Tôi không còn là cậu bé lắt choắt, lẽo đẽo theo chân ngoại ngày trước mà đã thành chồng, thành cha của ba đứa trẻ. Nhưng những kí ức trong tôi về những năm tháng bên ngoại vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Có những đêm, ánh đèn điện vụt tắt, chiếc quạt máy đang xoay tít bỗng dưng im bặt; tôi mơ hồ nghĩ về căn nhà nhỏ ở quê, ngoại đang cầm chiếc quạt mo mà phe phẩy như thuở nào.
Nhớ ngày ấy, quê tôi chưa có điện. Chiếc đèn thắp bằng dầu hoả, phía trên đậy bằng bóng thuỷ tinh để chắn gió, lâu lâu phải vặn tim đèn lên cho khỏi tắt đã theo cùng tôi suốt những năm tháng của thời thơ ấu. Trong thứ ánh sáng lờ mờ ấy, cùng với chiếc quạt mo trên tay, ngoại đã kể cho tôi nghe về ngoại, về mẹ và các cậu của tôi. Những câu chuyện về thời chiến khi mà ngoại, mẹ và các cậu của tôi phải chạy về vùng Đồng Tháp Mười để lánh nạn.
Cả gia đình quây quần trên căn nhà bên mé sông, nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn nước mà ngoại phải buộc chân cậu tôi vào chân giường để khỏi rơi tỏm xuống sông; rồi những đêm khi nghe tiếng máy bay địch càn quét, ngoại và mẹ lật đật bế cậu tôi vẫn còn say sưa ngủ chạy xuống hầm tránh bom. Hay những ngày sau giải phóng, nhà rất nghèo, một mình ngoại phải gồng gánh nuôi mẹ tôi, cậu và dì đến nỗi ngoại và mẹ tôi phải dùng chung đôi dép cao su. Những hôm nào có tiết kiểm tra vệ sinh, mẹ tôi lại lén lấy đôi dép của ngoại và ngọai phải đi phát cỏ đế bằng đôi chân không dép. Tôi hình dung những gốc cỏ đế như những mũi chông đâm vào bàn chân ngoại, chắc là đau lắm. Tôi cứ nằm trên đùi ngoại mà tận hưởng những làn gió từ chiếc quạt mo của ngoại, nghe những câu chuyện ngoại kể mà thiếp đi lúc nào không biết.
Tôi vẫn còn nhớ những chiếc quạt mo ngoại làm, tuy nó không được đẹp và bóng bẩy như quạt giấy nhưng rất bền. Ngoại tôi thường chọn những bẹ cau già rơi xuống sau vườn mà làm quạt. Những chiếc quạt sau khi được cắt thành hình, ngoại chèn dưới cối đá và chỉ sau vài ngày nắng sẽ khô, phẳng phiu . Thế là đã có chiếc quạt để dùng suốt những ngày hè oi bức.
Quê tôi giờ đã có lưới điện. Chiếc quạt máy trở thành thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhưng ngoại vẫn để ở đầu giường chiếc quạt mo. Mỗi lần về thăm ngoại, nhìn thấy chiếc quạt mo, tôi lại trêu ngoại “ keo đến thế là cùng, có mấy ngàn tiền điện cũng tiếc”. Ngoại lại nạt; “ cha mày” . Rồi ngoại cười. Nụ cười của bà cụ hơn tám mươi tuổi, đã đi qua hai cuộc chiến tranh và vài lần phải tiễn chồng đưa con về miền đất lạnh vẫn đôn hậu như thế. Có lẽ sau khi đi qua hết sóng gió của cuộc đời, ngoại tôi bằng lòng với hiện tại và luôn vui vẻ, sẳn sàng cho ngày về bên kia thế giới đoàn tụ với ông ngoại mà không chịu rời xa mảnh đất này.
Mười mấy năm tôi đã sống cùng ngoại và cả thời thơ ấu của tôi đã gắn liền với ngoại. Giờ đây, tôi tạm rời xa quê mà đi đến vùng đất lạ để lập nghiệp nhưng trong lòng vẫn luôn đau đáu; ngoại lủi thủi một mình rồi những hôm trái gió trở trời...
Theo Chuyện quê
Quốc Việt
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngoai-toi-va-chiec-quat-lam-bang-mo-cau-a9729.html