Kỳ 36.
Quân Lam Sơn nhặt được thư đem về cho Lê Lợi. Lê Lợi bóc thư ra đọc. Hoàng Phúc viết: “Đại trượng phu chỉ có chết tại trận tiền, không đầu hàng, không hèn nhát tháo chạy”.
Lê Lợi nói:
-Những thằng điên rồ cố chấp, bất nhân, không tiếc sinh mạng của hàng vạn binh lính và gia đình vợ con của họ. Người đâu.
-Dạ.
-Truyền lệnh tổng công kích tiêu diệt quân Minh ở Xương Giang.
-Dạ.
Đêm đó trời đổ mưa, gió càng thêm lạnh, đêm tối nhưng Xương Giang náo nhiệt của đêm quyết chiến. Pháo sáng tên lửa của quân Lam Sơn bắn lên trời. Từ 4 phương tám hướng, quân Lam Sơn đông như kiến cỏ tầng tầng lớp lớp do các mãnh tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê khôi, Nguyễn Xí, Phạm Vấn, Lê Hối, Đinh Liệt, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Đình Lý, Lê Văn An cùng 7 vạn quân bắt đầu tổng công kích vào trại giặc. 6 vạn quân Minh không hào lũy, không lương thực đã đói khát mệt mỏi, kiệt sức, tên đạn đã cạn, bị những trận mưa tên và máy bắn đá dội vào xối xả. Quân Lam Sơn còn kéo cả pháo từ thành Xương Giang xuống tham chiến nã vào trại quân Minh. Vài canh giờ sau, 3 vạn quân Minh tử trận, cánh đồng chất đầy xác, máu như lũ lụt đỏ ngầu. Khi đó quân Lam Sơn mới xông vào chém giết. 2 vạn quân Minh còn lại đầu hàng bị bắt cùng 300 tướng lĩnh cao cấp của triều đình nhà Minh. 10 vạn quân Minh chỉ một tên chủ sự là Phan Hậu chạy thoát về nước. Quân Lam Sơn thu được chiến lợi phẩm vũ khí, ngựa, vàng bạc chất cao như núi. Trận Xương Giang khép lại cả một chiến dịch Chi Lăng-Xương Giang, là một trong những chiến công hiển hách nhất trong cuộc chống ngoại xâm phương Bắc.
Đạo Tây Bắc, chỉ huy 5 vạn quân vượt Ải Lê Hoa xâm nhập vào Đại Việt là Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh. Trái với sự hung hăng của tướng trẻ Liễu Thăng thì Mộc Thạnh một tướng già cho quân tiến rất chậm chạp, thận trọng, vừa đi vừa nghe ngóng tin tức của đạo quân Liễu Thăng. Một buổi sáng quân Mộc Thành đang đi thì bị quân Lam Sơn do tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Đỗ Bí, Lê Khuyển chỉ huy dàn trận chắn ngang đường. Mộc Thạnh cũng cho quân dàn trận. Khi hai bên đối diện, Phạm Văn Xảo nói;
-Đã lâu nghe tiếng tăm của Kiềm Quốc Công, nay hóa ra cũng chỉ là một viên tướng tầm thường như Liễu Thăng mà thôi.
Mộc Thạnh hỏi:
-Sao tướng quân lại nói vậy?
Liễu Thăng là một tướng trẻ không suy xét thời cuộc, cứ xông vào cướp nước người khác nên đã thiệt mạng rồi, thật là uổng công cha sinh mẹ dưỡng. Nay Quốc Công đã già rồi sao vẫn nhất quyết đi vào đất chết như Liễu Thăng?
Mộc Thạnh hỏi:
-Tướng quân có bằng chứng gì để nói rằng An Viễn Hầu đã chết?
Trịnh Khả gọi:
-Người đâu.
-Dạ.
-Đem ra đây.
-Dạ.
Quân lính đem ra cây sào tre có treo thủ cấp của Liễu Thăng còn đội mũ, dưới thủ cấp có treo bằng cấp ấn tín chủ soái của Liễu Thăng. Trước hàng quân Việt là 100 lính, 3 thiên hộ và 1 đô chỉ huy sứ quân Minh. Mộc Thạnh kinh hoàng hỏi tên đô chỉ huy sứ:
-Đó là sự thật sao?
Tên tù binh đáp:
-Dạ, bẩm Kiềm Quốc Công, đó là sự thật, An Viễn Hầu đã bị giết ở gò Mã Yên, ải Chi Lăng. Các tướng Lương Minh, Lý Khánh, Thôi Tụ và 8 vạn quân bị tử trận rồi, chỉ còn 2 vạn quân và 300 tướng lĩnh của ta bị bắt.
Mộc Thạnh choáng váng, không nói lời nào quay đầu chạy, 5 vạn quân cũng tan vỡ chạy theo chủ tướng. Trịnh Khả hô to:
-Xông lên giết.
Quân Lam Sơn ào ạt xông lên. Tiếng chiêng trống, tiếng reo hò vang động rừng núi. Tới vùng gọi là Lãnh Câu-Đan Xá, 1 vạn quân Minh bị giết, quân Việt bắt 1000 tù binh, 1000 ngựa chiến, thu vũ khí lương thực nhiều không kể xiết. Mộc Thạnh chạy một mạch qua ải Lê Hoa về nước, không dám quay đầu nhìn lại.
Trong tổng hành dinh ở Bồ Đề, Lê Lợi gọi:
-Người đâu.
-Dạ, bẩm chúa công.
-Cho gọi tướng quân Nguyễn Lôi vào
-Dạ.
