Họa sỹ lò heo

Xóm Lò heo của tôi trước 1975 có anh Họa sỹ Thành. Nhà anh ở sát vách nhà anh Hai Khối (bên kia giáp nhà chú Ba Cát) anh nói chuyện nhẹ nhàng, hiền khô, không mích lòng ai.

269974328-2974235552839066-3873287210005167415-n-1641796797.jpg

Anh nhận họa hình thờ cho khách, chỉ cần cái ảnh nhỏ xíu trong cái thẻ căn cước đưa cho anh phóng to ra bằng cách vẽ ca rô, cái hình được anh vẽ sinh động khác cái ảnh nhỏ xíu trong cái căn cước. Khi rảnh thì anh vẽ tranh cảnh đồng quê đại loại như Cây đa, Bến nước, Con đò... ai mua anh cũng bán. Trong nhà anh vẽ mấy câu ca dao tục ngữ treo đầy trên vách, tôi nhớ được một câu:

Nhân phi nghĩa bất giao.

Vật phi nghĩa bất thủ.

Từ nhỏ tôi đã thích học vẽ, nhưng khi nói với mẹ con muốn qua Cần Thơ đăng ký học Mỹ thuật là mẹ tôi nhảy đỏng lên quát:

- Mày muốn xe nhà binh ăn mày hả sao mà đòi qua Cần Thơ học?

Nhưng trong xóm ai cũng khen tôi vẽ đẹp nên mẹ kêu anh hai tôi dẫn đến thọ giáo họa sỹ Thành. Sau khi kiểm tra "năng khiếu" của tôi anh Họa sỹ ok ngay nhưng tôi thì ngần ngừ chưa muốn  học vì thấy mỗi lần muốn vẽ hình hay phong cảnh anh đều phải vẽ ca rô. Tôi thì thích muốn vẽ gì thì vẽ ngay không cần phải tạo cái "ma kết" trước, muốn thọ giáo thì hàng ngày phải đến học mà tôi ham chơi vì vậy chuyện học vẽ xem như không thành. Nhưng sau này khi tập tành vẽ vời tôi lại chọn theo cách của anh Thành, phóng to hay thu nhỏ theo cách "ca rô" thì mới chính xác. Mỗi lần thấy tôi tập vẽ ông anh Tư lại nhạo:

- Mày tính làm họa sỹ lò heo hả?

Sau năm 1975 anh Họa sỹ Thành dọn nhà về khóm 1 ngang quán hủ tíu của Anh Ba cà Nhỏng, lúc đó ai cũng khó khăn nên người thuê vẽ cũng ít, anh cắt kính vụn vẽ những cảnh nho nhỏ bằng màu sơn đen rồi phía sau quét lên một lớp màu mi nơ (giống như cách vẽ tranh thờ ở huyện Chợ Mới) bán cho khách hàng mua làm quà tặng lưu niệm, đến năm 1979 anh chuyển nghề làm Đại lý vé số, và vài năm sau anh dọn nhà đi luôn về quê vợ ở Gò Công?

Nhưng cái danh Họa sỹ Lò heo là không phải của Anh Thành. Ngay cầu Lò heo là nhà của Bác Hai quay heo. Bác có người con trai là anh Ngọc Lợi anh theo học Mỹ thuật ở Cần Thơ, Tranh của anh vẽ toàn là hình thiếu nữ và Hoa, mà tấm nào cũng đóng khung to đùng. Mỗi lần tới Tết anh vẽ tranh tấm nào cũng to quá khổ nên nhà chật không đủ chỗ để, mà bán cũng không thấy ai mua? Năm sau anh lại vẽ nhiều hơn, Nhà chật nên qua tết bác hai đem một đống tranh của anh qua dừng trên vách mấy cái chuồng để che nắng cho mấy con heo đang vô chuồng chờ mổ, thế là từ đó cái danh Họa sỹ Lò Heo ra đời... mà cái người phát sinh ra cái "nghệ danh" đó là ông anh thứ tư của tôi. Anh Tư Tỷ.

Anh Ngọc Lợi thì có cái nghệ danh khác là Mạc Thế Nhân. Ngoài cái nghề vẽ ra thì ít ai biết anh có cái tài làm thơ, viết lời cho bài ca Tân cổ và cả viết tuồng cho kịch bản cải lương. Anh đi học và làm việc ở bên Cần Thơ nên chợ Cái Vồn ít ai biết anh.  Khi lập gia đình bên vợ ở Rạch Chùa, ngay cái đầu đường đi vô sóc Thu Bồn, vợ anh ngày xưa cũng là một hoa khôi lúc còn đi học bên Cần Thơ nên anh ở bên vợ nhiều hơn. Có lần khi về nhà thấy tranh của mình treo đầy mấy cái chuồng heo nên chắc anh "giận" ba anh nên sau đó ít thấy anh về, anh bỏ đi theo vẽ tranh cảnh cho gánh hát và sau đó thì anh làm... Bầu. Anh vừa vẽ tranh cảnh, vừa viết tuồng, vừa "giành" hát kép chánh ở đoàn Cải lương huyện Càng Long.

Mà anh thì viết giỏi nhưng ca thì dở mà cứ giành hát vai chánh hoài nên vài tháng là rã gánh tại chợ Trung ngãi Vũng Liêm. Sau đó anh về sống ở Kiên Giang. Sau nghe tin anh về Sài Gòn ở với con và tin mới nhất là anh mới được đưa vô hủ?  Xóm giềng lâu lâu cũng nhắc anh với biệt danh "HỌA SỸ LÒ HEO"./.

                                          

Theo Chuyện Làng quê

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/hoa-sy-lo-heo-a9666.html