Nhớ danh cầm ở Bình Minh

Tôi theo gánh hát cải lương đánh đàn guitar tân nhạc nên không rành bên cổ nhạc lắm. Hôm nay mạo muội xin viết bài về các danh cầm xứ Bình Minh cho các bạn đọc xem.

271597188-2974887322773889-8242221059618272688-n-1641871814.jpg

Ở xứ Cái vồn Bình Minh ai cũng biết chuyện nữ nghệ sỹ nổi tiếng T.. đã trưởng thành và lớn lên trở thành cô đào chánh của sân khấu Cải lương hơn 50 năm qua không đối thủ. Chị T... là con của dì 9 M... một người bạn học chung lớp với Mẹ tôi.

Mẹ kể:

- Nhà dì Chín ở tuốt dưới xóm lò tương chao của Ông Ba Thai, nhà Dì đông con nên Dì hàng ngày tới lò chao rửa các lọ tương chao cũ tính theo kết, Dì là bạn thân của Mẹ từ lúc đi học tới bây giờ. Còn con T... lúc 9 hay 10 tuổi đã qua trại lá của ông Quản Tôn (Mười Tôn) chằm lá ăn tiền công tính theo trăm. Vì tuổi hồn nhiên nên vừa làm vừa hát nghêu ngao. Tiếng hát của con T làm anh Mười nghe phải giật mình vì phát hiện giọng ca "lạ". Sau đó anh Mười mới chủ động dạy cho con T hát những bài ca cổ nhạc dạng nhỏ... Sau đó Dì Chín dẫn nguyên bầy con lên Sài Gòn sinh sống và sau vài năm thì con T trở thành cô đào nổi tiếng tới bây giờ.

Thời đó đất Cái Vồn là nơi "Địa linh Nhân kiệt" nơi sản sinh ra những Danh cầm đàn ca Tài tử tài hoa nổi tiếng không thua gì các Nhạc sỹ Sài Gòn đương thời như: Văn vĩ, Bảy Bá, Ba tu... Đàn tranh thì có Huynh Tú (là một thầy chùa) ông dạy đàn tranh cho Bác Năm Toàn (Nguyễn Văn Toàn) một Tây y chích thuốc theo toa Bác sỹ. Mỗi buổi chiều Bác Năm đạo mạo áo sơ mi trắng bỏ vô thùng, mang cặp kính cận dày cộm dáng thong thả ngồi đàn tranh, bên ngoài nhìn vô thấy Bác có vẻ là một cao thủ tài tử nhưng thật ra Bác Năm Toàn chỉ đàn được 6 câu vọng cổ và một vài bài bản nhỏ.

Bác Năm Toàn có hai người con trai là anh Vẹn và anh Vĩnh cũng chơi đàn nhưng không theo cha mình mà hai anh chơi tân nhạc. Anh Vẹn chơi guitar Bass còn Vĩnh thì chơi guitar solo cho đoàn văn công xã Mỹ Thuận. Thời còn đi học tôi đã mê tiếng đàn của Vĩnh với những bản Satana hòa tấu đánh theo những bài của ban nhạc The Ventures ANA 6 (Sau khi Bác Năm mất căn nhà của Bác bán lại cho vợ chồng Nghĩa Lập. Lập là con gái của Cậu Ba tôi). Trên xóm Đình cầu Cái vồn lớn gần nhà anh Hai Chệt Văn có danh cầm Sáu Trinh, đàn guitar cổ nhạc nổi tiếng làm các tay đàn xứ khác gặp ông hay thử tay nghề. Sau khi nghỉ giải lao trở vô cầm cây guitar lúc đó đã được "bọn ác" lén lên dây phá cây đàn bằng cách sợi thì lên cao sợi xuống thấp, nếu gặp tay đàn khác thì phải so dây lại nhưng ông Sáu làm thinh đàn tỉnh bơ như không có chuyện gì. Bản lĩnh như vậy đúng là độc nhất vô nhị ai cũng phải bái phục.

Nơi xóm Đình Mỹ thuận còn có chị Hồng Châu là một đào Cải lương thanh sắc vẹn toàn được nhiều người mến mộ, chị hát Tân nhạc cũng rất hay. Bài ruột của chị là "Màu tím pensee" (Đài Phương Trang - Ngọc Sơn), mỗi lần hát là đốn tim tụi thanh niên ngơ ngẩn nghe chị hát. Em gái chị là Ngọc Bế giọng cũng hay, bài ruột của Bế là bài "Ngày xưa Anh nói" (Thanh Tuyền - Thúc Đăng) và ngoài nghề hát gia đình chị Hồng Châu chuyên mua bán cải xà lách xoong ở Bình minh.

