Đám cưới trên trận địa

Nguyễn Duy Hiếu

06/09/2022 16:20

Theo dõi trên

Đối với người lính, thì tình yêu cao quý nhất là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, bạn bè và tình yêu đôi lứa cũng đặc biệt đến nhường nào… Mối tình của nữ thông tin liên lạc và người lính pháo binh nảy nở từ những ngày chiến đấu gian khổ ở biên giới, trải qua bao gian lao vất vả và họ đã có một đám cưới đẹp như mơ...

dh-25345-1662455978.jpg
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Cuối tháng 12 năm 1978, Hải Dương được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình sau 3 năm nhập ngũ. Với chiếc ba lô, vài bộ quần áo lên đường cuốc bộ từ Ba Chẽ ra Tiên Yên đi nhờ xe. Quê của Dương ở tận Hà Tĩnh. Có lẽ vì may mắn, cho nên được đồng chí lái xe chở quân nhu cho đi nhờ một chặng xuống thị xã Hòn Gai (thành phố Hạ Long bây giờ). Sau hai ngày lận đận, cuối cùng anh cũng về đến quê hương, với niềm vui khôn tả. Dương chạy nhanh về nhà nhưng không thấy có ai, gọi to lên thì được hàng xóm nói rằng: mẹ đang đi làm ngoài ruộng chưa về. Thế là Dương rời ngay ba lô, đặt đòn gánh lên vai mãi đến trưa mới được nghỉ về nhà. Vừa ăn cơm xong, mẹ bảo ngay: 

- Lần này về lấy vợ đi chứ, mấy đứa cùng tuổi mày đã có con cả rồi.

Thấy buồn cười, suốt mấy năm đi lính có biết yêu là gì đâu mà giờ về nhà mẹ lại bảo đi lấy vợ, Dương rất thương mẹ, nhìn vẻ mặt mẹ rất ưu tư, anh nói nhỏ nhẹ:

- Con là lính làm gì có ai mà lấy. Vả lại con và đồng đội đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc… 

Mẹ anh đứng dậy, nhìn như người từ nơi khác đến rồi vỗ vào vai mấy cái: 

- Mày nói là không có ai! Thế cái Soa ở làng bên thường hay đến nhà mình chơi và nhiều hôm trời rét căm căm, nó ở lại đun nước cho mẹ tắm mà lị. Con bé hiền và ngoan, năm ngoái nó còn sang chào để ra Hà Nội học.

Nghe đến đây mới thấy hơi ngạc nhiên và không biết chuyện gì đã xảy ra. Mẹ Dương mới bắt đầu kể lể: “Trong làng đồn rằng thằng Dương nó yêu con Soa học sau một lớp. Từ ngày đi bộ đội chúng nó vẫn thư từ cho nhau, lần này về phép chắc có đám cưới to nhất làng đây…”. Mọi người dần dần cứ ầm lên, loan truyền cho nhau chẳng ra đầu, ra đuôi gì cả. Hồi đấy con gái mà lấy lính là hãnh diện lắm, đi đâu cũng khoe với bạn bè. Tuy còn 3 ngày phép nữa, nhưng anh đã vội vã lên đường trở lại đơn vị với một mong muốn duy nhất là cùng đồng đội canh giữ biên cương. Bởi anh hiểu rằng: đồng bào các dân tộc biên giới đang bị bọn bành trướng Bắc Kinh ngày đêm dày xéo. Nhiệm vụ thiêng liêng của tuổi trẻ lúc này là phải chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Thế là, lôi thôi lếch thếch chiếc ba lô trên vai anh đi bộ một mạch ra thành phố Vinh, lên tàu hỏa ra Hà Nội. Ngày đó, làm gì có phương tiện nhiều như bây giờ. Sau những ngày đêm vất vả, cực nhọc rồi anh cũng đến được đơn vị.

Nhắc lại chuyện tình yêu của lính, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được, nhất là những chiến sĩ trẻ. Mỗi người chỉ có một trái tim để yêu thương đối với cánh lính thời ấy, trái tim của họ tràn đầy nhiệt huyết với quê hương, đất nước. Khi trái tim đã tràn ngập tình yêu Tổ quốc, liệu còn chỗ nào cho tình yêu đôi lứa? Ngày mới nhập ngũ, Dương là một thanh niên thư sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, luôn có cảm xúc và thích được yêu. Nhưng không hiểu sao cho đến năm 22 tuổi vẫn chẳng biết tình yêu là gì. Đến tận bây giờ cũng không dám nói mạnh là đã biết yêu. Đặc biệt là khi tiếp xúc với cánh lính đại đội thông tin. Họ hay trêu đùa nhau: tình yêu ở hai đầu nỗi nhớ cứ thế đi qua tổng đài. Những em gái quê ngoài Bắc có giọng nói nhẹ nhàng, ngọt như mía lùi, cánh nam giới khu 4 nghe một đến hai lần đều nghiện hết.

