Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2021 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

  Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hàng năm ngày càng được mở rộng về quy mô, tập hợp được sự tham gia của đông đảo văn nghệ sỹ trên cả nước, ngày càng có sự lựa chọn, hội tụ cao nhất, chính xác về chất lượng.

giai-thuong-am-nhac2-1642237320.JPG

 

 

Năm 2021, có 55/63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gửi tác phẩm tham dự giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tính đến ngày 24/12/2021, Ban tổ chức đã nhận được 09 tác phẩm có giá trị xuất sắc của 09 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương; nhận được 375 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc 55 Hội VHNT tỉnh, thành phố gửi xét giải thưởng.

Số tác giả, tác phẩm dự giải của 55 Hội VHNT tỉnh, thành phố được phân ra các chuyên ngành như sau: Thơ (52 tác phẩm), Văn xuôi (61 tác phẩm), Lý luận phê bình văn học (08 tác phẩm), Mỹ thuật (94 tác phẩm), Nhiếp ảnh (70 tác phẩm), Điện ảnh (10 tác phẩm), Âm nhạc (59 tác phẩm), Múa (06 tác phẩm), Văn nghệ dân gian (10 tác phẩm), Sân khấu (05 tác phẩm).

Với 375 tác phẩm của 55 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố tham dự giải, kết quả có 31 Hội có giải. Có 62 tác phẩm đoạt giải (03 giải A, 14 giải B, 16 giải C, 27 giải Khuyến khích và 02 giải dành cho Tác giả Trẻ). Giải thưởng phân bố trong các chuyên ngành như sau: Văn học (26 tác phẩm), Mỹ thuật (11 tác phẩm), Âm nhạc (06 tác phẩm), Điện ảnh (02 tác phẩm), Kiến trúc (02 tác phẩm), Nhiếp ảnh (09 tác phẩm), Múa (02 tác phẩm), Văn nghệ dân gian (04 tác phẩm).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, trong thời gian qua, nhiều Hội VHNT đã kịp thời tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật, nhận được nhiều sáng tác có nội dung sâu sắc, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp đến đông đảo công chúng và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh.  Có nhiều tác phẩm VHNT về đề tài này được giải cao trong Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2021, tiêu biểu là tác phẩm Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống covid – 19 (ảnh nghệ thuật) của tác giả Huỳnh Văn Truyền (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), Thành trì cuối cùng (Phim tài liệu truyền hình) của Đạo diễn Ngô Quang Thịnh – Hội Điện ảnh Việt Nam, Ánh sáng tâm hồn (Tổ khúc múa) do TS.NDND Phạm Anh Phương chỉ đạo nghệ thuật, Tổng đạo diễn Nguyễn Thị Tuyết Minh (Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam), Những chiến binh thầm lặng (Phim tài liệu) của Đạo diễn Ngô Quang Hải – Trần Kim Triều (Liên hiệp các Hội VHNT Tp. Hồ Chí Minh) đoạt giải B; Niềm tin tất thắng (Tác phẩm VHNT về đề tài “Vĩnh Phúc chung tay phòng, chống covid”) của Hội VHNT Vĩnh Phúc. Các tác phẩm phản ánh những câu chuyện người thật, việc thật; những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp, chia sẻ của tập thể, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống và vượt qua đại dịch; khắc họa những tấm gương hy sinh, xả thân, cống hiến cao cả của lực lượng tuyến đầu chống dịch; tuyên truyền, giáo dục, động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết, mang tính nhân văn, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, giúp lan tỏa các giải pháp, cách làm hay của các tập thể, cá nhân tích cực trong cộng đồng, đặc biệt là trong giai đoạn toàn dân đồng lòng, đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19. Thông qua đó, kêu gọi toàn dân chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và các chính sách, giải pháp hiệu quả của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Như vậy, tổng hợp Giải thưởng 2021 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam như sau:

- 09 Giải thưởng cho tác giả xuất sắc của 09 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

- 62 giải cho tác giả là Hội viên các Hội VHNT tỉnh, thành phố.

- 01 giải xuất sắc về đề tài phòng chống covid – 19 cho Hội VHNT Vĩnh Phúc.

