Lính Trung đoàn (Chuyện kể nhân kỷ niệm 48 năm ngày chiến thắng 30/4).

Thân tặng các anh: Chí Trường, Minh Khuyên, Dương Phú, Công Đường, Phạm Đảm, Huy Bảy, Đức Cường và Dũng sĩ diệt Mỹ : Vi Văn Bê, cùng các CCB E270 .

Được mang tên " Lính Trung đoàn" , tất nhiên phải có nguyên do của nó chứ . Lính Đại đội được nâng cấp lên danh hiệu cao , oai thế cơ mà .

Chả là chúng tôi , những chiến sỹ ở khắp các đơn vị trực thuộc Trung đoàn , đang trong thời gian tập trung huấn luyện , chuẩn bị bổ sung cho chiến trường Bê . May mắn thay được Thủ trưởng Trung đoàn Nguyễn Thế Vân(*) , người rất mê bóng đá , điều lên để thành lập đội bóng đá "chân giày...bộ đội" vào mùa hè năm 1973 . Câu chuyện cách đây đã năm mươi năm rồi . Nay tuổi già nhớ bạn , hồi tưởng kể lại những kỷ niệm vui , buồn của một thời trai trẻ .

b1th1q-1682908011.jpg

Sử dụng ảnh của đồng đội dùng để mình họa.

Làng Võ thuận Tây Trạch là Trung tâm tập luyện , ăn ở và đấu trận của chúng tôi ... chủ yếu với các bậc trung niên trong làng . Phải nói các bố nông dân chính hiệu ở đây ngày hai bữa sắn , một bữa cơm mà chạy khỏe gần như không biết mệt , lính nhà ta cơm nước đầy đủ , mỗi khi cần đua sức , đuổi theo đến " bở hơi tai" vẫn không địch nổi , trận nào thắng được trai làng , anh em cũng "trầy da , trợt vảy " .

Đội trưởng Thượng sỹ quân y Nguyễn Khuyên quê Hưng Yên , Đội phó Trung sỹ Vũ Minh người Ba đồn , còn lại hơn chục chiến sỹ từ Binh nhì đến Hạ sỹ quê khắp mọi miền . Trong đội còn có hai cầu thủ "không chuyên" : Thiếu úy Đại phó Vi Văn Bê , Trung úy Đại trưởng Nguyễn Văn Nhất - là quân từ chiến trường Quảng trị ra làm khung , mỗi khi có trận thi đấu với đội nào đó mới có lệnh điều động bổ sung . Chàng trai lớn tuổi nhất là thủ môn Hạ sỹ Hoàng Bé (*) biệt danh "Bé diệc" , người làng Bảo ninh quê mẹ Suốt , là lính cựu đã 30 tuổi , dáng khều khào , cao to , hiền lành , mặt lúc nào cũng đỏ như gà chọi . Đẹp trai trắng trẻo và điệu đà nhất là chàng Hạ sỹ Chí Trường , người thành phố Vinh , làm "thợ " cơ công , anh em đặt cho cái tên " Trường điệu " bởi thanh niên này cười cũng điệu , hát cũng điệu và đá bóng thì điệu đến độ ...dẻo hơn Văn công múa . Rồi lão già hay ba hoa khoác lác , vui vẻ nhất đội là Binh nhì Đậu Dung (*) người Hưng nguyên , đã có vợ và hai con gái , công nhân lâm nghiệp mới nhập ngũ , đến đây được nhận ngay cái biệt danh "Dung ba toác" . Ôi chao , lão có cả một kho chuyện tiếu lâm , lão ta kể chuyện ngày ấy trên đường hành quân vào đây , được đơn vị cho tranh thủ về thăm vợ đúng một buổi ( anh em vẫn nghi lão tự giải quyết trốn về ) , vừa đặt chân trước cửa nhà , vội vàng cởi phăng ba lô , chạy ra vườn tìm vợ , kéo vào tâm sự ngay , cô vợ thương chồng liền bảo :" anh mới đi xa về còn mệt ..." , hắn ta cười toe toét : " Anh ngồi trên xe chứ có cuốc bộ mô mà mệt ! " ... , không biết thêm bớt nhiều , ít gì không mà làm cho đám lính trẻ cười đến toé nước .

