Đền Giẻ Sen - Công tác bảo tồn và phát huy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Đền Giẻ Sen nằm tại địa bàn thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km theo trục Quốc lộ 32 từ Hà Nội đi Sơn Tây, có một đầm sen rộng khoảng vài chục mẫu trên cánh đồng trũng thuộc thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, một làng thuộc vùng Kẻ Trôi xưa (vì có đầm sen lớn mà làng còn có tên gọi là Trôi Ao Sen).

den-gie-sen-1-1642405593.jpg
Đền Giẻ Sen (Ảnh nguồn: Hoài Đức Online)

Về kiến trúc và lịch sử xây dựng Đền Giẻ

Giữa đầm sen nổi lên một gò lớn chiếm diện tích khoảng 2.000m2, trên gò có một ngôi đền cổ, tục gọi là Đền Giẻ, thờ Mẫu Thủy Trôi Ao Sen. Tại đền Giẻ Sen còn có phần mộ của Mẫu Thủy và một số di tích gắn với truyền thuyết về Mẫu Thủy đền Giẻ Trôi Ao Sen đang được lưu truyền tại đây.

Theo hồ sơ khoa học xếp hạng di tích đền Giẻ Sen thì đền Giẻ Sen thờ Mẫu Thủy tại thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, được xây dựng vào thời Nguyên nhằm tôn vinh, đề cao vai trò người phụ nữ được suy tôn để bảo vệ và chở che cho con người.  Đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, phía trước có hồ sen rộng tạo sự cân đối, hài hòa trong tổng thể kiến trúc. Công trình gồm các hạng mục nghi môn, tiền tế, hậu cung và tả hữu mạc. Đồng thời, tại di tích còn lưu lại nhiều hiện vật mang giá trị nghệ thuật kiến trúc từ thời Nguyên, gắn liền với di tích và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đền Giẻ được thiết kế theo kết cấu chữ “ĐINH”: đằng trước là tòa Tiền tế 5 gian 2 dĩ được nối với Hậu cung gồm ba gian nóc dọc song song (chuôi vồ), phía cuối “chuôi vồ” đươc xây cao vượt lên làm thượng cung, nóc thượng cung có bốn mái, phía trước có bốn chữ đại tự “Thủy Thần Vương Từ”. Năm gian giữa tòa Tiền tế làm theo lối kẻ chuyền, các vì được chạm khắc khá tinh xảo hình tượng long ly quy phượng, 5 gian của bức bàn thượng song hạ bản vừa đẹp vừa chắc chắn. Cạnh đó là hai dĩ xây gạch. Các mái của Đền được lợp ngói mũi hài, bò nóc tòa tiền tế có đôi rồng chầu mặt trời đắp nổi.Đền nhìn về hướng đông nam, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm cúng. Cách cửa Đền một khoảng sân rộng là tấm Bình phong - Trán ba dựng sát mép nước hồ, vừa che gió vừa chắn sóng, ngăn bụi trần phàm tục, tạo cho bên trong một khoảng không gian thanh tịnh, linh thiêng.Đến thời Lê Trung Hưng, cách nay gần 400 năm, cùng với việc tôn Bà Từ Đại làm Mẫu Thủy, dân làng Nội mới lập đền thờ Bà trên đảo Rùa Nổi và vô hình trung, đã dựng vào vị trí ngôi đền thờ vua Thủy Tề đã bị vùi lấp.