Qua việc xét giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2021, Ban tổ chức có một số nhận xét vchất lượng Giải thưởng VHNT năm 2021 như sau:

- Giải thưởng Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2021 đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc trong năm. Các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và các hội VHNT tỉnh, thành phố đã gửi về dự giải những tác phẩm xuất sắc nhất của Hội mình. Những tác phẩm này đã được xuất bản, tham gia triển lãm hoặc được công bố, trình diễn, được công chúng mến mộ và báo chí đề cập đến.

- Giải thưởng đã phản ánh khách quan các tác phẩm VHNT của các tác giả là hội viên của các Hội VHNT tỉnh, thành phố vẫn duy trì và đi theo khuynh hướng truyền thống, các tác giả trẻ trong thể hiện có tìm tòi, đổi mới nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống và truyền thống đạo lí của dân tộc. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đi vào đề tài thời sự của đất nước như vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới và hải đảo.

a) Văn học

+ Về Văn xuôi: Nổi bật là tiểu thuyết Nghiệp chướng của tác giả Lưu Vĩ Lân (Liên hiệp các Hội VHNT Tp. Hồ Chí Minh) đạt giải A. Tác giả đã có cái nhìn tuyệt đối độc lập, khách quan về những tháng năm đầu tiên thống nhất đất nước (1975-1980), về mục đích cuộc chiến, về những cố gắng quản trị đất nước sau giải phóng, cả những bất lực, ấu trĩ và sai lầm. Văn viết mạch lạc, kết cấu nhiều tầng vỉa nên chỉ qua vài trăm trang sách nhưng mở ra nhiều vấn đề về triết luận, thẩm mĩ và yêu thương thán phục. Giải B là tác phẩm Âm ỉ tàn tro (Tập truyện ngắn) của tác giả Lưu Thị Mười (Hội VHNT Bình Định); Bảng lảng bóng thời gian (Tiểu thuyết) của tác giả Hoàng Giá (Hội VHNT Bắc Ninh) là những tác phẩm viết chắc chắn, chất liệu hiện thực được khai thác sâu sắc và đa diện, nhiều cảm xúc.

+ Về Thơ: Nhìn chung, mặt bằng thơ năm nay khá, có chiều sâu, các tập thơ đều có chất lượng tốt. Đề tài đa dạng, phong phú, đề cập tới nhiều góc cạnh, những vấn đề quan trọng trong đời sống con người và xã hội đương đại. Thơ không có giải A. Giải B là tập Đôi mắt đợi của tác giả Tạ Bá Hương (Hội VHNT Tuyên Quang) với những tìm tòi nóng ấm nhiều vấn đề của đời sống được đưa vào thơ một cách thuyết phục. Tập thơ Tương đối hẹp của tác giả Thành Dũng (Hội VHNT Sóc Trăng) với ngôn ngữ giản dị, đời thường, có cố gắng làm mới, nhiều tính biểu tượng, đa thanh.

+ Về Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật: Giải B cho tác phẩm Thơ Vua và suy ngẫm của tác giả Nguyễn Phước Hải Trung (Thừa Thiên Huế) là một tập khảo cứu dày dặn và công phu. Cuốn sách cho thấy sự làm việc nghiêm túc và say mê, tư duy khoa học mạch lạc, thông tuệ và tài hoa của một nhà nghiên cứu. Đóng góp lớn nhất của cuốn sách là từ những chứng cứ lịch sử có thực để minh định, xác quyết vấn đề, làm „hiện lên một cách sinh động bóng hình của lịch sử, soi chiếu thêm vào sử liệu để thấy được những chân giá trị” đúng như lời phi lộ của chính tác giả. Cuốn sách là một sự nỗ lực đầy hứng khởi trong việc tìm về vốn cổ, góp phần đắc lực vào việc bao tồn và phát huy di sản văn hoá tinh thần của ông cha.

            b) Về Mỹ thuật

            Trong thời điểm khó khăn đầy thách thức chưa có tiền lệ của đại dịch covid – 19 trên toàn cầu, Triển lãm khu vực lần thứ 26 năm 2021 của Hội Mỹ thuật Việt Nam không thể tổ chức trưng bày và khai mạc ở 8 khu vực như những năm trước. Tuy nhiên, anh chị em hội viên và chưa hội viên ở 63 tỉnh, thành phố vẫn tham gia đông đảo và có những nỗ lực mới để tự nâng cao khả năng nghề nghiệp, tự tin trong sáng tạo, khám phá những huynh hướng sáng tác mới, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ thế hệ 7x, 8x, 9x đang mang tới những đột phá mới về quan niệm, cách cảm nhận cuộc sống đương đại qua ngôn ngữ tạo hình. Hội đồng giải thưởng Mỹ thuật đã cân nhắc, lựa chọn những tác giả, tác phẩm có tính đại diện cao cho hoạt động mỹ thuật ở các địa phương, vùng miền có dấu ấn rõ nét về bản sắc văn hoá riêng để trao giải.

