Cái xịp

Tết đến nơi rồi. Kể một cau chuyện tếu, để thấy đời lính xưa đâu chỉ toàn máu xương, bom đạn, toàn hành quân với sốt rét rừng.

Xịp là cách gọi giờ mới có. Xưa ngoài Bắc toàn gọi xi líp. Về xi líp có hẳn một chuyện cười. Lính thông tin, thứ lính lắm khi rỗi việc, từng bịa ra. Theo đó, bọ (cụ ông khu Bốn, nổi tiếng thực thà, đến ngô nghê) nói với mạ (cụ bà) rằng “con gái bây giờ ăn cơm chính phủ béo nổi gân khu.” Mạ mới bảo, ông chả biết gì, đấy là cái xích líp đấy. Xích líp là cái xi líp lính gọi trại ra. Để cười. Đại loại thế. Nhưng ở đây không phải là chuyện cái xi líp hay cái xịp con gái, mà của con trai, và thật tréo ngoe trong chuyện này chúng tôi lại là người trong cuộc.

Ở chiến trường, con gái không ít. Trong số đó, nữ tổng đài là bọn quý tộc nhất. Bao giờ cũng ở riêng, có lính canh cẩn thận. Cấm bén mảng. Nữ quân y là bọn hay được lính làm nũng nhất. Nhất là lính bị thương. Đã đành. Còn thì toàn các em bần cố. Ấy là cách lính gọi cánh thanh niên xung phong. Về đàn ông mà nói, mỗi đại đội lèo tèo vài thủ trưởng, với lũ "chuột kẹp." Nghĩa là không được coi là trai nữa. Người thì dặt dẹo ốm o. Người thì thương bệnh binh quá đát, diện thải loại. Song không chịu ra Bắc mà cứ cố bám đơn vị, bám mặt đường. Còn thì toàn con gái, đứa nào cũng hơ hớ, cũng hừng hực sức sống, dù quá thiếu thốn, dù ăn uống kham khổ, dù cực kì cực nhọc vất vả đêm ngày.

cai-xip-1642473159.jpg
Ảnh tác giả sưu tầm mạng, chỉ mang tính minh họa

 

Rừng thì rộng. Mỗi đơn vị một nơi. Kỉ luật nghiêm. Vả lại, nhiều khi cả tháng không thấy bóng ai, lấy đâu ra giai mà nhìn, nói gì tới ôm. Thế nên, các nàng bị ếch là thường. Nghe nói có khi bị cả đơn vị. Cũng nghe nói, khi lên cơn giẫy đành đạch. Tội lắm. Cứ để thế rồi cơn khắc qua đi. Chịu, chả có cách nào. Hồi ấy cái chữ ếch là để chỉ các nàng bị ếch tơ ri, hay là như lính đùa, mắc phải bạo bệnh háo giai quá. Do thiếu giai. Chứ không phải để chỉ cái bệnh quái quỷ chết người như bây giờ.

Ai chả biết, thanh niên xung phong còn kham khổ hơn cả lính. Cái gì cũng thiếu. Cái gì cũng phải xin, từ chút nước để rửa mặt, đánh răng; vài nắm cỏ mần trầu, vài quả bồ kết để gội đầu; đến cuộn băng cá nhân, vốn để cứu thương song được dùng cho cái việc rất riêng của con gái. Quần đùi lính được phát, cũng phá ra làm đủ thứ. Mà chả hiểu sao cả bộ đội lẫn bọn thanh niên xung phong toàn được phát chung loại quần đùi được lính tếu táo gọi là quần "bà bô." Cho cả hai chân một ống vẫn rộng chán. Đấy là chưa kể, có khi bị nhầm. Đơn vị toàn con gái lại nhận phải quân trang nam, còn con trai nhận quần áo chị em tất. Quân nhu chỉ có thế?! Hay đường dây gửi nhầm. Chả biết nữa. Đến khổ.

