Lão kép hát già ngày hai buổi ngồi canh me trước cổng Trường Tiểu học để bán cho mấy đứa con nít những bịch bắp rang bơ. Mỗi lần ra chơi thì tụi nhỏ hay chạy đến tranh nhau mua cốm bắp, mỗi bịch năm ngàn, giá cũng vừa đủ tiền của mấy đứa học trò Tiểu học nên lão chịu khó chạy tìm mấy cái trường vùng sâu vùng xa cũng kiếm cơm ngày hai bữa.
Thời xưa lão bỏ nhà theo gánh hát, nhờ có làn hơi truyền cảm, tướng tá cao ráo dễ coi nên đi đoàn nào hát cũng hát toàn vai chánh. Đi tới đâu cũng có gái đẹp săn đón và hiến dâng. Vậy mà khi cải lương hết thời, mặc dù sống không biết bao nhiêu bà vợ bây giờ tới cái tuổi lục tuần, lão vẫn tự kiếm sống một mình một thân. Có lẽ đây cũng là cái quả báo mà thời trai trẻ lão đã gây ra cho mình chăng ?
- Bán con bịch cốm đi ông.
Một bé gái xinh xinh khoảng chừng bảy tuổi, có đôi má bầu dễ thương đưa ra tờ năm ngàn. Nhìn con nhỏ hắn giật cả mình, thầm nghĩ... hình như nó giống người nào quen lắm...
Lão bồi hồi nhớ lại... hình như mấy mươi năm trước ngay cái sân trường học này là bãi đất trống. Gánh hát Cải lương của lão về đây hát Tết, ban ngày thì vắng teo nhưng chiều vừa sụp tối thì bà con đến xem đông nghẹt cả sân. Thời đó lão còn trẻ, được hát vai chánh còn độc thân nên phong độ lắm. Các cô gái quê đến xem hát cô nào vô rạp cũng tìm anh kép chánh để xem, nổi bật có một cô gái trắng trẻo có đôi má bầu hay đứng xem hát hàng đêm nhìn lão hát. Mỗi lần lão vô câu vọng cổ lại nghe tiếng vỗ tay lạc loài của nàng. Mà vậy cũng đủ rồi, dẫu sao làm kép chánh gánh hát dạng bầu Tèo có người ái mộ vỗ tay là vui rồi. Vậy là, vài hôm sau lão và cô thôn nữ quen nhau. Đêm chót khi đoàn dọn bến nàng đã trao thân cho lão, lúc chia tay nàng mới ngập ngừng cho biết tên : "Nguyễn thị Lài" .
Đêm đó lão hứa với Lài :
- Đợi anh em nhé, anh sẽ trở lại tìm em.
Vậy mà khi dọn sang bến khác với những mối tình mới, lão cũng quên luôn lời hứa với em Lài...
- Ông ơi bán con bịch bắp lẹ đi ông.
Con bé đợi hoài nên lên tiếng nhắc làm lão kép hát giật mình vì mãi lo suy nghĩ chuyện ngày xưa.
Đưa bịch bắp cho đứa bé lão nói:
- Con dễ thương quá ông tặng con đó.
Đứa nhỏ lắc đầu, quăng tờ năm ngàn lấy bịch bắp rồi chạy vội vô sân trường. Lão kép hát xoay qua hỏi bà chủ nhà là người cho lão đậu nhờ xe bắp trước sân.
- Con nhỏ con ai mà dễ thương quá hé chị.
Bà chủ nhà đáp:
- Cháu nội bà Năm Lài đó.
Nghe tới tên Lài lão giật mình rồi hỏi:
- Bà Năm Lài nào vậy chị?
