“Bát nước giải bằng vại thuốc” có thật thế không?

“Nước giải” còn gọi là “nước tiểu”, là một loại nước “do thận lọc và thải ra ngoài bằng đường tiểu tiện” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, 2020). Loại nước thải này không chỉ có ở con người mà còn có ở nhiều loài động vật khác (như chó, mèo, lợn, trâu, bò…). Nhưng “nước giải” trong câu tục ngữ “Bát nước giải bằng vại thuốc” (hay “Một bát nước giải bằng một vại thuốc”) là chỉ “sản phẩm của con người”.

nuoc-giai-1642255748.jpg
“Bát nước giải bằng vại thuốc” có thật thế không? Ảnh internet

 

Chắc không ít người thấy lạ. Rằng làm sao cái thứ nước thải loại kia lại có giá trị làm thuốc (chất được chế biến dùng để chữa bệnh). Ai cũng biết, con người ta phải ăn và uống những thứ cần thiết để nuôi sống cơ thể (cơm, thịt, cá, rau quả, nước lọc, nước chè…). Đó là “đầu vào”. Còn “đầu ra” là những chất thải, qua nhiều con đường: tiểu tiện (ra nước giải/ nước tiểu), đại tiện (ra phân/ cứt), con đường bài tiết khác (mồ hôi)…

Các nhà khoa học cho biết, nước tiểu chứa ít nhất 95% nước, 5% còn lại là những thứ không tốt cho cơ thể. Đó cũng chính là lí do tại sao chúng lại bị “tống khứ” ra ngoài càng nhanh càng tốt. Những thứ bị tống ra ngoài cơ thể đó chẳng còn giá trị sử dụng. Có chăng chỉ có thể dùng làm phân bón cho cây trồng. Ở nông thôn, người ta tận dụng phân bắc (sau khi ủ hoai) để bón ruộng, nước giải (đựng trong nồi bộng hay thùng sau vài ngày) để pha loãng tưới cho cây. Có lẽ chẳng mấy ai khi đi đái, đi ỉa lại quan tâm đến những thứ được coi là bẩn thỉu, ô uế đó. Bây giờ, sau khi đi vệ sinh xong, người ta xả bồn cầu, cho nước cuốn trôi toàn bộ chất thải xuống bể phốt. Toilet sạch bong. Hết.

Ấy thế mà lại có chuyện coi nước giải kia là vị thuốc mới kì chứ. Phải chăng đây là kinh nghiệm của các cụ nhà ta của một thời xa xưa, khi còn sống trong cảnh cơ hàn và lạc hậu (chứ bây giờ thì chẳng còn ý nghĩa)?

Nguyễn Đức Dương (trong “Từ điển Tục ngữ Việt”, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) giải nghĩa câu này như sau: ‘Một bát nước tiểu cũng có giá trị trị liệu ngang một vại thuốc. Hay dùng để chỉ rõ giá trị tuyệt hay của nước tiểu (vốn được người xưa coi là một thứ thuốc quý)”.

Còn Việt Chương (trong “Từ điển Thành ngữ, Tục ngữ, ca dao Việt Nam”, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2003) lại có một cách cắt nghĩa khác. Theo ông, câu này có nghĩa là: “Theo kinh nghiệm của người xưa thì nước tiểu của trẻ con có sức trị liệu được một vài chứng bệnh, như chứng hậu sản của các bà mới sinh, chứng bầm máu do thương tích, đánh đập”.

Cách giải thích của Việt Chương khá gần với hiện thực. Nhưng cũng cần phải nói thêm cho rõ và cụ thể hơn.

