Ba máy bay khác, mang theo 116 tù binh được thả tại Hà Nội, đã đến buổi chiều ngày hôm trước. Đó là đợt tiếp nhận trao trả các tù binh Mỹ đầu tiên của cuộc chiến tranh Việt Nam vào ngày 13 tháng 2 năm 1973.
Các tù binh đã được đón tiếp như những “anh hùng” khi họ về đến Clark Air Base, nơi những chuyến bay tạm thời dừng chân để chuẩn bị cho chặng bay dài tiếp theo. Trực tiếp Đô đốc Hải quân Noel Gayler, Tư lệnh lực lượng Mỹ Thái Bình Dương, dẫn đầu đến thăm hỏi các tù binh. Cùng đi với ông còn có Trung tướng William G. Moore Jr, người chỉ huy đơn vị Không quân 13 và người điều hành các hoạt động trở về quê hương ở Clark; Roger Shields, phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách công việc cho POW / MIA.
Tù binh đầu tiên bước trên thảm đỏ là Đại úy Jeremiah A. Denton của Hải quân. Sau gần tám năm trong trại giam, khi được mời nói chuyện với đám đông dân chúng đang xếp hàng cạnh đường băng, ông tự tin tiến vào một micro và nói: "Chúng tôi rất vinh dự khi có cơ hội để phục vụ đất nước mình trong những hoàn cảnh khó khăn như những ngày qua. Chúng tôi rất biết ơn các cấp chỉ huy và cảm ơn tất cả những ai đã tham gia hoạt động giúp các tù binh hồi hương thuận tiện nhất. Rồi ông ta hô to: "Chúa phù hộ cho nước Mỹ!" (Sau này, Jeremiah A. Denton đã được bổ nhiệm Chuẩn đô đốc và được bầu vào Nghị viện Hoa Kỳ, đại diện cho vùng Alabama).
Đi ngay sau Đại úy Jeremiah A. Denton là Trung úy Hải quân Everett Alvarez Jr, phi công Mỹ đầu tiên bị bắn rơi và bị bắt trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đã có “thâm niên” hơn tám năm làm tù binh. Chỉ có bốn trong số những tù binh được thả (ba từ miền Bắc và một từ phía Nam) - đã phải rời máy bay xuống sân bằng cáng. Phần còn lại họ đều tự đi ra, bước xuống cầu thang máy bay trên thảm đỏ để chờ xe buýt và xe cứu thương.
Đại tá Không quân Robinson Risner, sĩ quan cao cấp nổi tiếng tại "Hà Nội Hilton" (người sau này được vinh dự dựng tượng chân dung tại Học viện Không quân Mỹ) nghẹn ngào cảm xúc từ khi ông được trao trả và ngồi trên chiếc C-141 trong chuyến bay thứ hai từ Hà Nội trở về, đã xúc động nói: "Thay mặt tất cả những người bị bắt làm tù binh, tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn, cảm ơn Tổng thống và người dân Mỹ đã đưa chúng tôi về nhà để tự do một lần nữa. Cảm ơn bạn hơn bao giờ hết và rất nhiều!"
Các tù binh đã được chào đón với sự cổ vũ mừng vui, hoan hô trong nước mắt, khi họ ra khỏi máy bay. Một số tù binh bước nhanh nhẹn ra khỏi máy bay, mỉm cười và chỉ ngón tay cái lên. Tiếng hô "Welcome Home!" của khán giả từ các cơ sở chào đón các tù binh khi họ bước ra khỏi máy bay. Hơn 1.000 cư dân địa phương đã có mặt. Một số chàng trai trẻ trong trang phục thể thao bóng chày và đồng phục Hướng đạo sinh, những phụ nữ ngồi trên bãi cỏ, trẻ em, các phóng viên với máy ảnh và quay phim. Nhiều người xúc động đã ứa nước mắt...
Trong khi các tù binh Mỹ được thả từ miền Nam Việt Nam vẫn đi đôi dép Việt Nam và bộ quần áo bệnh viện được cấp phát trước chuyến bay, thì những người được thả từ Hà Nội mặc quần áo đồng phục mà họ đã nhận được từ miền Bắc Việt Nam ngay trước khi họ được trao trả, có vẻ tươm tất hơn: quần xanh, áo sơ mi màu xanh nhạt, thắt lưng màu nâu, giày đen, và áo jacket màu xám xanh ánh sáng. Chính phủ Việt Nam còn chu đáo cấp cho mỗi tù binh một túi đen đựng tư trang lên máy bay.
Sau khi nhận được sự kiểm tra y tế, rồi ăn uống món bít tết, kem và thực phẩm Mỹ khác, trước khi thực hiện bay tiếp theo trở về nhà của họ, các tù binh đều được nhận đồng phục mới và yêu cầu thay thế những bộ đồng phục do phía Việt Nam cấp phát trước khi trao trả. Máy bay của họ đã dừng lại ở Hawaii và California. Nhóm đầu tiên gồm 20 tù binh đã về đến Travis Air Force Base, California, vào ngày 14 tháng hai năm 1973.
Đại úy Hải quân James Stockdale (người sau đó đã trở thành một Phó Đô đốc và ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ) là người đàn ông đầu tiên khập khiễng ra khỏi chuyến bay lịch sử này. Tiếp đó, lần lượt đến các người khác bước xuống trong sự vui mừng tột độ của thân nhân gia đình họ. Tin tức, hình ảnh và cả các clip tiết lộ những cảm xúc sâu sắc về tù binh được hồi hương sau cuộc chiến tranh Việt Nam ngày đó đã xuất hiện tràn ngập trên các báo chí nước Mỹ và cả thế giới...
*
Một đêm cuối năm 2012, người viết cuốn sách này đã cùng cựu phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ của Việt Nam trực tiếp lên Nội Bài để đón Nghệ sĩ nhiếp ảnh Johr Fleck vừa bay đến từ bên kia bờ đại dương. Ông là một trong những tay máy cự phách nhất của nước Mỹ hiện nay, chuyên chụp ảnh cho Bộ Không quân Hoa Kỳ. Johr rất thần tượng nhân vật cựu phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ ở Việt Nam. Ông đã chụp tới 58.000 bức ảnh tư liệu cho nhân vật này. Một con số khổng lồ, mà kể cả các siêu sao điện ảnh của Hollywood cũng chưa chắc đã có được.
Johr Fleck sang Việt Nam lần này là thứ hai, với mục đích muốn bổ sung thêm tư liệu để hoàn thành một cuốn sách ảnh, dự kiến sẽ in song ngữ Anh - Việt, về đề tài những cựu phi công Việt - Mỹ. Và quan trọng hơn, là ông muốn khảo sát việc tổ chức đưa một đoàn cựu phi công Mỹ sang thăm Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm thi hành Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, trao trả toàn bộ Tù binh Phi công Mỹ cho Chính phủ Hoa Kỳ (1973 - 2013) và 60 năm kỷ chiến Chiến thắng Điện Biên Phủ, Giải phóng Thủ đô (1954 - 2014)... Nên vừa xuống sân bay đêm hôm trước, chiều hôm sau, ông đã theo cựu Phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ lên tàu về Nghệ An, dự đám giỗ thân phụ ông Mỹ và kết hợp tác nghiệp luôn.
Tôi đã mời Johr Fleck tới Café Lục Bát ở 40/6 phố Võ Thị Sáu - Hà Nội, tham dự buổi ra mắt tập thơ Đất Làng của Nhà thơ Đặng Cương Lăng và ăn trưa ngay tại quán. Thật tình cờ, cùng ăn trưa với Johr Fleck hôm đó, ngoài cựu phi công MiG-21 của Việt Nam Nguyễn Hồng Mỹ còn có Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Tướng Dan Cherry đã thông qua Johr Fleck chuyển tới chúng tôi nhiều câu hỏi khảo sát cho chuyến đi của các Cựu tù binh phi công Mỹ trở lại Việt Nam sau 40 năm. Chúng tôi đã thay nhau, lần lượt giải đáp toàn bộ những thắc mắc, băn khoăn của phía Mỹ…
Rồi chúng tôi có buổi tiếp xúc với Trung tướng Trần Hanh (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; Cựu phi công MiG-17 và MiG-21; người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Ông khuyên chúng tôi nên làm việc với Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam để được giúp đỡ.
Chúng tôi rất mừng là Tiến sĩ Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp mới nghe qua điện thoại, đã hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ ý tưởng nêu trên. Đang bận họp Quốc hội, vị Chủ tịch đã tranh thủ tiếp chúng tôi vào giờ nghỉ trưa. Ông cho mời một Vụ trưởng phụ trách công tác Châu Mỹ tới cùng nghe chúng tôi trình bày kế hoạch tổ chức đón đoàn cựu Tù binh phi công Mỹ, dự kiến sẽ sang thăm lại Việt Nam vào mùa hè năm tới. Ông còn hứa, sẽ tạo mọi điều kiện, trợ giúp các thủ tục hành chính và ngoại giao cần thiết để đón đoàn được thuận lợi và hiệu quả nhất...
Đầu tháng 10 năm 2013, cựu phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Mỹ đưa Nhà báo David Freed – một phóng viên nổi tiếng của Tạp chí Hàng không và Vũ trụ Mỹ, từng đoạt giải Nhất báo chí quốc tế - tới gặp tôi tại Lục Bát Quán. David Freed khoe: Ông ta có máy bay riêng và thường xuyên bay. Freed cũng không giấu giếm: Con trai mình là một sĩ quan có quân hàm Đại úy trong quân đội Mỹ, vừa thoát chết từ chiến trường Afghanistan trở về. Lần đầu tiên sang Việt Nam, David Freed có tham vọng viết loạt bài “đinh” cho tạp chí Mỹ về bộ đội Tên lửa Việt Nam và tìm hiểu nguyên nhân đích thực khiến Không quân Mỹ đã thua Tên lửa Việt Nam như thế nào?
Qua một người bạn và điện thoại, tôi đã kết nối được với Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân... Cuối năm 1972, Nguyễn Văn Phiệt là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, Trung đoàn Tên lửa 261 Sư đoàn Phòng không 361 (Đoàn Thành Loa). Trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, đêm 20 rạng ngày 21 tháng 12 năm 1972, ông đã chỉ huy Tiểu đoàn bắn hạ 2 máy bay B-52 Mỹ… Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt đã nhiệt tình, cởi mở tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở 174 phố Lê Trọng Tấn. Điều thú vị hơn: Ông Phiệt cũng là một trong những nhân chứng, có mặt tại thị xã Sơn Tây cuối tháng 11 năm 1970. Ngày đó, ông Phiệt là học viên lớp bồi dưỡng nâng cao cán bộ cấp Trung đoàn của Trường Sĩ quan Phòng không. Ông nhớ rất rõ: Trước khi vụ tập kích xảy ra, bộ đội mình thường tập trận ở khu vực Sơn Tây, có cả máy bay trực thăng; nên trong đêm lực lượng biệt kích Mỹ đổ bộ cứu tù binh phi công bất thành, lúc đầu ai cũng tưởng bộ đội ta lại tập trận. Chỉ khi có thông tin về các nạn nhân, người ta mới biết chuyện gì đã xảy ra ở Sơn Tây…
Trong Lễ hội Lục Bát Quý Tỵ - 2013, như một sự hữu duyên, tôi đã gặp được Trung tá cựu chiến binh Bùi Nguyễn Hải Yến. Chị Yến xúc động nhớ lại: Năm 1970, dù mới nhập ngũ được vài tháng, đơn vị đóng quân tại thị xã Sơn Tây. Nhưng ngay trong đêm vụ tập kích xảy ra, người nữ quân nhân này cùng một số đồng đội đã được lệnh lên xe tới hiện trường để cứu hộ các nạn nhân... 43 năm đã qua, nhưng hình ảnh những người bị thương được đưa tới Viện Quân y 105, những thi thể và hiện trường đầy máu vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người cao tuổi ở khu vực Đền Và – Sơn Tây.
