Tháng 5 năm 2022, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đang diễn ra ác liệt, cả hai bên đều có các con số thương vong, vô số tài sản, công trình bị phá hủy, và rất nhiều tù binh, hàng binh cả hai phía, đặc biệt là hơn 2400 lính hàng binh Ukraine từ nhà máy thép Azovstal. Việc ứng xử, đối xử với hàng binh, tù binh là vấn đề nhạy cảm, nhất là khi họ cùng dân tộc, cùng tiếng nói.
Tôi theo chân đoàn nhà nghiên cứu để tham gia một tọa đàm. Tọa đàm có nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý nội dung về một di tích lịch sử, một công trình xây dựng nhỏ hiện đang nằm ở trong vườn một nhà dân tại Tản lĩnh, Ba vì, Hà nội. Theo phó bí thư Tản lĩnh, anh Phùng Anh Tuấn, sinh năm 1968: “Tôi sinh ra, lớn lên gần công trình này, ngày ngày đi học, đi chăn bò qua nó. Lớn lên, đi xe, đón xe cũng lấy tên địa điểm để hẹn, đó là cổng làng Việt – Phi, hay cổng Nông trường Việt – Phi và còn được gắn tên Cổng làng Ma rốc.”
Hai bố con anh Thanh, chủ nhà, được báo trước nên mở cổng đón chúng tôi vào. Một cái cổng tam quan cao cơ 5-6 mét. Cũng chia làm 3 phần như đa số cổng làng Việt Nam. Giữa có khoảng không gian rộng và hai bên là hai cổng phụ. Công trình nằm gọn trong vườn nhà một hộ dân. Có lẽ vậy, không nhiều người để ý nếu không biết từ trước. Cổng sao chép trung thành phong cách Ma-rốc cổ điển, có chiều cao tám thước, với vòm cổng, cột trụ và những dải phù điêu trang trí với bốn trụ tròn vững chãi, đỡ ba vòm lớn trang trí bằng họa tiết của những thành lũy Arab cổ xưa.
Thời gian dài trước đây, khi nông trường Ba vì phân tán, nhà dân được phân chia cát cứ đất nông trường. Nhà anh Thanh ôm trọn cái cổng xây này. Do thiếu nguyên vật liệu xây dựng, nhiều gạch, sắt… đã bị gỡ dần và cùng thời gian, nó trở thành phế tích.”Nhiều người khuyên tôi đập bỏ nó đi cho gọn vườn, nhưng tôi vẫn giữ lại.” Anh Thanh kể.
Ngược dòng lịch sử, trong cuộc tọa đàm, các thông tin về Cổng Maroc rất thú vị, cái cổng bé mang nhiều ý nghĩa to lớn, không chỉ cho Việt Nam mà cho rất nhiều quốc gia liên quan. Nhất là việc ứng xử với tù binh, hàng binh trong chiến tranh khi đang diễn ra.
Trong chiến tranh Việt Nam, Pháp huy động lực lượng lính đánh thuê từ khắp thế giới, rất nhiều từ các nước Bắc Phí trên 50 ngàn người, trong đó các lính từ Maroc. Quân đội Việt Nam khi đó vừa chiến đấu, vừa tuyên truyền. Bác Hồ với quan hệ của mình, đã liên lạc với Đảng CS Maroc yêu cầu giúp đỡ. Cuối những năm 1940, Đảng Cộng sản Maroc cử ông M’hamed Ben Aomar Lahrach, một Uỷ viên trung ương, sang chiến đấu cùng nhân dân Việt Nam. Theo giáo sư Abdallah Saaf, lời đề nghị của Việt Nam được Uỷ ban phụ trách các vấn đề thuộc địa của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp chuyển tới. Bác Hồ khi đó đặt tên cho anh ta là Nguyễn Chiến Mã và còn gọi là Anh Mã.
Mục đích việc mời Anh Mã sang giúp chính là tuyên truyền, vận động lính đánh thuê ra hàng và đầu quân cho quân đội Việt Nam! Rất nhiều lính Maroc khi đó, là những thanh niên nông thôn nghèo ở Maroc, được lôi kéo thành linh đánh thuê. Sang Việt Nam, nhìn con người nhỏ bé và nghèo đang chống lại họ, họ đã rời bỏ hàng ngũ và sang đội quân Việt Nam rất nhiều. Có khá nhiều câu chuyện áp giải tù binh, hàng binh. “Linh Việt Nam nhỏ bé, ôm súng áp giải, khi qua suối, sợ ướt súng, hàng binh Maroc cao lớn đã ôm súng và ba lô hộ, sang bờ bên kia lại đưa súng cho anh lính Việt Nam áp giải tiếp…” TS Lê Phước Minh chia sẻ và kể tiếp: “Hàng ngàn lính Lê dương đầu hàng và bị bắt, nhiều người tham gia vào quân đội Việt Nam, nhiều người được đưa về các dịa phương ổn định cuộc sống.”
Từ 1953, 300 hàng binh, tù binh Âu - Phi, trong đó phần lớn lính Maroc được đưa về Tản lĩnh Ba vì, Hà nội. “Sau đó có thêm 100 Việt kiều từ Thái lan. Khoảng 200 người đã lấy vợ Việt Nam thành 200 gia đình ở đây.” TS Ngô Tự Lập chia sẻ và chỉ xung quanh. “Ngoài cổng làng, còn có khu nhà ở. Sân rộng, hội trường… nay không còn nữa.”
Năm 1954, hòa bình lập lại, Chính phủ Việt Nam cho thành lập nông trường Việt – Phi và những hàng binh, tù binh, không chỉ được đối xử tốt, chăm sóc cuộc sống, nông trường Việt – Phi ở Tản lĩnh đã tạo công ăn việc làm cho họ, ổn định cuộc sống. Chăn nuôi bò sữa, trồng cấy nông nghiệp. Họ đã gắn bó như quê hương mình. Tuy hơn 400 người ban đầu, thuộc hơn 20 quốc gia, dân tộc khác nhau, nhưng đa số là Maroc, năm 1963, theo sáng kiến của Anh Mã, để cho giống như ở quê hương, họ đã xây một số công trình, trong đó có cổng làng, một cái cổng đặc biệt với kiến trúc Maroc đặc trưng. Cổng làng được gọi tên theo nơi họ ở “Cổng làng Việt – Phi”, “Cổng nông trường Việt – Phi” và nhân dân quanh vùng cũng coi đây là một địa điểm sinh hoạt văn hóa bấy giờ. “Thể hiện một quan điểm rất nhân văn của người Việt Nam chúng ta.” TS Đặng Quốc Bảo phát biểu.
Do cảnh quan đẹp và có ý nghĩa quốc tế nên các vị khách nước ngoài lúc bấy giờ thường lui tới nghỉ ngơi viết lách tại nông trường như nữ văn sĩ Pháp Madeleine Riffaud, nhà báo Australia Wiliam Buchet, đạo diễn điện ảnh Nga Agida Ibrahim, đạo diễn điện ảnh Việt Nam Phạm Văn Khoa, Tổng Bí thư Đảng CS Ma-rốc Aliyata, cán bộ Đảng CS Angeria Cherifi cũng từng lên gặp gỡ anh em ở đây.
Đến năm 1969, một nữ giáo sư Đại học Văn khoa Paris đến thăm cổng Maroc và nhận thấy đây là một biểu tượng đầy tính nhân văn. Bà đã đề nghị Hòa thượng Thích Chơn Thiện, bấy giờ là Đại biểu Quốc hội, đặt tên cho chiếc cổng này. Cái tên Linh Quang Môn ra đời từ đó với ý nghĩa là nhân loại rộng lớn nhưng có mẫu số chung là tình người và cho dù trong hoàn cảnh khốn khó nào, điểm linh quang vẫn có thể phát sáng dẫn dắt con người ra khỏi mê tối, hướng thiện.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2008, Thủ tướng Maroc Abaddi Nejaned đã đến thăm Cổng Maroc. Bên cạnh chiếc cổng chào, Đại sứ quán Maroc đã cho dựng một tấm bia ghi lại lịch sử của di sản này với lời kết: “Cánh cổng này đã nhiều năm chống chọi lại với sự tàn phá của thời gian, là tài sản chung, biểu tượng cho tình đoàn kết giữa con người với con người”.
Khi hàng binh Maroc rời đi năm 1972, vẫn còn 3 gia đình con cháu hàng binh bị mắc kẹt ở lại do không chứng minh được nguồn gốc Maroc vì bố họ đã chết trước đó. Đại sứ quán Maroc tại Hà Nội đang hỗ trợ các gia đình này xin quốc tịch Maroc để hồi hương theo nguyện vọng. Tháng 2/2014, hãng thông tấn Aljazeera đã có phóng sự mang tên “40 năm cô đơn” kể về 3 gia đình con cháu hàng binh Maroc hiện sống tại huyện Đoan Hùng, Phú Thọ và những góa phụ người Việt của hàng binh hiện đang sinh sống tại Maroc.
Anh Mã, người đã cảm hóa được nhiều binh lính Âu Phi, đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến của Việt Nam. Đối với những người lính Bắc Phi, Anh Mã trở thành một huyền thoại. Anh rời Việt Nam năm 1960 với nhiều huân chương và thanh gươm do đại tướng Võ Nguyễn Giáp tặng.