Chuyện tình của lính đôi lúc cũng thật ngẫu nhiên. Đang học trường Bưu điện, gần Hà Đông, nhân một hôm có đoàn cán bộ đơn vị pháo binh ở Quảng Ninh đến trường tuyển quân, Soa mừng vui đến khó tả. Cô lập tức làm đơn xung phong ra biên giới với một mong muốn được gặp lại Dương. Đúng là “ông trời xe duyên”, Soa được biên chế vào đơn vị của Dương. Anh chị mừng mừng, tủi tủi sau mấy năm được gặp lại nhau. Cả đơn vị ngập tràn trong niềm vui hạnh phúc của đồng đội. Soa vốn nhanh nhẹn, xinh xắn, lại có năng khiếu văn nghệ, cô nhanh chóng được tuyển vào đơn vị thông tin của Trung đoàn. Từ đó, đơn vị có thêm một “sơn nữ ca” khuấy động phong trào. Còn Dương, tuy xa cách mấy năm nhưng cũng bị Soa - cô gái xinh đẹp, hát hay, tính tình hiền dịu cuốn hút. Những đêm lửa trại ở trận địa pháo, hai người trở thành cặp đôi ăn ý trong những tiết mục văn nghệ song ca. Tình cảm đến thật tự nhiên, hai người xích lại gần nhau, chia sẻ, gắn bó nhưng còn chưa dám bày tỏ. Cùng ở một Trung đoàn, nhưng đơn vị của Dương đóng quân cách nhau 3 cây số. Thỉnh thoảng, anh lại đến thăm cô, khi thì tặng gói ô mai, khi thì chiếc khăn thêu của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Lần ấy, hai người đang trò chuyện bên con suối gần nơi cô làm việc, bất ngờ anh mạnh dạn thổ lộ: 

- Em có yêu anh không? Làm vợ anh nhé!

Giữa lúc tâm trạng cô còn đang bối rối thì anh quàng tay qua vai và cảm nhận rõ sự bỡ ngỡ của người con gái mình yêu. Sau này, khi đã thành vợ thành chồng, Dương mới nói trêu Soa rằng: 

- Biết thừa là em rất nhút nhát nên anh cứ coi như im lặng là đồng ý thôi!

Hôm sau, Soa được liên lạc Tiểu đoàn gọi lên gặp chỉ huy. Cô giật mình bước đi không vững và tâm trạng rất lo sợ: “Không biết chuyện gì? Mình là lính tráng làm sao được Thủ trưởng gọi lên…”. Cô chưa kịp lấy lại tinh thần thì Chính trị viên Tiểu đoàn đã chỉ tay vào chiếc ghế mời Soa ngồi rồi bằng giọng nói khá quan trọng: “Đồng chí về đây được gần một năm rồi, qua công tác thấy đồng chí rất chăm chỉ, tích cực, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bây giờ đồng chí nhận nhiệm vụ mới là… Lấy chồng”. Cô giật nảy người, không tin vào tai mình nữa, mồ hôi lấm tấm trên đôi gò má ửng đỏ. Chẳng biết nói gì, mà nghĩ lại cũng thấy buồn cười, mặt Soa lúc đó cứ nghệt ra, hai tay đan chéo vào nhau, miệng ấp a, ấp úng: “Dạ thủ trưởng nói gì ạ!”. Một mệnh lệnh hay như thế mà tâm trạng lại dở hơi đến vậy.

