9636.html