Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 45)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

KỲ 45.

Quang Trung ra lệnh cho 50 thớt voi rẽ ra hướng Đông, 50 con rẽ ra hướng Tây của đồn, cho 40 dũng sĩ, hai người khênh một tấm ván cao hơn đầu người, ván dày, mặt trước trát rơm đất ướt đi sát nhau ghép thành một tấm tường thành che tên đạn. Đi theo sau là 600 dũng sĩ cầm búa nặng dao lớn để phá cổng thành. Theo sau các dũng sĩ là kỵ binh và bộ binh ào ào tiến vào cửa đồn. Quân Thanh bắn tên và đạn súng hỏa mai như mưa nhưng bị những tấm “giáp” ván vô hiệu hóa. 600 dũng sĩ xáp lại, ném ván xuống, phá tan cổng thành và xông vào chém giết, kỵ binh, bộ binh Tây Sơn cũng ào ào lao vào và tung hoành giết giặc, ném tạc đạn, súng phun lửa phun vào thiêu đốt những khối quân Thanh đang bất lực. Quân Thanh chồng chất lên nhau mà chết. Lính giặc còn lại mở hết cửa Đông, cửa Tây, cửa Bắc để chạy. Nhưng cửa Đông và Tây bị mỗi cửa 50 con voi lao vào dày xéo, các pháo thủ trên mình voi ném tạc đạn, nã đại bác vào quân Thanh đang hỗn loạn. Xác quân Thanh bị thiêu cháy hoặc bị đại bác xé tan bay lên trời. 1 vạn quân Thanh chạy ra cửa Bắc. Chạy đến Yên Duyên bị một cánh quân Tây Sơn mai phục đánh giết, số còn lại chạy về Đầm Mực bị đạo tượng binh của đô đốc Đặng Xuân Bảo đánh giết không sót một tên nào. Đầm Mực trở thành cái đầm đẫm máu quân giặc. 7 vạn quân giặc bỏ xác ở Ngọc Hồi và các vùng lân cận cùng với phó soái cuộc viễn chinh đề đốc Hứa Thế Hanh, các tùy tướng tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Lý Hóa Long và Khánh Thành. Một vùng Thường Tín chấn động, khói lửa cháy mấy ngày sau mới tắt.  

chuyquang-trung-2a-1642519847.jpg
Tranh minh họa: Vua Quang Trung đánh thành Thăng Long. Nguồn: Internet.

                                   

Đạo quân do đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy từ Tam Điệp đi lên Sơn Tây. Mùa đông, cây cối rụng lá vàng đầy lối đi của 3 vạn quân, 50 thớt voi và 1000 kỵ binh. Đến Sơn Tây Đặng Tiến Đông mở mật thư của vua Quang Trung. Thư Viết: “Ta đã căn dặn đô đốc rồi nhưng ta dặn lại: Người phá tan 20 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị không phải là đạo chủ lực của ta mà chính là đạo quân của Đô Đốc. Ta cho rằng Tôn Sĩ Nghị sẽ chỉ tập trung chú ý mặt trận Nam Thăng Long, nhất là đồn Ngọc Hồi. Cho nên đô đốc đánh đồn Khương Thượng hết sức bất ngờ bí mật. Sau đó đem quân đánh thẳng vào tổng hành dinh là cung Tây Long để Tôn Sĩ Nghị và 20 vạn quân khiếp sợ, hoảng loạn mà tự tan vỡ”.

Đọc xong thư, Đặng Tiến Đông đưa thư cho Bùi Hữu Hiếu. Bùi Hữu Hiếu đọc xong nói:

-Hoàng thượng tính toán như thần.

Đặng Tiến Đông cho toàn quân rẽ ngoặt đường về Thăng Long. Đặng Tiến Đông nói với Bùi Hữu Hiếu:

-Làm thế nào mà chúng ta đánh đồn Khương Thượng một cách bí mật được khi đồn này cách cung Tây Long có 8 dặm theo đường chim bay?

