Mộ Đức mùa đông năm 1973

Kính tặng thân nhân các anh hùng liệt sỹ Đoàn Ba Gia!

Mộ Đức là huyện duyên hải của tỉnh Quảng Ngãi với 1 thị trấn và 12 xã: Đức Lợi, Đức Thắng, Đức Minh ven biển; Đức Chánh, Đức Thạnh, Đức Nhuận, Đức Phong đông đường 1A và các xã Đức Phú, Đức Hiệp, Đức Hòa, Đức Tân, Đức Lân tây đường 1A. Nơi đây còn có nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thuộc làng Phổ Thị, xã Đức Tân.

Ngày 16/9/1972, Đoàn Ba Gia, Sư 2 có phối thuộc của các đơn vị đặc công, công binh sư đoàn nổ súng đánh chiếm cao điểm 56 Núi Khoáng mở màn cho chiến dịch X11 của F2 tại hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ khu chiến kéo dài từ cầu Sông Vệ tới Sa Huỳnh, khoảng 40 km theo Quốc lộ 1A.

mo-duc-quang-1642210962.jpg
Tác giả ( ngoài cùng bên phải) với thân nhân các anh hùng liệt sỹ E1/F2( ĐOÀN BA GIA)

 

Tháng 11/1972, Trung đoàn trở lại Ba Tơ, hỗ trợ Lữ 52 giải phóng quận lị này. Vừa nghỉ ngơi củng cố đội hình vừa chiến đấu với các đơn vị biệt động quân giã ngoại của địch.

Ngày 27/3 có lệnh di chuyển cho nhiệm vụ mới, anh em lên đón tôi với Dũng từ hậu cứ Tam Cọp xuống suối Chí, chuẩn bị gấp gáp rồi lên đường ngay.

 Chập tối, chúng tôi đã có mặt tại ngã ba Đá Chát, bôn tập suốt đêm qua thôn Vạn Lý đã có các cô du kích Đức Phong dẫn đường đưa chúng tôi vòng qua chân Núi Đất, Núi Thụ tới đường sắt gần Cầu 18 Thước thì triển khai trận địa ngay. Hầm hố vừa đào xong, tảng sáng lại di chuyển mệt lả, chưa kịp ăn uống, nghỉ ngơi, chúng tôi hành quân ra sát đường 1A, cách khoảng 300m, nơi này là khu vườn của dân; lại hối hả đào đào, đắp đắp tạm. Vừa xong thì anh Duật bảo anh em lấy cơm vắt ra ăn, vừa nghe phổ biến nhiệm vụ. Anh nói :

- Hôm nay 28/1/1973, Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực.

 Anh động viên bộ đội ăn mặc đẹp, gọn gàng, khi giao lưu với dân, với lính Việt Nam Cộng Hòa thì phải thế này… thế này… Nghe xong, chúng tôi ai cũng mừng vui, hoan hỷ.  Vậy là chiến tranh đã chấm dứt, có đứa lại reo lên sống rồi. Đức đang thay bộ quân phục mới, lấy cái dây lưng đổ Cô-Sơ-Gin vẫn cất kỹ ra. Trông bảnh trai hẳn ra.

7h sáng từ Quảng Ngãi đã thấy tiếng trực thăng rộ lên mỗi lúc một gần. Một chiếc trực thăng HU1B bên sườn có chữ UN bay sát sạt. Tiếng máy nổ ầm ầm, cánh quạt chém gió rào rào vòng qua vòng lại trên đầu ba vòng. Anh Duật nói máy bay Liên Hợp Quốc chụp ảnh thị sát đấy. Lính ta đứng cả dậy hò reo phấn khích, được vài phút khi trực thăng rời đi bỗng oành… oành… oành… pháo từ Xương Rồng dội thẳng đúng trận địa chúng tôi, rồi xối xả đạn tăng, đạn bộ binh nhìn ra lúc này mới thấy bên địch còn đông quá, cả xe tăng M113. Thấy lực lượng ta mỏng, họ lật lọng đánh vỗ mặt ngay. Phía ngoài Đường 1 và bên kia đường thuộc ngã ba Quán Hồng, lực lượng Tiểu đoàn 1 cũng đã dàn thế trận từ hôm qua rồi, ngoài ra còn một trung đội C15 công binh, ĐKZ16 cùng 1 Đài 2W của C18 do anh Tín phụ trách. Trong này, ngoài khẩu 82 của chúng tôi, còn một khẩu 82, ĐKZ82, B41 của C4D1 nữa.

