Có tài kiêm được cả hai phương diện ấy, thực khó lắm thay”! Lê Quý Đôn (1726-1784) là người có được cả hai phẩm chất đáng quý ấy.
Học giả Phan Huy Chú lại viết: “Việc trước thuật của Lê công (Lê Quý Đôn) thì như sông dài bể rộng, đầy tràn, tít tắp, không nơi nào không đến; thế mà sự kỳ diệu của những lời ngâm vịnh của ông lại cũng như chim (ríu rít) mùa xuân, hoa (nở) đúng kỳ; âm điệu hay, phong cách thanh tao, đâu phải nhờ đẽo gọt cầu kỳ mà có thể có được”!
Khi đi sứ sang nhà Thanh, 3 năm cả đi lẫn về, Lê Quý Đôn đã gặp gỡ, giao tiếp, thù tạc với nhiều quan chức khoa bảng “thượng quốc”. Phần nhiều họ vừa đều làm việc quan, lại kiêm cả việc trước thuật, sáng tác văn chương. Lê Quý Đôn cũng có thời gian giao tiếp, xướng họa với sứ đoàn Triều Tiên, như Trạng nguyên Chánh sứ Hồng Khải Hy, Trạng nguyên Phó sứ Lý Huy Trung. Mỗi người mỗi góc nhìn khác nhau, nhưng cũng có nhiều điểm chung dễ nhận thấy, đó chính là sự ngưỡng mộ tài trí thông tuệ đến mức khó tin của Lê Quý Đôn, một quan chức ngoại giao Đại Việt trẻ tuổi (mới 32 tuổi), một học giả uyên bác, một thi nhân xuất sắc. Trong thời gian đi sứ, Quế Đường tiên sinh sáng tác khoảng 300 bài thơ. Chỉ riêng đoạn đường ngược sông Tiêu-Tương, trong khoảng 15 ngày, Quế Đường tiên sinh viết 100 bài thơ vịnh cảnh quan, con người, lịch sử, địa dư vùng Tiêu Tương vốn nổi tiếng này, thường gọi là TIÊU TƯƠNG BÁCH VỊNH.
Có người thấy Lê Quý Đôn “Anh hoa phát tiết ra ngoài”, cương trực, ngay thẳng, lại quá tự tin, nên có ý khéo léo, nhắc nhở, như Tần Triều Vu (tên hiệu là Hỗ Trai). TẦN Triều Vu bấy giờ hơn bốn mươi tuổi, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn (1748), làm quan trong triều nhà Thanh ở Yên Kinh , giữ chức “Phụng trực Đại phu, Viên ngoại lang bộ Lễ”. Tần Triều Vu (Hỗ Trai) được trao chức “Khâm mệnh biện lý bạn tống sự vụ Giang Tả”, tiễn sứ đoàn An Nam về nước, đoạn từ Yên Kinh (Bắc Kinh) xuống đến Quế Lâm. Cuộc tiễn đưa kéo dài, giúp Tần Triều Vu có dịp đọc kỹ tác phẩm QUẦN THƯ KHẢO BIỆN và THÁNH MÔ HIỀN PHẠM của Lê Quý Đôn. Do đó, ông quan Khâm sứ Hỗ Trai mới có thể hiểu rõ hơn về tài năng kiệt xuất của ông quan Cống sứ trẻ tuổi nước An Nam. Sau rồi họ lại trở thành đôi bạn tri âm tri kỷ. Một tình bạn hiếm có trong đời.
Có thể nói ngay rằng, Lê Quý Đôn là nhà Nho Việt Nam hiếm hoi dám thẳng thắn đặt vấn đề “xét lại” cổ nhân, nêu một tấm gương tiêu biểu về tinh thần hoài nghi, tranh luận khoa học. Ông là người dám thẳng thắn lật lại những cái gọi là “án cũ”, gần như đã được mặc định. Tiên sinh chủ động đặt mục tiêu cho mình là “khảo” và “biện”. Tần Triều Vu (Hỗ Trai) sau khi đọc sách QUẦN THƯ KHẢO BIỆN và sách THÁNH MÔ HIỀN PHẠM của Lê Quý Đôn, đã nói: “Tôi phục cái tài học cổ của tiên sinh, nhưng cũng có điều muốn khuyên bác: nếu xem xét việc xưa mà thích dụng với ngày nay, nén cái mạnh của mình mà tự hạ để học hỏi người dưới, thì những điều thu lượm được ở sử sẽ dùng mãi không cùng”. Như vậy, có thể nhận ra cái tâm lý thông thường của nhà khoa bảng nước Đại Thanh. Những lời lẽ khảo biện hùng hồn, “ý khí quá hào dật” trong QUẦN THƯ KHẢO BIỆN đã khiến Tần Triều Vu có vẻ chạnh lòng tự ái hay chăng? Tuy nhiên, Tần Triều Vu cũng buộc lòng phải thừa nhận, rằng Lê Quý Đôn đã dũng cảm bước chân vào một lĩnh vực quá nhiều gai góc, quá hóc búa, mà các nhà khoa bảng Trung Quốc đã bỏ trống từ lâu. Ông viết: “Các nhà Nho từ Tần, Hán về sau có bàn luận, đánh giá (về sử học), nhưng từ đời Tống, Nguyên trở xuống thì chẳng thấy còn ai. Tệ hơn, có những người buộc sách lại không xem, chỉ bàn bạc không căn cứ, hoặc có người chỉ trau chuốt câu chữ, gọt giũa văn từ mà thôi. Sử học không được nghiên cứu đã từ lâu rồi”!