Năm 1943, Đền Giẻ được xây dựng lại theo kết cấu đơn giản chỉ là ngôi nhà nhỏ mái dọc 2 gian, mặt tiền 3m, chạy sâu vào 4m. Cửa của ngôi đền này được xác định bởi hai vị Môn thần (thần gác cửa) lúc đầu là tranh vẽ, sau đó được đắp nổi trên tường hai bên cửa Đền, nay vẫn còn.Năm 1952, Đền Giẻ được tu sửa, xây thêm tòa Tiền tế 3 gian 2 dĩ dàn hàng ngang phía trước, tòa nhà mái dọc cũ trở thành Hậu cung, hình thành mặt bằng kiến trúc chữ “ĐINH”.Năm 1998, với sự công đức của người dân thôn Nội và du khách thập phương, Đền Giẻ đã được nâng cấp từ ngôi đền nhỏ thành ngôi đền bề thế như ngày nay; tòa Tiền tế được xây lại thành 5 gian 2 dĩ; Hậu cung được mở rộng chiều ngang bằng hai nhà mái dọc và xây thêm tòa thượng điện, nên nhìn toàn cục, ngôi đền vẫn có kết cấu chữ “ĐINH” nhưng lớn hơn.Dự định ban đầu của dân làng là xây dựng lại Đền Giẻ với quy mô lớnhơn diện mạo hiện có khá nhiều, nhưng khi đào móng, phát hiện ra trong lòng đất 4 trụ đá giống hình người và một cây hương đá thì Ban Kiến thiết cho dừng lại. Họ cho chụp ảnh các trụ đá rồi xây một bục gạch lấp kín như một hình thức “bảo tồn”, chỉ để cây hương đá làm dấu tích khảo cổ.

Trong khoảng 10 năm gần đây (2005-2015), Đền Giẻ được xây dựng bổ sung nhiều hạng mục góp phần quan trọng hình thành diện mạo khang trang bề thế của ngôi đền ngày nay, tiêu biểu là: Đảo Phật Bà  giữa Đầm cách Đền gần 100m được xây dựng trong các năm 2003 – 2010; Cổng Đền làm theo cách thức tam quan trụ biểu, trong đó cổng chính 3 tầng 8 mái, hai cổng phụ 2 tầng 8 mái, được hoàn thành vào đầu năm 2012; Bình phong – Trấn ba với cuốn thư trụ biểu trang trí hai mặt được hoàn thành vào cuối năm 2012; Ngoài ra, khu Nhà khách và các cơ sở phục vụ nhà đền cũng được hoàn tất trong các năm 2010 - 2012, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách thập phương hằng ngày tới tham quan, lễ bái và phụ vụ Lễ hội…

Điện thần ở Đền Giẻ Sen

Điện thần ở đền Giẻ Sen về cơ bản tuân theo chuẩn mực điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây là vị trí thần chủ của Đền thuộc về Mẫu Thủy. Tượng Mẫu Thủy được tạc bằng gỗ mít, bên trong mặc áo trắng (màu tượng trưng của Thủy phủ), bên ngoài là lớp áo thếp vàng màu nhạt, gần với màu trắng. Tượng được đặt tại trung tâm Thượng cung sau bức cửa võng cổ chạm bong nhiều bông sen, lá sen liền nhau tượng trưng cho đầm sen bát ngát, hoa lá đua chen… Phía trên cửa võng có bức đại tự cổ “Linh từ” (nghĩa là Đền linh thiêng) được khảm ốc do Hội Đàm cung tiến năm Bính Ngọ (1918) triều vua Khải Định.

Hàng thứ hai, bày tượng Ngũ vị Tôn quan gồm: Quan Đệ Nhất Thượng Thiên mặc áo đỏ, Quan Đệ Nhị Giám sát mặc áo xanh, Quan Đệ Tam Thoải phủ mặc áo trắng, Quan Đệ Tứ Khâm sai mặc áo vàng và Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh mặc áo tím.

Hàng thứ ba là Tứ phủ Ông Hoàng. Ở đây chỉ bày tượng ba ông Hoàng tiêu biểu là ông Hoàng Bơ (Hoàng Ba) thuộc Thủy phủ mặc áo trắng ngồi giữa, bên phải là ông Hoàng Bảy thuộc Nhạc phủ mặc áo xanh, bên trái là ông Hoàng Mười thuộc địa phủ mặc áo vàng.Chính giữa Hậu cung là cây hương đá cổ được phát lộ năm 1998 cùng với bốn trụ đá là những di vật đặc hữu quý giá của Đền Giẻ. Sát bên nóc điện thờ là đôi rắn thần mào đỏ, nhắc tới tích “Ông Cộc, Ông Dài”, các con của Mẫu Thủy với Vua Thủy Tề. Và từ nóc điện buông xuống các loại nón thờ năm màu rực rỡ…Cũng tại Hậu cung, gian bên phải (theo hướng nhìn của tượng Mẫu Thủy) có Ban Sơn Trang, phía trên cửa võng có bức đại tự đề “U hiển sơn lâm” (Rừng núi âm u). Còn gian bên trái là Ban Trần Triều thờ Đức Thánh Trần (tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một đại anh hùng dân tộc được hiển thánh).