- Năm Lài là bạn học của tui. Hồi đó thời còn con gái bả đẹp lắm, vậy mà ai hỏi cưới cũng chê. Một lần có gánh cải lương về đây hát bả mê thằng kép chánh rồi nghe lời đường mật mà trao thân cho nó. Thằng sở khanh đó đi luôn, còn bà Lài sau đó không chồng mà chửa hoang. Ai cũng kêu bả phá cái thai đi mà bả không chịu. Sau đó bả đẻ ra thằng con trai, rồi mặc cho tiếng đời trách chê mai mỉa bả ở vậy nuôi con. Thằng con của bả vậy mà giỏi ghê lắm nhe anh. Bây giờ nó làm Hiệu trưởng cái trường học này. Đứa nhỏ hồi nảy mua bắp là con của nó cũng là cháu nội bà Lài đó.
- Bây giờ năm Lài làm gì rồi chị?
- Ủa bộ anh biết bả sao mà hỏi?
- À không... sẵn hỏi vậy mà.
- Bây giờ bả ở nhà lo cơm nước cho con cháu thôi có làm gì đâu. Bả bằng tuổi tui mà bả còn đẹp lắm. Nhưng hoàn cảnh bả cũng tội , đúng là hồng nhan bạc phận. Mà trời khiến sao mà đứa cháu nội nó giống hệt bả vậy không biết. Mà thằng ông nội mắc dịch của nó chắc cũng đâu biết phải không ông anh.
- Ờ... chắc vậy rồi ...
Hôm sau, giờ ra chơi con bé ra tìm ông bán cốm bắp nhưng không gặp. Từ đó trước sân trường cũng không ai gặp ông già có mái tóc muối tiêu làn da sạm nắng hay đậu chiếc xe cà tàng bán bắp rang nữa mà không biết ông có bệnh hoạn gì không? Còn hàng xóm của lão kép già thì thấy lạ, vì sao mấy hôm nay lão hay ngồi trầm ngâm uống rượu một mình rồi lại khóc.
*
Lão kép hát day dứt mãi chuyện ngày xưa của mình đã đối xử tệ với Lài. Lão đã bỏ nàng một thân một mình khi bụng mang dạ chửa và khi sinh con một thân một mình không có đàn ông.
Một ngày nọ, lão thu hết can đảm tìm đến nhà bà Lài khi biết lúc bà chỉ ở nhà một mình. Vừa gặp bà, sau một chút ngỡ ngàng vì bà vẫn còn đẹp và sang trọng quá làm lão kép hát ngập ngừng :
- Em Lài... em có nhận ra tôi không vậy?
Bà Lài không có vẻ gì là bất ngờ:
- Chào anh kép chánh. Bao nhiêu năm rồi anh lưu lạc phương nào vậy ?
Lão lí nhí :
- Anh... à mà tôi nghỉ hát lâu rồi vẫn về bên xóm cũ. Bây giờ hát cải lương đâu còn ai coi nữa đâu.
Bà Lài :
- Quên, mời anh vào nhà ngồi chơi uống miếng trà với tui nhe.
Vừa nâng tách trà trên tay lão hỏi vội :
- Bà bây giờ vẫn khỏe chứ?
- Cám ơn anh, tui vẫn khỏe mà.
Lão nói vội:
- Bà cho tôi xin lỗi ...
- Xin lỗi chuyện gì?
- Chuyện ngày xưa...
Bà Lài cười vang :
- Chuyện thời trai gái ngày xưa tui cũng quên hết rồi. Với lại bây giờ tui cũng đã có chồng con, có cả cháu nội rồi chuyện thời con nít anh nhớ mần chi.
- Vậy.. chồng em đâu ?
Bà Lài đưa tay chỉ lên tấm hình màu có hình bà và người đàn ông phong độ cao to vạm vỡ :
- Ổng ở nước ngoài, lâu lâu mới về một lần. Hồi lúc đoàn hát của anh về đây tui đang giận ổng nên tính quen với anh để chọc tức ổng. Ai dè sau đó lúc anh bỏ đi thì ông ấy trở về năn nỉ tui quá chừng, nhưng rồi ổng nghe lời bạn bè đi vượt biên nên tui sinh con một mình. Cũng may nhờ sau đó ổng gởi tiền về mà tui nuôi thằng nhỏ ăn học đàng hoàng. Bây giờ nó làm thầy giáo dạy học.
