Sắp đến Tết cổ truyền của dân tộc, tôi xin kể ra đây với các bạn xa gần về hai món ăn từ sắn trong ngày tết Nguyên đán ngày trước của gia đình và quê hương tôi, đó là bánh chưng sắn và chè lam sắn.
Ngày tết gạo tẻ còn thiếu thì lấy đâu ra gạo nếp dồi dào, vì thế bánh chưng nguyên gạo nếp chỉ được làm độ mười cái dùng để thắp hương ông bà và để tiếp khách đến chơi ba ngày Tết, còn lại là bánh chưng sắn. Làm bánh chưng sắn cũng cầu kỳ cẩn thận thì mới ngon được, đầu tiên là phải lựa chọn sắn bở, thơm ngon không có vị đắng. Sắn sau khi thu hoạch về được chọn những củ to ngon, không bị xơ, sau đó gọt sạch vỏ và nạo thành sợi ngâm vào nước sạch độ một ngày, trong thời gian ngâm ta thay nước vài ba lần để bánh sau này không bị chua và giữ gìn được lâu.
Bánh được gói bằng lá dong và lá chít, muốn bánh để được lâu không bị meo và chua là cách sử lý lá gói, lá dong và lá chít được cho vào nồi luộc chín lá rồi mới đem đi cọ rửa, sau khi rửa sạch được buộc lên cột nhà độ một hai ngày cho ráo nước, làm như vậy bánh không có màu xanh đẹp nhưng lại an toàn không bị chua hỏng. Mười ki lô sắn chỉ có ba ki lô gạo nếp, nhân bánh chỉ có đậu xanh và chút hạt tiêu thôi, thế là ta đã có nồi bánh chưng sắn để ăn Tết và ăn ra tới tháng giêng, sau Tết bố mẹ tôi đi làm HTX và chúng tôi đi học có miếng bánh chưng sắn ăn lót dạ buổi sáng thế là hạnh phúc lắm rồi.
Còn chè lam bột sắn cũng không thể thiếu trong ngày Tết được, sắn sau khi phơi khô thì được giã ra để lấy bột, muốn bột mịn ngon sau khi giã phải Dây bằng dây bột ( Đồ dùng để làm bột cho trẻ em ngày xưa), lấy được bột sắn rồi thì được rang trên chảo gang, công đoạn rang cũng rất cẩn thận tỷ mỉ, tay phải đảo và trộn đều cho bột sắn không cháy khét, khi thấy chín vàng đều thì thôi. Mật mía được thắng trên chảo, đây là công đoạn cầu kỳ để ra được mẻ bánh có ngon hay không. Khi thắng mật mía phải để bát nước giếng lạnh bên cạnh, khi cảm thấy mật sắp được thì lấy đũa nhỏ ít mật vào bát nước, nhìn thấy giọt mật tròn không tan chảy là đã được, lúc này cho bột sắn vào và đảo đều cho đến khi mật và bột tạo thành hỗn hợp dẻo ngon thì được đổ ra mẹt và cắt miếng, nhưng phải nhớ thêm nước gừng mới tạo được vị thơm ngon. Nói thì dễ nhưng làm không phải là dễ dàng gì, bởi nếu ta thắng mật non thì thành ra cháo sắn chứ chẳng làm thành chè lam được, nếu thắng mật già thì chè lam sẽ cứng mà quê tôi hay nói vui đùa là “ ném chó chó chết, ném gà gà quay” .
Mỗi vùng quê đều có nét văn hoá ẩm thực riêng trong ngày Tết . Giờ Tết quá no đủ rồi nhưng trong ngày mưa rét của Tháng Chạp này tôi luôn nhớ về tuổi thơ nghèo khó.
Theo Chuyện làng quê
Nguyễn Đình Sứ
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/san-va-ngay-tet-a9878.html