            c) Về Âm nhạc

            Nhìn chung, các tác phẩm tham gia dự thi chưa có nhiều điểm mới nổi trội, cách viết còn cũ, chung chung. Có những tác phẩm được đoạn đầu, còn đoạn sau lại lại tản mạn, chưa sâu sắc và cô đọng nên chất lượng chưa cao, ngôn ngữ nghệ thuật ít sáng tạo, không có phát hiện mới.

            Tuy nhiên, cũng có những tác phẩm nổi bật như: ca khúc Cánh chim Việt Bắc của Lê Anh Hà (Nghệ An) có chất liệu dân gian tốt nhưng chưa phát triển được rộng mở. Ca khúc Xây dựng nông thôn mới của Bùi Thanh Tú có phong cách thịnh hành nhưng chưa tạo được dấu ấn riêng. Ca khúc Ơn mẹ có cảm xúc trong giai điệu, lời ca nhưng chưa phát triển tốt, cần tạo cảm xúc dạt dào ở phần điệp khúc... Tác phẩm xuất sắc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề nghị Liên hiệp trao giải là ca khúc Đẹp nhất bông sen của nhạc sĩ Trương Quang Lục, phản ánh tình cảm thiết tha của thiếu nhi với Bác Hồ kính yêu. Tác phẩm lấy cảm hứng từ câu ca quen thuộc “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” vừa để ngợi ca, vừa như tự nhắc nhủ nguyện làm theo lời Bác dạy. Cấu trúc tác phẩm ngắn gọn, súc tích. Đoạn 1 là nét giai điệu mang âm hưởng nhẹ nhàng trong sáng bằng giai điệu dàn trải mang tính tự sự và ngợi ca. Đoạn 2 tiết tấu rộn ràng, vui tươi, tạo sự cuốn hút, được lặp lại nhiều lần như sự khẳng định lời Bác dạy luôn được khắc sâu trong tâm trí các thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam.

            d) Về Văn nghệ dân gian

       Đoạt giải B là tác phẩm Ngôn ngữ Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá của tác giả Võ Minh Hải (Bình Định). Đây là công trình nghiên cứu chuyên sâu, được thực hiện nghiêm túc, bài bản, có tay nghề. Thông qua việc khảo sát ngữ liệu văn hoá trong Truyện Kiều, tác giả đã chỉ ra được ảnh hưởng của nó tới đời sống xã hội và văn chương Việt Nam. Công trình có giá trị khoa học. Giải C là tác phẩm Trương Hán Siêu – Danh sĩ đời Trần, người con đất cố đô Hoa Lư lịch sử của tác giả Đặng Công Nga (Ninh Bình). Đây là một khảo cứu công phu, khoa học về một nhân vật lịch sử nổi tiếng của thời Trần – Trương Hán Siêu. Ngoài việc khảo cứu tài liệu đã được công bố, tác giả đã sưu tầm được 19 tác phẩm lần đầu tiên được công bố. Đây là những tư liệu quý còn lại khá ít ỏi về ông. Tuy nhiên, công trình nặng về tập hợp tư liệu, giá trị khoa học không nhiều.

            Tác phẩm xuất sắc của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đề nghị Liên hiệp trao giải thưởng là công trình Người Dao Tiền ở Việt Nam của tác giả Lý Hành Sơn. Đây là một công trình giàu có về nội dung, khảo sát thực địa công phu, phản ánh đầy đủ giá trị văn hoá của người Dao tiền ở Việt Nam. Ở công trình này, tác giả đã mô tả cặn kẽ, đầy đủ từng khía cạnh văn hoá tộc người trong 5 chương. Các mặt được viết kĩ, nội dung phong phú, hình thức đa dạng. Công trình thể hiện vai trò người trong cuộc (isider) và chủ sở hữu (inner) về mặt văn hoá (vật thể và phi vật thể). Do đó, công trình có nội dung sâu sắc và phong phú.

            e) Về Nhiếp ảnh

Tác phẩm đoạt giải A là tác phẩm Vụ xuân trên núi của tác giả Phạm Pa Ri (Hội VHNT Yên Bái) có bố cục tốt, tạo hình đẹp, kĩ thuật tốt, thể hiện tốt ngôn ngữ nhiếp ảnh, tạo cảm xúc cho người xem, phương pháp thể hiện ánh sáng phù hợp, màu sắc hài hoà.

