Đi qua miền lộng gió

Viết để nhớ những ngày còn công tác.

lon-deo-gong-1641777632.jpg
 

 

 

   Nắng hanh hao chảy tràn trên triền dốc. Gió lồng lộng làm tóc Quế tung tóe, rối bời. Co ro đứng xoay lưng lại với hướng gió, Quế phóng tầm mắt nhìn ra xa. Triền đồi thoai thoải trải dài trước mắt  trơ trụi một màu bạc phếch. Những bụi cỏ đuôi chồn xác xơ trong gió lạnh. Nắng nhưng lạnh lắm ! Gió quất vào da thịt buốt như kim châm. Nước mắt giàn giụa, mũi đỏ ửng, môi má ai nấy đều ram ráp nứt nẻ.

   Đây là địa phận giáp gianh Tam đường - Than uyên. Mênh mông hết tầm mắt mới thấy lác đác một, hai ngôi nhà nho nhỏ trơ trọi bên đồi. Những tảng đá to như con trâu mộng nằm lăn lóc khắp nơi. Những ngôi nhà được xếp đá xung quanh làm hàng rào. Lạ thật ! Đất rộng, người thưa thế này mà sao không ai chịu trồng cấy gì cả, lấy gì mà sinh sống ? Đem thắc mắc hỏi anh Thường - hạt trưởng, Quế mới biết vùng này khí hậu khắc nghiệt, mưa thối đất, thối cát mà nắng thì cháy da, cháy thịt. Gió cứ cuồn cuộn cả ngày đêm nên không cây nào sống sót được. Đang lơ ngơ ngắm hàng rào bằng đá, cô chợt bật cười khi thấy mấy con lợn đen, lưng võng, bụng quét sát đất đang dũi đất gần đấy. Ở cổ mỗi con có một khung gỗ hình tam giác. A ha ! Lợn đeo gông !

   - Cô thấy lạ à ? Dân họ đeo gông cho lợn để nó không phá phách đấy. Khi nó chui đầu qua chỗ hổng sẽ bị vướng gông không sang được bên kia.  Loại lợn này phá lắm. Họ thả rông cho đi dũi đất kiếm giun dế, cỏ cây. Tới bữa chạy về ăn cám nơi góc sân. Loại này nuôi chậm lớn lắm. Hàng hai, ba năm mới được thịt.

    Quế nghĩ bụng : đất đai khô cằn thế này, người chẳng có cái mà ăn thì lợn đói là phải rồi!

    Mấy hôm rồi mưa to nên bị đứt đường. Nước lũ từ trên cao cuồn cuộn đổ về. Cầu Mường Khoa bị sụt mố, công nhân đang tập trung kè rọ đá vào chân mố cầu và làm tạm đường tránh cho người, xe đi tạm. Nước đục ngầu ầm ào lao đập vào những tảng đá to như ngôi nhà nằm xếp chồng lên nhau làm bọt trắng tung tóe. Dò dẫm từng bước trên chiếc cầu tạm, mãi rồi Quế cũng qua được bên kia. Hú hồn ! Tập trung công nhân lại để sắp đặt công việc và phát lương xong, hai anh em  lại rong ruổi về huyện. Qua thị trấn Thân thuộc thấy màu xanh trải dài của những đồi chè, thấp thoáng bóng công nhân đi đốn chè, làm cỏ. Cảm thấy sức sống bừng lên nơi miền đồi lộng gió. Gần tới Khau Riềng, hai bên đường vắng tanh, lau sậy từ ta luy dương sà xuống đường. Anh Thường bảo : " Bận đảm bảo giao thông nên chưa cho công nhân phát quang được ".

  Gió vẫn hun hút thổi, thoảng trong gió một mùi khen khét, gây gây. Qua khoảng đất trống, anh Thường chỉ cho Quế nhìn thấy một thứ mà cô rùng mình, hãi hùng. Một đống củi đang leo lét cháy, thỉnh thoảng ngọn lửa lại bùng lên rồi vụt tắt. Trong buổi hoàng hôn nhìn cảnh tượng thật sởn gai ốc. Anh Thường bảo đó là đám hỏa thiêu của người Thái từ hôm qua đến giờ. Mùi khét lúc nãy là mùi mỡ người cháy . Sau ba ngày họ sẽ nhặt nhạnh xương cốt còn lại đưa đi chôn. Nghe khiếp quá nên Quế nhắm tịt mắt lại và giục anh Thường đi nhanh.

 

 

    Cánh lái xe Tây bắc vẫn có câu ca:

   Khau Co, Khau Phạ, Khau Riềng

   Trong ba Khau ấy, anh kiềng Khau Co.

     Khau Co nổi tiếng về độ quanh co, hiểm trở. Khau Phạ nổi tiếng về độ cao hùng vĩ , còn Khau Riềng được biết đến với gió lồng lộng, hoang vu và hay bị sét đánh. Có lẽ trong lòng đất nơi này có chứa quặng sắt chăng?

    Về tới nhà anh Thường cũng đã tối mịt. Cả nhà quây quần bên bếp lửa ấm cúng. Sau một ngày ngồi xe máy với hơn 100km đèo dốc, Quế mệt mỏi tưởng ngủ được luôn nhưng hình ảnh ma mị của đám hỏa táng cứ ám ảnh làm cô không tài nào ngủ được. Lần đầu tiên cô được biết đến một phong tục của người Thái Tây bắc.

   Hôm sau, hai anh em lại tiếp tục hành trình, quay ngược lại cung đường hôm qua đã đi. Sương muối mịt mù như mưa bụi. Xe phải bật pha lên mới nhìn rõ đường đi. Tóc tai và lông mày, lông mi trắng xóa như phủ bạc. Tới hồ Long thăng, những tia nắng yếu ớt đã vén tấm màn sương giá nhìn xuống trần gian. Mặt hồ ngùn ngụt sương, hòn núi đá giữa hồ ẩn hiện mờ ảo trong sương tạo nên những hình thù cổ quái. Hai anh em dựng xe bên vệ đường, cạnh hòn đá mồ côi chờ công nhân tới. Và câu chuyện về hòn đá được anh Thường kể cho Quế nghe.

   Hòn đá này trước đây nằm giữa rãnh nhưng ở trên đỉnh dốc nên không ảnh hưởng gì đến dòng chảy. Vì vậy mọi người cũng không có ý định di dời nó ra chỗ khác. Bỗng một hôm công nhân đi làm thấy hòn đá đã được đào lên và vần lên vệ đường, bên cạnh đó có mấy người đàn ông Hmong nằm say lăn lóc. Khi mấy người này tỉnh lại, họ kể :

   Hôm trước có mấy người lạ tới bản thuê họ đào hòn đá vần lên vệ đường và hứa trả công hậu hĩnh. Gần sáng họ được ăn uống no say và ngủ không biết gì nữa. Giờ mấy người kia đi đâu mà còn chưa thanh toán tiền công cho họ. Đến tận bây giờ, lời đồn đoán về tốp người bí ẩn nọ vẫn chưa có lời giải đáp.

    Trưa đó, Quế theo xe cơ quan về qua đèo Khau Co và vẫn mang trong tâm trí  nỗi ám ảnh về lễ hỏa táng cùng bí ẩn chưa được giải đáp xoay quanh hòn đá mồ côi. Quế hy vọng một ngày nào đó sẽ được sáng tỏ mọi việc.

 

 

Theo Chuyện làng quê

Ảnh của Bống Chíp , bài Tuấn Hương

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/di-qua-mien-long-gio-a9654.html