Bùi Hữu Hiếu nói:

-Mạt tướng có ý này có thể giữ bí mật được trận đánh.

-Tướng quân có kế gì hay?

-Trước hết, bí mật đột nhập vào đồn và mở cửa để toàn quân lặng lẽ xông vào, thứ hai không được dùng đại bác, chỉ được dùng súng phun lửa, gươm, dáo, cung tên.

Đặng Tiến Đông gật gù:

-Cách này được đấy.

Canh ba đêm mùng 4, quân Tây Sơn dừng cách đồn Khương Thượng 4 dặm. Đặng Tiến Đông cho 100 lính bí mật lại gần đồn mai phục. Một tốp 20 lính Thanh đi tuần ra. 100 lính Tây Sơn bất ngờ xông ra khống chế, dùng khăn tẩm thuốc mê bịt miệng rồi lôi vào chỗ vắng thay trang phục cho 20 lính Việt. 20 lính Tây Sơn mặc quân phục Thanh như là đi tuần về gõ cổng đồn. Lính canh mơ ngủ thấy tốp lính mặc quân phục Thanh liền mở cổng, cổng bật ra, lập tức lính gác bị giết. Một phát tên lửa bắn lên trời, 3 vạn bộ binh, kỵ binh và tượng binh xông vào chém giết 5 vạn lính Thanh còn đang ngủ, còn hai vạn quân thì bao vây bên ngoài, không để một tên nào chạy thoát. Dao, búa, gươm, dáo quân Tây Sơn bổ vào quân Thanh như bổ chuối, ống phun lửa cũng ra sức thiêu đốt quân Thanh, tượng binh xông vào dẫm đạp hoặc dùng vòi cuốn quân Thanh lên và đập chết. Xác quân Thanh chất chồng như núi, máu đổ như nước sông. 5 vạn quân bị vây bọc và bị tiêu diệt, không một tên nào chạy thoát.

Sầm Nghi Đống thức dậy, thấy đã bị quân Tây Sơn bao vậy bốn mặt, quân sĩ chết quá nửa thì kêu lên:

-Trời sao hại ta thế này?

Sầm Nghi Đống lùi về gò cao giữa đồn và rút gươm tự sát. 100 vệ sĩ và gia tướng cũng tự sát chết theo chủ tướng.

Đặng Tiến Đông ra lệnh:

-Tướng quân Bùi Hữu Hiếu:

-Có mạt tướng

-Tướng quân đem 1 vạn quân đánh đồn Nam Đồng. Trời đã sáng rồi, ta đem 3 vạn quân bất ngờ tiến đánh cung Tây Long, tổng hành dinh của Tôn Sĩ Nghị theo lệnh hoàng thượng.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Bùi Hữu Hiếu đánh đồn Nam Đồng cũng là đồn bảo vệ phía Tây cung Tây Long. Đặng Tiến Đông đem 50 thớt voi, 1 vạn kỵ binh và 3 vạn bộ binh tiến về cung Tây Long như vũ bảo.

*         *

*

Lại nói ngày mùng 4 tháng Giêng năm 1789, Tôn Sĩ Nghị được tin đại quân vua Quang Trung đã tiêu diệt tất cả các đồn Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi và đang tiến đánh đồn Ngọc Hồi, chủ soái 30 vạn quân Thanh ra lệnh báo động cho 10 vạn quân bờ Nam và 10 vạn quân bờ Bắc sông Hồng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Bản thân Tôn Sĩ Nghị cho rằng hệ thống phòng thủ Nam Thăng Long, đồn Ngọc Hồi là quan trọng nhất, nhưng Nghị cho rằng Ngọc Hồi có một lực lượng rất mạnh với 7 vạn quân tinh nhuệ, có tới 5 tướng lĩnh cấp cao và tài giỏi về quân sự của nhà Thanh, đã từng trải nhiều trận đánh và nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Vả lại vua Quang Trung cũng chỉ có 5 vạn quân đánh Ngọc Hồi nên cũng không đáng sợ. Dù sao, Tôn Sĩ Nghị cũng hết sức tập trung theo dõi trận đánh Ngọc Hồi để biết diễn biến mà đối phó.