Tình yêu đến tự nhiên và đám cưới của hai người cũng diễn ra rất bất ngờ. Tuần sau đúng vào ngày truyền thống đơn vị, tiết trời Ba Chẽ se se lạnh, những làn sương trắng muốt đổ từng giọt, từng giọt trên mái lán lợp bằng cỏ gianh. Biết chuyện về tình yêu của hai chiến sĩ đã chín muồi, đơn vị đứng ra tổ chức. Thế là anh em phân công nhau bộ phận che rạp và bộ phận làm mâm cỗ. Cả đại đội, dường như ai cũng được điều động để lo việc đám cưới. Rạp cưới được trang trí rất đơn giản mà ấm cúng. Vải dù được chăng lên, bên trên có hai câu khâu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” và “Tổ quốc là trên hết”. Khách đến dự đám cưới rất đông vui, không chỉ có anh em trong đơn vị mà còn có cả lãnh đạo địa phương. Cô dâu, chú rể chỉnh tề trong bộ quân phục mới toanh. Cô dâu cài lại mái tóc cho gọn gàng rồi hai người nắm tay nhau bước vào rạp cưới trong không khí ngập tràn niềm vui với những tràng pháo tay, lời chúc mừng hạnh phúc của đồng đội ngay tại trận địa mới ngưng tiếng súng. Nghi thức cho đám cưới cũng đầy đủ như bao đám cưới khác, cũng trầu cau, bánh trái, phát biểu của nhà gái, nhà trai, lãnh đạo đơn vị… trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội của hai bên. Đồng chí Lê Vinh, Chính trị viên Tiểu đoàn làm chủ hôn đã hát say sưa để chúc mừng đôi vợ chồng trẻ. Những vị khách khác cũng hát vang bài ca truyền thống. Cả đơn vị ai cũng trầm trồ khen chú rể đẹp trai, cô dâu có làn da trắng và mái tóc dài đen mượt. Đám cưới ở biên giới thật rộn ràng bởi lời ca, tiếng đàn lay động cả khe suối và những cánh rừng già.

Sau ngày cưới, họ được đơn vị dành cho một chiếc lán nhỏ để tận hưởng tuần trăng mật, còn sau đó phải về doanh trại sinh hoạt cùng tập thể. Hàng tháng, Đội Văn nghệ xung kích của Soa lại lặn lội với những chuyến đi phục vụ đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và các đơn vị đóng quân ở biên giới phía Bắc. Trong những lần đi biểu diễn, Soa đem hết nhiệt huyết của mình trình bày nhiều bài hát dân ca. Tiếng hát ngày càng mượt mà, sâu lắng, hồn nhiên thu hút lòng người.

Cuối năm 1981, sau khi tình hình chiến sự ở biên giới tỉnh Quảng Ninh bớt căng thẳng, những chiến sĩ nữ được xuất ngũ trở về hậu phương, chẳng ai muốn chị em phải chôn vùi tuổi trẻ của mình ở chiến trường mãi mãi. Khi Chính trị viên Tiểu đoàn hỏi nguyện vọng thì chị em ai cũng trả lời vừa đùa vừa thật: “Chúng em muốn có một tấm chồng…”. Thế, mới biết chiến tranh thật sự tàn khốc, làm phai tàn sắc đẹp, hạnh phúc của bao nhiêu thiếu nữ đang độ tuổi thanh xuân…

Vợ chồng Soa được cấp trên ưu tiên chế độ chính sách chuyển sang đơn vị doanh trại, tăng gia sản xuất. Hàng ngày, hai vợ chồng rất chăm chỉ học tập kinh nghiệm bà con dân bản tổ chức chăn nuôi, cấy lúa, trồng rau xanh cung cấp thêm lương thực, thực phẩm cho các đại đội. Hạnh phúc hơn hết là anh chị sinh được một cô công chúa xinh đẹp. Dương đón mẹ ở quê ra, cả gia đình sung sướng, mẹ anh rất toại nguyện khi nhớ lại những ngày bố anh để mẹ con ở nhà tình nguyện vào Nam chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Bây giờ đứa con trai mẹ tiếp tục ra biên giới phía Bắc làm nhiệm vụ giữ gìn từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Nhìn bức ảnh hai bố con chụp ngày vào Nam, mẹ anh không khỏi nghẹn ngào xúc động:

- Thế là con của mẹ đã thực hiện được ước nguyện của bố trước lúc ra đi…

Mẹ ôm chặt Dương vào lòng, nước mắt cứ thế chảy giàn giụa. Dường như giây phút này, anh cảm nhận một hơi ấm tỏa ra từ bàn tay mẹ và rừng Ba Chẽ đã bắt đầu chuyển mùa. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống một màu vàng óng ả quyện chặt quanh những nếp nhà phía dưới thung lũng. Tiếng suối vẫn róc rách ngày đêm như tâm hồn của hai người lính đã từng gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất biên cương./.

Bạn đang đọc bài viết "Đám cưới trên trận địa" tại chuyên mục Tác phẩm – tác giả. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn