Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 2)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 2.

Sớm hôm sau Trần Cảo cùng các tướng Công Uẩn, Đinh Bảo, Đoàn Bố dẫn đầu 5 vạn quân, cờ vàng rợp trời, nổi bật là lá cờ to nhất có chữ “Ứng Thiên” màu đỏ, dưới chữ “Ứng Thiên “ là chữ “Soái”. Dưới cờ là những đoàn quân mang quân phục đen. Cung tên gươm giáo tua tủa, lưng mang cung tên, đầu không mũ nón, đầu gần như trọc, chỉ còn ba túm tóc, 1 túm trước trán, hai túm hai bên thái dương nên bách tính gọi là quân “Tam Đóa”. 5 vạn quân theo đường bộ từ Vạn Kiếp tiến về Đông Kinh. Cờ bay theo gió, bụi cuốn mù đường, bước chân đi rầm rập, mặt đất như rung chuyển.

chuythanglong3-1642694045.jpg
Dấu tích Hoàng thành Đông Kinh thời Lê. Nguồn: hoangthanhthanglong.vn

 

Sớm hôm sau, khi còn cách Đông Kinh nửa dặm, chợt có thám mã về báo:

-Dạ, bẩm chúa công, đại thần Trịnh Duy Sản đã đem vua Lê Chiêu Tông chạy về Tây Đô, hiện bốn cổng thành Đông Kinh dân chúng đã mở toang, không có phòng thủ ạ.

Trần Cảo cười ha hả:

-Dân chúng mở toang cổng thành để đón quân Thiên tử vào. Bá tính Đông Kinh đã biết rõ đâu là chính nghĩa, đâu là gian tà. Ha!ha!ha! Các tướng nghe lệnh:

-Các tướng cùng quân đội ở lại ngoài thành để bảo vệ thành, nhớ không được xâm phạm của cải, bắt người của dân. Ai vi phạm chém.

-Dạ, chúng mạt tướng tuân lệnh.

Trần Cảo vào điện Càn Nguyên, chưa kịp ngồi thì đã có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm chúa công, đã bắt được thái sư nhà Lê Lê Quảng Độ, người đã cùng Trịnh Duy Sản giết Lê Tương Dực, đưa Lê Chiêu Tông lên ngôi.

Trần Cảo nói:

-Đưa Lê Quảng Độ vào.

-Dạ Tuân lệnh chúa công.

Trần Cảo và các tướng vừa uống xong lượt trà thì bốn người lính đã dẫn Lê Quảng Độ vào. Đó là một người đậm, béo, mặc triều phục đại thần nhà Lê màu xanh, đội mũ cánh chuồn đen, khuôn mặt phương phi. Trần Cảo vội đứng dậy quát binh lính:

-Mau cởi trói cho Thái sư. Bọn bay thật hỗn xược.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

Lính vội cởi trói cho Lê Quảng Độ. Trần Cảo vội nói:

-Mong Thái sư đại xá, bọn lính không biết đã lỡ xúc phạm ngài. Mời Thái sư ngồi. Bay đâu rót nước mời Thái sư.

Lê Quảng Độ nhận bát nước, ngồi đối diện với Trần Cảo thản nhiên uống nước mà không hề sợ hãi. Sau tuần nước, Trần Cao hỏi Lê Quảng Độ:

-Triều chính rối ren, thiên hạ đại loạn, dân tình khổ cực đói rét, quyền thần giết vua như giết chó gà. Nay quyền thần Trịnh Duy Sản bắt vua vào Tây Đô, sao thái sư không đi theo?

Lê Quảng Độ đáp:

-Ta suốt đời phục vụ cho triều đình Hậu Lê làm đến chức thái sư là một trong những chức quan đầu triều, cũng đã cống hiến gần hết thời Lê Sơ, đã nhìn thấy thời hưng thịnh của đất nước thời Thái Tổ và Thánh Tông. Thời Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông cũng có thể nói là những minh quân. Nhưng đến thời Lê Uy Mục và Lê Tương Dực, quên dân, quên nước, lao vào ăn chơi sa đọa đưa nhà Lê và đất nước vào cảnh suy tàn, hỗn lọan, dân tình đói khổ lầm than, chết chóc, quyền thần và quan lại tác oai tác quái, chỉ ra sức vơ vét để vinh thân phì gia, không ai còn nghĩ tới bách tính và đất nước. Nay Lê Chiêu Tông lên ngôi còn quá trẻ, tính tình lại đa nghi, hay nghe lời dèm pha mà giết hại trung thần, không đủ tài đức để cứu vãn thời cuộc, hoàng đế cũng chỉ là con bài của quyền thần nên ta không theo.