Tác phẩm xuất sắc của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải là tác phẩm Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống Covid – 19 của tác giả Huỳnh Văn Truyền. Tác phẩm được chụp tại cột mốc Axan, Tây Giang, Quảng Nam. Sự vượt khó bám trụ của chiến sĩ biên phòng giúp dân chống dịch và giữ vững vùng biên, gùi hàng vượt đường xa để trao đổi giúp những người anh em bên kia cột mốc, cho người xem cảm giác ấm áp và tự hào. Tác phẩm phản ánh chân thực, sinh động những nét độc đáo trong sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc ít người hai nước Việt Nam, Lào; hỗ trợ trao đổi hàng hoá và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch; đặc biệt có sự tham gia của các chiến sĩ biên phòng, củng cố lòng tin yêu của nhân dân, gắn bó máu thịt với dân để đảm bảo sự bình yên của Tổ quốc.

            f) Các chuyên ngành: Điện ảnh, Sân khấu, Múa, Kiến trúc

Chúng ta đã biết, thành tựu nghệ thuật của các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, múa, kiến trúc trong những năm qua là khá ấn tượng với nhiều tác phẩm ra đời được quần chúng mến mộ và giới chuyên môn đánh giá cao.

Do đặc thù nghề nghiệp, các chuyên ngành trên đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên môn cao, các tác giả hội viên chuyên ngành ở các Hội VHNT địa phương trình độ và năng lực sáng tạo còn hạn chế nên hàng năm có ít tác giả có tác phẩm dự xét giải, có Hội không tìm được tác phẩm xuất sắc nào để gửi xét giải hoặc có giải thưởng cũng chỉ mang tính động viên phong trào ở địa phương, tác phẩm dự xét giải ít nhiều còn chưa vượt khỏi tính nghiệp dư.

- Năm nay, chuyên ngành Sân khấu có 05 tác phẩm dự thi nhưng không có tác phẩm nào đoạt giải. Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam giới thiệu tác phẩm Làng song sinh của Đạo diễn, NSND Nguyễn Trung Hiếu, tác giả nhà văn Xuân Đức, Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng, đã từng đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021.

- Giải B của chuyên ngành Điện ảnh trao cho tác phẩm Chuyện những người xa xứ (Phim Tài liệu) của đạo diễn Nguyễn Mộng Long; Giải C trao cho tác phẩm Những chiến binh thầm lặng (Phim tài liệu) về đề tài phòng chống covid -19 của tác giả Tuấn Khanh – Khải Hưng. Hai tác phẩm đều của Liên hiệp các Hội VHNT Tp. Hồ Chí Minh.

Tác phẩm xuất sắc của Hội đề nghị Liên hiệp trao giải thưởng chuyên ngành là phim Thành trì cuối cùng (Phim tài liệu truyền hình 04 tập) của đạo diễn Ngô Quang Thịnh, Hãng phim truyền hình Tp. Hồ Chí Minh. Đây là bộ phim được những người làm phim trực tiếp theo chân lực lượng tuyến đầu vào điểm nóng kịp thời ghi lại những hình ảnh chân thực, sống động phản ánh công cuộc phòng chống đại dịch Covid – 19 tại Tp. Hồ Chí Minh trong những ngày tháng cam go, khốc liệt vừa qua; trong đó nổi bật là những câu chuyện về lực lượng y, bác sĩ bệnh viện Quân y 175, những người lính hai màu áo đã xung phong tham gia chống dịch, chi viện cho thành phố, giành lại sự sống cho các bệnh nhân từ tay tử thần. Những thước phim như những trang nhật kí của những y, bác sĩ nơi tuyến đầu, viết nên từ mồ hôi và nước mắt. Họ đã kiên cường đấu tranh đến giây phút cuối cùng để giữ lại mạng sống cho từng bệnh nhân. Không chọn những hình ảnh nặng nề để gây ám ảnh cho người xem, Thành trì cuối cùng dùng những câu chuyện rất đời thường, song phía sau đó là những tình cảm đong đầy giữa người với người, sự sẻ chia đầy tình thân ái. Với cách thể hiện không lời bình, ekip làm phim sử dụng những âm thanh sống động nhất để người xem có thể tự mình cảm nhận không khí nơi tầng ba trong phác đồ điều trị bệnh nhân covid – 19... Hành trình bảo vệ thành trì cuối cùng vẫn còn tiếp diễn và những người lính hai màu áo vẫn tiếp tục lên đường. Dù cuộc chiến còn lắm gian truân, nhưng đối với họ, lời hứa hẹn gặp lại nhau khi thành phố khoẻ lại chính là động lực lớn nhất để họ vững niềm tin nơi trận địa này.