Giằng co cả ngày, tiếng súng, tiếng lựu đạn, tiếng pháo tăng 12,7 li không lúc nào ngớt ngoài Quán Hồng, anh em chiến đấu tử thủ đến cùng. Đơn vị công binh do anh Phạm Hùng Hậu chỉ huy, đài 2W vẫn kết nối với Trung đoàn. Anh Chước, anh Nghinh kể lại địch mò sát hầm mới biết; D bộ cũng giật mình thấy địch đã áp sát; một quả pháo rơi trúng khu nuôi quân C4 làm quản lý Đồng Văn Thành hy sinh ngay; các xạ thủ Đại Liên: Dương Văn Mỹ, B41 Vũ Văn Dự, B trưởng Nguyễn Ngọc Cừ đều sát vai chiến đấu cận kề với địch để bảo vệ D bộ. Chúng tôi trong này nhìn ra chỉ biết chờ lệnh mà bó tay; cầm cự được từ sáng tới giờ đã 4 giờ chiều rồi, ngoài Quán Hồng chỉ còn một chốt duy nhất đặt giữa đường. Chợt từ phía Bắc và phía Nam, 2 chiếc tăng mở hết tốc lực vừa chạy vừa bắn xối xả vào chốt này của anh em. Lập B41 chạy ra giữa ruộng, nước mắt ròng ròng kê súng lên vai bắn được một quả. Chỉ làm được có vậy. Thương xót quá, ai đó nói to thằng Long, thằng Thắng bị nó trói đưa lên xe Zép rồi kìa. Trời cũng dần tối, tiếng súng tạm lắng xuống. Hôm sau, ngày 29 tháng 1, trận chiến nơi đây vẫn còn kéo dài đến hết ngày.

Bộ binh công binh hỏa lực gồm Tiểu đoàn 1: các anh Đồng Văn Thành, Nguyễn Đình Bản, Vũ Văn Dự, Dương Văn Mỹ, Đinh Văn Tiến, Bùi Văn Khóa, Bùi Văn Viên; C15 công binh các anh: Phạm Hùng Hậu - B phó, Phùng Quang Phát - y tá; C18 các anh: Nguyễn Văn Tín, Nguyễn Trọng Thắng; ĐKZ16: anh Lê Văn Hồng, Bùi Văn Viễn, Phan Nam Long, Nguyễn Văn Tiến, Trần Đình Lương đều anh dũng hy sinh. Tổn thất quá lớn trong hai ngày đầu thực thi Hiệp định (sau này mới nắm được thông tin qua hồ sơ liệt sỹ, các gia đình đã và đang tổ chức làm xét nghiệm AND tại nghĩa trang liệt sỹ xã Đức Phong. Đợt đầu mới xác định được trường hợp của liệt sỹ Nguyễn Ngọc Cừ).

Ngay tới 28/1, khẩu đội tôi bàn giao lại súng cối 82 li cho C4/D1 để hành quân gấp sang vùng đông nhận nhiệm vụ mới. Du kích Đức Phong đầu đường đưa chúng tôi vượt tắt Đường 1, vòng vèo  qua các cánh đồng khuya cũng tới nơi triển khai hầm hố công sự ngay rìa xóm nhỏ phía trước có một cây cầu.

Hôm nay đã 27 Tết rồi, không biết làm nhiệm vụ gì ở đây mà chỉ có vài cái hầm bộ binh. Ngày ngày, cô du kích đi lưới cá về qua lại san cho chúng tôi vài cân. Sang đây như đã là một bầu trời khác hẳn, không bom pháo, địch đạc, chúng tôi chia nhau ai ở hầm thì ở, còn lại vào dân ngồi chơi. Ba bốn bác già pha bình trà to gọi chúng tôi lại, đủ thứ chuyện trò, thăm hỏi:

 -Tụi bây ngoài Bắc vô đây thì cứ coi như con cái nghe. Chúng mày đánh nhanh lên cho dân bớt khổ, bớt loạn lạc…

Tôi ở ngoài hầm với Đức, Linh, Tuấn. Đêm ba mươi, trời tối đen, xa xa các điểm chốt của địch pháo sáng, pháo hiệu vẫn bắn cầm canh đì đẹt chờ giao thừa. Nhìn vào trong làng thấy có bóng người đi đến gần, chúng tôi nhận ra bác trai mặc áo vét tay xách bình nước, cô con gái gánh đôi quang thúng. Tới nơi, cô em lấy chiếc mâm gỗ bày các món lên, cũng đủ thứ.

- Thôi cũng phải có cái đèn mấy chú ạ.

Bác trai nói rồi bật quẹt, châm lửa vào chiếc đèn cầy. Được   một hai phút bỗng xoẹt xoẹt… Uỵch, một quả pháo không nổ rơi cách hơn chục mét, gió làm tắt đèn (đùa dai quá, cái đám lính pháo Việt Nam Cộng Hòa).

