Với sen - tôi viết “Những vẻ đẹp khác “!

Đó là tên tập thơ thứ sáu của tôi đã ra mắt độc giả  từ năm 2014! Tôi yêu hoa sen và đã viết khá nhiều thơ về hoa sen, qua hình tượng hoa sen để ngợi ca tâm hồn đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, của người Việt  qua hình ảnh và muôn sắc thái của hoa sen.

tranh-phuong-thao-6-1637809523.jpg
 
 

 

Xin đăng lên giới thiệu bài  viết "Bùn toả hương trong sen" của nhà thơ Vương Trọng! Ông đã có những cảm nhận khá sâu sắc về tập thơ "Những vẻ đẹp khác" của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo. Trân trọng cảm ơn ông!

Tranh hoa sen do Phạm Thị Phương Thảo  tự vẽ, bao gồm : Sum họp- Bùn và Sen - Vũ hội sen - Giấc Sen.

BÙN TỎA HƯƠNG TRONG SEN!

  (Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG- Nhân đọc tập thơ “ Những vẻ đẹp khác” của Phạm Thị Phương Thảo).

Những người mới làm thơ thường lấy việc đăng báo, in sách làm tiêu chí phấn đấu, nhưng điều đó không đúng với những tác giả đã có thành tựu thi ca và đã thành danh. Phạm Thị Phương Thảo đã xuất bản sáu tập thơ rồi, nên chuyện in ấn thơ với chị không còn quan trọng nữa, mà chị cốt sao cho thơ mình ngày càng hay hơn, gây ấn tượng hơn với bạn đọc. Đây cũng là vấn đề trăn trở của nhiều nhà thơ, và mỗi người chọn một cách giải quyết.

Phương Thảo không thỏa mãn với những gì mình đã viết và tất nhiên không muốn đi vào lối mòn có sẵn, chị muốn đi tìm “những vẻ đẹp khác” trong thơ, với một cách nhìn khác, và ngay tên tập thơ này đã nói lên  một phần điều đó. Nhưng chị không chạy theo hình thức như một số người nhân danh đổi mới thơ, chị tìm cách làm mới thơ mình từ nội dung đến cấu tứ, chị bỏ qua những thứ thường tình quen tai để đi  tìm “vẻ đẹp khác”, mà bài thơ “Bùn thơm trong sen” là một ví dụ điển hình.

Từ mấy câu ca dao quen thuộc về sen và bùn, mối quan hệ SEN- BÙN đã được nhiều người bàn đến, nhưng phần lớn chỉ bàn về mặt lý luận, còn Phương Thảo dùng thơ ca ngợi bùn, không ca ngợi theo kiểu bùn nhận hết bao sự hôi tanh để cho sen thơm, mà chị khẳng định “Bùn tỏa hương trong sen”, hương sen chính là hương bùn đấy!

“Những lời tuyệt diệu đời dành hết cho sen

Mấy ai nhìn thấy sự lộng lẫy của bùn? “

Cách lập tứ ở bài thơ này có tính chất “phản biện“ lại những lập luận quen thuộc, nên chỉ đọc một lần, dù lời thơ chưa thuộc thì chúng ta đã lĩnh hội được tứ thơ. Sự phản biện này không phải là kiểu nói ngược, thiếu căn cứ, mà chị có lập luận hẳn hoi: với chị, bùn không chỉ gần gũi, mà có khi còn rất thân thương:

“Bùn ngấm trên sợi tóc

Những người bà, người mẹ, người vợ, người chị chúng tôi

Những người đàn bà âm thầm gieo cơn mơ đáy nước…

Kết nụ trong tôi

Trổ những đóa sen tươi

Lấp lánh…”

Như thế, Phương Thảo đã kéo bùn từ phía xa cách của tình cảm đến  gần gũi, trân trọng và hình ảnh SEN  đã theo chị gần như xuyên suốt tập thơ.

tranh-phuong-thao-3-1637809333.jpg
 

 

Ở bài “Chân trời”, tác giả lại tìm “vẻ đẹp khác” ở nơi xa xôi về mặt địa lý. Với đa số chúng ta, chân trời là biểu tượng của ước mơ, khát vọng, của nơi mà mình không thể tiệm cận. Nhưng với Phương Thảo thì cảm nhận mình đã chạm tới miền khát vọng ấy:

“Và chân trời rất gần đã dịu dàng đậu xuống vai tôi

Đã khe khẽ dâng lên thứ hương đồng cỏ nội…

Đã chạm xuống trên trang thơ viết dở

Đâu đó những búp sen khép nụ

Sau đêm trở dạ còn lấp ló hơi bùn… .”

  Cảm nhận của tác giả tôi tin là chân thực, tuy nhiên khó lý giải tách bạch cho người khác.