Nguyễn Lôi đi vào tổng hành dinh. Lê Lợi nói:
-Tướng quân đem ấn tín của Liễu Thăng, của Lương Minh, Lý Khánh, Thôi Tụ, Hoàng Phúc và 100 tù binh Minh đến các thành làm bằng chứng kêu gọi quân Minh ra hàng. Nói rằng hàng thì tha mạng cho về nước, không hàng sẽ giết.
-Dạ, thần tuân lệnh.
Quân Minh ở các thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh, Đông Quan trông thấy cờ quạt, ấn tín của các tướng lĩnh cao cấp nhà Minh và 100 tù binh làm bằng chứng, biết là 15 vạn quân cứu viện đã bị tiêu diệt, không hàng thì chết, hàng thì được khoan hồng về nước. Cho nên các thành Tây Đô Thanh Hóa, Cổ Lộng Nam Định, Chí Linh Hải Dương, Đông Quan tranh nhau kéo cờ trắng, mở cửa thành đầu hàng. Quân các thành trên được quân Lam Sơn cho về Đông Quan, nhập với quân Vương Thông để về nước. Do gây quá nhiều tội ác trong 10 năm trời với bách tính Việt nên một số tướng lĩnh Lam Sơn tâu xin Lê Lợi cho giết hết hơn 10 vạn quân Minh. Lê Lợi nói:
-Dân tộc Việt ta là đại nghĩa, đại nhân, không bao giờ giết những kẻ đã đầu hàng, đã biết hối cải, đã thề không bao giờ sang xâm lược nước ta nữa. Vả lại, trả lại tù binh còn là vì hòa hiếu giữa hai dân tộc Việt- Trung. Các tướng phải ghi nhớ điều đó, không được tâu trình nữa, ý ta đã quyết.
Các tướng soái đều nói:
-Chúa công anh minh, chúng thần tuân lệnh.
Ngày 10-12-1427, hội thề của tù binh nhà Minh do Vương Thông đại diện diễn ra ở cửa Nam Đông Quan. Trên chiếc bàn cao sơn son thếp vàng lóng lánh, các lư hương đồng màu vàng hương khói nghi ngút, lập lòe những đóm lửa linh thiêng, nơi các bậc trời đất, thánh thần, thiên địa nước Nam đang về ngự trị. Dưới bàn, Vương Thông đốt hương vái lạy và thề rằng:
-Trước các thần linh thiên địa, thánh thần trời đất, mạt tướng bại trận Sơn Thành Hầu Vương Thông thề không bao giờ động binh xâm lược Đại Việt nữa vì đất Đại Việt là của bách tính Đại Việt, của vua Đại Việt, của thần thánh Đại Việt. Nếu sai lời thề sẽ chết không toàn thây dưới lưỡi gươm hòn đạn. Mong các thần linh đất trời chứng dám.
Rồi Vương Thông cùng các tướng Minh quỳ lạy ba vái.
Sau đó hơn 10 vạn quân Minh được quân Lam Sơn chu cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đủ trong hai ngày để về đến bên kia biên giới. Trời mùa đông nhưng nắng chan hòa, quân Minh vượt qua cầu phao sông Hồng sang bờ Bắc. Họ đi hàng dọc dài tưởng như vô tận. Những đội quân Lam Sơn vũ khí trong tay đứng hàng dài hai bên đường và hai bên bờ sông im lặng, chứng kiến và giám sát quân Minh về nước. Khi đã sang hết bờ Bắc sông Hồng, đoàn quân bại trận bỗng nhiên quỳ xuống vái vọng về hướng Bồ Đề, nơi có tổng hành dinh của Lê Lợi, nước mắt họ chan hòa trong sung sướng, trong tủi hổ. Tiếng thổn thức của hơn 10 vạn con người vang lên:
-Cảm tạ Bình Định Vương tha mạng.
-Cảm tạ Bình Định Vương không giết.
-Bình Định Vương đã sinh ra chúng tôi một lần nữa.
-10 năm qua chúng tôi đã gây ra nhiều tội ác trên đất nước của Người. Hu!hu!hu!!!
-Chúng tôi thật là hối hận…
-Đa tạ, Đa tạ…
Gió bấc thổi thốc tháo. Hơn 10 vạn con người đứng dậy tiếp tục đi về phương Bắc, nơi có những người thân yêu của họ đang lo lắng đợi chờ những đứa con tội lỗi đi xâm lược xứ người, đi vào những cuộc chiến tranh phi nghĩa và vô ích. Họ đang đi về đất mẹ của họ. Họ thật là những sinh linh may mắn bởi lòng nhân ái bao la của Đại Việt.
Sau 10 năm nô lệ, đất nước đã sạch bóng quân thù. Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai, “Bình Ngô Đại Cáo”:
“Xã tắc từ đây bền vững
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn đã bỉ rồi lại thái
“Nhật Nguyệt đã mờ rồi lại trong
Để mở nền muôn thưở thái bình
Để rửa nỗi nghìn thu hổ thẹn”.
Ngày 29 tháng 4 năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đế hiệu là Lê Thái Tổ, khai sinh một triều đại mới: Triều Hậu Lê, một triều đại hoàn thiện và phát triển bậc nhất trong chế độ quân chủ phong kiến Đại Việt, đưa Đại Việt đến đỉnh cao của hưng thịnh, phát triển toàn diện mọi mặt kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa. Triều Hậu Lê tồn tại 361 năm (1428-1789) với 21 đời hoàng đế. Nền hòa bình của Đại Việt cũng được duy trì và bảo vệ suốt 361 năm.
Hết chương III.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-36-a9652.html