Ở tòa Tiền tế, gian chính có Ban Công đồng; phía dưới là dinh quan Ngũ Hổ.Ngoài sân, chầu hai bên cửa Đền là đôi voi gỗ, ngựa gỗ tạc to như thật đặt trên bánh xe, có lọng che. Hai bên sân Đền, vuông góc với tòa Tiền tế là hai dãy tả mạc dành cho khách hành hương sắp lễ và xin sớ cầu khấn.Trên bức Bình phong – Trấn ba trước cửa Đền còn có những hoành phi câu đối rất sinh động, hàm súc.Mặt ngoàitrên cao có bức cuốn thư đề ba chữ đại tự “Quá tất tu”để nhắc nhở khách vào đền.

 

Thờ phụng và Lễ hội hàng năm

Theo Ban Quản lý di tích đền Giẻ Sen cho biết, ngày thường, Đền Giẻ Sen thu hút hàng trăm con nhang đệ tử, khách thập phương đến thăm viếng, lễ bái hầu đồng. Những ngày Sóc Vọng (Mồng một, ngày Rằm hàng tháng) số người đổ về Đền càng đông gấp bội. Vì thế Đền Giẻ quanh năm nghi ngút hương đèn và nhộn nhịp những khóa lễ, những khóa hầu đồng, hát văn… Qua nghiên cứu tư liệu tại đền Giẻ Sen và UBND xã Đức Thượng được biết, những năm có hội lớn (5 năm một lần), dân làng còn tổ chức rước kiệu Mẫu từ Đền vào làng để Mẫu thăm lại nơi đã sinh ra, nơi ăn ở với chồng con, xóm giềng, nơi đứng đợi chồng kéo cá (Gò Giương Vó), nơi đợi bạn đi chợ (Cầu Đình Giang). Sau đó lại rước kiệu Mẫu về Đền, nơi Mẫu ngự vĩnh hằng để ban ân đức, tài lộc cho dân làng và bàn dân thiên hạ…

Cả ba đêm hội được dành cho các chiếu chèo, với các tích xưa chuyện cũ, các canh hát quan họ, các giá hầu đồng cùng hát văn nghệ thuật… Ngày nay, còn có các đoàn nghệ thuật từ trung ương hoặc các địa phương lân cận kéo về biểu diễn giao lưu với các “nghệ sĩ” cây nhà lá vườn của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, thiếu nhi… Trong các chương trình biểu diễn, được ưu tiên đặc biệt là các bài hát ca ngợi công ơn, đức hy sinh cao cả, lòng chung thủy tiết hạnh của các bà, các mẹ, các chị, các cô trong đời thường cũng như trong khói lửa chiến tranh giữ nước.

 

Tổ chức trao truyền các giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại bởi những giá trị nhân văn sâu sắc gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người Việt, được cộng đồng gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ và mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt vùng miền, tôn giáo. Do vậy, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc. 

Tại lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hành, trao truyền di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp vốn có; không làm sai lệch, tầm thường hóa, thương mại hóa di sản.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ rất gần gũi, dân dã, dễ hòa nhập với đời sống con người. Quá trình thực hành, trao truyền di sản nếu được thực hiện đúng hướng sẽ tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, góp phần gìn giữ, bảo tồn nhiều loại hình âm nhạc, nhiều điệu múa dân gian. Do vậy, thời gian vừa qua, các hoạt động giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Giẻ Sen được một số chủ thể tiến hành với nhiều hình thức khác nhau như: Ngày 01 và 02 tháng 5 năm 2019, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu văn hóa diễn xướng chầu văn “Hương Xuân Đạo Mẫu” với sự tham dự của đông đảo những người đang thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu của 25 tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Sơn La, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nam Định, Bắc Giang, Nghệ An, Gia Lai, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng…Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm đem đến cho người dân và các nhóm thực hành cái nhìn đúng đắn, đẩy lùi những quan điểm lệch lạc về Tín ngưỡng thờ Mẫu; góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước và quý trọng những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ.

