Nhà văn Phan Đức Lộc: Cuộc sống luôn vận động, chúng ta không thể đứng yên

Phan Đức Lộc hội viên Hội Nhà văn Việt Nam lúc mới 26 tuổi. Là nhà văn thế hệ 9X nhưng Phan Đức Lộc đã có 7 tập sách. Từ năm 2018 đến nay anh đoạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ về văn chương, mới nhất là Giải thưởng “Cây bút vàng” (2018 – 2021) của Bộ Công an.

phan-duc-loc-4-1642077985.jpg

 

Trao đổi với nhà văn trẻ Phan Đức Lộc diễn ra khi anh được mời dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X và là một trong những cây bút trẻ nhất được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021, bên thềm xuân Nhâm Dần, anh cho biết:

Nhà văn Phan Đức Lộc: Tôi rất hạnh phúc, xen lẫn cả một chút bất ngờ nữa khi nhận hai tin vui trên. Hạnh phúc vì có những bậc tiền bối trong làng văn đã quan tâm và công nhận sự cố gắng của tôi. Vui thêm nữa là hóa ra mình vẫn còn trẻ (cười). Mùa trước, khi một nhà văn ngỏ lời sẽ xem xét đề cử tôi dự Hội nghị, tôi đã xin từ chối luôn vì biết rõ mình chưa viết được gì đáng kể. Năm năm trôi qua, nhìn lại hành trình văn chương nhiều cảm xúc, tôi chưa thành công nhưng đã thực sự chuyển động trong khả năng hạn hẹp của mình. Và có lẽ, lần này, tôi được chọn nhờ những nỗ lực đó. Được mời dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X và trở thành tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là hai cột mốc đẹp cho tuổi trẻ nhiều đam mê và cũng lắm vấp ngã của tôi. Tôi biết, tất cả chỉ mới là khởi động. Trân trọng và biết ơn những ghi nhận, yêu thương ấy, tôi tự nhắc mình phải tiếp tục dấn thân và cống hiến.

- Vì sao anh đến với văn chương? Những ngày đầu tiên chạm ngõ văn chương, anh có gặp nhiều thuận lợi?

Nhà văn Phan Đức Lộc: Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ xứ Nghệ, nằm yên bình giữa một bên là những sóng núi nhấp nhô, một bên là cánh đồng rộng mênh mông viền quanh mấy con kênh nho nhỏ. Nơi ấy đã cho tôi những kỉ niệm tuổi thơ vừa mộc mạc, ngọt ngào, vừa muộn phiền, tủi cực mà sau này trở thành nguồn cảm hứng sáng tác rất đỗi mãnh liệt trong tôi. Từ nhỏ, bên cạnh việc đi học và phụ giúp gia đình việc đồng áng, tôi không thích tham gia những trò chơi vận động như các bạn đồng trang lứa khác. Tôi tìm đến sách, chui vào xó nhà, đắm chìm vào thế giới kỳ thú của “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Buratino và chiếc chìa khóa vàng”, “Những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”... Tôi ao ước một ngày nào đó sẽ viết được những tác phẩm hay như thế. Và tôi tập tành viết lách, ấp ủ giấc mộng làm nhà thơ, nhà văn. Ban đầu, xác suất gửi báo 10 bài thì may chăng được chọn một bài. Vậy mà tôi vẫn kiên trì theo đuổi văn chương từ bấy đến nay, chưa bao giờ mảy may hối tiếc.

phan-duc-loc-2-1642076401.jpg
Một số tác phẩm của nhà văn Phan Đức Lộc

- Cơ duyên nào đưa anh đến với ngành công an? Nghề nghiệp hiện tại và con đường sáng tác của anh có mối quan hệ như thế nào?