Lê Quý Đôn cho rằng: “Những việc chính sử ghi chép, dù hoàn hảo đến mấy cũng không thể hoàn toàn tin theo được”. “Kẻ đọc sách có thể chỉ căn cứ vào văn mà không xét đến sự thực được chăng”? Với việc nghiên cứu sử học, Lê Quý Đôn viết: “…Xưa nay, người bàn đến thể truyện ký, thì suy tôn Sử Ký, Hán Thư; người bàn đến thể biên niên thì đề cao Thông Giám, Cương Mục. Thể tài, ý chỉ thì không ngoài Kinh truyện. Nhưng các Nho sinh, Học sĩ chỉ thích danh lý, coi sử học là việc thừa, chú thích sơ sài, lời bàn luận phần nhiều chưa gợi được ý cho người”!...Nhờ tinh thần hoài nghi khoa học, ý chí tự tin, Lê Quý Đôn đã có nhiều kiến giải mới về những vấn đề tưởng như đã cũ, đã ổn định mặc nhiên rồi. Lời “Khảo”, “biện” của Lê Quý Đôn rất giàu chất nhân văn, rất thuyết phục.
Chánh sứ đoàn Triều Tiên, Trạng nguyên Hồng Khải Hy, viết về sách QUẦN THƯ KHẢO BIỆN, có đoạn: “bộ sách đã khảo cứu và bàn luận về sử sách các đời giống như CHÍ LÂM của Pha Ông (Tô Đông Pha), sách HƯỚNG NGÔN của Mông Tẩu (Trang Tử), trên dưới mấy ngàn năm (lịch sử), cái này được, cái kia mất, ai giỏi, ai kém, như thế này thì yên, như thế kia thì nguy, không chỗ nào là ông không xem xét suy tính đến. Có chỗ (ông) lật lại những án định cũ, có chỗ ông vạch ra những lời bàn sai lầm qua nhiều đời. Kiến thức tinh tế, lý giải diệu kỳ (của ông) đã bật trên các hàng chữ. Đoạn bình luận về học thuyết của họ Chu (Chu Hy), họ Lục (Lục Cửu Uyên) mà ông đã nêu rõ ở cuối sách, càng cho thấy học thuật của ông thuần chính, lời văn của ông nhẹ nhàng, thuận lẽ như gió lướt trên mặt nước, không chút sâu cay gò bó gì cả. Thực chỉ nếm một miếng đã thấy vị ngon của cả nồi (thức ăn) rồi!”. Hồng Khải Hy còn khen rộng ra: “Cái học của người phương Nam là chắt lọc lấy những tinh hoa… có lẽ ông đã gần đạt đến bậc ấy rồi chăng?”…
Ông Trạng nguyên nước Triều Tiên còn khẳng định rõ thêm về cái nôi rất đáng quý của văn hóa đất phương Nam, do trời sắp đặt. Rằng “Đại truyện trong KINH DỊCH nói: Muôn vật đều thấy ở quẻ Ly. Mà Ly là phương Nam. Trong Ngũ hành thì Ly thuộc “hỏa”. Trong “Tứ đức”, Ly thuộc Lễ. “Hỏa” sáng soi muôn vật, không nơi nào là không chiếu đến. “Lễ” phân tích mọi điều, mạch lạc, sáng sủa. Ông (Quý Đôn) là người có tâm trí sáng suốt, phân định rạch ròi, biết được những cái sâu xa từ đời xưa, chẳng trách ông tìm thấy cái lý đích thực, dùng lời không sai. Không cầu tinh mà tự nhiên tinh. Hơn thế nữa, về “Lễ” ông không chỗ nào là không đầy đủ, về “Lý” không chỗ nào là ông không đi đến tận cùng”! Vẫn chưa thấy là đủ, trong bài thơ họa thơ Lê Quý Đôn, thi sĩ Hồng Khải Hy còn viết:
Cao cờ thì truyền phả, thuốc thì truyền phương,
Quyển sách nhỏ, khảo cứu chuyên cần ở trăm đời đế vương.
Ghi chép về phương Nam, văn từ đẹp đẽ, bác là bậc nhất”…
Ngài Phó sứ Trạng nguyên Lý Huy Trung thì viết: “Bác gửi cho tập sách quý, kính cẩn nâng đọc, cảm thấy như khúc nhạc thái hư, càng dạo càng hay, khiến người nghe không biết chán”!
Ở đây, thấy rõ sự chân thực, thẳng thắn, minh bạch, khác hẳn những lời có vẻ cao ngạo của quan chức “thiên triều”, tự cho mình là cái rốn văn minh của nhân loại, còn các nước ngoài Trung Hoa thì chỉ là “Man”, “Di” mọi rợ mà thôi!
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-xua-viet-ve-le-quy-don-nhu-the-nao-a9805.html