den-gie-sen-2-1642480024.jpg
Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tại đền Giẻ Sen

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, thời gian vừa qua, cùng với các hoạt động nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di tích, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về DSVH này đã được các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện Hoài Đức quan tâm, thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; đối tượng được tuyên truyền, phổ biến ngày càng mở rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều trường học đã xây dựng những buổi học ngoại khóa, những cuộc thi tìm hiểu về DSVH thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; những buổi biểu diễn nghệ thuật có giá trị giáo dục văn hóa truyền thống đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng học sinh trên địa bàn xã Đức Thượng nói riêng và địa bàn huyện Hoài Đức nói chung, tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức của thế hệ trẻ về ý thức giữ gìn và phát huy giá trị DSVH thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Hàng năm, trường Trung học cơ sở Đức Thượng và một số trường trên địa bàn huyện Hoài Đức đều tổ chức cho học sinh tham gia học tập ngoại khóa tại đền Giẻ Sen; nghe giới thiệu về khu di  tích, về sự tích Mẫu Thủy (nhân vật được thờ cúng tại Đền Giẻ Sen); chiêm ngưỡng hiện vật tại khu di tích, nhất là khu lăng mộ của Mẫu, các dấu tích gắn liền với truyền thuyết của Mẫu Thủy vùng Trôi Ao Sen như: Đền thờ, Cống Lủi (nơi Mẫu bị vua Thủy Tề bắt đi), Gò Dương Vó (dấu tích của gót ngựa Thánh Gióng đi qua)… Đồng thời, trong các buổi ngoại khóa, các trường cũng đã tổ chức cho học sinh thảo luận về Mẫu Thủy, về đền Giẻ Sen và viết bài thu hoạch sau khi tham quan khu di tích đền Giẻ Sen.

Bên cạnh đó, UBND xã Đức Thượng phối hợp với Ban Quản lý di tích đền Giẻ Sen thông qua hệ thống loa phát thanh của xã Đức Thượng và của đền Giẻ Sen để phổ biến các nội dung của Luật DSVH, các quy định của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; giới thiệu về di tích đền Giẻ Sen; các quy định về thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo…; tổ chức các các đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…) của xã tham gia học tập, tìm hiểu về Luật DSVH, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan tại đền Giẻ Sen.

Sau khi đền Giẻ Sen được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố, các hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Giẻ Sen diễn ra ngày càng sôi động; số lượng người đăng ký hoạt động thực hành ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Ban Quản lý đền Giẻ Sen, năm 2018 có 250 lượt người đăng ký hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Giẻ Sen và năm 2019 có 330 người đăng ký.Ban Quản lý di tích đền Giẻ Sen cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các thanh đồng về tham gia hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; các hoạt động thực hành đều thu hút rất đông người dân trong và ngoài xã Đức Thượng cùng tham dự, qua đó, đã góp phần giáo dục, quảng bá về di sản và giá trị văn hóa của di sản; thông qua việc tham dự các hoạt động thực hành tín ngưỡng, người dân có điều kiện để hiểu hơn về lịch sử di tích, hiểu về các trang phục sử dụng trong hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với từng giá đồng khác nhau…

Ngoài ra, giữa năm 2020, lần đầu tiên đền Giẻ Sen có một bài hát văn cho cung văn hát hầu trong các dịp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Giẻ Sen. Bản hát văn đã được phổ nhạc và chuyển thành các bản karaoke để cho mọi người cùng học hát.