Vào một ngày đẹp trời tháng 11 năm 2013, chúng tôi đã cùng đến thăm lại bà Trần Thị Liên (tức “Nghiên gà”) – một nhân chứng của Vụ tập kích Sơn Tây. Năm này bà Liên đã bước qua tuổi 80, nhưng vẫn còn khá minh mẫn. Bà Liên khoe: Sau ngày tôi viết bài, giới thiệu về câu chuyện của bà vô tình tiếp phẩm cho các tù binh phi công Mỹ và chứng kiến “Vụ tập kích Sơn Tây” thế nào trên Báo An ninh thế giới, có rất nhiều cựu tù binh phi công Mỹ, khi có điều kiện sang Việt Nam đã tìm đến tận Sơn Tây thăm bà. Trong đó, có cả một nhân vật nổi tiếng thế giới, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ: Thượng nghị sĩ John Sidney McCain. Ông “Kên” trong vai một khách du lịch, mặc quần soóc, đi giày vải, đội mũ lưỡi trai (miền Nam gọi là “nón kết”) đã xin được chụp ảnh với bà “Nghiên gà”.
Có một chi tiết khá hài hước là, dưới con mắt của nhiều cựu tù binh phi công Mỹ từng bị giam giữ bí mật ở Xã Tắc năm 1970, thì bà “Nghiên gà” đã rất “dũng cảm” vì “dám” cung cấp thức ăn cho họ. Dù thực tế, hồi đó bà chỉ là người buôn gà tự do và may mắn nhận được hợp đồng “tiếp phẩm” cho trại tù binh.
Bây giờ, mỗi khi có khách tới thăm, bà Liên thường tự hào giới thiệu một bức ảnh chụp chung với Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ John Sidney McCain cùng bức thư của vợ chồng một người Mỹ, có nội dung được dịch như sau:
Ngày 29 tháng 1 năm 1999
Thưa bà, người bạn mới của chúng tôi!
Tên tôi là Charlene Terrell, là một trong những người Mỹ đã gặp bà ở Sơn Tây hồi tháng Mười năm ngoái. Được gặp bà là một trong những kỷ niệm tốt đẹp nhất trong chuyến đi của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên lòng tốt và sự hiếu khách mà bà đã dành cho chúng tôi. Đặc biệt, tôi không bao giờ quên lòng tốt mà bà đã dành cho chồng tôi và những người Mỹ khác nhiều năm trước đây, khi họ bị giam tại một nhà tù gần nhà của bà. Bà đã mạo hiểm khi cố gắng đưa đồ ăn vào cho những người đàn ông đang bị đói ấy. Chúng tôi khâm phục lòng dũng cảm đó của bà.
Chúng tôi vui mừng khi biết rằng mọi việc của bà sau đó đã diễn ra tốt đẹp. Các con bà đều có công việc ổn định và có thể giúp đỡ bà. Chúng tôi biết bà rất tự hào về các con của mình. Và các con của bà cũng rất kính yêu bà.
Chúng tôi chúc bà hạnh phúc và sức khỏe trong năm mới. Chúng tôi cầu Chúa phù hộ cho bà và gia đình. Nếu chúng tôi có thể trở lại Việt Nam trong thời gian tới, chúng tôi sẽ gặp lại bà. Nếu bà có điều kiện sang Mỹ, bà nhất định phải tới chơi với chúng tôi. Một lần nữa xin cảm ơn bà về tất cả mọi việc. Bà thật sự là một người phụ nữ tốt bụng và có trái tim rộng lượng.
Kính thư: Charlene và David Terrell
Trước khi phiên bản “Phi công Mỹ ở Việt Nam” này được ấn hành, tác cuốn sách này đã mời Thiếu tướng, Nhà giáo Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục III – Bộ Công an về thăm lại khu Đền Và và làng Xã Tắc, nơi có dấu tích Trại giam bí mật những Tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh. Vị tướng già từng nhiều năm dạy học tại vùng Sơn Tây, giờ đây gặp lại cảnh cũ, người xưa, không khỏi bồi hồi xúc động…
(Còn nữa)
Đ.V.H
_________
Với đề tài độc đáo, tư liệu phong phú và cách viết hấp dẫn, “Phi công Mỹ ở Việt Nam” là một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất của Nhà văn Đặng Vương Hưng. Nếu bạn muốn sở hữu, hoặc làm quà tặng cho người thân, chỉ cần để lại tin nhắn, hoặc ĐT- Zalo: 0913 210 520, bản sách có lưu bút và chữ ký mực tươi của Nhà văn sẽ được chuyển phát theo đường bưu điện đến tận địa chỉ nhà riêng của người nhận. Giá lẻ: 200.000 đ/cuốn (kể cả cước phí).
Theo Trái tim người lính
Đặng Vương Hưng