Đắm bầy Virus thử thách về đức tin của con người

Khai thác bối cảnh đại dịch Covid-19 như một chất liệu mới, nhưng trên thực tế, nó chỉ đóng vai trò như một dẫn liệu để Nguyễn Văn Học mở rộng và khai triển những chủ đề cấp bách mình theo đuổi.

bia-tieu-thuyet-dam-bay-virus-cua-nguyen-van-hoc-1642770788.jpg
 

 

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm biến đổi và đảo lộn vô vàn khía cạnh của cuộc sống. Thứ virus nguy hiểm với tốc độ lây lan chóng mặt, len lỏi qua hệ miễn dịch và tấn công hủy hoại cơ quan hô hấp của con người, khiến cho xã hội bị phong tỏa, kinh tế thì tê liệt, biết bao sinh mệnh người đã ra đi, đẩy nhiều em nhỏ vào cảnh mồ côi cha mẹ. Chỉ sau hai năm bệnh dịch, con người đã buộc phải thích nghi và thay đổi toàn bộ thói quen sống của mình. Trước đây, liệu có ai từng mường tượng rằng một ngày nọ, chúng ta chỉ có thể giao tiếp với nhau trong trạng thái đeo khẩu trang thường trực và giữ khoảng cách an toàn. Tiểu thuyết mới Đắm bầy Virus (NXB Dân trí, 2022) của Nguyễn Văn Học có bối cảnh diễn ra trong thời đại Covid, nhưng nhà văn không chỉ đề cập đến thứ virus sinh học, mà còn bóc trần một thứ virus khác đã cố hữu tồn tại, đó là virus trong lòng người. Một thứ hạt mầm ác lẩn khuất và sinh trưởng trong mỗi con người, gây thoái mòn đạo đức, khơi dậy lòng tham, làm khủng hoảng đức tin... cũng được che đậy bởi mặt nạ nhân cách.

Nguyễn Văn Học, trong chặng đường sáng tác của mình với trên dưới hai mươi tác phẩm, đã định hình rõ một đề tài sở trường. Cho dù có thử nghiệm thủ pháp nghệ thuật nào đi chăng nữa, các tác phẩm của anh luôn gắn chặt với chủ đề đời sống thế sự, xã hội giả dối suy giá trị, mâu thuẫn xung đột, tổn thương sinh thái và đức tin bị thử thách... là những thực chất mang tính ngọn nguồn của văn chương. Và sau những Vết thương hoa hồng, Hỗn danh, Linh điểu, Miền Thánh đợi, thì Đắm bầy Virus dường như là sự cuội kết về phong cách và lối dẫn truyện của Nguyễn Văn Học. Thay vì một lời kể ngôi thứ nhất tuyến tính hay góc nhìn ngôi thứ ba toàn hiện chứng kiến mọi sự kiện xuyên suốt tiểu thuyết, nhà văn kết hợp hai ngôi kể để tạo ra một mạch đối thoại song trùng và những chủ đề xung đột, giữa không gian, thời gianđức tin.

Đắm bầy virus được thuật lại qua hai lời kể song hành, của nhân vật Hảo, một nhà báo, đóng vai trò ngôi kể chuyện thứ nhất, và cây sưa đỏ, đóng vai trò là chứng nhân quan sát tất cả những biến động xảy ra ở những làng xóm thuộc xã Tiến Thắng, một xã nông thôn Bắc Bộ điển hình đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự biến đổi văn hóa. Xuất phát là những làng quê thanh bình yên tĩnh như vậy, nhưng Tiến Thắng tất yếu hứng chịu và trải qua cơn bão đến từ quá trình công nghiệp-đô thị hóa, sự nhiễu động của cơn bão này không chỉ làm biến dạng bức tranh cảnh quan làng mạc, mà vô hình trung bóp méo lệch lạc những con người làng sống bên trong nó. Nếu như nhà báo Hảo là người trong cuộc tận mắt chứng kiến, trăn trở khắc khoải trước những bại hoại xảy ra ngay trong gia đình mình, trong làng của mình, thì cây sưa, không phải là một nhân chứng thuần túy vô tri, trái lại còn chính là nạn nhân phải gánh chịu sự phương hại đến từ con người tha hóa. Hai ngôi kể này bổ khuyết cho nhau, thậm chí tương thông cộng cảm lẫn nhau, giúp cho người đọc nhìn thấy được cả vận động bề mặt của tình tiết lẫn bề sâu của nội tại nhân vật tiểu thuyết.

Xung đột thứ nhất được Nguyễn Văn Học khắc họa trong Đắm bầy virus, là xung đột về không gian, giữa nông thôn và thành thị, giữa làngphố. Trong truyện, làng, cũng giống như trong lịch sử vốn là cái nôi bắt nguồn không gian xã hội đầu tiên của nhân loại, là nơi các nhân vật được sinh ra và lớn lên. Làng đại diện cho những giá trị truyền thống ổn định, đã có từ lâu đời được bảo lưu từ đời này sang đời khác. Người làng là con người của cộng đồng, của tình làng nghĩa xóm, của thương người như thể thương thân. Thế nhưng, phố xuất hiện một cách đầy cám dỗ, thu hút những con người trẻ ở quê “ra phố” để tìm phương kế làm giàu, rồi bị phồn hoa của phố làm cho mê đắm từ lúc nào. Rồi phố tác động ngược lại tới làng (đô thị hóa). Những người giàu, đại gia trọc phú từ thành phố về thuê đất trồng rau, tiêm nhiễm những vui thú mới khiến cho con người quê truy tầm hưởng thụ, đam mê những thứ vật chất phù phiếm như ô tô. Họ từ bỏ canh tác nông nghiệp, thứ sinh kế đã gắn bó từ ngàn xưa, để tìm những cách có tiền chớp nhoáng như bán cây quý, bán đất, thậm chí bán cả nội tạng nhằm phục vụ sở thích đua đòi của mình. Người quê, lúc này, đã bị xói mòn nhân cách và ý chí làm việc, chỉ bán cái sẵn có để ăn, hưởng thụ. Và thậm chí bán đến tận cùng, bán sạch, bán cả nhân cách, tổ tiên. Các thanh niên quê lao vào những cuộc chơi ô tô đâm điên rồ như những con thiêu thân. Làng, lúc này đã không còn là miền đất thanh bình, nên thơ, mộc mạc nữa, thay vào đó, dưới ngòi bút của Nguyễn Văn Học, trở thành một dystopia (phản địa đàng) đầy rẫy suy đồi lầm lạc, thoái hóa đạo đức và môi sinh bị hủy hoại.