Thôi thì to nhỏ , trẻ già ở với nhau trở thành bạn bè tất . Không khí vui vẻ nhất là đêm nào cũng có chuyện để kể cho nhau nghe , mấy "cụ" đã cưới vợ rồi thường khoe những chuyện hơi...táo bạo , nhưng có vẻ rất thật , bọn trẻ như tôi thì ngồi nghe cứ "ngẩn tò te " chẳng biểu "mô tê răng rứa " chi cả . Say sưa và tò mò nhất là khi được nghe chuyện của Binh nhất "lắm tuổi già khọm" Dương Phú người Thanh hóa , nguyên gốc công nhân khảo sát lâm nghiệp , có tên mới " Phú chìa" , chàng ta viết chữ tuyệt đẹp và có năng khiếu kể chuyện tình yêu rất hấp dẫn , chắc là nhờ có kinh nghiệm đã trải qua ba mối tình bốc lửa , khéo thêm mắm , thêm ớt vào nên khêu gợi lắm , có đêm anh ta kể chuyện đến ba giờ sáng , mấy cậu choai choai ngồi nghe say sưa , cứ nuốt nước bọt hoài và tỉnh như sáo .

Sự tích cái tên " Lính Trung đoàn " , xuất phát từ chuyến đi huấn luyện hành quân giã ngoại của toàn đơn vị , hai chàng "lính cậu" là " Trường điệu"và "Đường gù" đang làm nhiệm vụ gần khu vực Khe Cóc nhận được lệnh rút về vùng bờ biển , đi đến đoạn qua suối , gặp ngay chỗ nhìn thì cạn mà lội xuống thì sâu , đành quay lên cởi hết quần áo đội đầu đi rất tự nhiên , chưa sang đến bờ bỗng nghe ồn ào tiếng con gái cười nói , ôi thôi lộ hết rồi còn gì nữa , hai chàng vội vàng lội ào ào , tay che kín chạy vô bụi cây mặc quần áo . Họ gặp nhau trên một bãi cát nhỏ ven suối , ngượng và xấu hổ nhưng... "lính mà em !" . Với vẻ nghiêm túc , lão " Đường gù" tự giới thiệu : Báo cáo ! Chúng tôi là lính Trung đoàn ... , nói đến đó tắt nghỉm vì chưa nghĩ ra đoạn tiếp theo . Bốn cô thanh niên xung phong cố nhịn cười , một cô như là A trưởng , mặt rất tươi , nhẹ nhàng nói : Đơn vị chúng em ở gần đây , mời hai anh ghé vào nghỉ chân uống nước ! Hai lính trẻ liếc mắt nhìn nhau và...cùng gật đầu đồng ý . Khỏi phải bàn , bên khách có hai trai tơ , mà bên chủ lán có tới mười cô gái mơn mởn , cả hai phái đều biểu hiện chung tâm trạng : Thích quá ! Nhưng không bên nào dám thổ lộ ra . Chàng "Đường gù" trong bụng thì "ưng hung" nhưng ăn nói quá vụng về , nên tỏ ra khá lúng túng . Còn chàng "Trường điệu" đẹp trai thì chỉ cần nhếch mép cười , để lộ ra cái răng khểnh duyên dáng đủ làm cho mấy chiến sỹ bẹp "tim phát sốt , run bần bật" . Hôm đó lại đúng vào chiều thứ bảy , chị em trong đơn vị đang háo hức chờ đến đêm để được nghe "Câu chuyện cảnh giác" và chương trình "Sân khấu truyền thanh" , thế mà rủi thay cái đài Lido của đơn vị lại giở chứng câm tịt , không chịu phát ra tiếng nào ...

.P.H

( Những dấu (*) , Là để biểu hiện các đồng chí đã mất ).

Trái tim người lính

Phê Hồng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/linh-trung-doan-chuyen-ke-nhan-ky-niem-48-nam-ngay-chien-thang-304-a18716.html