Du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới
Nhắc đến Hà Giang, du khách không thể quên những địa điểm hấp dẫn, như: Núi đôi (Quản Bạ), phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, dinh thự vua Mèo, nhà của Pao, phố Cáo... Bên cạnh đó, trải nghiệm với cuộc sống người dân theo mô hình du lịch cộng đồng đang được nhiều bản làng khai thác, vừa kéo dài thời gian lưu trú, vừa cải thiện đời sống người dân.
Trước đây, khi đến cột cờ Lũng Cú, du khách chụp ảnh xong thường về thị trấn Đồng Văn nghỉ đêm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, du khách có thể ở lại thôn Lô Lô Chải, trải nghiệm uống cà phê Cực Bắc, thưởng thức món ăn đồng bào hoặc chọn nghỉ đêm tại một số homestay trong làng.
Ông Sình Dỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cho biết: "Thôn có 104 hộ là người Lô Lô và có 10 hộ đồng bào Mông. Trước đây, chúng tôi chỉ làm nông nghiệp. Tôi làm dịch vụ homestay cách đây 10 năm. Tuy nhiên, từ khi gắn phát triển du lịch cộng đồng với phong trào xây dựng nông thôn mới, hạ tầng thôn được cải thiện. Trong thôn có 11 hộ làm du lịch cộng đồng kết hợp với làm dịch vụ như bán hàng lưu niệm, đặc sản… nên thu nhập tăng, cải thiện đời sống rõ rệt”.
Hành trình từ Đồng Văn đến Mèo Vạc đi qua con đèo nổi tiếng Mã Pì Lèng, du khách có thể ghé thăm Làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi. Đây là làng văn hóa cộng đồng được xây dựng theo mô hình công - tư với diện tích hơn 46.000m2. Đây là mô hình làng du lịch cộng đồng được huyện Mèo Vạc đầu tư cơ sở hạ tầng và cho các hộ gia đình tự xây dựng homestay để làm du lịch. Những homestay ở đây được xây dựng đúng phong cách nhà của đồng bào dân tộc Mông. Nhà làm bằng tường đất theo phương pháp trình tường, kiểu nhà 3 gian hai chái, cột kèo bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương hai tầng. Mỗi homestay được bố trí xây dựng trên diện tích khoảng 300m2, có hàng rào bằng đá xếp xung quanh. Ngoài ra, khuôn viên các nhà đều được trồng nhiều hoa nên cảnh quan đẹp.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết, làng được chia làm 3 khu, hiện có 28 hộ tham gia mô hình kinh tế này để khai thác du lịch. Trong làng, có nhà văn hóa thôn, nhà trưng bày theo mẫu truyền thống của người Mông, có khu sân chơi được dùng làm nơi biểu diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống. Địa điểm này không chỉ giúp địa phương bảo tồn, quảng bá văn hóa dân tộc Mông phục vụ du khách, mà còn là nơi để bà con người Mông đến tìm hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Anh Nguyễn Văn Dũng, vừa theo chương trình du lịch caravan đến Hà Giang khá ấn tượng khi trải nghiệm tại làng văn hóa du lịch Pả Vi. "Với mức chi phí khoảng 200 nghìn/người/đêm, chúng tôi được trải nghiệm không gian sống của người Mông cùng các dịch vụ chuyên nghiệp và môi trường trong lành. Mô hình này là không gian hiện đại mà mang phong cách truyền thống, sạch sẽ".
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, tỉnh đã có chủ trương, định hướng, chính sách trong phát triển du lịch cộng đồng dưới mô hình làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới và dược liệu. Đến nay, toàn tỉnh có 13 làng tại 9 huyện, thành phố được UBND tỉnh công nhận làng văn hóa du lịch tiêu biểu
Nhân rộng những mô hình
Tại Hà Giang, không chỉ có Làng văn hóa, du lịch cộng đồng được đầu tư cơ bản, nhiều mô hình du lịch cộng đồng tự hình thành như làng du lịch cộng đồng xã Du Già (huyện Yên Minh)... Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Chủ tịch xã Du Già (huyện Yên Minh) cho biết, cộng đồng dân cư của Du Già hiện có 1.600 hộ, trên 8.700 khẩu, với nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Mông, Xuồng, Dao, Cao Lan...
“Cách đây khoảng 6-7 năm, từ một hộ vốn là hướng dẫn viên du lịch người địa phương làm việc tại thành phố Hà Giang, dẫn khách về chơi. Sau đó, khách Tây ba lô review (nhận xét) là điểm du lịch cộng đồng trải nghiệm đặc sắc, từ đó khách đến ngày một nhiều nên các hộ dân tự phát mở thêm các homestay với gần 30 hộ. Lượt khách đến Du Già đến trên 90% là khách quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, các dịch vụ phục vụ du lịch như nhà nghỉ, homestay được làm theo phong cách của dân tộc Tày. Năm 2020, khi dịch COVID-19 xuất hiện, du khách đến ít hơn, hoạt động du lịch cộng đồng tại đây đang gặp không ít khó khăn", ông Nguyễn Kiên Cường chia sẻ.
Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ở Du Già, huyện Yên Minh cũng đã phê duyệt Đề án xây dựng thôn Cốc Pảng - khu trung tâm xã thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với phát triển dược liệu. Du khách không chỉ lưu trú, mà còn được trải nghiệm, khám phá cảnh quan, thiên nhiên tại các bản làng, những nét văn hóa độc đáo thông qua ẩm thực, những điệu dân ca, dân vũ.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng để vừa nâng cao thu nhập, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú của khách trên địa bàn.
"Từ các mô hình du lịch cộng đồng đã có, tỉnh sẽ có những đánh giá cụ thể về hiệu quả các làng du lịch cộng đồng để nhân rộng mô hình này tới những địa phương có đủ điều kiện phát triển, đồng thời tránh trùng lặp, tạo sự đa dạng", ông Nguyễn Hồng Hải nói.
Còn ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: Để phát triển du lịch bền vững thì bên cạnh yếu tố cảnh quan, hạ tầng thì quan trọng hơn cả là cộng đồng được hưởng lợi từ tham gia các dịch vụ khi đón khách. Không chỉ đơn thuần hộ làm dịch vụ homestay mà các hộ khách cùng tham gia khi cung cấp lương thực, đặc sản, hàng lưu niệm, các dịch vụ khách để người dân nhận thấy được hưởng lợi từ du lịch.
Xuân Cường
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ha-giang-tao-suc-hut-tu-du-lich-cong-dong-a9675.html