Sáng ngày mùng 5, thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ soái, quân Tây Sơn đã bao vây đồn Ngọc Hồi.

-Đã tấn công chưa?

-Dạ bẩm chưa?

Lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ soái, quân Tây Sơn đã tấn công Ngọc Hồi.

Tôn Sĩ  Nghị hỏi:

-Ai chỉ huy quân Tây Sơn tấn công?

-Dạ, chính vua Quang Trung Nguyễn Huệ ạ.

Tôn Sĩ Nghị nói với Trần Nguyên Nhiếp:

-Vậy là Nguyễn Huệ coi Ngọc Hồi là trận quyết định để mở cửa vào Thăng Long.

Trần Nguyên Nhiếp nói:

-Chủ soái nói phải lắm. Chủ soái, nên tập trung theo dõi mặt trận  quan trọng bậc nhất này.

Đang khi đó một tùy tướng hốt hoảng chạy vào báo:

-Dạ bẩm chủ soái, hàng vạn tượng binh, kỵ binh và bộ binh Tây Sơn đã tiến sát và chuẩn bị bao vây cung Tây Long. Tình hình vô cùng nguy cấp, mong chủ soái rút khỏi cung ngay thì mới thoát ạ.

Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt:

Hả, chúng nó từ trên trời rơi xuống à? Sầm Nghi Đống đâu?

-Dạ, đồn Khương Thượng đã bị tiêu diệt, 5 vạn quân ta đã tử trận, Sầm Nghi Đống đã tự sát chết ạ.

Tôn Sĩ Nghị  hoảng loạn thực sự:

-Rút ngay, nếu không sẽ như Sầm Nghi Đống. Nhanh.

Tôn Sĩ Nghị chỉ kịp vơ túi ấn tín, sắc phong trên bàn, không kịp mặc giáp chạy ra cửa, lên ngựa cùng Trần Nguyên Nhiếp chạy qua cầu phao sang bờ Bắc và nhằm hướng Bắc mà chạy. Quân Thanh nhận ra chủ soái bỏ chạy liền hô lớn:

-Quân ta đã đại bại, chủ tướng bỏ chạy rồi.

-Quân Tây Sơn đang tràn vào Thăng Long và giết hàng vạn quân ta rồi.

-Tri Phủ Sầm Nghi Đống tự sát rồi.

-Chạy thôi, nếu không sẽ chết, quân Tây Sơn đang vào Thăng Long chém giết.

Cứ như vậy, quân Thanh truyền cho nhau nỗi kinh hoàng đang ập đến. 10 vạn quân Thanh bên bờ Nam tranh nhau chạy qua cầu phao, cầu tắc nghẽn và gãy đoạn giữa chìm xuống sông. Hàng vạn quân Thanh rơi xuống sông chết đuối làm nước sông Hồng tắc nghẽn không chảy được nữa. Số còn lại chạy qua cầu đoạn bờ Nam, còn ra giữa sông thì họ đạp lên đầu lên xác của đồng đội mà chạy. Số khác thì liều chết lao xuống sông mà bơi và chết đuối vô kể, xác đặc cả dòng sông kéo dài hàng mấy dặm. 10 vạn quân bên bờ Bắc cũng chen chúc dày đạp lên nhau mà chết, chân người sống dẫm đạp lên xác chết mà chạy. Tiếng kêu khóc, la hét vang động trời sông Hồng. Bụi cuốn, gió tung, người gục xuống, người chạy. Kỵ binh chạy bằng ngựa dày đạp lên bộ binh mà chạy. Có những con ngựa vô chủ cũng lồng lên chạy theo người, miệng phát ra những tiếng kêu thảm thiết. Trong lịch sử chiến tranh, chưa có cuộc rút lui nào hỗn loạn, tự dẫm đạp lên nhau mà chết hàng vạn như cuộc đại tháo chạy của quân Thanh năm 1789 khi rút chạy khỏi Thăng Long.