“Tôi sẵn sàng rời nhà đi chỗ mới để nhà nước quy hoạch lại thành khu di tích với cổng làng này.” Anh Thanh, người chủ mảnh vườn có công trình cổng làng Maroc nằm bên trong đã nói như vậy vơi các cơ quan chức năng. Anh cũng đã vui vẻ chặt một số cây trong vườn (được “mua lại” để đoàn khảo sát có thể quay phim, chụp ảnh chuẩn bị cho việc tôn tạo. “Cổng làng Maroc, sau khi tu sửa, đã gắn tên lên trên đó, không đúng như nguyên bản.” TS Ngô Tự Lập không đồng tình với cách tu sửa như vậy. Anh cũng chia sẻ thêm. “Về tên gọi, do Sứ quán Maroc tham gia trùng tu và thông tin quảng bá, tuy nhiên, Làng Việt Phi, nông trường Việt Phi với hơn 400 người, 200 gia đình Việt – Âu – Phi bao dung nhóm người của hơn 20 quốc gia, dân tộc khác nhau, không chỉ có người Maroc. Với tên Việt – Phi sẽ có ý nghĩa bao trùm lớn hơn nhiều.”
Trong nhiều văn bản mới đây, báo chí mới và trên chính công trình sau trùng tu và biển thông tin đang ghi với tên là “Cổng Ma Rốc”, cũng rất là xứng đáng nhưng chưa nói lên đủ ngữ cảnh của lịch sử. Sự khôn khéo, lòng bao dung và cách ứng xử của người Việt Nam với đội quân đánh thuê từ khi dụ hàng, thành hàng binh, tù binh và được sinh sống như công dân Việt Nam.
Như bà phu nhân tổng thống Francois Mitterrand nước Cộng hòa Pháp từng nói khi thăm Việt Nam có chia sẻ, đại ý: Người Mỹ có thể yên tâm, người Việt rất bao dung, mới 40 năm qua, nhưng người Việt đã rất thân thiện với người Pháp. Người Mỹ chắc sẽ được chào đón nhanh thôi. Đúng vậy: “Người Việt ghét chiến tranh, ghét người cầm quyền ra quyết định chiến tranh, nhưng nhân dân nước đó không có hận thù gì…” TS Lê Phước Minh kể câu chuyện khi người Iran có hỏi anh về việc bình thường hóa với Mỹ của Việt Nam. Iran cũng đang từng bước mong muốn được bỏ cấm vận.
Quay lại cuộc chiến Nga – Ukraine, đến ngày hôm nay, tù binh, hàng binh hai bên vẫn đang tăng con số. Thậm chí bài báo mới nhất nói, người Ukraine đang thu lượm xác lính Nga để bảo quản, đánh dấu, nhận dạng để sẵn sàng cho các cuộc trao đổi tù binh. Chiến tranh là chết chóc, gây hận thù. Nhưng nếu có thể Tuyên truyền để địch vận: “Có lẽ Hồ Chí Minh là người duy nhất trên thế giới đặt tên quân đội của mình là đội quân “tuyên truyền” chứ không phải là “võ trang”. Trong Chỉ thị thành lập đội Việt Nam truyên truyền giải phòng quân, ông viết: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TRUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền” (Trích bài của TS Ngô Tự Lập).
Nông trường Việt Phi, nông trường Ba vì, đã thay đổi, tư nhân hóa, diện tích nông trường thu hẹp, cơ cấu, cơ chế thay đổi, quy hoạch đia phương thay đổi. Cảnh quan xưa cũng không còn. Tuy nhiên, ký ức là còn mãi. “Địa phương mong muốn được các chuyên gia, các nhà chuyên môn vào cuộc, thu thập thông tin, ghi nhận và hình thành hồ sơ để trình lên thành di tích Quốc gia, thậm chí thế giới về tính nhân văn của bên lề cuộc chiến, cách ứng xử, đối xử với tù binh, hàng binh chiến tranh. Biến nơi đây thành di tích Văn hóa, một địa danh thu hút tham quan học hỏi du lịch cho địa phương." Phó bí thư Tản Lĩnh Phùng Anh Tuấn chia sẻ.
TS Ngô Tự Lập, TS Đặng Quốc Bảo, TS Lê Phước Minh và các đồng nghiệp cũng đã dành thời gian suốt hai năm qua đi thu thập thông tin, hiện vật, gặp gỡ các nhân chứng, khảo sát các địa danh, mong muốn có một bức tranh, một cái nhìn khách quan về sự kiện lịch sử, phản ảnh tính nhân văn của lãnh tụ, chính phủ và nhân dân Việt Nam trong những năm kháng chiến. Rất mong những ai, những nhân chứng, có thông tin, có ảnh chụp, có câu chuyện… có thể chia sẻ với các chuyên gia.
24 tháng Năm năm 2022 - DDVP
Đặng Vân Phúc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cong-lang-ma-roc-cong-lang-viet-phi-a12745.html