- Tôi biết... nói như vậy chồng em có về thường không vậy?
Bà Lài :
- Tuốt bên Mỹ nên đôi ba năm mới dìa được một lần. Bây giờ bên đó ổng cũng nghỉ hưu rồi. Ổng tính cuối năm về đây ăn Tết rồi ổng xin ở lại luôn để gần con gần cháu và hủ hỉ tuổi già với tui..
Lão kép hát có vẻ buồn khi biết mọi chuyện không như mình nghĩ.
Lão buồn bả đứng dậy :
- Thôi ghé thăm bà một chút thôi tôi xin kiếu nhe.
Bà Lài xởi lởi :
- Anh vẫn ở bên kia sông hả? Khi nào chồng tui dìa tui sẽ nhắn mời anh qua nhậu cho vui.
Lão kép hát khẽ thở dài rồi lên chiếc xe cà tàng vội chạy đi. Thì ra bà ấy có chồng Việt kiều phong độ và sang trọng, ai như mình đen đúa và lọm cọm như một ông già trước tuổi. Niềm hy vọng mấy hôm nay bây giờ tắt lịm như ngọn lửa gặp mưa dầm.
Lão đâu biết khi bóng của lão vừa khuất thì Bà Lài thẩn thờ quỵ xuống.
Bà lẩm bẩm nói chỉ mình nghe:
- Ông đừng trách tui vô tình bởi vì ông đã bất nghĩa trước với tui. Lúc ông đến trường học bán bắp rang tui đã cố tình kêu cháu nội ra mua cốm. Bao nhiêu năm nay bao nhiêu sóng gió cuộc đời mẹ con tui cũng đã vượt qua hết rồi, sóng vừa yên biển vừa lặng khi trái tim tui không còn thổn thức thì ông xuất hiện để làm gì? chỉ là tấm hình photo shop thì ông đã tin đó là chồng tui rồi. Cái thời mê muội của tui cũng đã qua, anh chàng kép hát hào hoa điển trai thần tượng của tui ngày xưa đã chết trong trái tim tui tự lâu rồi. Thôi thì để quá khứ chìm sâu đi ông nhé. Kẻ lãng tử đa tình như ông thì cần gì đến gia đình, cần gì đến một bến đậu, hãy để gia đình tui được những ngày tháng bình yên.
*
Một hôm, người hàng xóm không thấy lão kép già mở cửa khi mặt trời đã lên cao, ngày thường thì giờ này lão đã đẩy chiếc xe bắp ra rồi. Ngó vô nhà cánh cửa vẫn còn mở toang, bước vô nhà anh ta hốt hoảng khi thấy lão nằm bất tỉnh dưới đất kế bên là một mâm nhậu ngổn ngang. Anh ta hô hoán lên và mọi người trong xóm kéo đến, may là lão vẫn còn thoi thóp thở họ cùng nhau đưa lão ra Bệnh viện. Người hàng xóm chạy vội vô nhà điện thoại cho ai đó...
Khi tỉnh dậy, lão bất ngờ khi thấy Bà Lài ngồi bên giường bệnh, tưởng mình nằm mơ, lão mấp máy đôi môi hỏi nhưng không phát ra được tiếng nào.
Bà Lài nói:
- Ông bị tai biến. Đột quỵ não đó, Cũng may là phát hiện kịp, ông cứ nằm nghỉ đừng cố nghen. Ông hiện giờ cũng chưa nói chuyện được đâu. Ông bất ngờ lắm phải không? Thú thiệt là lúc xưa tui thương ông và trao thân cho ông không chút đắn đo vì sao ông biết không? Tui xem hát đêm nào ông cũng hát vai Hoàng tử, vai hiệp sĩ trừ gian diệt bạo, yêu dân mến nước nên tui mê ông lắm... vì vậy lỡ dại với ông. Khi gánh hát dọn đi mất rồi sau đó tui mới biết là có bầu với ông.
