Vào trận, người lính đâu thể thiếu điểm tựa. Đời thường cũng vậy, người đời bảo, sau lưng một người đàn ông thành công bao giờ cũng có bóng dáng một người đàn bà. Bàn luận trong bài viết về bố tôi tại khu sơ tán Phú Lương, bạn Lê Ngọc Vân không quên nhắc nhớ “cô,” mẹ Ngọc tôi. Em tôi, Trịnh Hòa Bình, từng nhận xét, hồi ấy “bố làm khối trưởng K2, trăm việc đều đến tay. Mà bố không thạo, nên mọi việc gần như đều do mẹ tư vấn.” Giật mình. Bao hình ảnh hiện về. Xâu chuỗi lại mới thấy thấm đẫm hình bóng mẹ của cái thời khó quên ấy. Cuộc sống gia đình hồi đó nào chứng kiến, trừ cái lần về phép hiếm hoi. Không ít chuyện chỉ nồi chõ nghe hơi, bản thân không hề gặp. Xin xâu chuỗi lại, dù không ít chuyện dường như đã thuật lại rải rác đâu đó rồi.
Một lần qua chơi ăn cơm nhà ông Diệp, ông cậu bạn tôi, được thưởng thức món dưa muối ngon lạ lùng. Dưa mới muối, còn cay cay, mà đã có vị chua dìu dịu. Ăn không chán. Kể cả nước dưa, một màu trắng sữa, thơm, ngon lành. Bà Tý, vợ ông bảo, anh Sơn muối đấy. Sơn là bạn tôi, cùng đại học Bách khoa. Hỏi anh, sao muối dưa tài thế. Mẹ Ngọc hướng dẫn đấy. Chỉ một lần, xem mẹ muối dưa và được giảng giải. Vẫn nhớ, mẹ nói rành rẽ, nước muối dưa chỉ cần mặn vừa phải như nước canh. Cách nói dễ hiểu của “cô,” cùng tác phong tỉ mỉ trong thực tập, nhiều sinh viên vẫn nhớ. Còn biết, món dưa muối trong những bếp ăn tập thể K2 hồi ấy dường như có dấu tay mẹ. Bạn tôi từng ngạc nhiên, mẹ chỉ học hóa hữu cơ như mọi người, thậm chí bổ túc văn hóa, sao vận dụng tài thế.
Cũng về vận dụng kiến thức hóa hữu cơ, chợt nhớ lần bị cô bạn cùng lớp, Kha Quỳnh Liên, nguýt một cái, chín người. Vì can tội đùa vô duyên, các bạn con chê. Đó là hồi chúng tôi học hết phổ thông. Bạn học đến thăm nhà, được chiêu đãi bánh bột mì nướng. Chúng giữ ý, ăn nhỏ nhẻ, và tôi đã đùa, đâu như, mẹ làm bánh chưa vừa mồm. Giờ ngẫm lại, ra từ đấy mẹ đã biết ủ bột mì làm men sống. Để làm bánh mì, bánh bao. Được hoan nghênh, dùng trong tất cả các bếp ăn, ít nhất tại K2 từ dạo ấy. Trong khi chúng tôi vẫn phải thưởng thức cái gọi là bánh nắp hầm, ném chó chó chết. Bạn Sơn tôi bảo, tài thật, cũng là ứng dụng kiến thức hóa hữu cơ đấy, chỉ là người khác chẳng nghĩ đến việc làm. Những vận dụng của mẹ rõ ràng làm giảm kham khổ cho sinh viên hồi ấy, nơi sơ tán giữa rừng, góp phần trợ giúp không ít cho bố, thày Dy. Sau này, em Dũng tôi cùng anh bé Hải về Thường Tín học. Qua thăm, thấy hai anh em ở giữa đồng, trong cái nhà bếp. Họ được ưu tiên, để còn nấu ăn cho lớp. Hai người đã thạo ủ chua bột mì rồi. Được chính mẹ cầm tay chỉ dậy.