Lê Chiêu Thống được tin quân Thanh vỡ trận, Tôn Sĩ Nghị đã tháo chạy về nước liền cùng hoàng gia chạy ra cầu phao để sang bờ Bắc, nhưng cầu phao đã gãy, xác giặc Thanh làm tắc nghẽn sông Hồng. Lê Chiêu Thống dẫn gia đình chạy dọc bờ sông tới bến Nghi Tàm cướp được một thuyền đánh cá sang được bờ Bắc, chạy sang Trung Quốc lưu vong và vùi xác nơi xứ người. Cuộc đời những tên bán nước cuối cùng thật chẳng ra sao. Em Lê Chiêu Thống là Lê Duy Chỉ đóng ở Yên Hòa, Yên Phụ bỏ chạy lên Tuyên Quang.

Hơn chục vạn quân Thanh từ Thăng Long chạy về nước, khi qua con đường Bắc Giang, Lạng Sơn bị quân của đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc chặn đánh. 20 vạn quân này chỉ còn 50 tên chạy được qua biên giới. Đạo quân Vân Nam-Quý Châu do Ô Đại Kinh chỉ huy đóng ở Sơn Tây nhờ tướng Việt cần vương Hoàng Văn Đồng dẫn đường chạy thoát về Trung Hoa.

Tôn Sĩ Nghị và Trần Nguyên Nhiếp chạy quanh co lạc lối, ném cả kỳ bài, sắc thư, ấn tín chạy 7 ngày đêm đói khát mới qua được ải Nam Quan.

Chiều mùng 5 Tết, hoàng đế Quang Trung cùng các tướng Ngô Văn Sở, Vũ Văn Dũng, Đặng Xuân Bảo, Trần Văn Kỷ… cùng đại quân tiến vào Thăng Long. Bách tính Thăng Long được giải phóng vui mừng hân hoan ra đón dọc đường từ Thường Tín đến hoàng thành đông như nêm cối. Đi đầu đại quân là đội tượng binh với những con voi như những trái núi di động, theo sau là kỵ binh. Tiếp theo sau kỵ binh là voi của vua Quang Trung. Áo giáp, áo chiến bào của vua màu vàng, chiếc khăn màu đỏ thắt ở cổ bây giờ tất cả biến thành màu đen của khói súng. Chỉ còn là cờ là màu đỏ tươi cùng với hàng vạn lá cờ đỏ của quân Tây Sơn rợp trời Thăng Long. Sau voi của vua Quang Trung là gần 5 vạn bộ binh, quân phục cũng đen xạm màu thuốc súng. Họ đi như những thiên thần giải phóng. Trong cuộc chiến đấu chống quân thù xâm lược, khoảng 2 vạn chiến sĩ Tây Sơn đã anh dũng hy sinh trên chiến trường vì độc lập của tổ quốc. Nhìn vua Quang Trung quần áo xạm đen, khuôn mặt đế vương vốn rực rỡ bây giờ cũng xạm đen vì khói súng, bách tính Thăng Long không cầm được nước mắt. Chỉ 5 ngày, 30 vạn quân Thanh xâm lược tan xác. Thật là một trong những võ công bậc nhất muôn đời của Đại Việt.

Thăng Long, một lần nữa lại ca lên Khúc Ca Khải Hoàn.

Hết tập III
(Còn nữa - Đón đọc tiếp Tập IV)

CVL

                                                                     

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iii-tieu-thuyet-lich-su-ky-45-a9911.html