Tui qua bên sông hỏi thăm tìm ông nhưng chẳng ai biết ông đi đâu, theo gánh hát nào? Tui đành một mình sinh con, mẹ tui giận mà tuyên bố từ tui, bà giận đến nổi bà đã đuổi tui ra khỏi nhà. Vậy mà khi tui sinh con chưa đầy tháng bà đến đón tui dìa. Thằng nhỏ nó kháu khỉnh và quá dễ thương nên ai cũng mến cũng thương. Khi có nó, tui dần dần quên ông tự lúc nào cũng chẳng rõ. Thương con nên tui từ chối nhiều lời tỏ tình khác vì lúc đó tui sợ đàn ông lắm là tại vì ông, ông có biết không?
Lão mơ màng nhớ lại đêm đầu tiên lão gặp Lài. Đêm đó lão hát vai Lâm Sanh trong tuồng Lâm sanh Xuân Nương, lúc lão vô câu vọng cổ trong lớp Lâm Sanh mơ gặp Xuân nương bên dưới khán giả chỉ có tiếng vỗ tay lạc lõng của Lài, (lạc lõng là vì miền quê xem hát ít ai biết vỗ tay) khẽ liếc mắt nhìn lão thấy một cô gái trẻ đẹp đôi mắt tròn xoe với mái tóc dài óng ả... Lão chợt mĩm cười khi nhớ lại lúc vuốt mái tóc nàng tay lão dính đầy dầu dừa. Trong cơn mơ màng, lão thấy mình trong bộ cánh Hoàng tử còn Lài là nàng Công chúa, hai người nắm tay nhau bay vào một thế giới nào lạ lắm và đột nhiên nàng buông tay lão ra và lão bay mãi...
Bà Lài thổn thức:
- Trớ trêu là người anh bà con của tui lại ở sát nhà ông nên ông đi đâu, khi nào ông về, làm gì anh ấy đều báo cho tui biết. Nhưng lần nào ông về cũng có một người đàn bà khác bên cạnh nên muốn ngõ lời cho ông biết chuyện ông có con với tui anh ấy cũng khó mở lời. Anh ấy đã cho tui biết lần cuối ông về tới nhà trong túi không có một đồng, sau khi những gánh hát cải lương không còn vì hát đâu còn ai coi. Ông vô tâm đến nỗi ông có con ông cũng không biết, ba mẹ ông mất mà ông cũng không hay...
Biết ông cần tiền mua chiếc xe để có phương tiện đi bán bắp, tui đưa tiền cho anh tui giúp ông, lúc căn nhà ông mục nát tui cũng đưa tiền cho anh ấy đưa cho ông và nói là tiền huy động của bà con giúp cho gia đình nghèo khó. Tuy hận ông nhưng dẫu sao ông cũng là người cha của con trai tui. Thằng nhỏ thông minh, học giỏi, hiểu thảo và hay giúp đỡ mọi người, ông nên hãnh diện vì có một đứa con như vậy. Nó tên Phước lấy theo họ mẹ vì lúc sinh nó ra có biết ông họ gì đâu? Nguyễn văn Phước là tên của con trai ông đó. Còn tui một thời con gái đã vì ông mà chai sạn đến bây giờ, tui làm gì có chồng bên Tây bên Mỹ như Ông đã thấy đâu. Tui làm như vậy một là để tránh tiếng dị nghị của miệng đời còn hai là tránh... ông. Để cho ông khỏi ray rứt khi gặp lại tui.
Lão kép hát nằm im nghe bà Lài nói, cái miệng méo xẹo mấp máy hình như muốn nói điều gì đó mà chẳng biết lão muốn nói cái gì. Bao nhiêu mối tình, bao nhiêu nàng con gái đã mê cái bóng sắc Hoàng tử trên sân khấu đã sẵn sàng trao thân cho lão trong thời trai trẻ. Biết đâu lão có thêm đứa con rơi nào nữa hay không nhỉ ? Lão muốn nói một lời xin lỗi dù đã muộn nhưng có lẽ không kịp nữa rồi.
