Đây là sự kiện văn hóa chào mừng Xuân Nhâm Dần 2022 do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số sưu tập tư nhân tổ chức.
Với trên 30 hiện vật và các tài liệu, hình ảnh chọn lọc, trưng bày “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” giới thiệu với công chúng nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Có thể nói, hình tượng hổ đã đồng hành và đóng góp những nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong lần trưng bày này, hình thượng hổ được thể hiện theo niên đại kết hợp loại hình.
Đầu tiên là nội dung “Hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn” liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này, có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ vật tổ, vạn vật hữu linh. Sự tôn thờ này còn tồn tại khá phổ biến ở một số vùng, dân tộc đến ngày nay.
Tiếp theo là nội dung “Hổ trong nghệ thuật 10 thế kỷ đầu công nguyên”. Hình tượng hổ thời kỳ này bắt đầu xuất hiện gắn với các quan niệm về Tứ tượng hay còn gọi là Tứ linh, Tứ Thần thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (Phương Nam), Huyền Vũ (Phương Bắc). Các thần thú này còn đại diện cho các khía cạnh khác như: 4 mùa trong năm, đức tính, nguyên tố trong tự nhiên, vị trí của các chòm sao trong thiên văn học thời cổ…
Phần thứ 3 được trưng bày là “Tượng hổ trong các lăng mộ thế kỷ 13 – 18”. Từ thời Trần (1225 - 1400), hổ xuất hiện với tạo hình khoẻ khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh, oai phong, đồng thời được coi như linh thú trấn yểm, bảo vệ các lăng mộ...
“Hổ trong nghệ thuật gốm” là nội dung trưng bày khá hấp dẫn. So với các linh vật như rồng, phượng, lân hoặc chim, cá, vịt, hươu, ngựa... hình ảnh của hổ xuất hiện khá ít trên đồ gốm. Dù vậy, sự hiện diện của hổ trên đồ gốm khá sớm và có tính liên tục. Hổ xuất hiện sớm nhất trên các thạp gốm hoa nâu thời Trần, nổi tiếng với chiếc thạp hoa nâu khắc hình 3 con hổ đuổi nhau tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp)…Kết quả khai quật khảo cổ học ở tàu cổ Cù Lao Chàm (năm 1997 - 2000) và khai quật các lò gốm cổ vùng Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương) cho thấy các loại đồ gốm xuất khẩu với loại hình phong phú, mỹ thuật đặc sắc, trong đó có nhiều tiêu bản gốm trang trí đề tài hổ..., chứng tỏ hổ là một đề tài trang trí được ưa chuộng.
Tiếp theo là “Hổ trong điêu khắc đình làng thế kỷ 16 – 18”. Những ngôi đình nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam như Tây Đằng, Chu Quyến, Nghiêm Xá (Hà Nội), Trùng Hạ (Ninh Bình), đình Chảy (Hà Nam), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hùng Lô (Phú Thọ) đều có chạm khắc những đề tài có liên quan đến hổ. Hình ảnh hổ trong điêu khắc đình làng thể hiện trong một thế giới gần gũi, thân quen, không bị lệ thuộc, gò bó về tạo hình, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống.
Phần trưng bày “Hổ trong tranh dân gian Hàng Trống” có trưng bày “Ngũ hổ” - bức tranh nổi tiếng được lưu truyền qua nhiều đời trong không gian thờ phụng. Ngoài tranh "Ngũ hổ" còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng như thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ. Màu sắc trong tranh hổ Hàng Trống khá lộng lẫy uy nghi nhưng cũng không kém phần hài hòa, độc đáo...
Phần cuối: “Hổ trong mỹ thuật thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20”. Thời Nguyễn để lại nhiều di sản mỹ thuật phong phú với những hình tượng trang trí đa dạng. Hình tượng hổ được thể hiện đa sắc, đa dạng, từ cung đình đến dân gian, từ các biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đến đời sống sinh hoạt thường nhật, góp những nét đặc sắc vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Sưu tập tranh thêu lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đề tài hổ được sử dụng khá nhiều với ý nghĩa cát tường, chúc phúc, trừ tai...
Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” đón khách đến ngày 31/8/2022 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội), giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sưu tập hiện vật, ý nghĩa của hình tượng hổ trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Thanh Giang (TTXVN)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/trung-bay-ho-trong-my-thuat-co-viet-nam-chao-don-tet-nguyen-dan-nham-dan-a9756.html