Trần Cảo nói:

-Thái sư nói phải lắm. Nay ta cũng vì bách tính mà nổi dậy nhằm thay đổi triều đình, dẹp loạn lạc, mang lại thanh bình cho đất nước, cho bách tính. Thái sư có đi theo để phụng sự cho nghiệp lớn không?

Lê Quảng Độ đáp:

-Suốt đời ta đã học và thực hiện chữ trung quân ái quốc. Cho nên vua vì nước thì ta trung. Ta không học theo lũ cô trung. Vua hôn quân phản nước thì ta không theo. Xét theo nghĩa đó, ta có thể theo chúa công để tôn thờ đại nghĩa.

Trần Cảo và các tướng đều vui mừng. Trần Cảo nói:

-Thái sư vẫn là đại thần của triều đại “Thiên Ứng”, trông coi triều chính cho ta. Bay đâu.

-Dạ, chúa công.

-Mở tiệc mừng lấy được Đông Kinh, mừng Thái sư Lê Quảng Độ về với chúng ta.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

Sớm hôm sau có thám mã về báo:

-Dạ bẩm chúa công, có tướng của Trịnh Duy Sản là Trần Chân đã tập hợp mấy nghìn binh mã ở chợ Hoàng Hoa, chuẩn bị tấn công vào cửa thành Tây Đông Kinh.

Trần Cảo ra lệnh:

-Lệnh cho đại tướng Phan Ất từ cửa Tây đem quân bao vây tiêu diệt Trần Chân.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

Lại nói Thiết Sơn Bá Trần Chân cùng với các thuộc tướng là Nguyễn Áng và Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc cùng 5000 quân định tiếp chiến với quân của Phan Ất ở chợ Hoàng Hoa (Ngọc Hà). Nguyễn Kính nói:

-Quân ta ít, quân giặc Phan Ất đông 1 vạn, còn các đạo quân khác của Đinh Ngạn, của Đình Nghệ, của Trần Cung, nếu chúng hợp vây thì quân ta sẽ bị tiêu diệt. Ta nên rút xa khỏi kinh thành 1 dặm để dễ bề tác chiến.

Nguyễn Áng nói thêm:

-Lời của Đại tướng Nguyễn Kính nói phải lắm. Ta nên như vậy đi.

Trần Chân nói:

-Cũng được, cứ làm theo ý tướng quân Nguyễn Kính đi.

Trần Chân lui quân về Xạ Đôi (Giảng Võ), cách Hoàng Hoa 2 dặm. Vừa dàn trận xong thì quân Phan Ất đã đến. Cậy quân đông, Phan Ất không dàn trận, trỏ gươm thét:

-Giết.

1 vạn quân áo đen “Tam Đóa” vung gươm xông vào trận địa quân Lê đánh giáp lá cà, chiêng trống vang lừng, tiếng reo hò dậy đất, tiếng gươm giáo chạm nhau tóe lửa, thây đổ máu tuôn. Quân “Tam Đóa” cậy đông hình thành thế bao vây quân Lê. Trần Chân thấy vậy liền hạ lệnh lui quân tháo chạy về Sơn Tây. Quân Lê bị giết khoảng 1000, bản thân Trần Chân cũng bị trọng thương, phía Trần Cảo cũng 1000 quân tử trận. Trần Chân chạy về Sơn Tây chờ đợi quân Lê Chiêu Tông từ Thanh Hóa ra để thu phục lại kinh thành.

Một sớm tại Tây Đô, Trịnh Duy Sản nói với vua Lê Chiêu Tông:

-Bẩm hoàng thượng, quân phản loạn Trần Cảo đông tới 4 vạn người, vừa rồi con nuôi của thần là Thiết Sơn Bá Trần Chân chỉ có 5000 quân đánh một trận lớn với giặc ở Xạ Đôi nhưng ít quân quá phải lui về Sơn Tây rồi.

Lê Chiêu Tông hỏi:

-Đại tướng quân có cao kiến gì không?

Trịnh Duy Sản nói:

-Bẩm hoàng thượng, hoàng thượng phải lấy danh nghĩa Thiên tử thảo hịch kêu gọi các trấn đem quân họp lại, đặc biệt là quân tam phủ Thiệu Thiên, Hà Trung và Tĩnh Gia cùng tấn công thì mới đủ sức phá giặc, thu phục lại kinh thành.