Tác giả đã tiến hành phỏng vấn đối với nhà báo Mai Văn Lạng, tác giả sáng tác phần lời của bản hát văn trên và được cho biết:

- Ban Quản lý đền Giẻ Sen rất quan tâm tới việc trao truyền các giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Giữa năm 2020, nhận lời mời của các cụ Ban quản lý đền Giẻ Sen, tôi đã viết hơn 100 câu thơ song thất lục bát, theo một số làn điệu hát văn về sự tích mẫu Thủy, đền Giẻ Viết xong, các cụ duyệt, tôi đã nhờ Nghệ sĩ Nhật Hóa, Nhà hát NT tỉnh Thanh Hóa phối nhạc và thu thanh. Khi tác phẩm hoàn thành, tôi và nghệ sĩ Nhật Hóa vô cùng hạnh phúc khi được các cụ ban khánh tiết, Đảng bộ chính quyền và nhân dân thôn Nội hết lời khen ngợi.

Tuy nhiên, đối với việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, truyền dạy đang là một vấn đề khó có thể được định lượng và định tính. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không phải là một nghề mà ai cũng có khả năng học. Từ thân phận, căn cốt nào đó mới được tham gia vào cộng đồng này và không phải ai tham gia cũng trở thành học trò theo nghĩa DSVH phi vật thể. Vấn đề quan trọng nhất ở truyền dạy DSVH phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là trao truyền nhận thức về giá trị di sản, về hướng dẫn thực hành và hành động bảo vệ di sản đó…

Ngoài ra, Phòng VHTT huyện Hoài Đức đã phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội trên địa bàn, tiêu biểu như Hội DSVH Thăng Long - Hà Nội và Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội trực thuộc Hội, Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam; Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam... tổ chức các hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Giẻ Sen với nghi lễ hát văn - hầu đồng, nghi lễ quan trọng bậc nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, nghệ thuật của nghi lễ này, thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Thông qua các hoạt động này, đã góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về di sản và bản chất của việc thực hành di sản, từ đó tích cực tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Để làm rõ hơn về việc giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Giẻ Sen, tác giả đã tiến hành phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đức. Qua phỏng vấn, ông Thuận cho biết:

- Phòng VHTT huyện Hoài Đức đã phối hợp vớiTrung ương Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Viện nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam tổ chức chương trình diễn xướng chầu văn “Hương Xuân Đạo Mẫu”quy tụ đông đảo những người đang thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu của 25 tỉnh, thành trong cả nước.Đây cũng là cơ hội cho các nghệ nhân, các đoàn diễn xướng tại nhiều tỉnh thành được trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau nhằm mục đích là gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Như vậy, có thể thấy hoạt động trao truyền các giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Giẻ Sen đã được quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Qua các hoạt động đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

 

Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Bên cạnh trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản của các chủ thể Nhà nước thì cộng đồng dân cư đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản bởi đó là vừa là chủ thể tham gia bảo tồn, vừa là người thụ hưởng những giá trị đó. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật trong thời đại công nghiệp 4.0 thì văn hóa dân gian của các dân tộc đã và đang có nhiều cơ hội để được hồi sinh và lưu truyền rộng rãi hơn.

Với vị trí là người trực tiếp thực hành, gìn giữ di sản văn hóa, vai trò của các đồng thầy, thủ nhang và những người giữ quyền sở hữu cơ sở vật chất của di tích thờ Mẫu ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc quản lý di sản và điều hành các nhóm bản hội. Các nghi lễ thờ cúng Thánh Mẫu diễn ra trang trọng, bài bản; huy động hiệu quả nhiều tiềm lực xã hội để trùng tu, tôn tạo di tích, mở rộng không gian thực hành tín ngưỡng. Sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố, hoạt động hầu đồng tại đền Giẻ Sen ngày càng sôi động hơn.Ban Quản lý di tích đền Giẻ Sen thường xuyên cùng với chính quyền xã Đức Thượng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoài Đứctrực tiếp đảm nhiệm việc tổ chức, điều hành, theo dõi, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội và bảo vệ, phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó là cơ sở tạo ra sự đồng thuận của cộng đồng để duy trì lễ hội theo hướng bền vững, văn minh và đem lại hiệu ứng tích cực trong việc phát huy giá trị DSVH tín ngưỡng thờ Mẫu lâu dài.Đẩy mạnh xã hội hóa mở các lớp truyền dạy sử dụng đạo cụ âm nhạc phục vụ nhiệm vụ bảo tồn nghệ thuật hát văn của các bản hội và các trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Thực hiện các chính sách ưu tiên, đãi ngộ các nghệ nhân và đội ngũ trực tiếp tham gia thực hành di sản, cán bộ làm công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cổ truyền đang bị mai một, có nguy cơ bị biến tướng, xuyên tạc, Sở VHTT thành phố Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như: Tổ chức các buổi hội thảo về tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu Thoải tại đền Giẻ Sen; tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các bản hội trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; nâng cao năng lực thực hành, quản lý di sản cho cộng đồng; trong đó, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp bảo vệ, kiểm kê DSVH phi vật thể cho đội ngũ cán bộ văn hóa cấp xã, chủ nhiệm Câu lạc bộ, người phụ trách bản hội…

Tác giả đã phỏng vấn đối với bà Phan Tuyết Minh, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam; Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam, được biết:

- Tại chương trình diễn xướng “Hương Xuân Đạo Mẫu” ở đền Giẻ Sen năm 2019, mỗi thanh đồng tham gia 3 giá hầu nội dung ca ngợi tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước, thần linh, thánh mẫu và các anh hùng có công với dân tộc. Chương trình thu hút người dân địa phương và ở nhiều nơi về thưởng thức, góp phần giúp người dân có một cách nhìn đúng về loại hình nghệ thuật hội tụ nhiều giá trị khác nhau này. Qua đây cho thấy vai trò của các chủ thể cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

Như vậy, thông qua các hoạt động diễn xướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Giẻ Sen của các thanh đồng, đồng thầy đã góp phần nâng cao nhận thức của các thanh đồng, những người chuyên hoạt động tín ngưỡng và quần chúng nhân dân tịa địa phương về giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của thực hành tín ngưỡng này.

 

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Giẻ Sen

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của UBND thành phố Hà Nội và huyện Hoài Đức đã luôn quan tâm, triển khai mạnh mẽ các biện pháp, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Giẻ Sen nhằm đảm bảo cho cá choạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Giẻ Sen được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc và quy định của chính quyền địa phương. Hàng năm, Phòng VHTT huyện Hoài Đức đã phối hợp với các ban, ngành liên quan trên địa bàn huyện Hoài Đức để thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra đối với việc tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện (trong đó có lễ hội Đền Giẻ Sen). Đoàn kiếm tra có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm Quy định của Nhà nước trong công tác tổ chức lễ hội; các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; dịch vụ đổi tiền lẻ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; hiện tượng ép giá, bắt chẹt du khách; ăn xin, bói toán, mê tín dị đoan; trộm cắp, cờ bạc dưới mọi hình thức; công tác vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại đền Giẻ Sen.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính quyền thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tạm dừng tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, trong năm 2021, các hoạt động lễ hội nói chung và lễ hội đền Giẻ Sen nói riêng đã không được tổ chức nhằm đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch. Tại khu vực đền Giẻ Sen, Tổ bảo vệ đã tiến hành khóa cổng và hạn chế người dân vảo làm lễ, thắp hương trong đền. Các hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Giẻ Sen cũng được tổ chức nhỏ, gọn, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, giảm tần suất, quy mô tổ chức nhằm đảm bảo tôn vinh các các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ nhân dân. Phòng VHTT huyện Hoài Đức đã phối hợp với lực lượng Công an, Y tế và UBND xã Đức Thượng thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động tín ngưỡng tại đền Giẻ Sen. Qua kiểm tra, Ban Quản lý di tích và người dân đến làm lễ tại đền Giẻ Sen đều chấp hành tốt các quy định của chính quyền địa phương.

Đạt Tân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/khai-quat-ve-den-gie-sen-hoai-duc-thanh-pho-ha-noi-a9862.html