Cách lập tứ theo lối phản biện này ta còn gặp ở nhiều bài khác. Đó là “Vẻ đẹp của cô đơn” là tên một bài thơ,  hay như câu thơ:

“Trong ký ức tuổi thơ tôi non nớt

Bà tôi lưng còng

Không đi chợ trời mưa…”

Kỷ niệm quê hương là đề tài tưởng như

quen thuộc, nhưng Phương Thảo đã cố tránh lối mòn, ngay cả khi đặt đầu đề cho các bài thơ- “Giấc mơ châu chấu”chẳng hạn. Bài thơ có khá nhiều câu hay:

“Con đường khép nép dưới lùm cây

Thu mình sợ những tơ non cỏ dại…

Người quê tôi còng lưng gánh nùi”

Và:

“Đường uốn cong tôi từng nét vẽ lưng đồi

Núi đổ vào tôi

Hoàng hôn cuống quýt rơi...”

Tính từ “khép nép” ở câu trên, trạng từ “cuống quýt” ở câu cuối và cách diễn đạt “ đường uốn cong tôi” cũng nói được khá nhiều ý thức tránh sự thường tình và khẳng định sự trưởng thành trong sáng tác thơ của tác giả.

Lối diễn đạt này chúng ta còn được gặp nhiều trong các bài thơ khác:

“Cái ngủ trên lưng tôi xao xác ngón tay bà”

(Bà nội)

Ngôi nhà xinh

Nơi Cha lợp kín tuổi thơ tôi

Bằng cỏ gianh óng ả

Vàng nắng lửa triền đồi...

(Đồi cỏ gianh)

 

Chiều buông tóc ngập kín bờ vai núi

Hương Quế, Pơmu

Loang ký ức xa mờ

 

Nắng sém màu tuổi thơ

Những người đàn bà

Bao năm rồi vẫn còng lưng gánh núi

(Người đàn bà trỉa bắp)

 

Ta trở lại nơi

Không tìm được vết mòn con đường cỏ

Tiếng sáo buồn H mông tan loãng trong kiếp gió

Hoa mua nở tím chiều

Vòng tay núi giăng giăng thả bùa yêu...

( Người núi)

……

tranh-phuong-thao-2-1637809332.jpg
 

   Ngay đối với những bài thơ có tứ quen thuộc, như viết về một vùng đất, Phạm Thị Phương Thảo cũng có ý thức tìm ra điều mới mẻ từ ý tứ đến cách diễn đạt như bài Đà Lạt:

Em duỗi dài trong mùa sương trắng

Đầu gối lên trầm mặc

Cao vút một chiều Lăng Bi Ăng…

 

Vòng tay đèo đơn côi

Xiết chặt eo ngang lưng chừng núi

Say say một mùa Dã Quỳ ơi…

( Đà Lạt)

Nhiều năm công tác ở Bộ Y tế và từng là Viện phó Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, Phạm Thị Phương Thảo có điều kiện đi nhiều nơi, từ Bắc chí Nam, hết miền xuôi lên miền núi. Điều kiện công tác cũng là điều kiện cho thơ được dịp thăng hoa, để bạn đọc gặp nhiều địa danh đẹp đẽ của đất nước đã xuất hiên trong tập thơ này. Nhưng xuyên suốt, có một đề tài, hay một hình tượng luôn được chị quan tâm nhiều nhất đó là SEN và đằng sau đó ta thấy hiện lên  thấp thoáng dáng dấp của những người phụ nữ.

Từng búp gió

gói sen vào nhung nhớ

Nước mắt trời

đọng giọt lóng lánh xanh…

tranh-phuong-thao-1-1637809332.jpg
 

Dù chị đã lý giải “bùn thơm trong sen”, nhưng sen trong thơ chị khi nào cũng đẹp, cũng đáng yêu và rất thơ.

Gió tràn vũ hội Sen

Ngòn ngọt đưa đẩy những tòa đêm 

Nụ cười  thảo thơm khởi nguồn từ bùn đất

Nắng ảo vọng

Sen đung đưa tóc ngọc

mơ màng trong vũ điệu Slow…”

Ngoài sen ra, có một động từ, có khi là danh từ thường thâm nhập vào cảm xúc của tác giả, đó là THỞ, tiếng thở  hoặc HƠI THỞ như: “ Hơi thở đêm ướt sẫm” hay :

Chiều Tây Hồ

thu run run tiếng thở

Này mắt hoa

tim tím đậu trên cành…

(Nước  mắt sen)

Dù xuất hiện trong nhiều bài, nhưng xuất hiện ở chỗ nào cũng hợp lý và có khi trở nên đắc địa. Đó hoàn toàn là chủ tâm của tác giả chứ không phải chuyện ngẫu nhiên.

“Có một loài hoa

dịu dàng như hơi thở

Búp tím ngọc ngà

còn xanh thắm ăn năn…”

Về nghệ thuật thơ, như trên đã nói, tác giả có ý thức làm cho ý thơ luôn mới mẻ và thơ hơn. Phần lớn chị viết theo thể thơ tự do, đó là cách để chị  có thể chuyển tải  đến kiệt cùng ý thơ một cách nghệ thuật. Chị không lấy sự dễ nhớ, dễ thuộc của bài thơ làm tiêu chí, nên với thơ chị, bạn đọc dễ lĩnh hội được ý mà khó thuộc lời. Phải chăng đó chính là quan niệm thơ của chị?

 

Tháng 10- 2014 -  VT

Phạm Thị Phương Thảo - Vương Trọng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/voi-sen-toi-viet-nhung-ve-dep-khac-a8386.html