Đơn vị mình hồi ấy có chuyện. Một anh, tên Phong, khá vui tính, được cử đi lĩnh quân trang, chả hiểu sao lại đi một mình. Có lẽ vì kho gần. Song mãi không thấy về. Có anh bảo, ù té rồi. Nhưng chả ai tin, Phong chỉ có mỗi cái tội tếu quấy. Nghe gần đấy có tiếng bom B-52. Anh em theo hướng lần tìm. Thấy cả người lẫn quần áo. Song bị thương, đang mềm oặt, ngất lịm. Vội khiêng đến trạm phẫu. Rồi anh không về lại nữa, hình như ra theo đường dây. Vết thương không nhẹ. Với lính đó không phải bất thường.

Bất thường là ở chỗ, sau đấy cỡ nửa tháng bỗng thấy hai nàng thanh niên xung phong dò đến, hỏi có phải đơn vị anh Phong không. Cứ tưởng có chuyện gái trai, người ta bắt đền. Định kể cho các bạn í nghe chuyện Phong bị thương chuyến ấy, có nhẽ đã ra đến bờ Bắc. Song nào phải. Thấy hai nàng đổ ra. Một ba lô đầy, xếp gọn gàng. Toàn xịp. Mới tinh. Loại xịp buộc dây, khâu tay, đúng là dùng riêng cho cánh lính chúng tôi. Từng mũi, từng mũi kim mềm mại, đều tăm tắp. Cả bọn tròn mắt. Cứ tưởng ngủ mơ. Rồi các nàng bảo, của các anh đấy. Anh Phong nhờ. Chờ mãi không thấy quay lại lấy nên chúng em theo lời tìm đến trả.

Ra Phong ta sáng kiến đem quần "bà bô" đến chỗ các nàng trú quân, nhờ cắt ra, khâu cho mỗi lính một đôi xịp. Chị em cười phá. Các anh dùng cái của nợ ấy làm gì. Nghiêm mặt bảo, cần lắm, chả nhẽ mặc quần bà bô bò vào đồn. Dây thép gai nó móc cho. Trên lâu lắm chả phát. Không có xịp thì biết làm thế nào. Thế là các nàng gật gù, tin sái cổ. Lại đưa cho ít dây dù. Hướng dẫn cách khâu xịp với dây dù thế nào. Rồi lại chỉ đường đến đơn vị (Làm như biết mình thế nào cũng bị thương không bằng). Số quần áo còn lại cho tất. Cũng là cách giúp tế nhị.

Ra thế. Trước cứ thắc mắc mãi không dám hỏi. Phát quân trang gì chẳng có quần áo lót. Bấy giờ mới hiểu ra. Vừa bực vừa tức cười. Bực anh chàng quá trớn, tò tò làm chả bàn với ai. Lại chết cười với cách nghĩ cách làm quái lạ của Phong. Chẳng hiểu sao anh chàng lại biết có cánh thanh niên xung phong ở đấy. Chợt thấy thương. Không giây với lũ con gái, chắc gì đã dính bom. Giờ nghĩ lại sao hồi ấy lẩn thẩn thế, sợ đủ điều. Sợ nhất là dây vào gái. Mà sợ cũng phải. Khối anh cho về phép lấy vợ, vừa vào là… đứt.

Hôm ấy, các nàng cám ơn rối rít. Rồi cởi lòng, hai năm chưa được phát quân trang. Nói nhỏ thêm, mà con gái xài đồ lót tốn lắm. Ô hay?! Không có các em chúng tôi lấy đâu ra xịp. Tự làm lấy thì vừa chậm vừa xiên xẹo… May, buồn ngủ gặp chiếu manh. Cám ơn sợ còn chưa hết. Rút cục, bần cố lại dựa vào nhau. Bỗng nao lòng, chả hiểu trần lực phá bom sửa đường suốt đêm ngày thế, các nàng lấy đâu ra thì giờ với hơi sức để khâu để vá.

Sau đơn vị tôi chuyển đi, không ai còn gặp lại các nàng. Cũng không gặp lại Phong. Chỉ loáng thoáng, quê anh đâu như Hiệp Hòa Bắc Giang, đất bạc màu, lúa thấp tè chó chạy rõ đuôi, được cái gái làng chân dài như ống giang í. Chả biết anh có còn trên cõi đời này nữa hay chăng. Nhưng những chiếc quần xịp ấy thì ở lại với chúng tôi khá lâu. Có anh ra quân vẫn còn giữ.

Theo Trái tim người lính

Tien Trinh Xuan

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cai-xip-a9883.html