Bà Lài nói tiếp :
- Thằng Phước nó cứ hỏi tui về cha nó, tui chỉ tấm hình nói cha con đi vượt biên lúc con còn nhỏ lúc đó nó tin ngay, nhưng khi lớn lên một chút nó lại nói :
- Mẹ đừng giấu con, con biết hết rồi. Con là con của ông kép hát nào đó bên kia sông phải không?
Hỏi nó ai nói nó làm thinh không trả lời.
Thấy tui khóc, sau đó nó không hỏi gì nữa. Hôm ông đến nhà tui, tui thấy ông già cỗi như một cành cây khô không biết ông chết nay sống mai. Sau mấy ngày suy nghĩ tui đã kể hết chuyện của ông cho con nó nghe. Nghe xong nó cũng làm thinh và không nói gì. Vài hôm sau bất chợt nó hỏi :
- Ba ổng cần mình giúp gì không hả mẹ?
Nghe con hỏi như vậy tui mừng giùm ông lắm, dẫu sao nó cũng là đứa có ăn học. Mẹ con tui chưa kịp giúp ông được gì thì hôm nay hay tin ông bệnh, nó là người ra bệnh viện làm thủ tục và đóng viện phí cho ông đó... nó khuyên tui khi ông hết bệnh nên đưa ông về nhà để hai mẹ con và cháu nội cùng chăm sóc cho ông... tui cũng không ngờ sao mà cây đắng lại sanh ra trái ngọt? Cứ nghĩ biết ông là cha nó nó sẽ hận ông người đã bỏ mẹ nó một mình nuôi con, người đàn ông vô trách nhiệm để nó phải mang tiếng thị phi là đứa con hoang...
Nói đến đó thì bà Lài khóc... Bà khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc cho trút hết cái nỗi buồn đã chôn giấu bấy lâu nay trong tận đáy tâm hồn. Lúc đó, người con trai đến ôm chầm lấy mẹ của mình anh ấy nói với giọng buồn hiu hắt:
- Mẹ ơi... Để cho ba yên tỉnh mẹ nhé, dẫu sao ba cũng đi rồi...
Đám tang lão kép già được gia đình bà Lài đứng ra tổ chức một cách giản đơn. Lúc đó những người chung xóm của lão mới biết lão cũng có con, có cháu... Vừa xong đám, người con trai của lão xin phép mẹ được lập cái bàn thờ để thờ người cha chưa bao giờ gặp, tuy chưa một lần gọi tiếng cha nhưng dẫu sao ông ấy cũng là người tạo ra mình. Nghĩa tử là nghĩa tận đó là đạo lý của con người.
Một chiều mưa buồn, khi đến dọn dẹp nhà của lão kép hát, tài sản của lão hầu như chẳng có gì ngoài chiếc xe cà tàng chở bắp đi bán trong hộc tủ ngoài mấy bộ đồ hát còn có mấy cuốn tập vở học trò trang nào lão cũng nguệch ngoạc viết :
Tôi xin lỗi em Lài, Ba Xin lỗi con trai, tôi xin lỗi mọi người ...
Lời xin lỗi muộn màng nhưng đọc xong người con trai cảm thấy nhẹ lòng, dẫu sao đến lúc cuối đời ông cũng nhận ra được chuyện sai quấy của mình.
Lúc đó bên ngoài cũng đã dứt cơn mưa, khi người con ôm tấm hình của cha, đứa cháu nội rụt rè ôm cái chân hương bước ra về... trên bầu trời ráng chiều bỗng rực sáng lên một cách lạ thường.
Theo Chuyện Làng quê
Bùi Trung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bap-dang-a9863.html