Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 43)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 43.

Trấn trị Thanh Hóa từ Tư Phố làng Giàng xưa nay đã chuyển về Thọ Hạc nằm  trên con đường thiên lý Bắc-Nam thật là thuận tiện, cách về phía Đông 18 dặm là biển Sầm Sơn thuộc biển Đông và núi Trường Lệ, phía Nam là các vùng Đông Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia giáp với trấn Nghệ An. Vùng Đông Sơn có núi Văn Trinh. Trên núi có hình người đàn bà bằng đá được gọi là nàng Vọng Phu bế con đứng dưới nắng mưa muôn thuở chờ chồng với mái tóc dài, với đôi mắt buồn thê lương nhìn xa xăm ngóng đợi. Phía Bắc Thọ Hạc là sông Mã phi nước như ngựa về Đông. Hai bên bờ Nam-Bắc sông Mã, hai mõm núi đá nhô ra giống như hai hàm con rồng và có chiếc cầu phao gọi là cầu Hàm Rồng. Phía Tây của Thọ Hạc là vùng làng Giàng, đi lên xa nữa là vùng núi Nưa, núi Cửu Noãn, dưới Cửu Noãn là bình địa xưa là thành của vua Ngô Xương Xí.

chutrung-1-1642349708.jpg
Tranh minh họa: Hàng vạn chiến binh áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn đã tiến hành cuộc hành quân thần tốc ra kinh thành Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. nguồn: Internet.

 

Chỉ mới chưa đầy 10 ngày mà trấn Thanh Hóa đã ba lần nhộn nhịp tưng bừng, xáo trộn cuộc sống ở thôn quê tĩnh lặng nghèo khó. Lần thứ nhất là đô đốc nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu và Bùi Hữu Hiếu về tuyển quân để ra Bắc giải phóng Thăng Long. Nghe nói đô đốc Bùi Hữu Hiếu quê ở Nông Cống trấn Thanh Hóa, gia nhập quân Tây Sơn, nay phụng chỉ vua Quang Trung về tuyển quân. Trai tráng khắp nơi trong trấn sau khi nhận được “Bố Cáo” đã kéo về Thọ Hạc đầu quân đông như kiến cỏ. Những người trúng tuyển vui như tết, vào quán uống rượu chia tay với người thân, bạn bè. Rượu vào, họ liên miệng đọc câu ca không biết có từ khi nào:

        “Anh đi theo chúa Tây Sơn

Em về cày cuốc mà thương mẹ già”.

Lần thứ hai Thọ Hạc lại tưng bừng vì được đón xa giá của hoàng đế Quang Trung trên đường tiến ra Tam Điệp. Ra đón hoàng đế Quang Trung có trấn thủ Thanh Hóa Nguyễn Quang Bàn, hoàng tử của nhà vua, các quan chức của trấn, các tướng lĩnh như Thái phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Hữu Hiếu. Lần thứ ba là được xem vua Quang Trung duyệt binh để xuất phát ra giải phóng Thăng Long. Dưới gió mùa đông lạnh giá, mới sáng ra mà bốn ngã đường Đông Tây Nam Bắc của Thọ Hạc đã chật cứng người. Già trẻ trai gái trong những bộ quần áo bông chống rét đứng chật chung quanh khu quảng trường Thọ Hạc. Trên các ngã đường, người vẫn nườm nợp kéo về. Trời rét nhưng không mưa, ánh nắng chan hòa không gian trời đất. Mây bay trắng xóa. Những đàn chim tung cánh trên trời về phương Nam tránh rét.

Khi mặt trời đã lên một con sào, những hồi trống vang dội như sấm. Người ta nói quân Tây Sơn chỉ dùng duy nhất một loại nhạc hiệu là trống lớn. Từ phía Tây, theo tiếng trống âm vang, 200 thớt voi như 200 trái núi di động hùng dũng bước ra. Trên lưng voi những người quản tượng mặc trang phục người Thượng ở xứ Tây Nguyên xa xôi, màu thổ cẩm xanh đỏ trắng đen vàng, nước da ngăm đen khỏe mạnh. Trên lưng mỗi con voi còn có ba người lính mang những đại bác, tạc đạn, ống phun lửa gọi là hỏa hổ, cung tên, dao ngắn, lương khô, nước uống. 200 thớt voi dừng lại cuốn những chiếc vòi như những con trăn lên trời rồi lại hạ xuống như múa. Sau 200 con voi là 3 vạn kỵ binh, quân phục nâu nẹp đỏ, đầu đội mũ nhọn có bông gù đỏ, áo giáp sắt, lưng mang cung tên, lương thực, tạc đạn, tay cầm gươm. Họ ngồi trên lưng những con ngựa nâu, đen cao lớn lực lưỡng, yên cương bằng da nạm bạc lóng lánh. Kỵ binh quân Tây Sơn thật là khí thế dũng mãnh. Tiếp theo kỵ binh là 10 vạn bộ binh quân phục nâu có nẹp đỏ, áo giáp sắt, mũ nhọn sắt có bông gù đỏ, lưng mang cung tên, lương thực, tạc đạn, dao ngắn, tay cầm giáo mác, kiếm, gươm, đại đao. Tất cả đứng dưới những lá cờ màu đỏ dài, trên có viết chữ “Tây Sơn” thành ra trên toàn bộ khu quảng trường rộng mệnh mông có nhiều màu sắc nhưng nổi bật là màu đỏ rực không gian và bầu trời.

Lại một hồi trống nổi lên như sấm, từ phía Tây một con voi lớn nhất trong 200 con voi tiến ra. Trên lưng voi che lọng vàng, trên lọng vàng là lá cờ đỏ lớn in hình tròn màu vàng có in chữ “Soái”. Người ngồi trên lưng voi đội mũ đâu mâu vàng, áo chiến bào và giáp trụ vàng, đi hài vàng. Khi con voi đã ra giữa và trước đại quân, ba quân và bách tính hô vang dội:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế, vạn tuế…

-Hoàng thượng vạn vạn tuế…

Tiếng hô vang làm chấn động vùng Thọ Hạc và trấn Thanh Hóa. Bách tính khi đó mới biết người ngồi trên mình voi là hoàng đế Quang Trung. Lại một làn sóng hô vang động rung chuyển không gian:

-Hoàng thượng vạn, vạn tuế…

-Vạn tuế…

Hai hàng kỵ binh hộ tống vua Quang Trung dàn ra hai bên voi. Một đại tướng phất cờ hiệu. Tiếng trống im bặt và hàng chục vạn con người cũng im lặng đợi chờ. Trên mình voi, vua Quang Trung dùng loa nói sang sảng, vang rền:

-30 vạn quân Thanh đã vào xâm lược, chiếm Bắc Hà và Thănqg Long, bách tính đã biết, đại quân và các tướng lĩnh đã biết. Bớ tướng sĩ và ba quân, muốn giải phóng Bắc Hà, giải phóng Thăng Long hãy cùng ta tiến ra Bắc, đánh một trận cho 30 vạn quân giặc tan xác.

-Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để răng đen

Đánh cho chúng không còn một bánh xe quay về

Đánh cho chúng không còn một mảnh giáp trở lại

Đánh cho sử tri biết nước Nam anh hùng là có chủ. Vua Quang Trung dứt lời, 10 vạn quân hô vang:

-Đánh…

-Đánh…

-Đánh…

Tiếng hô làm chấn động, trời đất như nghiêng ngửa, mặt trời như lay động, vũ trụ thiên hà như rung lên. Voi đưa Quang Trung về trung quân, sau đội tượng binh. Một hồi trống vang lên như sấm. Có tiếng hô:

-Xuất phát.

200 con voi bắt đầu chuyển động đi về phương Bắc như bay. Tiếp theo là 2 vạn kỵ binh rùng rùng chuyển động. Sau kỵ binh là 10 vạn bộ binh 2 người cáng một chạy như bay theo tượng binh và kỵ binh. Cờ đỏ rợp trời đất tung bay theo gió, di động theo bước đi của đại quân trông như thiên hà màu đỏ đang trôi đi. Tiếng chân voi, ngựa, người làm rung chuyển mặt đất. Ra tiễn hoàng đế Qung Trung có trấn thủ Thanh Hóa Nguyễn Quang Bàn và các quan chức. Trong lịch sử của mình, Thọ Hạc và trấn Thanh Hóa chưa bao giờ được chứng kiến cảnh duyệt binh ra trận hoành tráng như vậy. Một cụ già nói:

-Cả đời lão phu chưa bao giờ thấy cảnh tượng hoành tráng trời rung đất chuyển như vậy.

Một bà mẹ ngẩng cao đầu và reo lên:

-Con trai tôi, thằng Mộc nhà tôi, nó mới nhập ngũ mà được đi cạnh vua Quang Trung. Hay quá.

Một cụ già đứng cạnh nói:

-Tất cả thanh niên mới nhập ngũ đều được đặt dưới quyền chỉ huy của vua Quang Trung để đạt hiệu quả chiến đấu.

Một cụ già khác:

-Hay quá, đúng là một vị hoàng đế tài giỏi, anh minh, bách chiến bách thắng.

-Chứ sao nữa, ngài khi mới 20 tuổi đã cầm quân lật đổ chúa Nguyễn, đánh bại 5 vạn quân Xiêm La trong một ngày, lật đổ chúa Trịnh, làm chấn động Đại Việt, làm các thế lực sâu dân mọt nước khiếp đảm.

-Phen này 30 vạn quân Thanh chết không có đất mà chôn.

-Trong hàng ngũ tướng lĩnh của vua Quang Trung, nghe nói có một tướng người trấn Thanh Hóa ta, tên là Bùi Hữu Hiếu.

-Đúng rồi, ông chả phụng mệnh vua Quang Trung về quê tuyển quân là gì.

-Hình như ông ở huyện Nông Cống, đã làm tới chức Đô đốc.

Cứ như vậy, bách tính Thanh Hóa kể mãi những câu chuyện về vua Quang Trung và quân Tây Sơn không dứt.

*      *

*

Tam Điệp, những dãy núi đồi đất và núi đá vôi chắn ngang con đường thiên lý từ Thanh Hóa ra Ninh Bình vươn lên dưới trời mùa đông xam xám. Cây cối một màu sương lá vàng rơi lả tả, lá xanh khua rung xào xạc theo gió. Bên dốc phía Nam của Tam Điệp về phía Thanh Hóa, doanh trại của 6 vạn quân Tây Sơn trải dài theo sườn núi. Trong tổng hành dinh trên đỉnh đồi, Ngô Văn Sở đang ngồi cùng các tướng Ngô Thì Nhậm, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Diễm và Nguyễn Văn Hòa đang ngồi uống trà sau bữa ăn sáng. Chợt có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm đại tư mã và quân sư, hoàng thượng và đại quân từ Thanh Hóa tiến ra chỉ còn cách Tam Điệp bốn dặm thôi ạ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-4-a9840.html