 Ăn cỗ đón giao thừa không đèn, không nến mà thấy ấm áp quá, lần đầu nơi chiến trường có mâm cơm đàng hoàng, lại có bác, có em ở bên; chén trà nóng, cái tăm cũng không thiếu.

Hôm sau mùng 1 Tết, anh Duật gọi cả chúng tôi về. Đến nơi đã thấy ba mâm cỗ đầy ụ xếp chồng lên nhau, mấy thanh niên đang đứng đó rửa bát đũa, cốc chén, chai rượu để trên sạp; lại bác gái bê mâm cỗ vừa bước vào vừa nói:

 -Đoàn Ba Gia chúng bay hôm nay về đây tau biết, tau có thằng con trai nó chết bên Quảng Nam rồi. Nó cũng ở cùng với chúng mày đó.

 Vừa nói, má vừa lấy ra tờ tiền to mầu đỏ nói mua cây thuốc rê mà sài. Chúng tôi nhìn má, không biết nói gì (không biết tới giờ má đã đón được anh về chưa!)

Mùng sáu Tết, tôi và Tuấn được về lại Khẩu của anh Cường trước, lưng đeo giỏ đạn, tay xách khẩu B40 theo chân du kích về lại trận địa đường tầu cũ. Hầm pháo giờ được đặt lùi về sau. Hầm pháo cũ có Chuẩn, giờ thêm Tuấn và tôi ở giữa cùng Sắc (2 hầm Đông đường sắt).  Vậy là hỏa lực mạnh cho một khẩu đội rồi: 2B40 (tôi với Thìn) 7AK, 1 cối 82 với 60 viên đạn.

Sáng mùng 7 dậy sớm đã thấy bọn trẻ chăn bò với một tay mặc va rơi cao to cỡ tuổi 35 (cũng đi chăn bò), chắc họ hay đến đây. Anh em vài người lai rai ngồi trên cây gỗ tào lao vui vẻ. Tay này lại chìa cho tôi xem ngón trở tay phải bị cụt, nói chặt để phản chiến (tôi thoáng nghĩ thằng này là địch rồi, anh em mình chủ quan).

Tối đó cứ thao thức không ngủ. Chừng 4 giờ sáng (ngày 8 Tết Tân Sửu), Hòa nói :

- Anh Cường ơi, em thấy có ánh đèn pin, lại có tiếng gì ken két (xe tăng bộ binh địch đang tập kết).

 Anh Cường nói:

-Mày lại mơ rồi, đi ngủ đi, anh gác cho.

Trời sáng hẳn, bỗng anh Kình hét lên địch đấy, tất cả mới nháo nhào ai về hầm nấy, nhìn ra đã thấy đen đặc lính. Tăng M113 lổm ngổm di chuyển phía bên kia cánh ruộng rồi tốp đi đầu có xe đi trước ngoặt chính diện vào hầm Chuẩn. Tôi xách B40 chạy trước, Sắc chạy sau về hầm Chuẩn để xem lệnh đánh đấm thế nào. Vừa nhảy xuống hầm, địch lại co về và chuyển hướng chính diện vào hầm cũ của tôi và hầm pháo. Lúc này tăng M113, các loại đạn mới xối xả vừa bắn vừa tiến vào trận địa pháo của chúng tôi như đã nắm rõ (thằng địch cụt ngón tay chỉ điểm rồi). Anh Kình hô to:

- Không ai được bắn, chờ cối bắn trước.

Lúc này, cả cánh ruộng đã kín lính cùng xe rồi (đích thị bọn này hôm trước ở Quán Hồng đây nhưng sao đông thế, mỗi Khẩu đội tôi với 13 anh em mà nó chơi lớn). Tiếng đề ba liều không pinh pinh, những chấm đen lặng lẽ vút lên rồi giập xuống. Từng đấy người xe ken đầy lồ lộ trên mặt ruộng phẳng chịu sao nổi 60 quả cối, mỗi quả 3,8 kg nguyên khối TNT cùng gang thép. Chững lại rồi yên ắng một lúc, hầm pháo cũ sâu ngập đầu phải nhổm lên mới quan sát được còn lá ngụy trang nữa. Tôi ghé mắt đã thấy từ hướng Nam đi lên 2 tên lính mặc đồ phòng hóa nhìn như người ngoài hành tinh đang tiến tới gần.

Đạn rơi lộp độp, khói tỏa mù mịt mùi cay xộc lên. Nó chơi đạn cay để bắt sống mình rồi, tôi vội tiểu ra ăng gô lấy khăn mặt nhúng vào lau hết lên mắt, lên mũi, lên mặt (chả biết ai dậy). Tuấn kê AK định bắn thì 2 thằng quay lại, cùng lúc nhìn ra trước mặt thấy Sắc nằm úp sấp trước mặt tôi rồi. Tiếng chửi thề oang oang bên tai :

-Việt Cộng chạy dễ sợ bay ơi!

vài lần... (tôi biết anh em bắn hết đạn đã rút lui, mà sao xe M113 đã vào được sát vách hầm tôi rồi). Mấy thằng lính vẫn đứng trên nóc xe chỉ trỏ la hét. Tôi nhìn chúng qua kẽ lá ngụy trang chiếc xe thì khuất hẳn dưới góc ruộng thấp, vẫn kê khẩu B40 trong tư thế bắn (nếu xiết cò chúng tôi sẽ chết cháy ngay, biết làm thế nào).

Tôi cẩn thận dặn Tuấn:

- Nếu nó ném lựu đạn hất ra ngay nhé (bài học trên 600 rồi).

Tuấn với Chuẩn đang căng thẳng lắm, ngay và luôn là tiếng hô thẳng thốt: A Ba lô, rồi cạch vào báng B40 rơi xuống đất là quả M26 xanh lét đã bật mỏ vịt. Hai bàn tay run run chộp lấy Tuấn hất được quả M26 lại cho chủ nó. Lúc này như giời tính cho, kẹp hai quả lựu đạn bi, tay trái nín cả hai dây của 2 quả lựu đạn, tôi nói:

 -Ném xong anh em mình cùng vọt lên nhé!.

 Dứt lời, tôi siết mạnh. Hai tiếng rét rét của nụ xòe phát hỏa đã thấy ngon. Tôi nhẩm đếm 1… 2… 3… 4 và liệng nhẹ vào chỗ chiếc xe M113, xoay người đã thấy Chuẩn úp sấp vào hầm ếch; Tuấn giương súng qua đầu xả một tràng dài. Hai anh em cùng vọt lên. Tuấn nhảy hướng Bắc, tôi dướn người nhảy lên, trượt nhẹ xuống ngay cạnh chiếc xe M113, khom người lẩn nhanh vào rừng dứa dại. Nằm đó chừng 10’ thấy cũng ổn nhưng áy náy lại vòng vào hầm anh Cường mà không còn ai. Tôi nhặt quả M26 chắc của Hòa để rơi, quay lại rừng dứa, bò sát dưới gốc, bùn bê bết, ngại gì. Lần ra con suối cạn, đi ngược về dãy tre để tránh pháo, lại hơi cay nồng, mặc gió đẩy vào đây đọng lại, làm ít nước tiểu bôi lên mắt, lên mũi nữa, chân rón rén đặt đúng vết chân trâu bò để đi tiếp (khu vực này là cả một bãi mìn của du kích gài). Sẩm tối (đã nhanh hết một ngày), về tới chỗ anh em tập kết, anh Kình ôm tôi khóc :

-Sao không bắn cho anh vài quả em ơi!.

Tôi ngậm ngùi, lặng theo anh. Khẩu cối khi rút không mang theo được. Anh em vẫn còn thiếu anh Cường, Hòa, Thìn chưa về. Anh Lập Ba Toác vừa mang cơm tới, quẳng cái sọt uỵch xuống đất đã la toáng lên :

- Chết mẹ nó hết rồi, còn thằng đéo nào mà ăn cơm nữa!

. Anh em tôi có 13 người, anh Kình - Đại Lộc; anh Cường - Bắc Giang; Lâm - Hưng Yên; Ký - Hải Phòng; Thạch, Thìn - Thanh Hóa; Chuẩn - Hà Tây; Sắc – Nam Hà; Rồng, Hòa, Tuấn, Lợi, Hải - Hà Nội; Chuẩn, Sắc hy sinh ngay cạnh tôi; Hòa hy sinh trên đường rút bị pháo. Phía địch bị biêu diệt 56 tên.

Hai trận bị tập kích: một - 600 Ba Tơ, một - tại cây cầu 18 này. Thay vì bị xóa sổ, chúng tôi đã xoay chuyển tình thế, tiêu diệt hàng trăm tên. Giời tính cho!!

Mộ Đức, Quảng Ngãi giờ đây giầu đẹp, khu du lịch suối Chí, Núi Lớn, nhà máy công trường san sát, đường tầu cao ráo thẳng tắp, tiếng còi tầu rộn vui sớm chiều, ai còn nhớ về mùa đông năm ấy.

Theo Trái tim người lính

Nguyễn Đình Rồng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mo-duc-mua-dong-nam-1973-a9788.html