Bên xã Mỹ hòa thời đó thì ngoài Bác Mười Tôn (Quản tôn) là danh cầm đàn Kìm (Nguyệt Cầm) còn có hai Danh cầm khác là anh em Bác Mười Kiên và Mười Ngoạn, hai Bác đàn được đủ loại đàn và từng đoạt đủ loại Huy chương vàng, bạc cấp khu vực. Ở Phù ly gần nhà Nội tôi thời đó có ông Xã Trực (Bùi kim Trực) con ông Thân Nhiếp nổi tiếng với tiếng đàn Kìm, lâu lâu ở chùa Ông Lục có tổ chức ca hát là có Danh ca Út Trà Ôn cùng các nghệ sỹ tên tuổi từ Sài gòn về hát đều phải rước bằng được ông Xã Trực thủ cây Kìm.Khu chợ Bà thì có Danh cầm Út Tròn nhà gần cây cầu Sắt cũng là lò dạy đàn ca tài tử, nhiều đệ tử của thầy nổi tiếng theo các đoàn Cải lương Miền Tây thời đó. Ban nhạc của thầy Út mỗi lần được mời phục vụ hay biểu diễn phải có đủ 5 loại nhạc cụ. Ai muốn lên hát thầy Út giao:

- Ai ca cũng được nhưng rớt một nhịp thì phạt một ly rượu.

Thầy Út hay chơi đàn kìm và thủ song loan, mỗi khi có dịp giao lưu hay trong các cuộc biểu diễn. Mỗi lần đám tiệc rước ban nhạc của thầy Út thì ít ai dám lên hát vì sợ bị phạt. Đệ tử thầy Út có anh em Tám, Chín nhà ở xóm nhang khu Cây me, chơi guitar và cây sến. Sau này mấy anh em Tám, Chín đi theo đàn cho Đoàn Cải lương Tây ninh và lập nghiệp trên đó luôn. Thời đó bên Đông Thành ngang nhà chú Bảy Bò bên khu chợ (là thầy thuốc Đông y và chuyên trị bong gân trặc tay chân) có anh Bảy Yến bán quán cà phê, tiếng đàn guitar cổ của anh cũng nổi tiếng trong Huyện. Anh luôn được mời khi địa phương có tổ chức văn nghệ phục vụ hay đám tiệc.

Nhớ một câu chuyện trào nước mắt của gia đình anh Yến. Khoảng cuối thập niên 70 anh Yến vừa sửa lại cái quán cà phê. Một đêm mưa giông vợ chồng anh đang ngủ say, bỗng trời nổi cơn gió lốc cuốn nguyên cái quán bay ra tuốt đám ruộng ngoài gần lộ xe tan tành. Vợ chồng anh ngồi trên giường mắc mưa ướt nhẹp ngơ ngác không biết cái nhà cũng là cái quán cà phê của mình bị giông lốc thổi bay đi đâu? Khi bà con chòm xóm chạy lại ứng cứu thì ai cũng bất ngờ và không hiểu giông gió gì mà bay mất cả căn nhà của anh như vậy? Anh Yến chơi guitar cho đoàn văn công Thị trấn chung với Hai anh em Anh Ngợi và anh Dễ là thợ hớt tóc nhưng hai anh chơi nhạc rất hay. Ngoài chuyện chơi nhạc cho đoàn văn công Thị trấn hai anh còn chơi nhạc cho nhà thờ Tin lành gần nhà. Ở xóm Guốc có Mạnh Thường chơi guitar nhạc làm nghề vá dép. Trong Rạch vồn có Nguyễn An chơi guitar, trong sóc Thu Bồn có anh Khơmer tên Thạch Phiên chơi guitar cho các phòng trà quán Bar ngày xưa. Sau 1975 anh Thạch phiên về chơi nhạc cho phòng VHTT huyện Bình Minh. Hiện nay An, Thường, Phiên đều đã mất.

Thời đó cuối khóm 3 xóm lò heo có anh Trọng con Dì Mụ Phấn nhà ngay cái bến đò ngang Mỹ hòa, anh ham chơi nhạc nên lúc còn là học sinh cấp 2 đã sắm đủ bộ âm thanh trống đàn lập một ban nhạc nhỏ riêng cho thỏa thích đam mê của mình. Sau 1975 anh chuyển qua chơi cổ nhạc. Anh rước các thầy đàn cổ nhạc về nhà bao cơm, bao ăn nhậu chỉ với sở thích bằng mọi cách học được tiếng đàn, học cái hay của từng thầy rồi chắc lọc lại làm cái hay của riêng mình. Những ông thầy anh thọ giáo thời đó có nhạc sỹ guitar phím lõm là một nhạc sỹ tài danh cộng tác cho đài phát thanh Cần thơ là anh Sáu Lâm một mắt. Anh Sáu Lâm có một thời gian dài theo đàn cho đoàn Cải lương Hồng Nhung ở An Giang. Anh Trọng sau này nổi lên là một Danh cầm cổ nhạc tài hoa đàn được nhiều loại nhạc cụ tân cổ nhạc. Nhưng tin mới nhất là anh đang bệnh nặng, anh yếu tới nổi không cầm được cây đàn và một tay lãng tử tài hoa phong lưu bây giờ hoàn cảnh rất khó khăn.

Một nhạc sĩ không thể không nhắc là Hoàng Lưỡng. Bây giờ Lưỡng nổi tiếng không chỉ ở Bình minh, Vĩnh long hay Cần thơ mà anh còn nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tiếng guitar mùi mẩn ngọt lịm. Lúc còn nhỏ anh em Lưỡng đi bán bánh mì dạo, nhà gần nhà thờ chung xóm với các anh Ngợi, Dễ... Ham đàn Lưỡng mua một cây guitar phím lõm, tự mày mò từng câu từng chữ, mỗi buổi trưa nghe trên đài phát thanh có chương trình ca cổ, ai ca tới đâu anh ta đàn theo tới đó riết rồi bản gì đàn cũng được nhưng bài bản đó tên gì? Nam hay Bắc? Oán hay Ngự? Anh chàng cũng ù ù cạc cạc. Vậy mà định mệnh xui khiến cho Hoàng Lưỡng một bước ngoặc đổi thay cả cuộc đời. Cuối thập niên 80 một lần Đoàn cải lương NDKG về hát ở Bình Minh thì bất ngờ anh chàng chơi guitar cổ xin nghỉ. Vài người thân giới thiệu Hoàng Lưỡng với anh Thế Phương (là trưởng ban nhạc cổ của đoàn) đến đàn thế chỗ cho anh nhạc sỹ kia. Khi theo đàn cho đoàn Cải lương NDKG Hoàng Lưỡng có điều kiện để hoàn chỉnh những kiến thức về bài bản tài tử của mình. Bây giờ tên tuổi anh lan qua tới các Tỉnh cấp khu vực.

Một nghệ sỹ kiêm nhạc sĩ là Anh Mười Chiếu. Anh là nhạc sỹ đàn Hạ uy di nhà ở Mỹ hòa Tây bờ sông cái, anh đàn cho đoàn Văn công xã Mỹ thuận với cây đàn Hạ uy di tự chế bằng gỗ cây Còng. Anh chơi cả tân lẫn cổ nhạc, tiếng đàn anh cũng nhiều lần đoạt giải cao cấp Tỉnh và anh cũng có thêm cái tài múa bóng rổi từng đạt HCV cấp Huyện lẫn cấp Tỉnh Cửu Long. Người anh thứ tư (Tư Tỷ) của tôi thời đó cũng là một giọng ca lạ của tài tử cổ nhạc, anh Tư ca được vài bài vọng cổ nhưng chưa biết nhịp nhàng gì. Lúc anh Tư ở Sài Gòn với Ba, ngang bên nhà có anh Tư An làm nghề Tài xế đàn guitar cổ rất hay nên lúc rảnh buổi tối anh Tư An dạy nhịp nhàng cho anh Tư Tỷ hát. Nhờ có thầy dạy nên anh Tư thuộc gần hết những bài tân cổ của nghệ sỹ Minh Cảnh thời đó như:

- Hai sắc hoa Ti gon, Cô hàng nem Thủ Đức, Kiếp Trâu già, Sầu Vương ý nhạc, Trống loạn Thăng Long Thành, Lòng dạ đàn bà... học được ba lớp Xuân tình trong bài Tống tửu Đơn Hùng Tín, vài bài bản nhỏ đủ kiếm cháo khuya.

Khi về Cái vồn anh Tư qua thọ giáo thầy Quản Tôn sau chị T vài năm. Năm nay nữa là anh Tư đã bước qua tuổi 77 rồi. Gặp tôi Anh hay thắc mắc hỏi:

- Tại sao chị T... bả nhỏ tuổi hơn tao được? Vì lúc còn chung xóm thủa còn con nít gặp bả tao kêu bằng chị không hà.

Nghệ sỹ Minh Cảnh hát tân cổ chỉ hát dây kép ít khi hát dây xề, anh nói:

- Hát vọng cổ dây kép (bằng tone Sol bên tân nhạc) nghe mới mùi. Mấy câu thả chữ nó nghe thâm trầm hơn nên anh ít khi nào ca dây xề (dây xề bằng tone La).

Anh Tư Tỷ của tôi thì ca bằng cái giọng ca giống Minh Cảnh nhưng anh ca cao vút gần dây đào, dây xề Líu (bằng tone Đô), dây đó khi cây guitar ngày xưa lúc chưa biết xài cái chặn dây như bây giờ nên mỗi lần anh Tư hát các nhạc sỹ guitar cổ thường lóng cóng vì đàn dây xề Líu không quen. Khi đi hát anh Tư lấy nghệ danh Minh Kiên với làn hơi ca cổ đặc biệt của mình nên nhiều nhóm đàn ca tài tử thời đó mỗi lần có show là hay mời Minh Kiên cho bằng được. Nhiều đoàn cải lương mời anh theo nhưng anh không chịu. Anh cũng từng thi ca cổ vô vòng chung kết tại rạp hát Nguyễn văn Hảo do nghệ sĩ Thành Công chấm chọn đào kép cho đoàn Cải lương Út Bạch Lan - Thành Được 3. Nhưng anh bỏ ngang vì thấy làm kép hát hàng đêm phải trét phấn tô son phải biết đánh kiếm lại mặc đồ giáp... nực chịu không nổi. Sau này anh mới nói thiệt là bỏ thi đêm chung kết vì bận đi chơi với Ghệ (tiếng lóng ngày xưa hay nói về người bạn gái) Sau khi cô bạn gái bỏ anh nên anh xâm ba chữ HẬN GHẾ DE vào cánh tay bên phải của mình.

Sau năm 1975, nhiều đoàn hát về hát thường xin vô nhà lồng chợ BM (ngang Chùa Bà). Có nhiều đào kép hay nhạc công quen biết từ lúc ở trên Cầu Muối nên ban ngày kéo cả đoàn qua nhà tôi bên khóm 3 lò heo nhậu với Anh Tư. Mấy anh kép chánh nghe Minh kiên cất lên tiếng hát phải lắc đầu vì ca nhóng theo không tới . Nhất là đoàn Cải lương tuồng cổ Khánh Hồng, vì thủa còn trên Sài gòn nhà Ba tôi gần đình Cầu muối cũng là cái nôi của Tuồng cổ nên quen biết nhau. Tiếc là sau này anh Tư sau một lần đi cưa gỗ mướn ngoài Phương Lâm, anh bị một trận sốt rét rừng hụt chết nhưng khi hết bịnh sốt rét vẫn nói chuyện bình thường nhưng cất lên tiếng ca thì như bị cái gì nó chặn ngay cổ họng nên ca không được mà anh cũng không hiểu tại sao. (Nếu là dân hát chuyên nghiệp họ sẽ nói câu: TỔ LẤY NGHỀ...). Còn một anh kép hát ở Bình Minh hát hay nhưng cuộc đời cũng lắm nổi thăng trầm mình sẽ kể trong một bài viết khác: Kép Chí Linh.

Còn nhiều nhạc sỹ nữa mà mình xa quê gần 40 năm rồi nên không nhớ hết. Cũng ít khi về quê nên lớp đàn em đàn cháu của các vị tiền bối chắc cũng lắm kẻ thành danh, nếu có tình cờ xem bài viết này nếu phát hiện sai sót xin góp ý mình sẽ chân thành lắng nghe. Mình cũng xin giới thiệu một người em Văn nghệ ngày xưa nhà gần Chùa Ông Đông Thành hiện nay cũng là một nhạc sỹ có tiếng tăm chơi được nhiều nhạc cụ cả Tân và cổ nhạc đó là nhạc sỹ Nguyễn Lưu.

Bây giờ ít có dịp về thăm từng người quen cũ nên viết vài dòng chữ "Ôn cố tri tân". Viết để nhớ một nơi mình đã từng được sinh ra và trưởng thành. Tuy giờ đây cuộc đời đẩy tôi đi xa lắc vùng đất Quê hương. /.

 

Theo Chuyện Làng quê

Bùi Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-danh-cam-o-binh-minh-a9686.html