- Năm 2013, 18 tuổi, đứng trước ngưỡng cửa quan trọng nhất của cuộc đời, tôi đã rất phân vân về việc nên chọn ngành nào giữa công an, báo chí, sư phạm và sáng tác văn học? Những ngày sắp sửa hết hạn nộp hồ sơ, được sự quan tâm tư vấn của gia đình, thầy cô và bạn bè, tôi đã mạnh dạn đăng ký thi Học viện Cảnh sát nhân dân. Bởi lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu tôi thực sự cố gắng thì học ngành công an vẫn có thể theo đuổi giấc mơ báo chí, sáng tác văn học hay thậm chí cả sư phạm nữa. Bây giờ nhớ lại quyết định ngày ấy, tôi thường nói đùa với bố tôi: “Con không thể nhớ nổi từ nhỏ đến lớn, con đã sai bao nhiêu lần. Nhưng nghe lời bố chọn ngành công an là điều con thấy mình đúng nhất”. Ngành công an đã có những tác động tích cực đến con đường sáng tác của tôi. Qua quá trình học tập và làm việc, tôi đã rèn luyện, trau dồi, thu thập được các kiến thức căn bản về pháp luật, nghiệp vụ và đặc biệt là vốn sống từ những trải nghiệm thực tiễn. Đó chính là chất liệu, là nguồn cảm hứng để tôi viết nên một số tác phẩm về đề tài CAND như tiểu thuyết “Tuyết đỏ”, các truyện ngắn “Pảng Cò Moong”, “Vượt qua cơn lũ”, “Mùa hoa chảy xuống”... Bên cạnh đó, tôi vẫn tiếp tục thử thách bản thân ở những đề tài khác. Đối với tôi, công việc hiện tại và niềm đam mê sáng tác có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết, bổ sung lẫn nhau giúp tôi từng ngày hoàn thiện hơn, sâu sắc hơn, chân thành hơn trong nguyên bản vẫn còn nhiều khuyết điểm của chính mình.

- Được biết anh là một trong những tác giả đoạt giải cao ở cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ IV. “Pảng Cò Moong” có phải là truyện ngắn khiến anh hài lòng?

- Đã là đứa con tinh thần của mình thì tròn, méo gì tôi cũng đều yêu thương, nâng niu cả. Bởi một tác phẩm dở hoặc hay phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực chính tác giả. “Pảng Cò Moong” là truyện ngắn gắn với một kỉ niệm khó quên của tôi ngày mới nhận công tác. Chiều hôm ấy, tôi với đồng chí Trần Ngọc Thăng, người anh thân thiết làm cùng đơn vị vượt qua những cung đường cheo leo đến một bản làng xa xôi truy tìm đối tượng. Ở đó, thiên nhiên hùng vỹ và nên thơ nhưng không giấu được sự nghèo đói, xác xơ của những ngôi nhà nhỏ đã bị ma túy hút kiệt nhựa sống. Anh bạn kể cho tôi nghe một số câu chuyện vừa buồn, vừa đẹp nơi đây, rồi bảo: “Lộc viết một truyện về vùng đất này đi”. Sau hôm ấy, tôi liền tranh thủ viết. Viết xong rồi vẫn trăn trở mãi vì cứ cảm giác thiêu thiếu, vương vướng gì đó không thể gọi thành tên. “Pảng Cò Moong” là bản chốt cuối cùng sau nhiều lần chỉnh sửa về nhân vật, chi tiết, nhan đề. Truyện kể về chuyện tình thầm lặng mà éo le của chàng cảnh sát tên Thòng và cô gái nhà bên tên Nến, trên nền không gian Tây Bắc huyền hoặc, mơ màng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về các loại tội phạm ma túy, mua bán người... Trải qua rất nhiều chông gai, biến cố, chỉ có tình yêu và lòng bao dung mới đủ sức vượt lên tất cả. Tôi vốn dĩ rất đắn đo có nên mang truyện ngắn này dự thi “Cây bút vàng” hay không. Rồi nhờ sự động viên của biên tập viên Nguyễn Hoàng Yến và nhà văn Tống Phước Bảo, tôi mạnh dạn bước vào sân chơi uy tín này.

- Anh viết từ mảng truyện ngắn, văn học thiếu nhi, tản văn cho đến tiểu thuyết trinh thám bằng tinh thần hăng hái và rất thành công. Với anh, việc ấy có ý nghĩa ra sao, hay chỉ đơn thuần là anh muốn hoạt động đa dạng nhiều mảng văn học?

- Tôi tự nhắc mình, nếu chưa thể giỏi giang thì trước tiên phải chăm chỉ đã. Vì vậy, tôi đã cố gắng thử sức mình ở nhiều thể loại từ thơ, tản văn, truyện ngắn, truyện dài đến tiểu thuyết, để đo lường khả năng của mình đến đâu, có thể vượt qua những giới hạn nào. Kết quả là thành công thì ít, thất bại thì nhiều. Có cuốn ế ẩm thì được nhận giải thưởng. Có cuốn bán ổn thì gây thất vọng lớn cho các nhà văn tiền bối đặt niềm tin vào tôi. Tôi loay hoay trong vòng luẩn quẩn giữa một bên là yếu tố thương mại, bên còn lại yếu tố chuyên môn. Đúng là đôi khi, tôi đã vượt qua ranh giới của sự chăm chỉ và trở nên...tham lam, ôm đồm nhiều thứ quá dẫn đến việc đánh mất mình cho những bài báo vội vàng, những tản văn nhạt nhẽo, những câu thơ dễ dãi hay những truyện ngắn sơ sài. Vài năm trước, tôi luôn cảm thấy hãnh diện khi mình được xuất bản sách, đăng báo và có một số giải thưởng văn chương. Còn bây giờ, tôi đã biết sợ, biết lo lắng, biết cân nhắc kỹ càng hơn khi định công bố một tác phẩm nào đó. Tôi vẫn đang học cách trau chuốt bản thân từ những sai lầm.