Khi tôi về phép, cái vườn rau của nhà, dẫu chưa thấy rau ăn, nhưng đã khang trang lắm. Quanh rào nứa. Nứa rừng đâu thiếu, tôi cũng vào rừng cùng em Dũng, góp phần rào vườn nhà. Để trâu gà khỏi phá. Ông ké chủ nhà thắc mắc, chiếm đất nhà tao à. Đâu có, hết sơ tán khắc trả thôi, giữ làm gì. Với lại, ké cũng nên làm vườn, thích gì trồng nấy, lại gần nhà. Đừng lo thiếu phân. Lá rừng đốt lên, phân trâu với cỏ cây làm phân xanh có đầy. Phân bắc trong hố xí kiểu mới, trộn thêm tro và đất vụn, vừa sạch, vừa sẵn cái bón rau. Ông ké gật gù, làm hố xí đúng mẫu mẹ làm. Rồi hăng hái làm ngay cái vườn bên nhà, to rộng, rào chắc chắn. Dân làng theo chân, cứ rỗi rãi lại ra vườn, vừa tỉa rau ăn, vừa ngắm. Như ngắm vườn hoa í. Và mô hình vườn rau được cán bộ, sinh viên cả khối K2 nhân lên. Nhiều nhà nuôi gà, vịt, chó. Tiện giữ nhà, cải thiện, còn để bán cho bộ môn làm thí nghiệm, mỗi bận dễ đến mấy con. Thế mới có chuyện em tôi chạy rông bị chó cắn, bố phải đưa về Hà Nội tiêm phòng.
Các bạn sinh viên tại K2 cũng nói đến tác phong tỉ mỉ chu đáo, hướng dẫn tận tình, dễ hiểu và nhất là giọng nói nhẹ nhàng của mẹ khi chuẩn bị và hướng dẫn thực tập tại Bộ môn Sinh lý. Đó cũng là cách giao tiếp của mẹ với mọi người xung quanh, dù trong hay ngoài trường. Đã thành phong cách riêng. Chẳng cứ người từng theo học như cô bạn Ngọc Vân, mà đến người chỉ đôi lần tiếp xúc, như anh bạn Sơn, đều nhận thấy. Giao tiếp với con cái trong nhà cũng vậy. Chỉ riêng tôi có mắt như mù.
Hồi sinh thời, không ít lần tôi được cùng mẹ làm việc. Đúng ra, tôi được mẹ giúp trong công việc. Tôi viết quá chậm, chữ xấu, trong khi chữ của mẹ vừa nhanh, đẹp vừa cứng cáp. Thế là nhờ mẹ chép hộ khi dịch tài liệu kĩ thuật quân sự nước ngoài. Trong đơn vị, tôi thuộc số ít biết dùng tiếng Anh. Dịch khá nhanh, thế mà đọc đến đâu mẹ đều chép kịp đến đấy. Thỉnh thoảng, mẹ nhận xét về câu văn, thêm vài tu từ. Cách nói từ tốn, con trai nào cảm thấy mất lòng. Nghĩ mẹ chê mình văn cụt lủn, tôi thường giữ nguyên. Rồi nhận ra, cách trình bày như mẹ gợi ý rõ ràng giọng văn nuột, câu văn sáng hơn nhiều. Nhớ có lần mẹ bảo, uống thuốc đắng, phải bọc đường. Để lọt tai, câu nói cần có tu từ đấy. Mãi mới hiểu. Ra xưa nay chỉ lo xổ bằng hết những điều muốn nói. Nào để ý có vào tai người nghe hay không. Đâu hay, thưa thốt cũng phải bọc đường.
Mẹ miệng nói tay làm, biết cách chỉ vẽ đâu ra đấy, nên được “mê tín” lắm. Đó còn do tình thương, người đối thoại cảm nhận thế. Bọn sinh viên con gái được nhờ. Có nàng bị mắng, mày để thế à, đầu bù tóc rối, chấy đầy đầu bây giờ. Không giận, cười phớ lớ. Cô cho nồi bồ kết, gội cho, lại chu đáo chỉ cách gội đầu với cây cỏ quanh nhà. Con trai thế nào cũng được. Riêng nồi nước gội đầu cho đàn bà con gái phải đủ vị, ngoài bồ kết cho sạch đầu sạch tóc, phải có cỏ mần trầu, cho mượt, vỏ bưởi, cho thơm. Hình như việc gì mẹ cũng thạo, thấy việc là làm, chẳng nề hà. Người ta gặp chuyện gì vướng mắc lại đem hỏi mẹ. Mà đã hỏi đều được chỉ dẫn tận tình, chu đáo.
Song nghe đùa, bà Ngọc còn có lúc sai! Đấy là chuyện gắn với sự ra đời của em út tôi, Hải Bằng – chim đại bàng trên biển. Mẹ khát con gái, nhà có đến ba trai rồi. Đến đứa này, mẹ tính ngày cẩn thận, bằng lịch Càn Long, nghe bảo rất hiệu nghiệm. Đã thử cho nhiều người. Lúc ấy, bố được mời sang thăm Nhật, mang về một chiếc kimono. Mẹ phá ra, may áo quần, áo gối cho con. Nào hay, vẫn trai. Em kể, đến năm tuổi vẫn để tóc dài, mặc như con gái. Bực. Ai đến tụt ngay quần, giai đây này. Khi bị hỏi tính thế sao vẫn là trai. Mẹ xí xóa, năm ấy nhuận, mất thiêng. Từng nghe bố phàn nàn, khổ quá, thêm làm gì. Giờ mới thấy, khi bố về già, các anh lớn cũng đều cao tuổi, lên chức ông, trong chăm sóc bố bây giờ anh con rốt lòng Hải Bằng là chủ lực. Người đời bảo, khó con út. Biết đâu từ đấy mẹ đã tính xa.
Nghe bảo, những người theo học hoặc từng gặp mẹ đều cảm nhận được sự trân trọng, chân tình. Đâu chỉ họ. Cảm nhận ấy, tôi còn được nghe ít nhất từ ông Diệp. Ông bảo nhỏ, quý mẹ Ngọc, người mẹ có tình thương bao la. Hồi ấy, tôi nào đã biết ông chính là người gợi ý cho mẹ vào Nam, đón bằng được em Bình tôi từ quân y viện ra. Về đi học (và cũng để khỏi sa vào cuộc chiến kéo dài sắp nổ ra phía tây nam). Dù vẫn biết, ông là người được nhiều quý mến, tiếng nói nặng ngàn cân, trước đồng chí đồng đội, lẫn trong tộc họ, gia đình. Ông hay qua lại nhà, có lẽ bắt đầu từ quen biết, rồi thân với mẹ, chứ chẳng riêng qua người cháu, anh bạn tôi. Riêng tôi, giờ mới tự trách, sao không hề nhận thấy, khi còn có mẹ. Nhờn rồi, gần chùa…
Từng nghe mẹ than, khổ thế, hai vợ chồng cùng chỗ, chả ra làm sao. Ý nói những thiệt thòi khi bố không cho gửi gỗ, mẹ đã mua tích cóp, từ nơi sơ tán về, và trước nữa, mẹ không được học đại học Y, chỉ vì bố là cán bộ cấp trên, phải gương mẫu. Chợt thấy, hình như sai sai. Quả thực, khi làm cùng cơ quan mẹ đã góp phần không ít tạo dựng lòng tin yêu cho cả hai người. Trên đời, về bố không thể không nói đến mẹ. Gia đình nào chả thế. Trường hợp nhà tôi, quả thực mẹ đã là điểm tựa không thể thiếu cho cả gia đình, cũng như cho riêng bố. Ông bố đến giờ vẫn hiền lành và thêm chậm chạp, vụng về.
Theo Trái tim người lính
Tien Trinh Xuan
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/diem-tua-a9740.html