Lê Chiêu Tông nói:

-Khanh nói phải lắm. Bay đâu.

Nội quan:

-Dạ, bẩm hoàng thượng.

-Cho triệu Hùng Quốc công Lê Nghĩa vào gặp trẫm.

-Dạ, tuân lệnh hoàng thượng.

Hùng Quốc Công Lê Nghĩa vào quỳ hành lễ:

-Dạ bẩm hoàn thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế…

Lê Chiêu Tông nói:

-Miễn lễ.

-Tạ ơn hoàng thượng.

Lê Chiêu Tông nói tiếp:

-Khanh viết một bài hịch kể tội bọn phiến loạn Trần Cảo và kêu gọi quan lại các trấn, đặc biệt là quan quân tam phủ Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia cùng hội quân để khôi phục kinh thành.

-Dạ, thần tuân chỉ.

Vài ngày sau khi bài hịch ban ra, quân các trấn và quân tam phủ rầm rập léo về Tây Đô để giúp vua đánh giặc “Tam Đóa”, khôi phục kinh thành. Suốt một vùng rộng lớn quanh Tây Đô, binh mã doanh trại san sát đông như kiến cỏ, Trên dòng sông Mã đoạn làng Giàng, Tư Phố hơn 1000 chiến thuyền của thủy quân neo đậu, cờ vàng bay rợp trời trên dòng sông. Trong cung điện của thành Tây Đô vua Lê Chiêu Tông thiết triều và ra lệnh:

-Nay phong Nguyên Quận Công Trịnh Duy Sản làm Tiết chế quân thuỷ bộ, dưới có các tướng Cần vương Trịnh Hy, Lê San, Lê Dực, Trương Huyền Linh tiến quân ra Bắc, thu phục Đông Kinh, tiêu diệt bọn giặc “Tam Đóa” Trần Cảo.

-Dạ, chúng thần tuân lệnh hoàng thượng.

Từ Tây Đô, 5 vạn quân Lê hành quân ra Bắc, quân đi, cờ bay, ngựa hí, bụi cuốn mù trời. Bước chân quân lính đi qua những thôn mạc tiêu điều xơ xác nghèo đói do loạn ly và chiến tranh, xung đột liên miên khốc liệt.

Ra đến Đông Kinh, quan quân bao vây bốn mặt thành. Quân “Tam Đóa” từ trên mặt thành bắn tên đạn ra như mưa. An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ từ Thanh Hóa kéo quân ra trợ chiến cho quan quân. Trịnh Duy Sản ra lệnh cho các tướng:

-Chúng ta giả vờ tấn công bốn mặt thành nhưng tập trung hết lực lượng tấn công cửa Tây, phá vỡ cửa Tây vào thành thì phá được giặc.

-Dạ, tuân lệnh Tiết chế.

Trần Cảo không biết kế đó cứ dàn đều quân bốn mặt thành. Trong khi đó lợi dụng đêm tối, Trịnh Duy Sản cho các dũng sĩ khênh những khúc gỗ lớn dài vài trượng, đầu vót nhọn, dưới sự yểm trợ của bộ binh và các cung thủ, các dũng sĩ tiếp xúc với cổng thành và tông mạnh chỉ vài lần cửa thành mở toang. Quan quân tràn vào chém giết. Tiếng gươm giáo chém nhau tóe lửa, cung tên bắn loạn xạ, tiếng reo hò rung chuyển thành quách. Quân Trần Cảo dàn mỏng không kịp chi viện cho cửa Tây, tan vỡ mở của Bắc tháo chạy ra ngoài thành, vượt cầu phao sang Bồ Đề. Quan quân truy sát, tiếng trống trận vang trời, tiếng quân chạy thoái lui và quân truy sát rung lên ở các cửa Tây và cửa Bắc. Thây người ngổn ngang dọc bến sông Hồng và bốn mặt thành. Quân Trần Cao chết khoảng 1 vạn, quân triều đình khoảng vài nghìn người đã ngã xuống. Cái đáng kể là quân triều đình đã thắng lợi, đã lấy lại được Đông Kinh. Vua Lê Chiêu Tông từ Tây Đô trở về kinh đô.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-tieu-thuyet-lich-su-ky-2-a9962.html