Sử liệu về Trường Lũy có từ khi nào?

Lê Hồng Khánh[1]

10/05/2021 21:32

Theo dõi trên

Trao đổi cùng Andrew Hardy, Nguyễn Tiến Đông, Đào Thế Đức, Federico Barocco.

tl1-1620656492.JPG
Một đoạn Trường Luỹ đắp bắng đá chạy qua xã Ba Động, huyện Ba Tơ. nằm trong hệ thống Trường Luỹ ở Quảng Ngãi

Tựa đề và đúng như tựa đề, các tác giả bài viết (cũng là một báo cáo khoa học) Trường Lũy Quảng Ngãi: Lật giở những điều tưởng là hiển nhiên trong lịch sử”[2] xác quyết rằng, nhiều điều về Trường Luỹ mà lâu nay giới sử học Việt Nam vốn xem là “hiển nhiên”, qua các chứng cứ và sự phân tích của họ, đã không còn là “hiển nhiên” nữa.

Để chứng minh cho nhận định của mình, Andrew Hardy, Nguyễn Tiến Đông, Đào Thế Đức, Federico Barocco (sau đây viết tắt là nhóm A.Hardy)[3] đã lần lượt nêu lên các chứng cứ và phân tích theo 3 nhóm vấn đề: 1) sử liệu; 2) khảo cổ học và cảnh quan; 3) nghiên cứu dân tộc học.

Trong khuôn khổ cho phép của bài viết này, chúng tôi (LHK), chỉ tập trung trao đổi với các tác giả bài viết về vấn đề thứ nhất (sử liệu), 2 vấn đề còn lại sẽ đề cập trong các bài viết sau.

Theo tóm lược của nhóm A.Hardy, nguồn sử liệu chính thống của nhà nước phong kiến Việt Nam (Quốc sử quán triều Nguyễn và các văn quan, võ tướng có liên quan đến việc xây dựng và củng cố Trường Lũy), cho biết: “các văn bản xác định rằng Trường Lũy được xây vào năm 1819, dưới triều Gia Long.”. Liền theo đó, nhóm A.Hardy cũng nêu một lưu ý, mà theo chúng tôi là căn cứ quan trọng để họ không xem điều họ vừa tóm lược là hiển nhiên. Xin trích nguyên văn:

Như vậy, các văn bản xác định rằng Trường Lũy được xây vào năm 1819 dưới triều Gia Long. Mọi thứ dường như đều sáng tỏ. Song, chúng ta cần nhấn mạnh một điều rằng không có một sử liệu nào viết về xây dựng Trường Lũy trong cùng thời gian nó được xây dựng, mà tất cả các tài liệu đều được viết nửa thế kỷ sau. Khoảng cách chênh này làm mất đi những chi tiết về điều kiện xây dựng lúc đó.”

Tôi xin dừng tại đây, để chúng ta cùng nhau xem lại. Đại Nam thực lục chính biên, một cuốn sử chính thống, do Quốc sử quán triều Nguyên biên soạn, cũng chính sử liệu mà nhóm A.Hardy đã sử dụng, chép như sau:

“Bắt đầu đắp lũy dài ở đạo Bình Man thuộc Quảng Ngãi. Lính sáu kiên đóng thú thì cấp lương tháng. Ngoài lũy trồng tre, dưới ngăn bằng hào, phía Bắc đến Già Tiển, giáp phủ Thăng Bình, dinh Quảng Nam; phia Nam đến Đồng Xanh, giáp phủ Hoài Nhân, trấn Bình Định. Địa giới dài 37.479 trượng. Lính cơ đóng thú giữ 115 bảo, mỗi bảo 10 người, cộng 1.5550 người, mỗi người cấp lương tháng 1 phương gạo.”[4]

tl2-1620656493.JPG
Lễ đón nhận Bằng công nhận di tích LSVH Quốc gia Trường Luỹ

Về thời gian biên soạn và khắc in bộ sử này, có thể tìm ngay trong trong các tư liệu đã được trưng ra ở đầu bộ sách. Dụ của nhà vua, đề niên hiệu Tự Đức năm thứ 1 [1848], tháng 12, ngày 22, có đoạn mở đầu: “Nay cử bọn Sứ quán Tổng tài là Cố mệnh lương thần, Phụ chính đại thần, Thái Bảo Cần chánh điện Đại học sĩ, lãnh Binh bộ Thượng thư sung Cơ Mật viện đại thần, kiêm lý Khâm Thiên giám, kiêm lãnh Quốc sử quán sự vụ, Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế; Ngự tiền đại thần, Thái tử Thái bảo, Đông Các Đại học sĩ, quản lý Lại bộ sự vụ, kiêm quản Quốc tử giám sự vụ, kiêm quản Tào chính ấn vụ Vũ Xuân Cẩn [...] tâu bày rằng: Kính soạn thực lục chính biên về Thế tổ Cao Hoàng đế đã xong, xin đem khắc in, xem lời tâu rất thỏa lòng.”[5]

Chúng tôi xin nhấn mạnh: “Kính soạn thực lục chính biên về Thế tổ Cao Hoàng đế đã xong, xin đem khắc in”, là một đoạn trong dụ của nhà vua vào năm 1848. Với các điển chế nghiêm ngặt nào bậc nhất lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam, đặc biệt là dưới thời 4 vị vua đầu triều Nguyễn, điều này cũng đồng nghĩa với việc biên soạn đã được bắt đầu từ rất lâu trước đó, và rất có thể, ngay từ lúc vua Gia Long (ông vua ra lệnh xây Trường luỹ) còn tại vị. Việc xây “lũy Bình Man” (Trường lũy) bắt đầu vào năm 1819, còn sử chép về nó hoàn thành vào năm 1848, nghĩa là cách nhau 19 năm. 19 năm thực tế và “50 năm” theo như các vị, sự khác nhau tưởng không cần phải bàn.