 

phan-duc-loc-3-1642076401.jpg
Nhà văn Phan Đức Lộc

- Trong thời đại công nghệ đang phát triển, anh có nghĩ chúng ta nên thay đổi cách việc đăng tải, in ấn các tác phẩm văn học như thành lập các diễn đàn văn học, các trang trực tuyến… để dễ dàng tiếp cận bạn đọc không?

- Theo tôi, cuộc sống luôn vận động nên chúng ta không thể đứng yên được. Hơn nữa, một trong những tố chất quan trọng của nhà văn là sự nhạy bén với thời cuộc, trên cơ sở đó đưa ra được những dự đoán ở thì tương lai. Thời đại 4.0 với sự phát triển của các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook mở ra nhiều cơ hội, nhiều cách thức, con đường để các cây bút nhanh chóng công bố tác phẩm một cách rộng rãi và dễ dàng tiếp cận bạn đọc. Nhưng chỉ có một con đường duy nhất để chinh phục trái tim độc giả, đó là tác phẩm phải thực sự hay. Văn học mạng đã và đang đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều diễn đàn văn chương nở rộ trên Facebook như: Văn chương & cuộc sống, Tản văn hay, Hội tác giả viết truyện... và nổi bật là các nhóm Nhà văn, Quán Chiêu Văn đã trở thành những sân chơi năng động để nhiều tác giả quảng bá tác phẩm và giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Chẳng hạn, trong những năm qua, Quán Chiêu Văn đã tổ chức thành công một số cuộc thi như Truyện ngắn trẻ, Viết về gia đình, Viết thư mùa dịch... thu hút sự tham gia của không ít cây bút trẻ triển vọng: Phát Dương, Mạc Yên, Võ Đăng Khoa, Trang Thụy, Lê Ngọc, Hoàng Dương, Lê Đình Trung, Bùi Tuấn Minh, Đào Thu Hà, Ny An, Tịnh Bảo... Không nằm ngoài dòng chảy sôi động đó, bên cạnh việc in sách, đăng báo, tôi cũng đã đăng nhiều tác phẩm của mình lên các nhóm Quán Chiêu Văn, Nhà văn, Tản văn hay... và luôn nhận được các bình luận góp ý, phản hồi chân thành của các bạn đọc tích cực. Tôi nhận ra mình không hề cô độc. Đó chính là nguồn động lực lớn để tôi nỗ lực hơn nữa.

- Một nhà văn trẻ với thành công lớn, hẳn sẽ tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Anh sẽ nói gì với những bạn trẻ đam mê văn chương?

- Xin đính chính lại là một vài thành tích nho nhỏ về văn chương mà tôi vẫn thường khoe trên Facebook chưa thể gọi là thành công lớn được, nên tôi chưa có kinh nghiệm gì đáng kể cả (cười). Tuy nhiên, tôi xin chia sẻ một chút về hai mục tiêu giản dị quan trọng mà tôi luôn hướng tới là: Đọc hết cuốn sách đang đọc và viết xong tác phẩm đang viết. Hai điều ấy thể hiện sự tôn trọng của mình dành cho các nhà văn khác và sự trách nhiệm đối với bản thân. Nói thêm một chút về quá trình sáng tác, tôi hay tự “chữa cháy” rằng, nếu hoàn thành một tác phẩm hay thì thật sung sướng, hạnh phúc; còn lỡ viết ra một câu chuyện dở thì tạm coi như là một cách đào thải những “hạt sạn”, những ý tưởng tầm thường, nhạt nhẽo đang chồng chất trong đầu để hi vọng những cái mới, cái đẹp, cái đặc sắc có chỗ “nảy mầm”.

- Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện đầy thú vị!

Nguyễn Nhật Thanh

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nha-van-phan-duc-loc-cuoc-song-luon-van-dong-chung-ta-khong-the-dung-yen-a9757.html