Xung đột thứ hai trong Đắm bầy virus là xung đột về thời gian, tức xung đột về thế hệ. Thứ xung đột này được thể hiện rõ nét nhất trong gia đình Muối, anh trai của Hảo. Muối đại diện cho thế hệ ông cha đã vào sinh ra tử trong chiến trường, chiến tranh kết thúc trở về mang theo mình thương tật, tàn nhưng không phế, bươn chải buôn bán từ hai bàn tay trắng để gây dựng cơ nghiệp khang trang. Nhân vật Muối, cùng với Hảo và thầy Hoàng, là những người gìn giữ cái nếp của làng, nếp sống của người quê bình dị, những giá trị truyền thống xưa cũ đáng quý đang ngày càng bị mai một. Nhưng ngược lại, những đứa con trai như Tân, Kiên, không tu chí làm ăn, chỉ nhìn thấy chúng bạn trong làng, xã thay xe hơi như thay áo là thói a dua bùng lên, muốn vòi vĩnh bố mẹ chặt cây quý bán lấy tiền mua xe cho bằng bạn bằng bè. Rồi khi không được đáp ứng, chúng bỏ nhà lên thành phố, tán tận lương tâm lén về cưa trộm cây bất chấp sự bất bình đau khổ của cha mẹ, rồi sẵn sàng đem bán đi bộ phận trong cơ thể để thỏa mãn khao khát nông cạn, chỉ để đánh đổi lại những bi kịch cho gia đình và cho chính cá nhân mình.

Cuộc hôn nhân sóng gió giữa Ước, con gái của Hảo, với Tỏ, người thanh niên xóm Đạo làm nảy sinh những chất vấn về đức tin. Mặc dù luôn chung thủy đức tin của mình, nhưng Ước không thể nào cảm hóa được người chồng bạo lực, đua đòi. Từ chính những suy nghĩ giằng xé giày vò nội tâm của nhân vật, được thể hiện chân xác thông qua một ngôn ngữ hiểu đạo của nhà văn, khiến cho người đọc không khỏi băn khoăn, rằng liệu những lời răn tốt đẹp của đạo có cứu vãn được tình cảnh mạt thế này. Rồi mở rộng ra cảnh quê, bộ phận lớn dân làng đang bỏ rơi Chúa, xa lánh Phật để theo đuổi những tham vọng cá nhân. Hay khi dịch bệnh diễn ra, con người hoài nghi rằng liệu đây có phải là thử thách của đức tin, hay đấng bề trên ở đâu khi nhân loại đang lầm than? Lòng tham, nô dịch cho tiền bạc và chủ nghĩa tiêu dùng, hành động tàn phá thiên nhiên cũng chính là quay lưng với đức tin hướng thiện, và tất yếu dịch bệnh hay thiên tai cũng là một lời cảnh cáo nhắc nhở đến từ tự nhiên, rằng con người buộc phải phản tư, phải nhìn lại mình, phải học lại cách sống. “Có đức tin để biết sợ và xa lánh cái ác” là thông điệp Nguyễn Văn Học muốn gửi gắm thông qua Đắm bầy virus.

Và những xung đột trên, được lột trần trụi khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Sự tàn phá của con virus đã gây ra gần 5 triệu cái chết trên thế giới như một hồi chuông cảnh tỉnh. Bằng một tác động đa chiều, nó đẩy con người vào cảnh phải giãn cách xã hội, phải sống cùng với sự bất định. Có người khởi lên tình người bằng những hành động nhân văn, đùm bọc nhân ái. Có người bất cần, lơ là, chủ quan. Có người hoảng sợ, đổ lỗi và giận dữ. Có người cô độc. Trong cô đơn tận cùng, thì nơi ẩn náu bình yên nhất để trái tim hướng về chính là gia đình, và nguyện vọng duy nhất của nhiều người chỉ là “chỉ mong được về.” Bức tranh đại dịch và sự sám hối cá nhân được nhà văn lồng ghép, tạo nên một cấu trúc quy hồi để gỡ bỏ các nút thắt trong tiểu thuyết.   

Khai thác bối cảnh đại dịch Covid-19 như một chất liệu mới, nhưng trên thực tế, nó chỉ đóng vai trò như một dẫn liệu để Nguyễn Văn Học mở rộng và khai triển những chủ đề cấp bách mình theo đuổi. Bởi, về sâu thẳm, điều tác giả tâm niệm vẫn là nhận diện hiện trạng của những giá trị sống, giá trị nhân văn, giá trị của đức tin trong mỗi con người hiện nay, dùng con chữ để bảo vệ và nhân bản những giá trị trên, góp phần giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.

 

 

 

Phạm Minh Quân

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dam-bay-virus-thu-thach-ve-duc-tin-cua-con-nguoi-a9995.html