Lịch sử cũng cho biết, vị đại thần đảm nhận chức vụ Tổng tài Quốc sử quán lúc bấy giờ là Trương Đăng Quế (1793- 1865). Ông là người Quảng Ngãi, nơi mà các bậc thức giả, quan lại và đông đảo người dân, cho đến tận rất lâu về sau, thậm chí tận ngày nay, không mấy ai là không biết đến Trường Luỹ, người Hơ re và những vấn đề về miền rừng núi phía Tây, có liên quan trong lịch sử. Trương Đăng Quế cũng là người thi đỗ và bắt đầu quan lộ của mình ngay từ thời vua Gia Long, nghĩa là ông là người viết sử, đồng thời cũng là chứng nhân lịch sử.

Tại đây, xin nêu thêm, một chi tiết rất đáng lưu ý. Một trong những vị đảm nhận chức vụ trong trọng trong Quốc sử quán, dưới triều Tự Đức là Đỗ Đăng Đệ (1814- 1888). Ông này người làng Châu Sa, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi. Năm 1869 (Tự Đức thứ 22), Đỗ Đăng Đệ được  sung chức Tiểu phủ sứ Tĩnh Man (thay Nguyễn Tấn), năm 1876 (Tự Đức thứ 29) tiến thăng Thự Lễ bộ Thượng thư, sung Quốc sử quán, giữ chức Phó Tổng tài kiêm quản Quốc tử giám. Điều này cho thấy, các nhà viết sử tại Quốc sử quán triều Nguyễn, nhiều người xuất thân từ  Quảng Ngãi, không chỉ am tường mà còn là người từng trực tiếp giữ nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở Tĩnh Man trường luỹ.

Với những người viết sử như thế, cộng thêm với thời gian biên soạn như phân tích ở trên, liệu có thể nói “Khoảng cách chênh này làm mất đi những chi tiết về điều kiện xây dựng lúc đó” hay không?

tl3-1620656493.JPG
Một đoạn thành kè đá thuộc bảo Thiên Xuân (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), nằm trong hệ thống Trường Luỹ

Cũng xin lưu ý, trong một bộ sử chính thống khác, mà nhóm A.Hardy có sử dụng là “Hoàng Việt nhất thống địa dư chí”[6], do Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định biên soạn theo lệnh vua Gia Long, khởi biên vào năm Gia Long thứ 2 (1802), hoàn thành, dâng sách lên nhà vua năm Gia Long thứ 5 (2005), đã đề cập đến Lục kiên cơ (6 đạo Bình man) và các đồn luỹ miền tây, thuộc dinh Quảng Ngãi, có liên quan mật thiết đến Trường Luỹ, khá cụ thể. Điều này tạo nên sự khác biệt rất rõ với dinh Quảng Nam (phía bắc Quảng Ngãi) và dinh Bình Định (phía nam Quảng Ngãi).

Chúng tôi sẽ phân tích điều này, trong bài viết tiếp theo, liên quan đến những vấn đề mà nhóm A.Hardy đề cập trong báo cáo của mình.

tl4-1620656492.jpg
 Nhóm A. Hardy và cộng sự khảo sát Trường Lũy tại thực địa.
tl5-1620657034.JPG

Bộ trường VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh thăm Trường Luỹ năm 2011

LHK


[1] Làm việc tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi.

[2] Andrew Hardy, Nguyễn Tiến Đông, Đào Thế Đức, Federico Barocco: Trường Lũy Quảng Ngãi: Lật giở những điều tưởng là hiển nhiên trong lịch sử. Bài viết này chính là bản báo cáo khoa học đã được trình bày trong một cuộc hội thảo tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12 năm 2019, sau đó in lại trên Tin Sáng online, địa chỉ https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Truong-Luy-Quang-Ngai-Lat-gio-nhung-dieu-tuong-la-hien-nhien-trong-lich-su-20849 31/12/2019 07:06 -

[3] Đây cũng là nhóm làm việc từ khá lâu ở miền Tây Quảng Ngãi, từng khảo sát, nghiên cứu và lập hồ sơ Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Trường Luỹ Quảng Ngãi, hơn 10 năm trước. Chúng tôi (LHK) tự nhận họ là những người bạn khá quen biết, cả ngoài đời, lẫn trong nghiên cứu về miền Tây Quảng Ngãi.

[4] Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, Quyển LIX- Thực lục về Thế Tổ Cao Hoàng đế.  NXB Giáo dục, Hà Nội, năm 2001, trang 987. Kỹ mão, Gia Long thứ 18- 1819.

[5] Như trên, trang 192

[6] Lê Quang Định . Hoàng Việt nhất thống địa dư chí. Bản dịch Phan Đăng. NXB Thuận Hoá và Trung tâm văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản. Huế. 2005

Bạn đang đọc bài viết "Sử liệu về Trường Lũy có từ khi nào?" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn