Pháo thì đủ loại: pháo đùng pháo tép, pháo thăng thiên, pháo đập, pháo đất… Ban đầu thuốc pháo còn hiếm thì cạo que diêm lấy thuốc nhét vào van xe đạp hoặc đầu đạn đã tháo lõi rồi dùng đinh sắt để tiếng kêu chỉ nghe bép một cái. Hoặc dùng ống nứa tráng qua nước rồi cho đất đèn lắc mạnh cho tới khi có khói bốc lên thì châm lửa đốt tiếng nổ lớn hơn nhưng trầm vang xa.
Thuốc pháo để làm pháo đùng ngày trước chưa nhiều chủ yếu là thuốc nổ đen, người ta lấy diêm sinh trộn với clorat kali và than xoan hoạt tính ghiền nhỏ tạo thành bột màu đen nhồi vào ống giấy cuộn chặt gắn xi hai đầu để châm ngòi đốt. Công nghệ làm thuốc đòi hỏi rất kỳ công và cẩn thận vì khi sấy cloratkali rất dễ cháy nên phải dùng nồi đất nung nóng sẵn cho thuốc vào để đảo chứ nếu sao trên bếp rất dễ gây hoả hoạn. Tuy nhiên hiệu quả thuốc nổ đen thường kém vì khi ẩm khó nổ nên sau thường làm dây ngòi, làm pháo thăng thiên hoặc bọn trẻ tẩm vào giấy bản để quay tạo ra pháo hoa. Có lần không biết Thầy mình kiếm đâu được ít nguyên liệu cũng về làm thuốc nổ cho bọn trẻ vừa làm vừa lẩm nhẩm câu “lục đồng thán, bán đồng than…” mà hình như cũng không thành công lắm sau bọn mình toàn lấy nghịch để làm pháo hoa. Còn nếu có tiền ra cửa hàng mậu dịch thì cũng có bánh pháo tép Bình Đà có buộc mấy quả pháo cối. Nhưng dù thế nào ngày ấy mỗi nhà cũng phải có ít nhất một bánh pháo, như là thứ không thể thiếu trong ngày tết. Sau dần mới có thuốc pháo trắng nổ dễ hơn, mạnh hơn và cũng sẵn nên hầu như bọn con trai nào cũng phải cuộn một ít để đêm giao thừa đốt. Những quyển sách cũ, giấy loại thậm chí xin cả giấy báo cũ và giấy xi măng trộn vào cho tiếng nổ đanh hơn. Dù trời rét vẫn trần trục mài đít quần lăn vỏ pháo rồi lấy mựa đỏ trộn với hồ lăn ngoài cho bóng đẹp.
Từ ngày mở cửa và cấm pháo nổ cảnh đốt pháo những tràng dài tiếng nổ đinh tai, xác pháo trải kín đường đi cũng dần vào dĩ vãng. Pháo lậu từ biên giới tuy vẫn còn rải rác nhưng chủ yếu là pháo hoa, và giá cả cũng rẻ hơn nên trẻ con không còn háo hức với trò chơi ấy nữa. Cũng là chơi pháo nhưng có lẽ truyền thống pháo đất là vẫn được lưu truyên trong vùng Tiên Lãng,Vĩnh Bảo của Hải Phòng. Lịch sử ra đời của nó từ những ngày khởi nghĩa các lãnh tụ nghĩa quân dùng tiếng pháo đất nổ để nghi binh đánh giặc. Có tương truyền rằng pháo đất xuất phát từ đắp đê ngăn nước ở vùng đồng bằng Bác Bộ. Đây truyền thống mang tính lịch sử vừa mang tính tâm linh với người dân với bậc tiền nhân xây dựng và bảo vệ Quê hương. Cứ gần tới ngày lễ hội thanh niên trai tráng trong vùng lại lần mò tìm nơi có đất dẻo, tinh nhào nặn những quả pháo đất đường kính tới gần mét. Nghe nói thế nhiều người chưa chắc đã tưởng tượng nổi. Khi đập có khi phải vài thanh niên lực lưỡng nâng cho thật khéo để tiếng nổ phải to, đường vành của pháo phải văng dài. Nhưng lễ hội pháo đất không trùng với Tết Nguyên đán, mà tổ chức vào mồng ba tháng tám hàng năm trong vùng.
Những truyền thống có thể thay đổi phù hợp theo thời cuộc, những cái mang tính bạo lực nguy hiểm dần được người dân ý thức loại bỏ dần, nhưng tinh hoa dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước của các lớp tiền nhân vẫn trường tồn với thời gian.
Theo Chuyện Làng quê
Dang ngọc Vinh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tro-choi-phao-a9942.html