“Hậu sản” (hay “sản hậu”) là “chứng bệnh mà phụ nữ có thể bị mắc sau khi sinh đẻ” (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn). Ngày trước (và bây giờ ở vài nơi) người ta vẫn có thói quen uống nước tiểu trẻ con (gọi là “đồng tiện”). Nhưng không phải của bất cứ trẻ con nào và dùng bất cứ lúc nào sau khi trẻ tiểu tiện, mà: 1) phải là trẻ dưới 10 tuổi (tốt nhất là 4-6 tuổi). Tuy nhiên, nếu trẻ bé quá (0-2 tuổi), bộ máy tiêu hóa, bài tiết chưa hoàn thiện; thức ăn của chúng (sữa, bột) cũng chưa thật đa dạng nên nước tiểu chưa đạt đủ các tiêu chuẩn sinh hóa (có các chất vi lượng cần thiết giúp cho việc chữa bệnh). 2) nước giải trẻ (thường là của bé trai, khoẻ mạnh) đái ra (tốt nhất là đợi trẻ ngủ dậy buổi sáng, hay sau một thời gian chơi bời, vận động, có một lượng đủ lớn, đái một bãi “rộng”, tức dung lượng nhiều; và phải chọn “nước tiểu giữa bãi – bỏ đoạn đầu và đoạn cuối”) muốn dùng phải uống ngay, không được để lâu (sẽ diễn ra quá trình trao đổi chất khi tiếp xúc với không khí, bị ô xi hóa và sẽ sinh ra một số chất độc, lúc đó sẽ “khai mù”).

Ta thấy ở quê, các bà các chị sau sinh cứ chờ bọn trẻ đi tiểu vào ca, vào gáo, xong cứ thế ngửa cổ uống ừng ực một hơi (ngon lành chẳng khác gì cánh đàn ông nốc bia tươi). Thực ra, xài cái món này chẳng thú vị gì đâu. Đa số các bà phải nhắm mắt nhắm mũi mà uống cho xong.

Dược học cổ truyền cho rằng nước tiểu vị mặn, tính lạnh, có công dụng tư âm giáng hoả, chỉ huyết tiêu ứ, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như âm hư phát nhiệt (sốt do thiếu phần âm), khái huyết (ho ra máu), thổ huyết (nôn ra máu), nục huyết (chảy máu ở các lỗ tự nhiên), huyết vựng (hoa mắt chóng mặt, tay chân lạnh do huyết dồn lên đầu), sản hậu ứ huyết, tổn thương do trật đả, huyết ứ tác thống (các chứng đau do ứ huyết). Cũng theo kinh nghiệm dân gian, muốn triệt hẳn hậu sản, mỗi bà bầu sinh con xong phải uống vài ba lần thứ nước “đặc sản” ấy (cách nhật) thì mới thật yên tâm.

Người ta dùng nước giải trẻ con (hoặc có khi, người lớn) ướp xâm xấp với gừng hay hành (giã nhuyễn, xao nóng) rồi đem bóp hay đắp trên vết thương khi bị ngã hay bị va đập (không áp dụng cho vết thương hở) để giảm đau, giảm viêm sưng, giúp cho khả năng hồi phục nhanh hơn.

Ở ta (và trên thế giới) có thời kì rộ lên phong trào chữa bệnh theo “niệu liệu pháp” (urotherapy, urinotherapy) tức là uống nước tiểu của chính mình để chữa bệnh (mà chữa toàn những bệnh nan giải như tiểu đường, ung thư…) hoặc xoa bóp làm cho trắng da, trị mụn… Tuy nhiên, y học chưa thừa nhận phương pháp chữa bệnh này. Chỉ có cách sử dụng nước tiểu theo một số nguyên tắc của Đông y thì trong một chừng mực nào đó, thì thứ nước ngỡ “vô giá trị” kia lại thành giá trị chữa bệnh. “Bát nước giải” tưởng đổ đi hóa ra lại thành “một vại thuốc” quý cho gia đình ta đấy!

Tưởng rằng chỉ tưới cho cây

Ai ngờ chữa được bệnh này mới hay…

 

Phạm Văn Tình

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bat-nuoc-giai-bang-vai-thuoc-co-that-the-khong-a9816.html