- Chuyên ngành Múa có 02 tác phẩm được trao giải: giải B cho tác phẩm Thanh trà hiến quả của biên đạo Mai Trung – Diệu Hy – Phan Hoàng; giải C cho tác phẩm Diễn tập của biên đạo Âu Thanh Thanh. Cả hai tác phẩm đều có giá trị tốt về tư tưởng, có tìm tòi sáng tạo trong nghệ thuật. Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đề nghị trao giải xuất sắc cho tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn, chỉ đạo nghệ thuật: TS.NSND Phạm Anh Phương, Tác giả và Tổng đạo diễn: ThS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, và tập thể biên đạo.

- Sau nhiều năm không có tác phẩm tham dự, năm nay, chuyên ngành Kiến trúc có 02 tác phẩm đoạt giải: giải B cho tác phẩm Thiết kế đô thị cho đường Tôn Thất Tùng kéo dài của nhóm tác giả Hoàng Đình Viên Phương – Nguyễn Phương Linh (Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội) là công trình có tính khả thi cao, khi hoàn thành sẽ tạo nên một thiết kế đô thị và cảnh quan tốt trên một tuyến đường quan trọng của Thủ đô. Giải C trao cho công trình Nhà hàng tre trúc của KTS Mạnh Hùng (Hội VHNT Thái Nguyên) có cố gắng đưa vật liệu của địa phương (tre trúc) vào tạo dáng kiến trúc nhà hàng, một công trình nhỏ, thân thiện, phù hợp với khách hàng là những người trẻ. Tuy nhiên, hình thức này không mới và đã được nhiều KTS khai thác, hình thức kiến trúc còn đơn điệu. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị trao giải xuất sắc cho công trình Cầu vàng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2018, là điểm nhấn kiến trúc tại khu du lịch Bà Nà Hils (Đà Nẵng). Đây là tác phẩm kiến trúc độc đáo, hài hoà với cảnh quan xung quanh, kết nối một cách thân thiện, nhân văn giữa con người với thiên nhiên huyền ảo, thơ mộng. Cầu vàng không chỉ là điểm đến văn hoá du lịch được du khách trong nước và quốc tế yêu thích, ca ngợi, mà còn có ý nghĩa tích cực khi kiến trúc tham gia có hiệu quả vào phát triển công nghiệp văn hoá theo chủ trương của Chính phủ.

Trên đây là một số nét tổng kết về Giải thưởng năm 2021 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Thay mặt Hội đồng Giải thưởng, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các tác giả, các Hội VHNT chuyên ngành TW và các Hội VHNT tỉnh, thành phố cả nước đã tín nhiệm và gửi tác phẩm tham dự giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Cảm ơn các văn nghệ sĩ tham gia các Hội đồng Giám khảo chuyên ngành đã làm việc công tâm, trách nhiệm trong việc thẩm định, định giá tác phẩm, giúp cho Thường trực Đoàn Chủ tịch ra quyết định trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật năm 2021.

Ban Tổ chức Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam mong muốn năm 2021 sẽ nhận được đầy đủ tác phẩm tham dự và nhận giải của 10 Hội chuyên ngành TW và tác phẩm của cả 63 Hội VHNT tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chúng tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các cơ quan truyền thông đã kịp thời đưa tin tuyên truyền cho Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2021, góp phần quảng bá thành quả một năm hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ trên cả nước.

 

 

 

Trúc Sơn

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/giai-thuong-van-hoc-nghe-thuat-nam-2021-cua-lien-hiep-cac-hoi-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-a9799.html